Suy tôn Thánh Giá
Thập Giá, dấu chỉ Ơn Cứu Độ
Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11; Ga 3,13-17
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Bài trích sách Dân Số hôm nay là một câu chuyện lạ về những con rắn, con rắn đồng treo trên một cái cột và cách thức những nạn nhân được chữa lành. Nhưng không cần phải là một học giả Cựu Ước, quý vị vẫn có thể giải thích và áp dụng câu chuyện vào cuộc sống, đặc biệt các câu mở đầu: “Trong cuộc hành trình, dân mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê…” Trong cuộc sống, ai trong chúng ta mà không bị cám dỗ để nói những lời đó? Bao nhiêu những quanh co, gián đoạn, đổ vỡ, chán nản, thất vọng… trong cuộc sống khiến gợi lên trong chúng ta những cảm giác tương tự. Giống như con cái Israel trong sa mạc, đôi khi chúng ta “mất kiên nhẫn trong cuộc hành trình”.
Mang lấy tâm trạng chán nản của dân Israel, chúng ta bị cám dỗ ca thán Thiên Chúa và hỏi “Tại sao?” Kí ức của dân thật dễ nhạt phai, họ đã quên rằng họ là dân Chúa tuyển chọn và nhận được lời hứa của Người. Chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp khó khăn, tựa như băng qua sa mạc khắc nghiệt. Chúng ta không được lãng quên Thiên Chúa và những gì Người đã thực hiện cho chúng ta, bởi vì khi lãng quên Người, chúng ta nhận lấy hậu quả, dấu chỉ cụ thể là bị rắn độc cắn. Đối với chúng ta, những “vết cắn” đó có thể gây ra những cảm giác tuyệt vọng, từ đó chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa không còn ở với chúng ta nữa. Thay vào đó, chúng ta cảm giác như bị bao vây bởi những con rắn trong sa mạc.
Thiên Chúa đã đánh phạt họ vì sự bất trung của dân. Nhưng khi họ hối hận, Người đã hướng dẫn ông Môsê làm một con rắn và treo lên một cây cột. Những ai nhìn vào con rắn đó thì được chữa lành. Đó không đơn thuần là một sự chữa lành kỳ diệu. Con rắn đồng có năng lực là vì Thiên Chúa đã cho nó sức mạnh. Dân Israel được chữa lành, bằng cách hướng về con rắn, bởi vì họ cũng đã quay về và tin tưởng Thiên Chúa. Họ tin tưởng Thiên Chúa sẽ tiếp tục che chở họ, và vì thế, họ đã làm điều họ cần phải làm là sống mối tương quan giao ước với Thiên Chúa. Giống như nhiều người trong chúng ta, sẽ có những cám dỗ khác khiến chúng ta lạc khỏi con đường dẫn đến miền Đất Hứa. Nhưng khi lạc lối, họ vẫn có thể quay về với Thiên Chúa, Đấng trước hết đã chọn và dẫn đưa họ qua sa mạc khắc nghiệt.
Khi đọc câu chuyện này, các Kitô hữu nhận ra con rắn được treo lên như là hình ảnh ám chỉ thập giá. Tương tự câu chuyện con rắn, thập giá bao gồm cả đau khổ và chữa lành. Đau khổ và cái chết của Đấng trên thập giá cũng mang đến sự chữa lành cho những ai hướng nhìn lên Người.
Cùng với các bậc tổ tiên chúng ta đang trên hành trình sa mạc khắc nghiệt tiến về Đất Hứa, chúng ta cũng chao đảo khi nỗ lực giữ cho đôi mắt của mình luôn tập trung vào đích điểm. Giống như tổ tiên, chúng ta được mời gọi tin tưởng – dù cho nhiều chướng ngại đang cám dỗ chúng ta bỏ cuộc và quay lại chốn nô lệ trước đây. Nhưng Thiên Chúa – Đấng từng ký kết giao ước với Dân – cũng đã thực hiện một cam kết vĩnh viễn với chúng ta qua Đức Kitô và thập giá của Người. Ngày nay, chúng ta suy tôn thánh giá vì thánh giá là bảo chứng nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hoàn tất kế hoạch của Người dành cho chúng ta – dù cho chúng ta có chao đảo và đi chệch hướng.
Thập giá nhắc nhớ rằng Thiên Chúa luôn quan phòng, dự liệu điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Chúng ta có thể tin tưởng vào Thiên Chúa – Đấng đã hứa với chúng ta, và qua thập giá đảm bảo rằng lời hứa đó được hoàn thành – hay không? Ngày nay, chúng ta làm dấu thánh giá mỗi khi bước vào nhà thờ hay rời khỏi nơi đây, cũng như khi bắt đầu và kết thúc việc cầu nguyện của mình. Mỗi lần chúng ta thực hiện như thế là chúng ta nhớ đến Thiên Chúa của Lời Hứa, Đấng sẽ luôn chiếmvị trí thiết yếu trong hành trình của chúng ta. Làm dấu thánh giá trên mình cũng “nhắc nhớ” Thiên Chúa luôn trung thành với chúng ta.
Một phụ nữ trẻ cho thấy chiếc nhẫn đính hôn cô mới nhận được. Một đôi bạn mới cưới mang những dải băng cưới được chúc lành và trao cho nhau, cùng với lời thề hứa, trong lễ cưới của họ. Những dấu chỉ vật chất này là những vật nhắc nhớ và đảm bảo rằng họ sẽ ở cùng nhau cả “lúc vui cũng như lúc buồn”. Khi những điều rắc rối xảy đến, chiếc nhẫn nhắc nhớ họ về một bảo đảm cho cam kết được thực hiện trong tình yêu.
Thập giá nhắc nhớ chúng ta một lời hứa Thiên Chúa thực hiện trong tình yêu dành cho chúng ta; và lời hứa ấy được hoàn trọn khi “Con Người được nâng lên cao”. Chúng ta chưa hoàn tất chuyến hành trình sa mạc của mình, và có lẽ sẽ có nhiều bước lầm lạc trước khi hành trình kết thúc. Trong hành trình này, chúng ta không đánh mất hy vọng khi phải đối mặt với những thiếu sót của mình và con đường vẫn còn ở phía trước. Nếu cảm thấy chán nản và sợ hãi muốn bỏ cuộc, chúng ta hãy hướng nhìn thập giá và lời hứa của thập giá bảo đảm cho chúng ta một sự trợ giúp không ngừng. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những dấu chỉ rõ ràng về tình yêu Người dành cho chúng ta; trong Đức Giêsu, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và đã gánh lấy thập giá vì chúng ta.
Chúng ta nhìn lên thập giá trong niềm tin tưởng vào tình yêu nhưng không Thiên Chúa đã tỏ bày cho chúng ta. Chúng ta sống mối dây hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, không phải chúng ta có thể làm được điều ấy, nhưng vì Thiên Chúa đã quyết định làm điều ấy cho chúng ta. Nói cách khác, đó là “ý định tuyệt vời” của Thiên Chúa để kéo chúng ta ra khỏi bóng tối do những việc làm của chúng ta mà đưa vào ánh sáng ấm áp của đức tin. Nhờ ánh sáng được ban tặng này, chúng ta được nhắc nhớ rằng chúng ta đã có cuộc sống vĩnh cửu rồi: “bất cứ ai tin vào Người thì có sự sống đời đời”. Sự sống này đã dành sẵn cho chúng ta ở đây và bây giờ.
Thư gửi giáo đoàn Philipphê cũng được đọc trong Chúa Nhật Lễ Lá khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để nhận lấy thập giá của Người. Thánh Phaolô nói: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá”. “Sự trống không” này (tiếng Hy Lạp là “kenosis”) là một con đường phục vụ mà Đức Giêsu đã thực hiện, và chúng ta, những môn đệ của Người, phải noi gương bắt chước. Thánh Phaolô đã ở đâu khi ngài viết bức thư này? Thưa rằng thánh nhân đang trải qua thập giá Đức Kitô. Ngài đã thiết lập Giáo Hội tại Philipphê và ngài đã viết lá thư này khi đang bị tù, có lẽ ở Êphêsô, vì sứ vụ của mình.
Thánh Phaolô đã nhìn lên thập giá của Thầy mình và nhận lấy sự sống Đức Giêsu đã hứa cho những ai tin vào Người. Thánh nhân có thể là một tù nhân, nhưng niềm tin của ngài vào Đức Chúa Phục Sinh đảm bảo rằng mặc dù hiện tại ngài đang chịu đau khổ, nhưng sự sống ngài có trong Đức Kitô là “vĩnh cửu” – bây giờ và mãi mãi. Noi gương Đức Kitô, Đấng đã tự hủy mình, không nhận lấy các quyền lợi và phẩm vị thần thiêng, thánh Phaolô cũng đặt mình quy phục thập giá để phục vụ và rao giảng Lời Chúa. Như Đức Giêsu đón nhận sự ô nhục nơi thập giá thế nào, thì thánh Phaolô cũng đón lấy những hậu quả do lời giảng của mình như vậy – tù đày và cái chết.
Cái gì sẽ chữa lành những thương tích nơi cộng đoàn Giáo Hội chúng ta trong những ngày này? Một sức sống đã bắt đầu – Đức Kitô hiến mình trên thập giá. Vì thế, là những môn đệ của Người, nhờ sức mạnh của hoa trái từ thập giá, chúng ta noi theo mẫu gương tình yêu vị tha của Người; theo cách này, chúng ta có thể trở thành bí tích cho sự hiện diện và tự hiến không ngừng của Đức Kitô trên trần gian.
Đức Kitô và thập giá của Người nhắc nhớ chúng ta rằng Vị Vua của chúng ta trị vì không bằng sức mạnh và bạo lực, nhưng bởi sự từ bỏ chính mình. Món quà Người ban tặng cho chúng ta không phải là đất đai và các dân nước để cai trị, nhưng là lòng thương cảm và sự tha thứ. Chúng ta nhìn lên thập giá, nhưng mắt chúng ta vượt xa thập giá để vươn đến chiến thắng sự chết của Đức Giêsu và sự phục sinh của Người. Như thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người…” Đứng trước thập giá, chúng ta bái quỳ, rồi sau đó đứng thẳng lên để noi theo cách thức tự hiến và phục vụ của Người.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ