Quan điểm của Tòa Thánh
về cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine
Cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine hiện đã sát hại gần một ngàn người, gây thương tích cho gần 3 ngàn người và không biết cơ man đau khổ và tang thương nào cho người dân vô tội. Và cường độ chiến tranh dường như vẫn đang trên đà gia tăng. Đức Phanxicô nói riêng và cả Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nói chung tỏ ra hết sức quan tâm đối với thảm họa chiến tranh này.
Đại diện Tòa Thánh tại LHQ lên tiếng
Theo tin Zenit, ngày 23 tháng 7, Đức TGM Silvano M. Tomasi, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh cạnh LHQ tại Genève đã lên tiếng trong phiên họp đặc biệt thứ 21 của Hội Đồng Nhân Quyền về tình hình nhân quyền tại Lãnh Thổ Palestine Bị Chiếm Đóng trong đó có Đông Giêrusalem. Sau đây là nguyên văn lời phát biểu của ngài:
Thưa ngài chủ tịch,
Trong khi số người bị giết, bị thương, bị bứng khỏi nhà cửa của họ tiếp tục gia tăng trong cuộc tranh chấp giữa Israel và một số nhóm người Palestine, đặc biêt tại Giải Gaza, thì tiếng nói của lý lẽ xem ra bị tắt ngúm dưới tiếng ầm vang của vũ khí. Bạo lực sẽ không dẫn tới đâu cả bây giờ lẫn trong tương lai. Việc kéo dài các bất công và việc vi phạm các nhân quyền, đặc biệt là quyền sống và quyền được sống hoà bình và an ninh, chỉ gieo thêm các mầm mống mới của hận thù ghanh ghét. Một nền văn hóa đang được củng cố, và hoa trái của nó là hủy diệt và chết chóc. Về lâu về dài, sẽ chẳng có ai chiến thắng trong thảm họa hiện nay, chỉ nhiều đau khổ thêm mà thôi. Phần lớn nạn nhân đều là thường dân, những người, theo luật nhân đạo quốc tế, phải được che chở. Liên Hiệp Quốc ước lượng rằng khoảng 70 phần trăm người Palestine bị giết là thường dân vô tội. Điều này cũng như các hỏa tiễn nhắm thẳng vào các mục tiêu thường dân tại Israel, tất cả đều không thể nào khoan thứ được. Lương tâm đã bị tê liệt bởi bầu khí bạo lực kéo dài, một bầu khí luôn tìm cách áp đặt giải pháp qua việc tiêu diệt người khác. Tuy nhiên, qủy quái hóa người khác không loại bỏ được quyền lợi của họ. Thay vào đó, con đường tương lai hệ ở việc nhìn nhận nhân tính chung của nhau.
Trong cuộc hành hương Đất Thánh của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu rằng tình hình tranh chấp không thể chấp nhận được hiện nay giữa Israel và Palestine phải được chấm dứt. Ngài nói: “Vì lợi ích của mọi người, ta cần phải tăng cường các cố gắng và sáng kiến nhằm tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình bền vững dựa trên công lý, trên việc nhìn nhận các quyền của mọi cá nhân, và trên an ninh hỗ tương. Thời gian đã tới để mọi người tìm được lòng can đảm, dám sống đại lượng và có tinh thần sáng tạo trong việc phục vụ ích chung, lòng can đảm dám rèn đúc một nền hòa bình dựa trên việc mọi bên thừa nhận quyền của hai quốc gia được hiện hữu và sống trong hoà bình và yên ổn bên trong các biên giới được quốc tế công nhận”. Khát vọng chính đáng được an toàn một bên và bên kia được có những điều kiện sống xứng đáng, nghĩa là được sử dụng các phương tiện thông thường của đời sống như thuốc men, nước uống và công việc làm ăn, chẳng hạn, là phản ảnh của một nhân quyền căn bản, mà không có quyền này, hòa bình là điều rất khó duy trì.
Tình hình đang tồi tệ thêm tại Gaza hiện nay luôn nhắc nhở ta nhớ tới sự cần thiết phải đạt được một cuộc ngưng bắn ngay tức khắc và bắt đầu thương thảo một nền hòa bình lâu dài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tiếp rằng “Hòa bình sẽ mang lại muôn vàn lợi ích cho nhân dân vùng này và cho toàn thể thế giới nói chung, và do đó, nó cần phải được cương quyết mưu tìm, cho dù mỗi phiá đều phải hy sinh ít nhiều”. Cộng đồng quốc tế hiện có trách nhiệm phải nghiêm chỉnh dấn thân vào cuộc mưu tìm hòa bình và giúp các bên trong cuộc tranh chấp khủng khiếp này đạt được một hiểu biết nào đó giúp họ chấm dứt bạo lực và nhìn về tương lai với một lòng tin tưởng hỗ tương.
Thưa ngài chủ tịch,
Phái Đoàn của Tòa Thánh xin nhắc lại quan điểm của mình rằng bạo lực không bao giờ đền đáp ai cả. Bạo lực chỉ dẫn tới nhiều đau khổ, nhiều tàn phá và nhiều chết chóc hơn mà thôi, nó sẽ ngăn chặn không cho hòa bình trở thành một thực tại. Chiến lược bạo lực có thể có tính truyền nhiễm và trở nên không tài nào kiểm soát được. Muốn chống lại bạo lực và những hậu quả tác hại của nó, ta phải tránh đừng trở nên quen thuộc với việc chém giết. Vào thời điểm lúc sự tàn bạo trở nên thông thường và việc xâm phạm nhân quyền xẩy ra khắp nơi, ta không được trở nên dửng dưng mà cần đáp ứng một cách tích cực ngõ hầu giảm thiểu cuộc tranh chấp đang làm tất cả chúng ta quan tâm.
Các phương tiện truyền thông phải phúc trình thảm họa của tất cả những ai đang chịu đau khổ vì cuộc tranh chấp này một cách công bằng và vô tư, ngõ hầu tạo điều kiện dễ dàng cho việc khai triển một cuộc đối thoại vô tư biết nhìn nhận quyền lợi của mọi người, tôn trọng các quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, và các phúc lợi từ tình liên đới của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các cố gắng nghiêm chỉnh nhằm đạt hòa bình. Với con mắt hướng về tương lai, vòng luẩn quẩn của trả thù và trả đũa phải chấm dứt. Với bạo lực, con người nam nữ vẫn cứ phải tiếp tục sống như những kẻ thù và đối nghịch, còn với hòa bình, họ sẽ sống với nhau như anh chị em.
Không được khoan dung đối với việc bác bỏ nhân quyền
Đức Cha John McAreavey, đại diện Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan, dịp này, lên tiếng yêu cầu mọi người liên đới với tất cả những ai đang đau khổ tại Trung Đông và cầu nguyện cho hòa bình và công lý tại đó.
Ngài cho hay “Hình ảnh chết chóc và hủy diệt xuất hiện hàng ngày từ những nơi này lại càng khiến ta đau buồn hơn khi ta xét tới gia tài văn hóa và tôn giáo phong phú của vùng này, cách riêng, ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với các tín ngưỡng phát xuất từ Ápraham của họ. Bạo lực và tàn phá trong những ngày này cho thấy khủng khiếp sẽ tuôn tràn ra sao khi người ta để mặc cho các dị biệt về đức tin và căn tính làm lu mờ các dây liên kết của nhân tính chung”.
Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng khoan dung đối với việc bác bỏ các nhân quyền căn bản và phải bảo vệ sự an toàn của những ai đang bị kẹt tại các vùng tranh chấp và cả những ai đang liều mạng sống mình đem trợ giúp nhân đạo tới vùng này.
Đôi bên đều có lỗi
Theo tin của Catholic World News ngày 23 tháng 7, Cha David Neuhaus, đại diện Tòa Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, phụ trách Cộng Đồng Công Giáo Nói Tiếng Hípri, cho hay cả chính phủ Israel lẫn Hamas đều có lỗi trong cuộc tranh chấp tại Gaza hiện nay.
Ngài nói: “Cơ cấu lãnh đạo Israel, và đặc biệt giới lãnh đạo hiện nay, hình như tin rằng cách duy nhất để giải quyết cuộc tranh chấp là dùng các phương thế quân sự. Xem ra họ tin rằng can thiệp quân sự sẽ mang lại chiến thắng hay ít nhất cũng thực hiện được các mục tiêu quan trọng. Đây không phải là cuộc diệt chủng nhưng chắc chắn là một cố gắng đập tan kháng cự và làm mọi người tin rằng mọi kháng cự đều là khủng bố”.
Cha nói thêm: “Nơi Hamas và nơi các thành phần cực đoan hơn trong phong trào Hồi Giáo, giới lãnh đạo Israel thấy mình có một kẻ thù có lợi cho họ. Hamas nẩy sinh từ một nỗi thất vọng từng mưng mủ cả hơn 60 năm nay khi người Palestine dần dần mất hết hy vọng rằng các cuộc thương thuyết sẽ mang lại đôi chút kết quả. Hamas và đồng bọn cũng đang tuyên truyền một láo khoét: bạo lực sẽ khiến Israel phải qùy gối”
Cha Neuhaus còn cho biết thêm: “Cách thoát duy nhất đối với người Israel và người Palestine là chịu hiểu ra rằng bạo lực chỉ đẻ thêm bạo lực. Ném bom Gaza chỉ khiến nhiều người hơn tìm cách trả thù cho cuộc sống tả tơi của họ”.
Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Cũng theo tin ngày 23 tháng 7 của Catholic World News, Đức Cha Richard Pates, chủ tịch Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình Quốc Tế của HĐGM Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Ngoại Trưởng John Kerry hành động cho hòa bình Israel-Palestine.
Trong lá thư gửi Ngoại Trưởng Kerry, Đức Cha viết “Người Israel không nên sợ các vụ tấn công hoả tiễn bất phân biệt của Hamas tại các khu dân chính. Đồng thời, người Palestine cũng không nên sống trong lo sợ cho mạng sống của mình vì những cuộc tấn công trên bộ hay chịu xỉ nhục vì cuộc chiếm đóng”.
Ngài viết thêm: “ngoài việc tìm kiếm một cuộc ngưng bắn tức khắc và trợ giúp nhân đạo đối với dân chúng Gaza, tôi khẩn thiết xin ngoại trưởng tái dấn thân vào công cuộc đầy khó khăn, nhưng hết sức chủ yếu là xây dựng một nền hòa bình công chính và bền bỉ. Chỉ có việc ra đời của một quốc gia Palestine có thể đứng vững và độc lập, sống song hành với một Israel được thừa nhận và an toàn mới đem lại hòa bình mà đa số người Israel và Palestine hằng mong mỏi”.
Vũ Văn An(Vietcatholic.net)