Chúng ta không phải là tổ chức phi chính phủ
Mặc dù, Đức Phanxicô chắc chắn là vị giáo hoàng tận tâm cho công lý của người nghèo trên thế giới, nhưng ngài không nghĩ mình là người lãnh đạo của Tổ chức nhân đạo toàn cầu. Ngày 14 tháng Ba, trong bài giảng tại Thánh lễ với các hồng y đã bầu chọn ngài, Đức Phanxicô nói vui rằng: “Nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều lầm đường lạc lối.”
Đức giáo hoàng nói: “Có lẽ chúng ta trở thành một tổ chức bác ái phi chính phủ, chứ không phải Giáo hội, Hiền Thê của Chúa”.
Ngài nói tiếp: “Khi chúng ta không bước đi, chúng ta ngừng chuyển động. Khi chúng ta không xây dựng trên nền đá, điều gì sẽ xảy đến? Điều đó giống như chuyện trẻ em xây lâu đài cát trên bãi biển: Mọi thứ sẽ sụp đổ, chẳng có gì kiên cố.”
Dù đôi khi mất hút giữa những ồn ào náo nhiệt, sự khiêm nhường và hấp dẫn của Đức tân giáo hoàng là một thực tế cho thấy ngài là một Kitô hữu đích thực, một người nhìn thấy Giáo hội và chức vụ giáo hoàng không chỉ đơn thuần với cách hiểu của con người, như một tôn giáo đa quốc gia rộng lớn, nhưng còn theo cách hiểu mang tính vũ trụ, như yếu tố cốt tử trong cuộc chiến vô tận giữa thiện và ác.
Cũng trong bài giảng ngày 14 tháng Ba, Đức Phanxicô đã trích dẫn nhà văn Pháp Léon Bloy rằng “ai không cầu nguyện với Chúa là kẻ cầu xin ma quỷ.” Cùng ngày hôm đó, ngài khuyến khích dân chúng đừng đầu hàng trước những đau khổ mà “ma quỷ bày ra trước chúng ta mọi ngày”.
Ngài nói với các hồng y: “Khi chúng ta không tuyên xưng Chúa Kitô, chúng ta tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ”.
Một lần nữa, những lời này không xuất phát từ sự nông nổi, nhưng phản chiếu một khả năng đọc thực tại như một ân ban của Đức giáo hoàng. Ba năm trước, khi Ácgentina đang tranh cãi về dự luật hôn nhân đồng giới, ngài nói: “Đây không chỉ là cuộc chiến chính trị, nhưng là một mưu đồ phá hủy kế hoạch của Thiên Chúa. Nó cũng không phải là một dự luật, nhưng là vận động của cha sự gian dối, tìm cách gây nhầm lẫn và đánh lừa con cái Thiên Chúa”.
Tất cả những điều này là lời nhắc nhở rằng trong khi Đức Phanxicô chắc chắn muốn đặt Giáo hội bên cạnh người nghèo và trên mặt trận chiến đấu cho công bằng xã hội, lý luận của ngài khác với lý luận của các tổ chức nhân đạo và các đảng phái chính trị, dù động cơ của các tổ chức này có lẽ cũng cao quý.
Thay vào đó, Đức Phanxicô nhìn thấy những cam kết xã hội của Giáo hội Công giáo như một phần trong vở kịch vũ trụ rộng lớn hơn, tức là một phần hành trình rộng mở của lịch sử cứu độ qua thời gian. Do vậy, ngài sẽ là vị giáo hoàng khẳng định rằng việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn khởi đầu không phải với cương lĩnh chính trị, nhưng bằng sự hoán cải của cá nhân, đồng thời Giáo hội phải không bao giờ ngừng nhấn mạnh các nền tảng thiêng liêng.
Đức giáo hoàng tương lai đã ủng hộ quan điểm này lúc ngài là giám tỉnh Dòng Tên trong những năm 70, khi xung đột với một vài tu sĩ dòng Tên khác muốn tham gia chính trị thế tục xa hơn và nhanh hơn, và kể từ đó, quan điểm ấy đó trở thành một phần trong cách tiếp cận của ngài đối với vai trò lãnh đạo Giáo hội kể từ đó.
Những liên hệ rõ ràng đối với ma quỷ và quyền lực sự dữ có thể gây cho một số người co rúm lại, với Đức Phanxicô, đó chỉ là một phần của toàn thể. Ngài là giáo hoàng yêu thế giới say đắm, bởi vì ngài nhìn thế giới như đấu trường cho cuộc chiến không bao giờ kết thúc, trong đó ngài hết lòng tin tưởng Giáo hội Công giáo đang bên phía thắng cuộc.
(theo daminhvn.net)