Tin mừng hóa gia đình
Mỗi gia đình Công Giáo phải làm thế nào để trở thành cuốn Phúc Âm được mở ra để người khác đọc được và hiểu rõ, hiểu sâu về Chúa Giêsu hơn.
Muốn được như thế, đời sống của mỗi gia đình Công Giáo phải là những tấm gương phản chiếu khuôn mặt hiền hậu, khiêm nhường, yêu thương và phục vụ của Thiên Chúa.
Dẫn nhập
Gia đình là một huyền nhiệm mà ai trong chúng ta dù ở cương vị nào, cũng không thể chối bỏ vai trò quan trọng của gia đình trong cuộc đời mình. Chính môi trường gia đình đã ươm trồng biết bao ơn gọi Thánh hiến cho vườn hoa của Giáo Hội cũng như huấn luyện trưởng thành về mọi mặt cho biết bao tâm hồn thiện chí và nhiệt thành phục vụ Nước Trời theo bậc sống của mình.
Chẳng thế mà Công Đồng Vatican II đã nhìn nhận gia đình Kitô hữu có vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội và đã ví các gia đình Kitô hữu như một Hội Thánh nhỏ hay còn gọi là “Hội Thánh tại gia”.[1] Giáo Hội Việt Nam chọn năm 2014 là năm “Phúc-âm-hóa đời sống gia đình”, đây là dịp các thành viên trong mọi gia đình được mời gọi nỗ lực đem hết khả năng để xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.[2] Như vậy, Phúc Âm hóa đời sống gia đình là một thao thức mục vụ dựa trên cơ sở: đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào gia đình, giáo xứ và xã hội và sau đó loan báo Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người cho những anh chị em chưa nhận biết Người. Mỗi gia đình một khi đã được Phúc âm hóa sẽ tham gia vào công cuộc Phúc âm hóa chung của Giáo Hội để sẵn sàng làm chứng cho Phúc Âm giữa cuộc sống hằng ngày. Mỗi gia đình Công Giáo phải làm thế nào để trở thành cuốn Phúc Âm được mở ra để người khác đọc được và hiểu rõ, hiểu sâu về Chúa Giêsu hơn. Muốn được như thế, đời sống của mỗi gia đình Công Giáo phải là những tấm gương phản chiếu khuôn mặt hiền hậu, khiêm nhường và yêu thương của Thiên Chúa.
1. Nhìn vào hiện trạng “ đóng băng” nơi các gia đình ngày nay
Càng ngày, người ta càng nhận ra rằng, dường như sự gắn bó keo sơn, máu mủ ruột thịt trong gia đình đang có nguy cơ bị thay thế bởi các mối tương quan hiện đại khác ngoài gia đình. Nó như những khối băng “đóng chặt” con tim khiến tình cảm, đức tin của con người đang dần dần bị phai nhạt, xói mòn.
“Đóng băng” tình cảm và các mối tương quan
Rất nhiều gia đình sống trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, sống với nhau nhưng không cảm thấy hạnh phúc, không có tình yêu thương, đó cũng là một trong những lý do dẫn đến thất bại trong hôn nhân ngày càng cao. Trên thế giới, tình trạng các gia đình bị đổ vỡ đang gióng lên hồi chuông báo động. Nguyên nhân đổ vỡ có thể là: bất hòa, bất đồng quan điểm hay cá tính; khó khăn vì hoàn cảnh kinh tế; thiếu hiểu biết và không được chuẩn bị tốt trong thời gian “tiền hôn nhân”…
Có lẽ qua các thông tin đây đó và những chứng kiến thực tế, chúng ta không khỏi đau lòng với những suy thoái đang ngày một gia tăng. Theo Thống kê, chỉ tính riêng năm 2012 ở Việt Nam đã có gần 100.000 vụ ly hôn, con số này chiếm gần 35-40% tổng số đôi hôn nhân ở Việt Nam trong năm. Điều đáng nói là trong số đó có hơn 70% là số gia đình trẻ (tuổi 22- 30). Theo phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh. Điều đáng nói là số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010. Thêm nữa, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó độ tuổi từ 15- 19 chiếm khoảng 60-70%.[3] Cũng tại một cuộc hội thảo của Hội Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám Đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 20% trong tổng số ca nạo phá thai, cao nhất so với các nước Đông Nam Á. Theo thống kê những năm gần đây, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì tình trạng sống thử diễn ra rất phổ biến, họ xem đây là việc làm cần thiết để hiểu nhau trước khi kết hôn.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Lối sống thực dụng và cơ chế thị trường đang tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và lối sống lành mạnh. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình, nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ, nhiều gia đình sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình.
Việc giáo dục trẻ em trong các gia đình cũng đang là nỗi lo cho Giáo Hội và xã hội. Cũng chính từ việc cha mẹ không quan tâm đủ hoặc không dành thì giờ cho con cái, không biết cách giáo dục chúng nên người nên đã gây ra biết bao khó khăn cho Giáo Hội và xã hội. Số trẻ em hư hỏng, vướng vào xì ke, ma túy, sa lầy vào chuyện yêu đương, số cặp trai gái sống thử, sống ngoài và trước hôn nhân là điều không thể tránh khỏi. Trước đây, gia đình chính là nôi phát sinh và nuôi dưỡng sự sống, là tổ ấm yêu thương nhưng trong thời đại thực dụng và hưởng thụ này, không ít gia đình vì ích kỷ của người cha người mẹ, nơi đây đã trở thành nơi chết chóc, thiếu bầu khí thân thiện, lành mạnh để phát triển. Thay vì là Thiên đàng, nó đã trở thành hỏa ngục.
“ Đóng băng” Đức Tin
Hiện nay, các gia đình Công Giáo đang phải đối diện với những thực tại liên quan đến đức tin là bảo vệ sự sống và trung thành trong Tình yêu hôn nhân. Tương quan gia đình lỏng lẻo, những giá trị đạo đức luân lý truyền thống đang nhường bước cho quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường và sức thu hút của thông tin hiện đại. Nhiều gia đình vì mài mê với công việc làm ăn, không bao giờ biết đến chăm sóc đời sống tâm linh, nhắc nhở con cái sống tình hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa bằng việc thực hành và sống niềm tin. Dần dần, chính tâm hồn họ cũng như con cái cũng trở thành “sa mạc hóa”. Họ mất dần cảm thức về Thiên Chúa, họ không còn tin Chúa chính là nguyên lý, là Đấng họ tôn thờ và tìm kiếm nữa và một điều không thể ngờ được là họ rơi vào tình trạng “đóng băng” Đức Tin.
Đã từ lâu, Giáo Hội vẫn luôn nhắc nhở các gia đình hãy sống đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thông truyền Đức Tin. Vào chiều thứ Bảy 26/10/2013, Đức Thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ 150.000 tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin, ngài đã nhắc gia đình cần phải sống đời sống cầu nguyện:
Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã không bao giờ nhắc nhở con cái học giáo lý để có thể hiểu hơn về Chúa nhằm củng cố Đức Tin giữa những thách thức của đời sống. Vì thế, cần phải Tin Mừng hóa gia đình. Tin Mừng hóa gia đình bắt đầu từ việc dạy giáo lý trong gia đình: “Ở những nơi tôn giáo bị cấm cách, tín ngưỡng hỗn độn và thế tục thì gia đình là môi trường tốt nhất cũng như độc nhất truyền thụ giáo lý chân chính cho trẻ em và thanh niên”.[4] Tin Mừng hóa giúp gia đình trở thành môi trường, là cái nôi cho con cái trưởng thành trong đức tin: “Việc rao giảng Tin Mừng, giáo lý trong gia đình chính là việc phục vụ có tính cách Hội Thánh. Các bậc cha mẹ phải luôn kết hiệp mật thiết và hòa nhập một cách có ý thức với cộng đồng Hội Thánh địa phương, tức là giáo xứ và giáo phận”.[5]
2. Vai trò của mỗi thành viên trong gia đình góp phần làm sáng tỏ Tin Mừng
Gia đình được xây dựng trên nền móng bí tích Hôn Phối, là đấu chỉ và chiếu tỏa cho thế giới tình yêu và sự hiện diện của Đức Kitô. Gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất “hiệp thông và gia đình” của Hội Thánh tại gia vì gia đình của Thiên Chúa. Mọi thành viên trong gia đình, tùy theo vai trò riêng của mình thực thi chức vụ tư tế được lãnh nhận từ Bí tích Rửa tội, góp phần xây dựng gia đình thành một cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, một trường dạy các đức tính nhân bản và Kitô giáo, là nơi đầu tiên Đức tin được loan truyền cho con cái.”[6] Giữa đời sống thường ngày, các thành viên trong gia đình thực hiện đúng vai trò của mình sẽ góp phần không nhỏ cho công cuộc Phúc Âm hóa Tin Mừng.
Vai trò người làm chồng- làm cha trong gia đình
Những người trong tư cách làm chồng và làm cha phải gánh vác trách nhiệm cuộc sống, vừa lo cho gia đình có đủ “cơm, áo, gạo, tiền” vừa lo cho con cái hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh, không chỉ giới hạn trong việc thụ huấn chính thức nơi học đường mà còn có bổn phận giúp con cái phát triển về nhân bản, luân lý lẫn thiêng liêng. Trách nhiệm của người cha trong gia đình quả thật nặng gánh, là người làm chủ gia đình. Người cha phải cho con đức tin, nghĩa là dạy cho con cái biết về Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, cho chúng nhận ra những ân huệ Ngài đã ban và giúp chúng biết sống niềm tin của mình qua biệc tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và làm việc bác ái. Tuy nhiên, phương thế mang lại hiệu quả nhanh chóng cho việc giáo dục con cái tốt và xứng đáng trong vai trò làm cha là chính người cha phải sống trước hết các bổn phận này. Chính đời sống thánh thiện, đạo đức, sống niềm tin vững vàng của người cha cũng với thái độ cư xử đầy yêu thương, tôn trọng của người cha, người chồng trong gia đình sẽ dạy cho con cái biết sống gắn bó với Thiên Chúa, năng cầu nguyện và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng cũng như sống thảo hiếu, phục vụ người khác.
Vai trò người làm vợ – làm mẹ trong gia đình
Người xưa thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói này đã khẳng định tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có lẽ ngay từ những bước khởi đầu của đời người, con người đã được gia đình và xã hội xây dựng một khuôn mẫu về người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh” để làm nền móng vững chắc cho việc xây dựng tòa nhà gia đình tương lai.
Làm vợ và làm mẹ ư? Người phụ nữ đảm nhận vai trò này có vị trí không thể thay thế được. Từ những việc làm nội trợ âm thầm, đã góp phần làm cho hạnh phúc gia đình được thăng tiến và triển nở. Ngày nay, trong thời đại văn minh và tiên tiến, dù những bữa ăn được chế biến sẵn nơi các tiệm ăn, nhà hàng, quán ăn đã trở nên phổ biến, nhưng bữa cơm gia đình do người vợ đảm trách vẫn là nơi đoàn tụ và làm cho hạnh phúc các thành viên gia đình được tăng triển, nối kết tình tương thân tương ái. Trong đời sống vợ chồng, những lối suy nghĩ, quan niệm khác nhau là khó tránh khỏi nhưng người vợ biết dung hòa và khéo ứng xử “chồng giận thì vợ bớt lời” hay “cơm sôi bớt lửa” của người vợ sẽ làm cho tình yêu và tình hiệp nhất của gia đình được nối kết. Với thiên chức làm mẹ, làm dâu trong gia đình, người phụ nữ chăm sóc những đứa con và giáo dục chúng biết kính trên nhường dưới, giữ lễ nghĩa gia phong, tạo niềm tin với gia đình nhà chồng cũng là vai trò không thể thiếu của người phụ nữ.
Nói tóm lại, trong vai trò nắm giữ chìa khóa hạnh phúc gia đình, người nữ Công giáo không chỉ chăm lo “công, dung, ngôn, hạnh”, đảm đang mọi bề mà còn yêu thương chồng con hết mực, không chỉ chăm lo cho nhà mình trong ấm ngoài êm, mà còn nêu gương Phúc Âm cho bà con lối xóm, cho những nhà gần gũi với mình nữa.
Vai trò làm con trong gia đình
Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, vừa phản ánh, vừa làm phong phú tình yêu gia đình nên các bậc làm cha, làm mẹ được mời gọi biến tình thương dành cho con cái thành dấu chỉ hữu hình cho tình yêu Thiên Chúa. Bên cạnh đó, con cái cũng ý thức diễn tả tình thương đối với cha mẹ như giới răn thứ tư đòi hỏi.
Biết quan tâm và an ủi: Quan tâm bằng cách hỏi han, thăm nom, biếu quà, chăm sóc. Có như thế mới biết được cha mẹ đang trong tình trạng gì? Vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh?
Biết chịu đựng : Cuộc sống vốn có nhiều điều bất ổn khiến con cái dễ dàng bực tức khi bị cha mẹ la rầy, đối xử thiên vị hay có những cách hành xử khiến con cái khó chấp nhận được. Hãy đừng vội “phản ứng” mà có những thái độ bất kính, khiếm nhã khiến cha mẹ phiền lòng.
Vai trò nối kết: Cha mẹ cũng không thiếu những ngày cãi vã hoặc” chiến tranh lạnh” xảy ra. Những lúc đó, con có có vai trò làm nhịp cầu tùy theo sáng kiến của mỗi người để nối kết cha mẹ.
3. Gia đình tham gia vào sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo Hội
Phúc âm hóa đời sống gia đình vừa là hồng ân Chúa, vừa là sứ mạng của bậc sống. Là hồng ân Chúa, gia đình đón nhận các giá trị Phúc Âm như những gia sản ban đầu để khởi đầu cho hành trình Đức tin. Nhưng đối với sứ mạng, gia đình nỗ lực làm cho phát triển sinh lời những khả năng, vận dụng những phương thế hữu hiệu, để cho các giá trị Phúc Âm thẩm thấu vào mọi sinh hoạt, sao cho vừa cảm được hạnh phúc bên ngoài vừa lắng đọng hạnh phúc sâu hơn bên trong, không chỉ đóng khung trong gia đình mình, kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, mà còn “đặt trên đế” (x. Mt 5,15) để tỏa sáng ra xung quanh; và không chỉ dừng lại ở đời này, mà hơn thế còn trở thành dấu chỉ cho hạnh phúc đời đời.
Quả vậy, các gia đình Kitô hữu khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, có bổn phận tham dự vào sứ mạng Phúc Âm hóa qua ba chức vụ của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế.
Phúc Âm hóa qua chức vụ tư tế
Theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1657 thì gia đình Công giáo là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ kinh nguyện, tạ ơn và chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Với chức vụ tư tế, gia đình sống tinh thần cầu nguyện trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh qua việc chu toàn trách vụ trong gia đình. Được bén rễ và dưỡng nuôi từ bí tích Hôn Phối, gia đình Kitô hữu không ngừng được tác sinh nhờ Chúa Giêsu trong Thánh Thần của Người, được Người mời gọi và bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống bí tích, qua hiến lễ đời mình và cầu nguyện. Việc cầu nguyện này không thể không kể đến kinh nguyện gia đình. Đối với người Công giáo, việc cầu nguyện chung trong gia đình là yếu tố nền tảng để bảo vệ, duy trì và tăng trưởng hạnh phúc gia đình. Giờ kinh chung, bầu khí thánh thiện hiệp nhất mọi thành phần gia đình trong ơn thánh. Giáo Hội cũng mời gọi các gia đình dùng việc đưa Lời Chúa vào giờ kinh gia đình, để:
Gia đình trở nên cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đìnhcông giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ.[7]
Đức Chân Phước Gioan Phaolô II dạy:
Cuối cùng, các cặp vợ chồng kitô hữu thân mến, nếu các con ước muốn trở thành Tin mừng cho thiên niên kỉ thứ ba, thì đừng quên rằng cầu nguyện trong gia đình là con đường vững chắc để luôn hiệp nhất trong một lối sống hòa hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giờ đây, khi ban phép lành Tòa thánh cho tất cả các con, Cha để lại cho các con một nhiệm vụ cuối cùng: nhờ ơn Thiên Chúa giúp, các con hãy đặt Tin mừng làm nguyên lí hướng dẫn gia đình mình, và hãy làm cho gia đình các con trở thành một trang Tin mừng được viết ra cho thời đại chúng ta ![8]
Kinh nguyện có nội dung độc đáo chính là cuộc sống gia đình, phải nói rằng qua những cảnh huống khác nhau của đời sống: niềm vui và nỗi buồn, sự vất vả và thanh bình, những hy vọng và sầu đau, những ngày chia xa và đoàn tụ, những ngày kỷ niệm sinh nhật hay hôn phối, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt,… cuộc sống gia đình được xem như là ơn gọi từ Thiên Chúa và được thực hiện như là lời đáp trả cho tiếng gọi ấy. Tất cả những biến cố ấy xảy ra dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng đều ghi dấu sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa và điều quan trọng là liệu mỗi gia đình khi đứng trước những biến cố này có biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tin cậy phó thác vào Ngài để sống bình an không? Việc cầu nguyện từ xưa đến nay đã giúp biết bao gia đình giữ vững Đức Tin. Đây là chân lý đã được chứng minh qua lịch sử Hội Thánh. Giáo Hội Việt Nam đã đứng vững trong suốt 300 năm bị cấm đạo và bách hại. Ở nhiều nơi không có mục tử chăm sóc nhưng nhờ chuyên chăm đọc kinh gia đình mà các tín hữu đã giữ vững và tuyên xưng Đức Tin.
Phúc Âm hóa qua chức vụ tiên tri
Qua chức vụ tiên tri, gia đình thật sự trở thành chứng nhân và dấu chỉ, trở thành chứng tá sống động bằng cách sống Lời Chúa mỗi ngày. Chúa muốn biến đổi thế giới qua chứng tá của gia đình chúng ta. Trong Đức Tin, các gia đình phải sống Lời Chúa ngay trong môi trường gia đình của mình trước. Bởi vậy, chứng tá ấy phải được hiện thực hóa trong cách sống của các thành viên trong gia đình, là đời sống đượm hương vị Tình yêu và chung thủy. Họ dần dần khám phá ra tình yêu mà họ dành cho nhau trong Đức Kitô, không gì ngoài ý định của Thiên Chúa và họ có bổn phận tuân phục Ý Ngài.
Do bản chất sâu xa, việc cử hành Bí tích Hôn Phối là sự công bố về Tin mừng của tình yêu hôn nhân để khám phá ra ý định của Thiên Chúa là muốn cho gia đình Kitô hữu trở nên cộng đồng loan báo Tin mừng. Sứ mạng này bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội và nhận được nơi Bí tích Hôn phối sức đẩy mới để truyền đạt Đức tin, thánh hóa và biến đổi xã hội theo ý định của Thiên Chúa. Ý định của Chúa đòi hỏi các gia đình tuyên xưng Đức tin của mình qua các biến cố vui buồn trong cuộc đời, các khó khăn, thành công cũng như thất bại để cho thế giới thấy được Tình yêu Thiên Chúa dành cho Hội Thánh và con người.
Phúc Âm hóa qua chức vụ vương đế
Phúc Âm hóa nơi gia đình qua chức vụ vương đế là đời sống phục vụ con người. Để có thể phục vụ cho những nhu cầu của con người cách đúng nghĩa là thái độ lắng nghe nhu cầu của người khác, trước hết là những thành viên trong gia đình. Thật không dễ dàng để lắng nghe dù đó là chồng, là vợ, là con cái hay là cha mẹ nếu không “từ bỏ mình”. Trong Chúa Kitô, các thành viên trong gia đình nâng đỡ, cung ứng các nhu cầu cần thiết cho nhau có cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ vật chất lẫn tinh thần, biết tạo cho nhau những giây phút được sống tự do, bình an của người con cái Chúa, biết thông cảm và giúp nhau kiến tạo thế giới tốt đẹp hơn. Mỗi thành viên trong gia đình Kitô hữu cũng cần phải được đào tạo để không khép kín với gia đình, họ hàng mình mà cũng biết đem tinh thần dấn thân phục vụ này để yêu thương và quan tâm, lo lắng, phục vụ những anh chị em nghèo túng, yếu đuối và bị bỏ rơi.
Tạm kết
“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người” (1 Pr 2, 9). Giáo Hội có sứ mạng truyền giáo nên cũng tìm mọi phương thế để Tin Mừng Chúa được nhiều người đón nhận, cách Giáo Hội đang ưu tư và mời gọi con cái mình thực hiện hiện nay là Phúc Âm hóa gia đình. Nhưng để Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng thì vẫn còn đó nhiều việc phải làm, và rất cần sự cộng tác của từng thành viên trong gia đình để cụ thể hóa đường hướng mục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội vừa thánh thiện lại vừa gồm những con người bất toàn đang trên đường lữ hành. Giữa lúc văn hoá tiêu thụ phát triển nhanh đến chóng mặt, khiến nhiều giá trị truyền thống bị sụp đổ, nhiều gia đình đã tan vỡ vàc bị biến chất, làm biến dạng gương mặt Giáo Hội. Tuy nhiên, tình thương và quyền năng của Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người, Ngài vẫn mãi mãi là nơi cho con người tin cậy. Vì thế, nỗ lực sống tốt lành của gia đình Kitô hữu xem ra vô ích nhưng thật ra nó sẽ là hạt men làm dậy lên cả khối bột, và có thể sẽ mang lại niềm vui, hy vọng cho toàn thể nhân loại. Họ luôn phải sống theo lời mời gọi “giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, anh em phải chiếu rạng như đuốc sáng trên thế gian” (Pl 2,15).
Mary Nguyễn Hòa – MTG Qui Nhơn
Vatican II, Hiến Chế Ánh sáng muôn dân, 11
Xc. Thư chung của HĐGMVN ngày 10.10.2013, số 6
Xc. Thái Hiệp, OP., “Gia đình hai tiếng thiêng liêng” trong Chia sẻ Tin Mừng tháng 12 năm 2013.
Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 52
Ibid.
Toát yếu GLHTCG, 350
Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2013, số 7
Đại Hội Gia đình thế giới Manila, 2003