Sửa lỗi huynh đệ
Ed33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Trong khu phố trước đây tôi sống, hầu hết các cửa hàng và siêu thị đều trang bị hệ thống chống trộm. Tôi cho rằng bây giờ vẫn còn như vậy. Càng ngày càng có nhiều gia đình lắp đặt hệ thống báo động. Người ta không thể thuê bảo vệ đứng canh gác suốt đêm khi họ đi xa nhà, vì thế họ bố trí hệ thống bảo vệ điện tử. Thậm chín gười ta còn có thể gắn chuông báo động vào ngay điện thoại trong khi làm việc và đi du lịch.
Trong đất nước Israel cổ xưa, khi mùa gặt gần đến, chủ đất thường thuê những người canh gác để bảo vệ mùa màng của họ khỏi trộm cắp. Họ còn dựng lên tháp canh bằng đá để dễ dàng quan sát cánh đồng hơn. Những người lính luôn túc trực trong các tháp canh tại những bức tường xung quanh thành phố để bảo vệ cư dân khỏi trộm cướp.
Hồi tưởng lại những cách thức bảo vệ đó, ngôn sứ Êdêkiel đã miêu tả lời kêu gọi của ông phát xuất từ nơi Thiên Chúa: Ông là “người canh gác của nhà Israel”. Dân chúng cùng với Êdêkiel đang bị lưu đày trong kiếp những người nô lệ. Họ chẳng có gì đáng giá để lấy cắp cả. Giữa cảnh lầm than cơ cực, thế thì tại sao họ lại cần đến “những người lính gác”? Vấn đề này chắc chắn là không liên quan đến tiền bạc hay đồ trang sức quý giá.
Chúng ta đang được tiếp xúc với một đoạn trích có ý nghĩa rất quan trọng trong sách ngôn sứ Êdêkiel. Những cuộc lưu đày cho thấy Giêrusalem đang sụp đổ. Ông cảnh báo dân chúng nếu như không thay đổi, họ sẽ phải đối mặt với thảm họa. Nhưng họ đã chẳng chịu nghe lời ông. Do đó, dân chúng đã bị sa vào kiếp sống nô lệ, và giờ đây lại phải đón nhận tin sốc là thành phố và Đền Thờ Giêrusalem đã bị phá hủy. Vì hung tin ấy mà sứ điệp của ngôn sứ Êdêkiel dành cho dân chúng cần phải thay đổi. Ông phải xua đi nỗi thống khổ, sự nản chí và thất vọng của dân chúng. Nếu Giêrusalem và Đền Thờ bị phá hủy, thì còn gì nữa để mà quay trở lại – nếu họ có thể? Họ còn biết trông mong vào điều gì?
Nhân loại đã phải nếm trải sự mất mát tương tự trong suốt chiều dài lịch sử. Bất hạnh thay trong những ngày gần đây, nhiều thành phố và nhà cửa đã bị phá hủy, và dân chúng đã phải gánh chịu một hình thức lưu đày mới ở Trung Đông. Virút Ebola đã không ngừng lan ra nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Phi. Sợ hãi và thất vọng đang sắp ập tới từng gia đình khi một vùng lân cận ở Ferguson, Misouri nổ ra chống đối và bạo lực. Gần đây hơn, một số người trong chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong gia đình, vốn làm cạn kiệt những nguồn năng lượng và tiêu hao từng giây phút quý báu. Chúng ta cảm thấy gia đình mình giống như một cuộc lưu đày. Cùng với những người Do Thái thế kỷ VI trước Công nguyên đang bị vùi dập trong kiếp nô lệ, chúng ta hãy tha thiết lắng nghe lời ngôn sứ Êdêkiel để củng cố và làm tươi mới niềm hy vọng.
Ngôn sứ Êdêkiel là một lính canh giữa muôn trùng nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ xuất phát từ những tình huống bên ngoài, nhưng còn là khi những khả năng của con người bị thử thách. Êdêkiel được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ cảnh báo những người bất chính thay đổi lối sống của họ, nhưng ông cũng phải nâng đỡ sự yếu hèn của họ trong niềm hy vọng. Ông không chỉ là một người lính canh đưa ra lời cảnh báo, mà còn là một người mục tử dẫn dắt dân chúng trên con đường ngay chính. Trong sứ điệp của vị ngôn sứ, chúng ta nhận ra có một giọng nói đầy thôi thúc. Những người sống trên đất ngoại, xa quê hương và Đền Thờ, không thể quên giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ và lời họ kêu gọi hãy kiên tâm giữ vững đường lối của Thiên Chúa.
Sứ điệp cương quyết của vị ngôn sứ là một lời kêu gọi thức tỉnh do Thiên Chúa gửi đến, và vì vậy, một ân sủng đã được hé mở trong ngôn ngữ cảnh báo ấy. Ân sủng này tùy vào người nghe, bởi vì họ là người sẽ quyết định sống như thế nào theo những đường lối của Thiên Chúa trong vùng đất ngoại bang không còn nhìn thấy dấu hiệu của niềm hy vọng. Họ có thể tin tưởng vào lời nói của một người nào đó nói thay cho Thiên Chúa không? Ngày hôm nay, chúng ta, những người lắng nghe vị ngôn sứ, đang được Thiên Chúa gọi mời, được khuyến khích để kiên vững trong đức tin và tuân theo luật sống của Thiên Chúa.
Êdêkiel, một người lính gác cảnh báo, đã phải nói với dân chúng bằng một lời nói khó nghe. Hầu hết chúng ta đều không thích nghe những người mà chúng ta đã biết. Nhưng đôi khi, đó chính là cách thức mà Thiên Chúa làm việc trong cuộc sống của chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta đã được mời gọi để trở nên những ngôn sứ. Vì vậy, cũng như Êdêkiel, chúng ta cũng phải trở nên những người lính gác cảnh báo những ai không chu toàn trách nhiệm làm vợ làm chồng, làm con cái đối với cha mẹ đã cao niên, đối với những người nghiện ma túy và rượu chè, những người vô tâm trước nhu cầu của người nghèo chung quanh họ,v.v..
Tin Mừng hôm nay không cho phép chúng ta né tránh những “cuộc đối thoại thẳng thắn” này, nhưng đòi hỏi chúng ta sự liên đới trách nhiệm nhằm đạt được sự hiệp nhất và yêu thương trong cộng đoàn tín hữu. Vấn đề chính là hướng đến các thành viên tội lỗi trong cộng đoàn. Rõ ràng có một số người tội lỗi, nếu không thì đã không có nhu cầu hòa giải với họ. Dường như Giáo Hội sơ khai cũng chẳng mấy tinh tuyền và lý tưởng hơn Giáo Hội chúng ta đang sống (chúng ta có khuynh hướng lãng mạn hóa “Những tín hữu vào thời Giáo Hội sơ khai”). Nhiều người đã phạm lỗi, và vì thế, cần phải có một tiếng nói trước những thành viên này. Những thành viên sai phạm ấy làm sao có thể được hòa giải với những thành viên mà họ đã xúc phạm? Đức Giêsu không chỉ hướng dẫn cho một số người có trách nhiệm; nhiệm vụ được trao cho toàn thể cộng đoàn để chỉ ra những sai trái.
Một tiến trình ba bước đã được đề nghị. Tiến trình này khởi đầu bởi vì bên bị xúc phạm đang tìm kiếm sự hòa giải, không phải là để trả thù hay trừng phạt (“Nếu anh chị em ngươi xúc phạm đến ngươi…”). Trước tiên, người bị tổn thương nên khẩn khoản yêu cầu người gây xúc phạm. Sự việc bắt đầu bằng một đối thoại riêng tư và bày tỏ tình thương yêu phải có giữa các thành viên trong cộng đoàn. Nếu giải pháp gặp gỡ cá nhân không hiệu quả, thì bên bị xúc phạm nên dẫn theo một hay hai người trong cộng đoàn để nói chuyện với thành viên bướng bỉnh này. Vấn đề trở nên nghiêm túc hơn. Nếu việc hòa giải vẫn không đạt được kết quả, thì toàn thể cộng đoàn Giáo Hội có nhiệm vụ thuyết phục thành viên ngoan cố này thay đổi. Nếu sự can thiệp đó thất bại, thì người đó được coi như một người ngoài.
Phải chăng Đức Giêsu đã chẳng tiếp đón những người ngoài và dùng bữa với họ sao? Phải chăng đây chính là cách thức cộng đoàn nên cư xử, theo gương Đức Giêsu, để tiếp tục cố gắng tìm ra giải pháp? Nhưng dường như có một số người chỉ trích những cá nhân, hoặc nhằm đến cả cộng đoàn, yêu cầu trục xuất một thành viên.
Trước đây, thánh Phêrô, với tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn, đã được trao quyền cầm buộc và tháo cởi. Bây giờ, quyền đó được trao cho tất cả các thành viên, nếu bất cứ hai người nào cầu nguyện xin ơn hướng dẫn trong tình huống được miêu tả ở đây, thì lời cầu nguyện đó sẽ được lắng nghe. Đây chính là một lời nhắc nhở: Khi Giáo Hội đưa tới một quyết định về lợi ích của toàn thể cộng đoàn, đặc biệt là làm thế nào để giải quyết những thành viên lỗi lầm, chúng ta đừng quên cầu nguyện chung với nhau như một nghĩa cử thể hiện sự quan tâm đến anh chị em. Cầu nguyện cùng với nhau cũng là một lời nhắc nhớ về sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta, Người giúp chúng ta xây dựng và chữa lành cộng đoàn của mình.
Một số người trong chúng ta có trách nhiệm chăm lo cho sự tốt đẹp của Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu. Đó là lý do tại sao những lời nguyện sau bài giảng hoặc Kinh Tin Kính, lại bắt đầu với lời cầu xin Đức Giáo Hoàng, các giám mục, hàng giáo sĩ và những thừa tác viên giáo dân. Họ là những người hướng dẫn chúng ta trong những khi cầu nguyện và cử hành nghi thức phụng vụ; họ quản trị giáo xứ, hướng dẫn và giảng dạy giáo lý cho chúng ta, thăm viếng người bệnh nhân danh chúng ta, v.v.. Trong tất cả hoạt động này, cầu nguyện là cần thiết để những dự định trở thành hiện thực trong những tác vụ, và để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh không thể tránh khỏi, ngay cả khi những người thiện chí cùng ngồi bàn thảo và chỉ ra những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đoàn.
Trong khi nhiều người không thích mâu thuẫn và cố ý bỏ qua khi nó xảy ra, thì Tin Mừng lại khuyến khích chúng ta giải quyết mâu thuẫn đó theo một cách thức bác ái nhất có thể. Nếu không thể giải quyết, thì mâu thuẫn có thể làm tàn lụi những mối tương quan và làm tan vỡ cộng đoàn. Có ai chưa từng nếm trải kinh nghiệm này! Không ai thích gánh lấy trách nhiệm giải quyết xung đột, thậm chí ngay cả những người được chỉ định làm người lãnh đạo. Như đã thấy rõ trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nỗ lực tìm kiếm sự hòa giải không phải lúc nào cũng được đáp lại bằng lòng tốt, khi sự kiên tâm hòa giải ấy hướng dẫn chúng ta nên làm gì với “những người từ chối lắng nghe Giáo Hội”.
Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã khuyên bảo các môn đệ của Người cầu nguyện. Chúng ta quy tụ và hoạt động nhân danh Đức Giêsu và nài xin Người giúp chúng ta trong những vai trò khó khăn, dù là những vị lãnh đạo Giáo Hội hay là những thành viên của cộng đoàn, khi chúng đã cố gắng không ngừng để hình thành nên một cộng đoàn tín hữu cùng cộng tác vì lợi ích chung.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ