Tin thế nào, sẽ được như vậy

Tin thế nào, sẽ được như vậy

Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

Tin thế nào, sẽ được như vậyQuý vị có thấy bài Tin Mừng hôm nay khác thường không? Tin Mừng mô tả Đức Giêsu xem ra thiếu sự cảm thông, khiến chúng ta lúng túng. Một người đàn bà tha thiết cầu xin cứu giúp cho đứa con gái khốn khổ của mình. Bởi vì bà là người Canaan, không cùng niềm tin với Do Thái giáo, nên Đức Giêsu đối xử với bà không như mong đợi. Thoạt tiên, Người phớt lờ ra như không để ý đến bà, rồi theo cách nói của thời bấy giờ, ám chỉ những ai không phải là Do Thái là “những con chó”.

Câu chuyện có tác dụng đẩy chúng ta về phe “người yếu thế” – chúng ta muốn khích lệ người đàn bà rằng “Đừng bỏ cuộc! Người sẽ đáp lời cầu xin!” Thật lạ làm sao, chúng ta đứng về phía người thỉnh cầu, hy vọng Đức Giêsu sẽ dủ lòng thương đến bà mẹ này. Lần này không giống với những trường hợp khác khi một ai đó chạy đến xin Chúa cứu giúp. Thường thì Đức Giêsu tỏ ra có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng cứu giúp những kẻ kêu xin và tin tưởng vào Người. Nhưng câu chuyện Tin Mừng hôm nay là có cho thấy điều đó. Đức Giêsu thực sự có khác với Người trước đây chứ? Điều gì đang diễn ra?

Chúng ta đi vào câu chuyện Tin Mừng hôm nay bằng cách suy tư về niềm tin căn bản của chúng ta vào Đức Giêsu. Chúng ta tin gì về nhân tính của Người? Tôi dám nói rằng hầu hết chúng ta được dạy dỗ để xác tín mạnh mẽ vào thần tính của Đức Giêsu. Chúng ta tin Người là Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Trong việc giáo dục đức tin, chúng ta ít chú trọng đến một đạo lý đúng đắn và quan trọng không kém này là: Đức Giêsu cũng làm người thực sự. Chúng ta phải giữ sự cân bằng cho cả hai chân lý này. Nhưng chúng ta thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến một khía cạnh của chân lý về căn tính Đức Giêsu, chú ý nhiều đến thần tính của Người. Đức Giêsu hoàn toàn là một con người – chân lý quan trọng không kém này vẫn thường bị lãng quên, ít là theo như tôi được giáo dục từ nhỏ,

Vậy, quý vị hãy tự hỏi: Nếu có người đến gõ cửa, Đức Giêsu có biết đó là ai, trước khi ra mở cửa không? Theo truyền thống, chúng ta sẽ không lưỡng lự trả lời rằng: “Biết chứ. Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Người biết rõ mọi sự”. Dựa trên cái nhìn này, chúng ta sẽ giải thích cách đối xử thiếu thiện cảm của Đức Giêsu với người đàn bà trong bài Tìn Mừng rằng: Người biết tất cả những điều Người dự định làm; chẳng qua là Người đang thử thách niềm tin của bà mà thôi. Và người đàn bà này quả thực có lòng tin!

Lòng tin đã thôi thúc bà vượt qua ranh giới thông thường của mình, bà là người Canaan, đã rời khỏi quê hương để đến với Đức Giêsu. Cần nhớ rằng người Canaan chính là cư dân bản xứ của miền Đất Hứa, và đã bị dân tộc Israel đẩy ra khỏi vùng đất của họ. Những mâu thuẫn giữa người Do Thái và người Canaan có từ xa xưa, và người đàn bà này rất liều lĩnh khi dám đi vào vùng đất của kẻ thù. Bà ta can đảm rời khỏi nơi thân thuộc an toàn, phiêu lưu vào một vùng đất đầy nguy hiểm để cầu mong sự cứu giúp của Đức Giêsu. Có thể là, khi lên đường, bà ta đã thừa nhận tính ưu tuyển của dân Do Thái và niềm tin của họ như một điểm tựa để gặp gỡ một Thiên Chúa đầy xót thương, sẵn lòng cứu giúp bà. Sự gan dạ và liều lĩnh của bà đã lộ ra khi bà đến với Đức Giêsu mà không có một người đàn ông nào đi theo bảo vệ – đó là một điều khác thường đối với các phụ nữ thời bấy giờ.

Lòng tin của bà cũng được biểu lộ qua sự kiên trì khẩn nài Đức Giêsu. Bà không dễ dàng chịu sự can ngăn, thậm chí khi Đức Giêsu hàm ý quăng thức ăn của “con cái” (người Do Thái) cho “lũ chó” (dân ngoại). (Trong ngôn ngữ gốc, từ mà Đức Giêsu sử dụng là “chó con”, nghe không nặng nề như từ “lũ chó”. Chúng ta có cảm tưởng Đức Giêsu tỏ ra cởi mở đối với người đàn bà; Người tránh dùng từ “lũ chó” là ngôn từ người Do Thái thời ấy dùng để nói về người đàn bà ngoại giáo này). Bà ta nhất định rằng mình có được quyền lợi gì đó, ngay cả bà ta thuộc vào hàng “lũ chó”, chỉ được hưởng những mảnh vụn trên bàn rơi xuống. Xem ra bà cũng tin rằng Thiên Chúa sẽ cho cả “con cái” lẫn “lũ chó” được ăn – cả người Do Thái lẫn dân ngoại.

Đức Giêsu vừa mới bị giới Pharisêu chỉ trích vì các môn đệ của Người (và hiểu rộng ra là cả Đức Giêsu nữa) không tuân thủ luật chay tịnh và nghi thức thanh tẩy (chương 15, 1- 20). Người đã gọi giới lãnh đạo tôn giáo là những kẻ đạo đức giả, chỉ tôn thờ thiên Chúa bằng môi miệng. Ngược lại, Đức Giêsu khen ngợi người đàn bà xứ Canaan này có lòng tin mạnh mẽ. Một trong số những người nhỏ bé nhất mà giới lãnh đạo Do Thái xem thường thái độ thờ phượng cũng như việc thực hành luân lý của người đó, nay lại được Đức Giêsu tán dương hết lời. Bởi thế, trong mắt Đức Giêsu ai mới được xem là đạo đức và ngay chính? Những người nhận ra nơi Người ý định ân sủng của Thiên Chúa nhằm cứu chữa, tha thứ và đón nhận chúng ta bước vào bàn tiệc. Tại bàn tiệc đó, như bàn tiệc Thánh Thể của chúng ta hôm nay, Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta thứ lương thực tốt lành nhất.

Các môn đệ cũng muốn xua đuổi người đàn bà này. Tuy nhiên như đã thấy, bà ta biểu lộ một lòng tin mạnh mẽ hơn cả các ông, vì bà ta nhận ra rằng Thiên Chúa mà Đức Giêsu loan báo hằng đón nhận tất cả mọi người, kể cả những ai được cho là không hề xứng đáng xếp vào hàng ngũ những người đức hạnh, ngay chính. Thiên Chúa không xem tầng lớp nào hay dân tộc nào có đặc quyền nhận lãnh ân huệ của Thiên Chúa. Tất cả những ai tin đều được Người lắng nghe.

Trở lại với câu hỏi ban đầu của chúng ta: nếu một ai đó gõ cửa, liệu Đức Giêsu có biết trước người đó là ai trước khi ra mở cửa hay không? Nếu nhấn mạnh đến thần tính mà không chú ý đến nhân tính của Người, câu trả lời sẽ là: “Dĩ nhiên là biết chứ”. Tuy nhiên, những năm gần đây chúng ta đã có một cách nhìn nhận khác về nhân tính của Đức Giêsu qua những nghiên cứu Kinh Thánh mới được khôi phục. Chẳng hạn như, thánh Phaolô nói về sự tự huỷ của Đức Kitô, “mặc lấy thân nô lệ, được sinh ra trong kiếp phàm nhân, trở nên giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi” (Pl 2, 6-7). Thư gởi tín hữu Hípri nói rằng Đức Giêsu “trải qua mọi cám dỗ như chúng ta, nhưng chẳng bao giờ phạm tội.” (Hr 4,15). Cũng trong thư Hípri, Đức Giêsu “trải qua mọi đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Sau khi hai ông bà tìm thấy trẻ nhỏ Giêsu trong Đền Thờ, thánh Luca nói với chúng ta rằng Người đã trở về quê hương cùng cha mẹ, “hằng vâng phục các ngài” và “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và mọi người” (2, 51-52). Từ quan điểm Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu, giống như mọi người, không đến thế gian này với con người đã trưởng thành đầy đủ và hiểu biết mọi sự, nhưng giống như chúng ta, Người “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và mọi người”.

Từ quan điểm thứ hai này, chúng ta có thể nói rằng khi mới gặp gỡ người đàn bà và nghe lời thỉnh cầu của bà ta, Đức Giêsu biểu lộ ý định ban đầu của Người là chỉ rao giảng sứ điệp cho “con chiên lạc của nhà Israel”. Nhưng khi thấy bà tin vào Người một cách mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Người đã bị những kẻ vốn được xem là tốt lành hơn – giới lãnh đạo Do Thái – chối bỏ, thì Đức Giêsu thay đổi kế hoạch của Người.

Người đàn bà trong bài Tin Mừng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho tất cả mọi người, mọi dân tộc – không phải chỉ dành cho người Do Thái. Cuộc gặp gỡ với người đàn bà xứ Canaan biểu hiện một sự thay đổi trong tư tưởng và nhận thức của nhân tính Đức Giêsu về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với con người. Sự thay đổi này xảy ra như thế nào? Thưa, nhờ người đàn bà đã kiên trì và không bằng lòng chấp nhận một quan điểm hạn hẹp về Thiên Chúa. Bà đã nhận ra rằng nguồn gốc sinh thành và tôn giáo không thể ngăn cản dòng chảy tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người. Nếu chúng ta biến Thiên Chúa trở ra quá hạn hẹp và nhỏ mọn trong tình yêu thì chúng ta quả đã không nghe Tin Mừng.

Bởi thế, chúng ta có hai đường lối phổ biến để đi vào câu chuyện này. Một là, nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu, coi các hành động của Người là hành động của một Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã khơi dậy niềm tin nơi một người ngoại giáo, một niềm tin sẽ được loan truyền “cho đến tận cùng trái đất”. Một cách tiếp cận khác, nhìn Đức Giêsu là một con người trọn vẹn, qua một cuộc gặp gỡ, Người đã mở rộng sứ vụ của mình hướng đến tất cả các quốc gia.

Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai, và cũngcó cả những người trong thời đại chúng ta nữa, sẽ lên tiếng phản đối thông điệp “bao gồm” được khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay. Thậm chí sau biến cố Phục Sinh, một số người trong Giáo Hội cho rằng sứ điệp của Đức Giêsu chỉ hạn chế cho Israel, dầu rằng đoạn kết của Tin Mừng Mátthêu có lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh rằng phải đi đến tận cùng thế giới để loan báo Tin Mừng (Mt 28,18-20).

Thiên Chúa đã liên kết chúng ta trong sứ điệp của Đức Giêsu về ơn tha thứ và giao hoà. Chúng ta không làm bất cứ điều gì để giành được sự liên kết đó, nó được trao ban cho chúng ta nhờ sự sống, sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, và chúng ta được mời gọi đến với bàn tiệc, nơi mà lương thực của triều đại Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta. Quy tụ nơi bàn tiệc này, chúng ta nghe lại lệnh truyền của Đấng Phục Sinh: phải đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế gian.

Có ai hay một nhóm người nào đó tự động được liên kết vào trong nhóm bạn của chúng ta và trong nhóm thành viên của Giáo Hội không? Có ai bị xem nhẹ hay bị từ chối không? Chúng ta xem ai là người bề trên của mình? …Vậy ai bị coi là bề tôi hay là người không đáng giá gì trong thời đại chúng ta? Nói khác đi, những ai bị xem là người Canaan, người bị từ chối và bị đẩy ra ngoài cách nhanh chóng, trong cuộc sống của chúng ta? Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu xin và đón nhận người đàn bà. Vậy hằng ngày tôi có mở lòng ra trước tiếng kêu xin của những người đang cần tôi cứu giúp không? Chúng ta hãy đáp trả lời Tin Mừng chúng ta đã lãnh nhận bằng cách làm cho tha nhân những điều mình đang được đón nhận. Như Thiên Chúa đã lắng nghe và đáp lại lời chúng ta, chúng ta hãy sẵn lòng lắng nghe và đáp trả những ai đang cần chúng ta cứu giúp.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận