Đức tin phải được đề nghị, không bao giờ được áp đặt
Khi Đức Phanxicô gặp những người đại diện cho các phương tiện truyền thông ngày 16 tháng Ba, ngài đã gợi mở một vài nhận xét, và sau đó đứng lên để chào hỏi khoảng 50 người, hầu hết là những nhân viên đang làm việc cho nhiều hãng truyền thông ở Vatican. Khi kết thúc, ngài nói một vài lời bằng tiếng Tây Ban Nha, làm cho người ta quá ngạc nhiên đến nỗi cần phải có chút thời gian để thấm nhập điều ngài vừa nói.
Đức Phanxicô đã nói từng chữ một như thế này: “Tôi nói với các bạn rằng, từ trái tim tôi, tôi chúc lành cho các bạn. Bởi vì, nhiều người trong các bạn không thuộc về Giáo hội Công giáo, và một số người khác là những người vô thần, trong thinh lặng tôi ban phép lành này cho mỗi người trong các bạn, khi tôn trọng lương tâm mỗi người, nhưng biết rằng mỗi người trong các bạn đều là con Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho các bạn.”
Nhìn lại quá khứ, đây là giây phút đáng chú ý thực sự. Đức giáo hoàng không ban phép lành chính thức cho những người này, không phải vì ngài cảm thấy họ không phải là người Công giáo thì không xứng với phép lành đó, nhưng vì ngài muốn tôn trọng nhiều niềm tin được tiêu biểu trong thính phòng này.
Sự thận trọng này làm cho chúng ta nhớ lại ngay điều mà cả Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã lặp đi lặp lại đối với những cố gắng truyền giáo của Giáo hội: Đức tin luôn phải được đề nghị, chứ không bao giờ bị áp đặt.
Việc Đức Phanxicô tôn trọng thế giới ngoài Giáo hội không phải là điều mới mẻ nơi ngài, đúng hơn đó là hoa trái của một hành trình lâu dài trong đời sống tâm linh và đời sống con người.
Chẳng hạn, ngài đem tới triều đại giáo hoàng của mình một bình chứa đầy những thiện ý từ cộng đoàn Do thái ở Ácgentina, bởi vì, ngài đã phản ứng bằng lòng trắc ẩn đối với cuộc đánh bom năm 1994 ở Buenos Aires vào tòa nhà bảy tầng, nơi là trụ sở của Hiệp hội Tương trợ Do thái giáo và Đại diện Hiệp hội Tương trợ Do thái giáo Argentina. Đó là một trong những cuộc tấn công bài Do thái tồi tệ nhất xảy ra ở Châu Mỹ Latinh.
Năm 2005, Rabbi Joseph Ehrenkranz, thuộc trung tâm Do thái – Kitô giáo ở trường Đại học Thánh Tâm tại Fairfield, bang Connecticut, đã ca ngợi sự lãnh đạo của hồng y Bergoglio.
Ehrenkranz nói rằng: “Đức hồng y quan tâm tới những gì đang diễn ra. Ngài có kinh nghiệm.”
Ngài cũng là một giáo hoàng xác định rằng Giáo hội đừng chỉ đi vòng quanh cỗ xe, nhưng nên vươn ra với thế giới rộng lớn hơn, ngay cả với những người không chia sẻ niềm xác tín tinh thần và luân lý với Giáo hội.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, ngài khẳng định: “Chúng ta phải tránh bệnh tật thiêng liêng của một Giáo hội quy chiếu về mình. Khi bạn đi ra ngoài đường, như những người nam và người nữ, có thể xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, nếu Giáo hội vẫn khép mình, vẫn quy chiếu về mình, Giáo hội sẽ trở nên già nua. Giữa một Giáo hội hứng chịu tai nạn trên đường và một Giáo hội ốm yếu vì quy chiếu về mình, tôi không ngần ngại chọn kiểu Giáo hội thứ nhất.”
Người ta nghĩ rằng ngài sẽ là giáo hoàng không hề nao núng trong việc giới thiệu đức tin cho thế giới, nhưng hết sức tôn trọng những người không muốn nhận điều ngài trao. Nói cách khác, cử chỉ của ngài đối với các nhà báo thể hiện một chiến lược truyền giáo thu nhỏ.
(theo daminhvn.net)