Hãy can đảm lên, Chúa luôn ở cùng chúng ta

Hãy can đảm lên, Chúa luôn ở cùng chúng ta

1 V 19,9.11-13; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Hãy can đảm lên, Chúa luôn ở cùng chúng taBài đọc 1 đưa chúng ta lên núi Khôrếp, hay còn gọi là núi Sinai. Đó là một nơi thánh gắn liền với tên tuổi ông Môsê và Lề Luật. Quý vị có nhớ những lần thần hiện đầy uy dũng Đức Chúa tỏ cho ông Môsê ở đây hay không? Hôm nay, một nhân vật vĩ đại khác có mặt trên ngọn núi này. Đức Chúa đã hiện ra với ông. Tuy nhiên, đây lại là một cuộc gặp gỡ theo một khuôn mẫu khác. Ông Êlia sợ hãi, chạy trốn Akháp và Ideven. Đúng hơn, ông đang đương đầu một cách ngoạn mục với hàng trăm tiên tri Baan trong một cuộc đọ sức giữa thần của họ với Đức Chúa của ông. Đức Chúa của ông đã chiến thắng. Ông là một vị ngôn sứ cháy lửa nhiệt thành; là chiếc lưỡi nộ khí của Đức Chúa. Trong cuộc chạm trán với các thầy cúng Baan, ông đã đối đầu với những mê tín dị đoan trong khắp xứ và những thực hành tôn giáo sai lạc.

Vì sự cả gan của mình mà ông bị đe dọa, phải cưỡi lừa chạy trốn những kẻ thù đang truy đuổi. Ông sợ hãi và ẩn nấp trong một cái hang trên núi Khôrếp. Đức Chúa đã gọi ông ra khỏi hang. Nhưng Người không ở trong gió to bão lớn xé núi non, đập vỡ đá tảng. Vị ngôn sứ của chúng ta không cần đến một Đức Chúa kiểu như vậy trong lúc ông đang lâm cảnh cùng cực thế này! Đức Chúa cũng không ở trong trận động đất, hay sấm chớp. Có lẽ ông Êlia đã rất kinh sợ trước tất cả những hiện tượng đó. Song, trái lại, Đức Chúa ở trong tiếng gió hiu hiu. Ở nơi lặng gió của mắt bão, cơn bão của sự lùng bắt mà Êlia đang phải đối mặt, ông đã nghe được giọng nói sâu lắng của Đức Chúa và điều đó đã đủ để ông trở lại với nhiệm vụ ngôn sứ của mình. Một giọng nói đủ mạnh đến trong làn gió hiu hiu tăng cường sức mạnh cho các ngôn sứ đang khiếp đảm. Thiên Chúa biết cách và thời điểm nào thích hợp để nói với chúng ta. Và thật cần thiết để lắng nghe tiếng nói ấy nếu chúng ta đang phải kiên trì trong những phận vụ ngôn sứ mà chúng ta được mời gọi đảm nhận. Chúng ta có thể phải lên tiếng nhân danh những người đang là nạn nhân tại công xưởng hay trên sân chơi công cộng. Chúng ta có thể phải thể hiện sự chăm sóc của Thiên Chúa cho những người đang cần đến chúng ta. Chúng ta có thể phải hướng dẫn cho các bạn trẻ xử sự lương thiện và công bằng với người khác. Bất kỳ sứ vụ ngôn sứ nào cũng làm chúng ta trở nên mệt mỏi, nghi nan và đôi lúc sợ hãi. Chính Thiên Chúa, Đấng biết cách để gặp gỡ chúng ta và làm tươi mới những nỗ lực đang suy giảm của chúng ta trong công việc phục vụ Thiên Chúa và dân Người.

Làm thế nào để chúng ta nghe được tiếng Đức Chúa của Êlia? Có thể tiếng ấy đến với chúng ta giữa những giông tố của cuộc đời mình, nhưng ẩn giấu trong hình thức bề ngoài bình thường và quen thuộc. Hãy suy gẫm về những điều bình thường trợ giúp chúng ta vượt qua những cơn giông tố ấy: một cuộc gọi từ người bạn, một bàn tay đặt lên vai, một cái ôm hôn, một cái vỗ nhẹ động viên, một chút khoảng lặng trong đời sống giúp nhận ra sức mạnh của chính mình, v.v.. Chúng ta cảm thức được sự hiện diện của một Đức Chúa đầy uy lực trên núi Khôrếp, Đấng biết những nhu cầu của chúng ta và làm chúng ta no thỏa.

Đức Giêsu dành nhiều thời gian để làm điều tốt, nhưng Người cũng cầu nguyện rất nhiều nữa. Người đã phải bỏ đi xa một lúc khỏi những hoạt động say sưa của mình. Có ai đó đang đợi Người, và ở nơi gặp gỡ ấy, Người đã được đổi mới. Đức Giêsu cầu nguyện trên những ngọn núi, trong những hoang địa, bên bờ bồ, thậm chí trong vườn Giếtsimani trước khi Người chịu chết. Lời cầu nguyện trong những khoảnh khắc thực sự quan trọng ấy dường như đã giúp Đức Giêsu đưa ra quyết định và định hướng các vấn đề. Có lẽ chúng ta cũng cần dành thời gian và tìm một nơi riêng tư để cầu nguyện. Những kỳ nghỉ hè có thể cho chúng ta nhiều cơ hội và làm mới những quyết tâm của chúng ta. Một vài người có thể sẽ thực sự lên núi, những người khác thì đi biển, số khác có lẽ chỉ ở nhà và chạy lòng vòng thôi.

Tuy nhiên, tất cả đó là những cơ hội để chúng ta được ở với Đấng Duy Nhất. Đức Giêsu đã ra đi để dành thời gian ở trên núi với Đấng ấy. Có lẽ Thiên Chúa cũng đang đợi chờ để đi vào cuộc đời của chúng ta trong tiếng thì thầm và, nếu như thế, chúng ta sẽ phải chăm chú để có thể nghe được lời đó.

Có vài chi tiết cần chú ý trong bài đọc này: thoạt tiên, các môn đệ vừa mới ổn định mọi thứ. Thế mà, Đức Giêsu đã bắt họ lên thuyền. Những gian nan vẫn đến thậm chí khi mọi việc đã đâu ra đó. Nói thẳng ra, bão táp vẫn ập tới với những người tốt lành đang thực thi thánh ý Thiên Chúa. Những cuộc chiến đấu để thi hành ý Chúa không phải là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang mắc sai lầm. Hoàn toàn ngược lại. Có thể nói ông Êlia đã dấn thân thực thi ý Chúa và điều đó khiến ông gặp rắc rối. Tin Mừng ở đây chính là việc Đức Giêsu đi vào cuộc khủng hoảng khi các môn đệ dường như đã đến những giới hạn cuối cùng. Người đến với các ông khi các ông cảm thấy vô vọng. Người đã cho thấy chính Người là Thiên Chúa, và khi nhận ra điều đó, các môn đệ bắt đầu tôn thờ Người. Câu chuyện này được viết cho các Kitô hữu dưới thời kỳ bách đạo như một lời an ủi, và câu chuyện ấy cũng có thể an ủi chúng ta lúc này, đồng thời có thể là nguồn động lực cho việc thờ phượng của chúng ta ngày hôm nay.

Một hình ảnh Kinh Thánh ấn tượng, được lặp đi lặp lại trong bài Phúc Âm hôm nay. Đức Giêsu đi bộ trên mặt biển vào canh tư, đây là thời điểm sáng sớm. Ngày mới đang ló dạng, một sức mạnh mới cho các môn đệ, những người đang phải đối mặt với mưa gió bão táp. Trong các Thánh Vịnh, “hừng đông” là dấu chỉ Thiên Chúa đến giải thoát các tôi tớ đang khiếp đảm và bị áp bức. Như Thánh vịnh 143 chẳng hạn, tác giả đang trong cơn quẫn bách và lời khẩn cầu gần như tuyệt vọng dâng lên Thiên Chúa: “Hai tay cầu Chúa giơ lên”. Rồi lời kinh nguyện chuyển sang cung giọng tâm sự: “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài”. Thánh vịnh 89 cũng nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của Thiên Chúa trên biển cả (10-11). Các Kitô hữu gốc Do Thái, đối tượng viết Tin Mừng của thánh Mátthêu, đều biết các Thánh vịnh đó và nắm bắt được ý nghĩa của chúng. Thánh Mátthêu không chỉ mô tả một phép lạ trên biển, ngài đang mạnh mẽ công bố về Đức Giêsu. Chính Người đang làm Kinh Thánh Hípri nên hoàn trọn: Thiên Chúa đã viết thăm dân Người để giải thoát họ khỏi cơn giông tố. Sự đáp ứng của Đức Giêsu khi các môn đệ đang sợ hãi cho thấy rõ điều này: “Cứ yên tâm, chính thầy đây, đừng sợ”. Theo nghĩa chặt: “Đừng sợ, THẦY ĐÂY MÀ”. Chính Thiên Chúa của tổ tiên Môsê chìa tay cho họ trong cơn giông bão. Cũng chính Thiên Chúa ấy đang mở rộng vòng tay để giúp chúng ta và Giáo Hội khi chúng ta vượt biển đầy sóng gió. Thỉnh thoảng, cũng giống như ông Êlia, những cơn bão nổi lên từ những việc chúng ta làm, vì khi chúng ta hành động cho những gì chúng ta tin, chúng ta khuấy động khối nước yên tĩnh giả dối và tự mãn xung quanh chúng ta. Khi đó, chúng ta cần đôi tay giang rộng của Thiên Chúa củng cố và tiếp thêm can đảm cho chúng ta đương đầu với biển cả giận dữ, cuồng nộ của những tranh cãi.

Chúng ta không gặp vấn đề giống như ông Phêrô. Ông tự tin trong chốc lát, rồi thì khi mọi thứ trở nên phức tạp, ông đã không biết lượng sức mình và đã ngã nhào. Khi ấy đã quá muộn và ông cần sự giúp đỡ. Cuộc sống cũng như thế, chúng ta bắt đầu mọi sự như một công việc mới, một năm học mới, một cuộc hôn nhân mới, hay một dự án mới để giúp đỡ người khác, nhưng rồi mọi thứ lại trở nên phức tạp. Chúng ta không biết sự tình lại đòi hỏi nhiều đến vậy! Chúng ta rơi tõm xuống và chìm dần. Đây không phải là chuyện hiếm thấy trong các hoạt động sứ vụ.

Thế giới cũng đang trong tình huống như thế. Vào lúc bài này đang được viết, chiến tranh xảy ra giữa Israel và Palestine, một chiếc máy bay dân sự đã bị bắn hạ ở Ukraine, một kẻ đánh bom khủng bố đã giết hàng tá người ở Irắc, v.v.. Chúng ta cần hiện diện theo một cách thức mới, một cách hành động mới, chúng ta cần sự giúp đỡ, cần ai đó biến đổi chúng ta trở nên những thụ tạo mới nhờ nước (phải chăng chi tiết ông Phêrô chìm xuống nước là hình ảnh của Bí tích Rửa tội ?) Các bậc cha mẹ rất lo lắng về những chỗ nước sâu lũ trẻ sẽ rơi vào. Bọn trẻ cũng nhận thấy tình trạng của chính chúng: Những người bạn thân thiết trước đâygiờ đang chìm đắm trong những thứ điên rồ, những đứa bạn ấy cũng có thể kéo chúng vào đó. Và chết đuối là một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, Tin Mừng nói rằng, Thiên Chúa sẽ hiện diện ở đó, ngay cả khi người ta đang chìm.

Đức Giêsu đã không làm cho sóng yên biển lặng trong khi ông Phêrô tiến đến với Người. Thiên Chúa không luôn luôn cứu chữa ngay lập tức, hay trao cho chúng ta một giải pháp nhanh gọn. Dẫu vậy, Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, không phải là một Thiên Chúa xa xăm, tách biệt khỏi những vấn đề của chúng ta. Đức Giêsu cho chúng ta thấy điều đó, khi Người chìa tay cho ông Phêrô và cho chúng ta. Người là bạn đồng hành với chúng ta trong những giông tố cuộc đời. Người giảng thuyết có thể nắm được ý tưởng “bạn hữu”, từ này có nghĩa là ai đó cùng chia sẻ một tấm bánh. Bí tích Thánh Thể chính là thứ bánh đó, một tấm bánh có sự hiện diện của Đức Giêsu, một tấm bánh không chỉ chia sẻ chính mình Người cho chúng ta, nhưng còn là một tấm bánh thực sự trao cho chúng ta tất cả những sức mạnh cần thiết, trong bất kỳ tình huống nào, để chúng ta đủ sức tiến bước trên những hành trình đầy bão táp mưa sa.

Bão tố và những chỗ nước sâu cũng có thể là hình ảnh của sự chết. Sự chết là cơn bão mà ai cũng sẽ cảm thấy rất cô đơn, như ông Phêrô vậy. Nó có thể chiếm lấy chúng ta, ào ạt tấn công chúng ta. Nó cũng rất mạnh mẽ đến nỗi chúng ta không đủ sức vượt qua, không đủ sức để trấn áp. Đức Giêsu đưa tay ra, trên những con nước sâu dữ dội đó, và trao cho chúng ta một cuộc sống mới. Chúng ta sẽ không bị chìm lỉm, nhưng sẽ được giải thoát khỏi sự chết. Đức Giêsu, Đấng Chiến Thắng của chúng ta, đang bước đi trên sự chết.

Một cách tiếp cận khác có thể áp dụng trong đời sống hôn nhân. Người ta đón nhận nhau cả những khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Những cơn giông bão sẽ đến trong cuộc đời mỗi người, nhưng chúng ta có một người khác để chia sẻ và giúp đỡ chúng ta giữa những giông bão ấy. Người đó chính là “bằng hữu” của chúng ta, người chia sẻ cơm bánh với chúng ta (Cũng có thể là một người bạn thân, nếu chúng ta không lập gia đình). Chúng ta có thể bị chìm; nhưng khi chúng ta cầu cứu, họ sẽ đưa tay ra. Hãy nghĩ về những con người này trong cuộc đời của quý vị và tạ ơn Thiên Chúa trong Thánh lễ này, vì họ là sự hiện diện của Đức Kitô trong những cơn giông bão. Thánh Thể chính là Đức Kitô đang nói : “Thầy ở đây với anh em trong bất kỳ cơn giông tố nào mà anh em phải đối mặt”. Chính vì vậy, những người khác đó đã và đang là sự hiện Thánh Thể này cho chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận