Kinh nghiệm thánh hóa gia đình

 

Tân Phúc Âm hoá gia đình
theo góc nhìn của một người
đang sống ơn gọi hôn nhân gia đình

Gia đình sẽ mất bình yên,
sẽ không còn là thiên đường của hạnh phúc,
mái ấm sẽ biến thành địa ngục,
khi gia đình không còn là nơi
mà mọi căng thẳng, mọi bức xúc phải dừng chân,
mọi bực dọc phải được hóa giải.

Dẫn nhập

Kinh nghiệm thánh hóa gia đìnhPhúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình” đã được mở ra cho Giáo hội Việt Nam. Trong thời gian này, chúng ta được mời gọi thánh hóa bản thân cũng như mối tương quan với gia đình, mỗi con người với vai trò và trách nhiệm trong gia đình chúng ta thực hiện canh tân đổi mới con người hiện tại để đón nhận ơn Chúa, nhờ thế, gia đình chúng ta đón nhận sức sống mới để trở nên một “Hội Thánh tại gia” đích thực và để tham gia vào sứ vụ chung của Giáo hội.

Giáo huấn của Giáo Hội rất nhiều và phong phú về chủ đề, từng nội dung khác nhau. Những giáo huấn này rọi sáng đức tin và giúp củng cố xác tín của chúng ta về ơn gọi và sứ vụ của hôn nhân và gia đình, nó sẽ trở nên hơi thở đích thực cho năm Phúc âm Hóa Đời Sống Gia Đình mà Giáo hội đã đặt ra.

Trong bối cảnh hiện tại, cuộc sống chúng ta phải đối diện với nhiều lo toan vất vả nhưng cũng không thể thiếu vắng những giờ kinh gia đình những lời cầu nguyện, thinh lặng cho từng cá nhân cũng như với gia đình vì lịch sử Giáo hội trải qua bao nhiêu năm thì gia đình vẫn là cái nôi truyền thông đức tin cho con cái và cũng là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh đời sống đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức.

Người xưa có câu xem ra rất đúng: “Tư tưởng hướng dẫn hành động”, nếu không chú tâm đến phần tâm hồn thì chắc chắc hành vi cũng như ý thức của chúng ta sẽ lệch lạc và đi sai mục đích sống, vì thế chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện mọi lúc mọi nơi, nhất là trong sinh hoạt hằng ngày của gia đình chúng ta mỗi ngày qua lời Chúa dạy giúp chúng ta gần gũi hơn, thân mật hơn với Chúa để có một đời sống gia đình theo tinh thần Phúc âm.

1. Những khía cạnh căn bản và thách đố của gia đình

Gia đình là đền thờ Thiên Chúa vì rằng việc đầu tiên là cung hiến nơi ăn chốn ở của mình cho Thiên Chúa, qua việc chúng ta xin linh mục làm phép nhà chúc lành và xin Thiên Chúa làm chủ gia đình mình, từ đó Chúa Giêsu sẽ hiện diện trong căn nhà và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn đời sống gia đình. “Sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho sự hiệp nhất trở nên trọn vẹn hơn từ thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng” (Đường Hy Vọng, số 489)

Hãy yêu thương nhau. Ơn gọi hôn nhân là hai cá thể một nam một nữ sẽ trở nên một xương một thịt, yêu thương gắn bó chia sẻ nhưng vui buồn thăng trầm trong cuộc sống từ bắt đầu cho đến khi kết thúc, họ xác tín rằng họ có thể yêu thương nhau khi họ không cùng ở cùng nhau trên một tần số hay không cùng khoảng cách về thời gian, không gian và học yêu nhau từng ngày ngay trong khó khăn, thử thách; vì tình yêu không chỉ là nền tảng mà còn là mục tiêu đích đến của một cuộc sống hôn nhân bền vững lâu dài.

Ta chỉ có thể đem lại hạnh phúc cho người khác, khi chính ta có hạnh phúc cũng như chúng ta không thể cho người khác cái mình không có; trong tình yêu, ta không thể cho người ta tình yêu và hạnh phúc khi ta không biết yêu và ta không là người hạnh phúc, muốn hạnh phúc chúng ta phải yêu thương và chia sẽ vì yêu thương và hạnh phúc không thể bán mua.

Hạnh phúc và yên ấm của một gia đình không chỉ có những niềm vui, những tương đồng về tâm lý: vợ chồng có cùng lý tưởng, ước mơ, cũng như có cùng những tình cảm như quảng đại, vị tha, cởi mở, chân thành và trung thực… mà còn có những chấp nhận, những hy sinh, những khác biệt.

Đời sống hôn nhân là thế chúng ta có yêu thương nhau đến đâu, đến thế nào cũng không thể tránh khỏi những lúc không bằng lòng nhau, bất đồng quan điểm, những tranh cãi… những lúc như thế mỗi người vợ, người chồng làm sao, làm thế nảo để có thể tìm ra chìa khóa mở ra cánh cửa của một mái ấm hạnh phúc.

Vợ chồng yêu thương nhau gia đình mới trở nên thánh đường của Giáo hội, nhưng chúng ta yêu nhau với tình yêu như thế nào đó là điều chúng ta luôn luôn cầu xin Chúa Thánh thần soi sáng trong suốt đời sống hôn nhân gia đình.

Là Kitô hữu, chúng ta cần đặt riêng cho mình một câu hỏi: tôi yêu bạn đời tôi là tôi yêu cho tôi hay tôi yêu cho bạn đời tôi? Đối với người Kitô hữu, yêu là cho đi mà không cần đền đáp. Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Yêu là cho hết và cho cả chính mình” .

Không ai có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13)

Yêu thương làm sao và yêu thương như thế nào chúng ta hãy lặng nhìn Thập Giá mà Chúa Giê Su đã vì yêu thương mà Người đã chết treo khổ hình, vì yêu thương Chúa hy sinh thân mình. Chỉ có yêu như Chúa yêu mới mang lại cho vợ chồng niềm vui thật và hạnh phúc bình an. Mọi tình yêu theo cách thế gian chỉ mang lại những thương tổn, chua xót, đắng cay nếu không phải là hận thù, ly hôn. Nếu đời sống lứa đôi dễ dàng và đơn giản như chuyện thần tiên, cổ tích thì đã không có những con số đến đau lòng: 60% đã ly hôn sau năm năm chung sống hầu hết tại các nước Âu Mỹ, 46% tại Nam Mỹ, 39% tại các nước Á Châu và 36% ở Phi Châu.

Những con số tiêu biểu trên đã cho thấy đời sống lứa đôi không dễ và đời sống vợ chồng là cả một quá trình phấn đấu, gìn giữ không ngừng để có được một tổ ấm đúng nghĩa.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao có quá nhiều cặp hôn nhân đã ly dị? Có nhiều đôi đã sống đời với nhau 10 hay 20 năm vì sao họ ly thân và ly dị? Có phải họ không thể chịu đựng nhau được nữa? Khởi đầu họ yêu thương nhau lắm và muốn sống đời với nhau. Nhưng với thời gian, trái tim của họ đã thay đổi. Họ không nghị lực và kiên nhẫn vượt qua được những xung khắc và lỗi lầm của nhau. Họ đành phải chia tay, như Chúa Giêsu đã nói yêu nhiều thì tha nhiều. Họ không thể tha thứ được nữa thì tình yêu nơi họ đã không còn.

Như trên đã nói đời sống vợ chồng chắc chắn sẽ gặp những vấn đề không như mong muốn, không thể tránh né… sau đây là những vấn đề khá phổ biến mà các gia đình thường hay gặp phải:

– Điều thứ nhất là người ta không tránh được những ảo tưởng về tình yêu khi yêu bằng trái tim mù quáng, yêu một cách mãnh liệt bất chấp những khuyết điểm và những bất đồng của đối phương đến khi kết hôn đưa nhau về sống chung mới thấy rằng ta không thể chấp nhận nhau vì “tôi cứ tưởng, em cứ tưởng…”

– Điều thứ hai là gia đình không tránh khỏi những bất đồng, đối kháng mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng và hầu hết những bất đồng đó xuất phát từ những nguyên nhân sau:

. Bất đồng quan điểm trong việc dạy bảo con cái: đây là ưu tư hàng đầu của hai người khi lấy nhau. Họ nghĩ đến con cái và đường hướng giáo dục chúng, nhưng vợ chồng thường khác nhau trong chọn lựa. Cứ sự thường, người này chủ trương dễ dãi buông lơi với con, thì người kia ngược lại chủ trương kỷ luật sắt. Những cặp vợ chồng bất hạnh sẽ cãi nhau inh ỏi vì tranh giành đường lối và nạn nhân lãnh đủ mọi hậu quả tai hại chính là con của hai người; trong khi những cặp vợ chồng hạnh phúc đồng ý với nhau rằng: con chúng mình cùng một lúc cần cả hai bố mẹ yêu thương trìu mến và cả những nghiêm khắc nhất định. Những cha mẹ khôn ngoan này biết dung hòa khó – dễ trong giáo dục con cái để chúng phát triển một cách toàn diện và đúng mực. Cha mẹ khôn ngoan phải tránh tuyệt đối những mâu thuẫn chỉ vì muốn tranh giành quyền quyết định, hay tranh phần thắng mà quên lợi ích của con mình đồng thời cùng nhau nhận ra rằng mục tiêu nuôi dưỡng, giáo dục con cái là giúp con mình nhận ra những đúng sai, những yêu thương mà chúng đang có từ tình yêu thương của cha mẹ, cũng như giúp cho chúng biết yêu thương chia sẻ với người thân, với bạn bè và với những người xung quanh để chúng thực thi bác ái theo tinh thần Kitô giáo và cũng như một lời rao giảng về đức yêu thương bái ái mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

. Kinh tế, ngân quỹ gia đình: đây là vấn đề tế nhị gây nhiều mâu thuẫn trong đời sống lứa đôi. Tiền bạc rất cần thiết để đảm bảo cuộc sống gia đình, nên tiền bạc là một vấn đề không nhỏ và gây nhiều tranh luận nhất nếu hai vợ chồng không tương đồng về cách tiêu xài cũng như xử lý đồng tiền trong một số trường hợp, ví dụ như người vợ hoặc người chồng thích tiêu xài thoải mái “ăn hôm nay không bận tâm ngày mai sẽ ra sao” và người còn lại thì chắt chiu từng đồng, lo lắng cho tương lai, dành dụm những khoản tiền nhất định để đảm bảo cho tương lai của hai vợ chồng và con cái bằng cách tích lủy bảo hiểm, ngân hàng… rất khó để điều hành, tiêu xài chuyện tiền bạc trong gia đình một cách hài hòa, tốt đẹp. Để đạt được sự đồng nhất tốt đẹp giữa hai người trong việc quản lý tiền bạc, điều quan trọng cả hai cần phải biết dung hòa và luôn hỏi ý nhau trong mọi tình huống chi tiêu thì cuộc sống vợ chồng mới hạnh phúc và yêu thương nhau có sự hiện diện của lòng tôn trọng “tương kính như tân” hãy luôn tôn trọng nhau trong mọi thời điểm như lời khấn hứa trước Nhan Thánh thuở ban đầu.

. Gia đình hai bên nội, ngoại: khi đến với nhau yêu thương nhau người ta thường nghĩ chỉ cần anh và em, hai đứa thương nhau yêu nhau là đủ. Không hẳn thế và hoàn toàn không phải như thế vì sức ảnh hưởng của mẹ chồng đối với nàng dâu, của sự khó chịu khi con rể tiếp xúc mẹ vợ nó rất lớn và tác động một cách gián tiếp đến đời sống vợ chồng. Cảnh mẹ chồng nàng dâu thì ở đâu cũng có, khác nhau chăng là mức độ cảm xúc và diễn đạt, có những mẹ chồng thích lấn quyền con dâu bằng hằng trăm thứ… Chàng rể thì ôi thôi sao mẹ em nói nhiều thế còn mẹ vợ thì: cái thằng chỉ giỏi đày đọa vợ con… và nạn nhân của những mâu thuẩn này chính là những anh chồng, chị vợ.

Kinh nghiệm thánh hóa gia đình. Vấn đề nghề nghiệp và sinh hoạt vợ chồng: ngày xưa người phụ nữ được gọi là nội tướng vì họ không phải ra ngoài xã hội kiếm tiền, ngày nay nam nữ bình quyền nên cả hai đều đi làm như nhau. Vì thế mới phát sinh mâu thuẫn khi đời sống nghề nghiệp và đời sống riêng tư không được sắp xếp hài hòa, hợp lý. Người vợ có thể dành quá nhiều thời gian cho công việc, người chồng thường xuyên đi công tác xa, nhà họ bị cuốn theo guồng quay xã hội bên ngoài mà quên mất mình còn có một gia đình để yêu thương và gìn giữ. Anh chồng về đến nhà ăn vội bữa cơm đã vùi đầu vào những xấp hồ sơ dày cộm, còn chị vợ thì than vãn vừa việc công ty vừa việc nhà gần như kiệt sức… đó là những hình ảnh rất thực, rất sống động cho thời buổi công nghiệp và tình trạng mất thăng bằng trong đời sống hôn nhân, gia đình hôm nay. Vợ chồng không còn giờ cho nhau, quan tâm nhau, chăm sóc nhau, không còn tâm trí nghĩ đến công việc nhà, không còn khoảng trống cho đời sống riêng tư vợ chồng, con cái. Làm sao có thể duy trì và phát triển đời sống hôn nhân hạnh phúc và làm thế nào để tránh những mâu thuẩn đáng tiếc khi cả hai đều ưu tiên phần lớn thời gian của mình cho công việc hơn là trách nhiệm đối với gia đình? Thiếu sự thăng bằng trong sinh hoạt dẫn đến sự khập khiễng, chênh vênh trong tâm lý của mỗi người.

. Đời sống tình dục: tình yêu không thể thiếu tình dục. Một trong những sai lầm lớn nhất trong sinh hoạt vợ chồng là không mạnh dạn, thẳng thắn nói ra những nhu cầu sinh lý của chính mình một cách thỏa đáng để rồi khi đối phương không đáp ứng những nhu cầu hết sức tự nhiên này trong đời sống lứa đôi, hậu quả đáng tiếc dẫn đến cho những cô vợ ngoại tình và những người chồng dần xa ngọn khói tổ ấm của mình dù những “tô phở” kia chưa hẳn đã ngon hơn “cơm nguội” của họ ở nhà.      

2. Đường hướng tân Phúc âm hoá gia đình

Để có một mái ấm, một “thánh đường” nhỏ bé bình yên, mỗi người trong gia đình chúng ta phải làm sao, làm thế nào để tránh né và khắc phục những mâu thuẫn đáng tiếc do đời sống hằng ngày vốn dĩ nó đã là nguồn phát sinh những căng thẳng: cơm áo gạo tiền, mối tương quan với đồng nghiệp,… chính vì thế gia đình là chốn để trở về, để thư giản, để bình an thư thái sau một ngày quá nhiều căng thẳng. Trong chúng ta ai cũng thế sau mỗi buổi tan tầm luôn muốn thật nhanh trở về nhà vì mong ở nhà có niềm vui, có bình an, có hạnh phúc nhưng thự tế có phải ai cũng như thế hay có những người sau khi rời khỏi cơ quan, văn phòng đã ngao ngán thở dài lê la hàng quán vì với họ ngôi nhà là địa ngục.

Gia đình sẽ mất bình yên, không còn là nơi chốn đi về yên ấm, không còn là thiên đường của hạnh phúc, và mái ấm sẽ biến thành địa ngục, khi gia đình không còn là nơi mà mọi căng thẳng, bức xúc phải dừng chân, mọi bực dọc phải được hóa giải…. Tại sao lại có sự trớ trêu này? Phải chăng họ cưới nhau mà không có tình yêu?… Nhưng hôn nhân không đơn giản chỉ là màu hồng, giữ gìn hạnh phúc hôn nhân chúng ta cần nhiều lắm những hy sinh, tha thứ, bởi đâu có ai hoàn hảo vì thế chúng ta – những đôi lứa yêu nhau, những cặp vợ chồng, cần phải biết sống thứ tha, xin lỗi, cảm ơn, ngợi khen và nhẫn nhịn nhau.

“Thầy không bảo là đến bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Thật vậy, biết tha thứ để được hạnh phúc, có câu nhân vô thập toàn, đã là con người không ai toàn vẹn, không ai không có những sai lầm yếu đuối, ngay những người tốt nhất họ cũng mắc phải những lỗi phạm và họ phải ăn năn hối lỗi suốt một thời gian dài. Những lúc ấy họ rất cần sự tha thứ của người khác nhất là những người thân trong gia đình, đặc biệt là vợ chồng với nhau.

Trong thực tế, nói tha thứ thì dễ, nhưng để thực hiện quả là không đơn giản, mỗi người cần phải được học hỏi cách tha thứ.

Tha Thứ

Vợ chồng tha thứ cho nhau

Các nghiên cứu cho thấy những cặp vợ chồng biết tha thứ nhau, cảm thông những lỗi lầm của nhau thì hạnh phúc vững bền dài lâu. Còn ngược lại chỉ cần một người cố chấp thì sự đỗ vỡ sẽ đến bất cứ lúc nào.

Tha thứ là một niềm vui lớn, là một nhân cách lớn vì khi tha thứ sẽ mang đến hạnh phúc cho người được tha thứ mà còn cho cả người biết thứ tha.

Có dễ không khi hôm qua, tuần đến và tháng lại ta đã bị người chồng hay vợ, người đầu ấp tay gối của ta đã phạm tội ngoại tình? Vâng thật không đơn giản chút nào nhưng những gì của ngày hôm qua nó đã trở thành quá khứ. Muốn tha thứ cho người bạn đời, điều đầu tiên là phải quên được nỗi đau mà họ đã gây ra. Nỗi tức giận bị ràng buộc bởi sự phản bội, vì vậy nếu quên đi được sự kiện đau đớn này ta mới chiến thắng được lòng căm giận.

Chúng ta đều sống bằng hiện tại và hướng tới tương lai chứ không ai sống bằng quá khứ, bằng nỗi căm hận. Tại sao chúng ta lãng phí công sức đào bới những chuyện đã qua trong khi hiện tại, tương lai mới là cái ta cần. Tất nhiên chúng ta phải coi trọng và rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, những bài học quý giá từ quá khứ. Nhưng nếu không thể bỏ qua mà cứ đắm chìm vào quá khứ mà quên mất hiện tại, tương lai thì quả thật là một điều không nên chút nào và sẽ dẫn đến những hệ lụy về mặt tâm lý cũng như thể lý.

Khi đặt câu hỏi có nên tha thứ cho kẻ ngoại tình? Chắc chắn không có câu trả lời chung cho từng trường hợp bởi vì trong thực tế có không ít người mắc bệnh ngoại tình kinh niên, cứ kết thúc mối tình này họ lại bắt đầu nhen nhúm mối tình khác. Sống với một người như vậy hạnh phúc thật là mong manh và hành động tha thứ liên tục cho họ như thế sẽ trở nên ngu ngốc.

Cũng có trường hợp do không chiến thắng được những yếu đuối, những cám dỗ dẫn đến ngoại tình. Chuyện ăn vụng kiểu này thường không kéo dài. Sau đó, họ thường ăn năn, hối lỗi và tỉm mọi cách để sửa chữa lỗi lầm mà họ đã gây ra, lúc này họ rất cần thái độ bao dung rộng lượng tha thứ của người bạn đời.

Đời sống vợ chồng ví như một con thuyền ngược dòng nước, nếu vợ chồng không biết yêu thương, gìn giữ, tiến đến những điều tốt đẹp thì chắc chắn con thuyền ấy sẽ trôi tuột về phía sau và đôi khi vỡ tan tành vì những con sóng.

Hãy tha để được tha, làm sao chúng ta có thể dễ dàng và tha thứ cho kẻ đã phản bội, đã ngoại tình, đã làm mình tổn thương, đã làm cho mình đau khổ đến chết đi được. Làm sao đây và làm thế nào đây khi Chúa Giêsu dạy: “Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15). Khi trong lòng ta mang nặng và chất chứa những ưu tư căm hận thì quả thật lòng ta chẳng còn chỗ trống để mà đón nhận những điều mới mẻ hơn, tốt đẹp hơn.

Cha mẹ tha thứ cho con cái

Khó tránh khỏi chuyện con cái lỗi phạm hay làm buồn lòng cha me, từ khi có trí khôn, trưởng thành và thậm chí khi đã lập gia đình. Cái thời cắp sách đến trường thì biếng lười, ham chơi đua đòi chúng bạn, đến tuổi dậy thì biến chuyển tâm sinh lý, lại luôn luôn làm ngược lại những gì bố mẹ đề nghị, hướng dẫn và yêu cầu… Làm cha mẹ, chúng ta phải biết lắng nghe, chia sẻ những tâm tư tình cảm của con mình một cách thân mật, gần gũi. Đặc biệt khi con cái ở gia đoạn biến chuyển tâm sinh lý, chúng ta – những bậc làm cha mẹ đừng vì những sai lầm, những lỗi phạm của con mà đánh đập hay dùng những lời nói vô tình khiến con trẻ đau lòng và tổn thương.

Hãy đừng xem vì là cha, là mẹ chúng ta cho mình cái quyền áp đặt con cái, có quyền định đoạt mọi sự cho con mà quên mất rằng dù chỉ là một đứa trẻ lên ba chúng cũng cần được yêu thương, quan tâm, đối xử công bằng và tôn trọng. Chúng ta hãy lấy yêu thương mà bao bọc, mà tha thứ cho con mình khi chúng có lỗi.

Muôn đời vẫn thế, tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái bao giờ cũng mênh mông, lai láng cao vời như sông sâu, như biển cả, như núi ngút ngàn, con cái dù có lỗi phạm đến đâu, có hư thân mất nết, có làm chi không phải, thậm chí con cái chính là những kẻ bất lương trong xã hội và là những đứa con bất hiếu thì cha mẹ vẫn ôm con vào lòng, vẫn chở che, an ủi, thứ tha.

Con cái tha thứ cho cha mẹ

Con cái không dễ dàng tha thứ cho cha mẹ như cha mẹ vẫn luôn tha thứ cho con cái. Khi con cái bất bình với cha mẹ, muôn ngàn đời người xưa có câu “nước mắt chảy xuôi”.

Cha mẹ trong những lúc “giận quá mất khôn” đã có những lời lẽ không hay, hoặc có những hành vi làm tổn thương con cái thì những hành vi ấy, lời nói ấy sẽ tạo ra một hình ảnh không mấy gì tốt đẹp trong cái nhìn của con cái, thậm chí chúng sẽ lìa bỏ cha mẹ ngay trong tư tưởng. Làm thế nào để chúng cảm thông và tha thứ cho những sai lầm trong giáo dục của cha mẹ? Chắc chắn rằng, là cha mẹ chúng ta phải hết sức chú ý đến những lời nói của mình với con cái, đừng để sự dạy bảo của chúng ta trở thành vô nghĩa, có khi lại gây ra một tác dụng ngược là càng ngày chúng càng lì đòn hơn, ngỗ ngược hơn và điều tồi tệ nhất là nó sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta. Hãy không ngừng cố gắng trong việc giáo dục con cái.

Anh em trong một nhà tha thứ cho nhau

Anh em trong một nhà cũng ít khi bết tha thứ cho nhau khi có những bất hòa. Tuy chung cùng một dòng máu, và anh em như thể tay chân, nhưng thói thường hay ganh tị, dòm ngó, đố kị lẫn nhau. Tuy yêu thương nhau nhưng không phải lúc nào cũng biết tha thứ cho nhau. Và nữa, những người thân trong gia đình thì sao, còn thêm cả những người hàng xóm lân cận ta? Có khó lắm không khi phải tha thứ cho những lỗi lầm của họ? Chúa đã đối xử với chúng ta thế nào? Chúng ta hãy đối xử với nhau như vậy. “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Có biết bao cảnh đời thế gian chỉ vì những xích mích nhỏ nhặt hay vì kẻ được người mất, kẻ thắng người thua mà anh em, cô, dì, chú bác… hận thù nhau đánh đập nhau và không nhìn mặt nhau nữa.

Xin lỗi

Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).

Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận mình có lỗi và tin tưởng vào lòng Chúa thương xót thứ tha. Xin Chúa giúp cho chúng ta biết giúp nhau nhận ra lỗi lầm và sửa chữa những lỗi lầm để chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày.

Hãy chân thành nói lời xin lỗi để lớn lên. “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai”. Câu nhận định trên rất đúng. Tư tưởng trên cho chúng ta nhiều hy vọng vào sự bất toàn và để tất cả chúng ta đều có cơ hội trở thành người tốt hơn, hoàn thiện hơn. Thế nên không vì sự bất toàn đó mà chúng ta cứ sống mãi trong mặc cảm, day dứt mãi hay chúng ta hoàn toàn buông xuôi mọi thứ và nghĩ rằng mình chẳng còn giá trị gì nữa trong cuộc sống vì những sai lầm mà mình đã lỡ gây ra. Đối với đời sống hôn nhân cần hơn nữa những lời xin lỗi.

Có nhiều lỗi lầm khiến chúng ta cần phải xin lỗi nhau:

Xin lỗi vì lời nói, hành động vô tình hay cố ý mà ta đã làm tổn thương nhau.

Xin lỗi vì lời đã hứa mà ta chưa thực hiện được.

Xin lỗi cho những phút ta vô tâm, thờ ơ với nỗi đau của người bạn đời.

Xin lỗi vì những ích kỷ, những nhỏ nhen, những hiểu lầm mà ta đã làm phiền lòng nhau.

Xin lỗi vì những bất hòa cãi vã mà ta đã gây ra.      

Xin lỗi vì ta đã quá khác, quá thay đổi…

Thừa nhận “tôi đã sai” giúp chúng ta rũ bỏ cái tôi kêu ngạo của bản thân mình, đồng thời chữa lành nỗi đau mà ta đã gây ra cho người bạn đời của chúng ta. Khi thừa nhận lỗi lầm, ta sẽ dễ dàng tha thứ cho bản thân hơn.

Nhưng có những người cho rằng xin lỗi đồng nghĩa với việc ta yếu thế, ta thua cuộc. Người dám xin lỗi người khác là người tự trọng; thái độ trưởng thành đó chỉ có được ở những người có tâm hồn cao thượng, bình an, tự tại. Chính vì vậy mà lời xin lỗi trở thành một nét đẹp cao quý rất nhân bản.

Đời sống chung không tránh khỏi những va chạm vì hai người, hai cá tính, hai cuộc đời khác nhau từ trước khi họ đến với nhau.

Đời sống lứa đôi sẽ đẹp và bình an khi hai người yêu nhau biết học cách xin lỗi nhau. Xin lỗi người bạn đời giống như nói thêm một lời âu yếm nhau. Xin lỗi người mình yêu cũng là xác tín thêm một lần tình yêu dành cho nhau là muôn thuở. Và lời xin lỗi giữa hai vợ chồng giống như lặp lại lời đoan hứa suốt đời chung thủy, yêu thương, gắn bó.

Cảm ơn

Cảm ơn diễn tả lòng biết ơn đối với người làm ơn cho mình. Người ta dễ dàng cám ơn người ngoài, người lạ buổi sơ giao; nhưng rất ít khi ta nhớ lời cám ơn đối với những người thân, chung chăn gối. Lý do là họ đã quá quen thuộc nhau, gần gũi nhau, làm chúng ta mất dần ý thức phải cám ơn những gì mình nhận được từ người bạn đời. Hơn ai hết, không ai cho ta nhiều bằng người yêu ta, không ai đã hy sinh cho ta nhiều bằng người bạn đời của ta trong muôn vạn nẻo đường đời, người đồng hành cùng ta trên con đường trần gian lữ thứ này. Họ là những người đến bên ta, bước vào đời ta để mang lại cho ta hạnh phúc, bình yên. Để yêu và được ta yêu không ít lần họ đã vì ta, vì tình yêu mà họ dụng tâm xây dựng, mà họ đã trả những cái giá rất đắt: sự sống, danh dự, sự nghiệp, hy vọng ước mơ. Có gì là của họ? Ngoài những giọt nước mắt âm thầm hằng đêm nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì họ yêu ta. Họ đã được gì, có gì họ làm mà không ít nhiều là vì ta? Có gì họ mơ ước đã không dính dáng đến ta đang tìm, nhu cầu ta đang kiếm?

Như thế họ đã yêu ta đến liều lĩnh, dâng hiến cả cuộc đời họ cho ta và sẵn sàng từ bỏ chính bản thân cho ta được hạnh phúc. Vậy thì tại sao và vì lý do gì chúng ta không biết cám ơn họ? Cám ơn những ân tình mà họ đã vì ta mà mang đến cho ta? Ta vô tâm hay nghĩ rằng đó là bổn phận, là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà họ phải như thế với ta.

Thực tế hôn nhân đã minh chứng: vợ chồng không mấy quan tâm biết ơn nhau, ngại ngỏ lời cám ơn nhau, ngượng ngùng khi “bắt buộc” phải cám ơn nhau.

Thiếu cám ơn nhau trong đời sống vợ chồng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất vọng nhau, hụt hẫng nhau vì đối phương không nhận ra giá trị thiết yếu, sự hiện diện của nhau là quan trọng, đóng góp của nhau là lương thực nuôi dưỡng tình yêu, nuôi sống đời lứa đôi. Không cám ơn nhau hai người sẽ vô tình trở thành kẻ vô ơn khi những hy sinh của nhau không được trân quý, tận tụy không được nhìn nhận, vất vả cực nhọc không được ghi công.

Cám ơn vì thế rất cần thiết trong đời sống con người, cần thiết cho mọi tương quan, cần thiết cho hôn nhân. Hãy học cách cám ơn hằng ngày khi chúng ta nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của nhau. Tập cám ơn nhau với lòng tri ân chân thành. Cám ơn vợ, chồng đã cho ta hạnh phúc tròn đầy; cám ơn con cái cho ta thực hiện ơn gọi làm cha mẹ. Cám ơn yêu thương đã cho ta hạnh phúc được yêu thương. Và suốt cuộc đời hãy cầu xin cho thanh âm của những lời cám ơn cứ ngân vang như tiếng chuông Thánh Đường đánh thức niềm tin và tình yêu trong ta những người lữ hành trên con đường hạnh phúc.

Ngợi Khen

Vợ chồng như hai người lữ khách cùng đi trên một chuyến xe đời, cùng hướng về một phía và họ sẽ mãi mãi đồng hành cùng nhau cho đến trọn đời. Đường dài và sức người có hạn, nên không thiếu những giây phút mệt nhoài, kiệt sức và gần như bỏ cuộc vì những cố gắng quá sức, những hy sinh quá độ, ở vào trạng thái này, cảnh huống này, lời khen, lời động viên của người bạn đời là cần thiết và giá trị biết chừng nào. Cứ hình dung vợ sẽ hạnh phúc vô cùng khi chồng ôm hôn và khen rằng “vợ anh giỏi quá, em thật sự là một người vợ, người mẹ tuyệt vời, cám ơn em” và chồng, sau một ngày làm việc căng thẳng sẽ tan biến hết mọi nhọc nhằn khi được nghe những lời dịu dàng từ vợ: “anh là người chồng, người cha lý tưởng”.

Ai cũng thích được khen ngợi; vì ai cũng thích được người khác chuẩn nhận khả năng, tư cách giá trị, ai cũng mong được tuyên dương và khen ngợi cũng chính là cách biểu lộ lòng yêu mến, trân trọng tốt đẹp. Vợ chồng càng cần được khen ngợi nhiều hơn, vì lời khen có một sức mạnh nâng đỡ, khích lệ cho những người yêu nhau trên đường tình vạn dặm, là tâm tình biết ơn nhau trong đời sống vợ chồng.

Nhẫn nhịn nhau trong đời sống lứa đôi

Kinh nghiệm thánh hóa gia đìnhNhẫn trong hôn nhân được hiểu theo nhiều nghĩa. Không phải tất cả những nghĩa đó đều mang tính tích cực. Nhưng có ý nghĩa chắc chắn rằng nhẫn không phải là cam chịu, hạ mình.

Tình cảm vợ chồng trong hôn nhân phải đặt trên nền tảng tôn trọng nhau và bình đẳng. Không một lý do gì có thể chấp nhận nhịn nhục người chồng đánh đập vợ hay người vợ hỗn láo thóa mạ chồng ngay cả trong khi đang phát sinh bất đồng.

Và cũng không có chuyện khi những người vợ ngoan ngoãn nghe lời chồng đã luôn “tạo điều kiện” để người mình yêu thương, cung phụng quay lại hành hạ, chà đạp làm tổn thương mình một cách phũ phàng.

Vì thế cho nên chữ nhẫn trong đời sống gia đình là cùng vì nhau mà chung sống và hành động, tôn trọng nhau nhưng cũng phải đặc biệt tôn trọng bản thân.

Trong kinh điển, người biết nhẫn nhịn, chính là người mạnh nhất. Còn theo Mahatma Gandhi: Nhẫn nhục giống như không khí, chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn!

Người ta mắng oan hay đổ tội cho mình nếu đúng thì mình nhận còn không thì hãy quên đi, đừng hoài chất chứa trong lòng chỉ chuốc lấy đau khổ cho bản thân mà còn làm cho người khác khổ lây.

Nhẫn nhịn, ngoài sự chịu đựng điềm tĩnh, còn cần có sự tha thứ. Nhẫn là độ lượng khoan dung cho những điều mà vợ hay người chồng lỡ lầm gây cho ta những muộn phiền ngoài ý muốn.

Nhẫn nhịn thể hiện bản lĩnh của con người. Khổng Tử xưa có câu: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (việc nhỏ mà không nhẫn được , thì việc lớn ắt sẽ hỏng). Nhiều gia đình họ treo chữ nhẫn trong nhà để tự biết kiềm chế mọi bức xúc khi có phát sinh mâu thuẫn hầu giử hòa khí cho gia đình. Vì thế anh chị em có chút bất hòa hay vợ có nổi cơn tam bành, hay con cái có điều gì không phải thôi thì hãy lựa lời mà nói cùng nhau “lời nói không mất tiền mua” cơ mà, việc gì không nhẫn nhịn được ngay lúc bất đồng thì chờ thời điểm thích hợp vợ chồng, anh chị em, cha mẹ con cái to nhỏ cùng nhau.

Nếu người vợ không biết giữ cho mình chữ nhẫn, lúc nào đầu óc cũng căng ra, mặt mày cau có hay đằng đằng sát khí, thậm chí quát tháo ầm ĩ vì lấy phải anh chồng quá cẩu thả, đụng đâu quẳng đấy, tàn thuốc khắp nhà… và những phản ứng ngay tức khắc đấy sẽ để lại những tàn dư khó lường.

Thật vậy chỉ một phút nổi nóng, không tự kiềm chế được mình, không dằn được cơn tức giận, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, trở thành kẻ oán thù những mâu thuẫn ấy đôi khi dẫn đến xung đột (đánh đập vợ con đến tàn tật, thương vong, vợ giết chồng con giết cha, đốt phá nhà cửa, tự hủy hoại thân thể mình…).

Nhẫn làm cho đời sống hôn nhân thay đổi theo chiều hướng tốt và củng cố hạnh phúc gia đình. Con người nếu không biết đến chữ nhẫn thì cuộc sống chắc chắn sẽ bấp bênh, căng thẳng vì thiếu sự suy xét, thiếu bình tĩnh, thiếu chín chắn trong suy nghĩ và quyết định dẫn đến bao điều hệ lụy vì thiếu nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn để gia đình trong ấm ngoài êm, nhẫn để yêu thương, để vẹn toàn, để vị tha, để lắng nghe, để hiểu rõ đúng sai, để cha mẹ không phải hối lỗi khi đánh mắng con cái quá tay lỡ lời, để vợ chồng không phải làm thương tổn nhau.

Hôn nhân có nền tảng từ tình yêu, lại có thêm chữ “Nhẫn” thì không có khó khăn nào, trở ngại thử thách nào mà không thể vượt qua.

“Hãy qua cửa hẹp mà vào” (Mt 7,13). Đón nhận nhau và tha thứ cho nhau trong cuộc sống gia đình chính là cửa hẹp mà Chúa muốn chúng ta bước qua. Chúng ta phải biết hy sinh, và vượt qua được sự hẹp hòi, ích kỷ của bản thân để xây dựng gia đình thành một tổ ấm đầy những yêu thương, để chúng ta cùng nhau vượt qua cách cửa hẹp của Nước Trời.

Tóm kết

Để mỗi gia đình của chúng ta thật sự trở thành một đền thờ Thiên Chúa cùng với những thách đố, những điều không thể tránh, những mâu thuẫn, những vui buồn và những niềm hạnh phúc thì chắc chắn rằng không thể thiếu được những giờ kinh gia đình, để cầu nguyện và xin thêm ơn Chúa, tạ ơn Chúa và xin Chúa Thánh thần soi sáng cho mỗi thành viên trong gia đình nói riêng và cho cộng đồng dân Chúa nói chung, vì chúng ta tất cả những người con cái Chúa là anh em con một Cha trên trời.

Chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ vì trong xã hội loài người hôm nay có những sự thật đang bị coi thường và thường xuyên bị bóp méo vì những động cơ khác nhau. Xin Chúa giúp cho chúng ta biết can đảm đối diện với sự thật và đấu tranh cho chân lý, bắt đầu từ chính gia đình mình, qua đó chúng ta có thể khơi lên trong tâm hồn của nhau những tình cảm trong sáng và sự tin tưởng chân thành. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Chúng ta cũng luôn muốn có những gì tốt đẹp cho mình, ít ai nghĩ đến lợi ích của người khác trước khi nghĩ đến lợi ít của bản thân, xin Chúa cho chúng ta biết sống, biết đặt lợi ích của người khác và cộng đoàn, đặc biệt là người bạn đời lên trên lợi ích của cá nhân bằng việc tận tình phục vụ một cách vô vị lợi “Vậy, tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Bí tích hôn phối là nền tảng của mọi ơn gọi, vì thế đời sống của đôi vợ chồng và gia đình sẽ trở thành “hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô (1Pr 2,5).

Giờ kinh gia đình là cả nhà cùng cầu nguyện với nhau, vợ chồng con cái cùng hiệp thông trong lời kinh, suy gẫm, lắng nghe và dâng lên Chúa những ý nguyện của gia đình. Chúa Giêsu đã hứa “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20).

Gia đình thường cầu nguyện vào những dịp như lễ giỗ, sinh nhật, có người trong thân qua đời những biến cố quan trọng của gia đình… những dịp ấy đều có sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta hãy tạ ơn, khấn nguyện, phó dâng tất cả những tâm tư tình cảm ấy: những nỗi buồn, niềm vui, những băn khoăn trăn trở ấy lên Ngài.

Ngoài việc cầu nguyện chung cho cả gia đình, mỗi thành viên trong gia đình cũng cần có những phút riêng tư, thinh lặng để gặp gỡ và trò chuyện với Thiên Chúa. “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghĩ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Cuộc sống bon chen đời thường cuốn chúng ta theo sự ồn ào náo nhiệt của nó, chúng ta mãi mê với những lợi lộc, đam mê mà quên đi rằng chúng ta cần có những giây phút nghỉ ngơi bên nhau, trầm lặng với Chúa.

Khi đau khổ bởi những phũ phàng thế gian, khi thất vọng vì lòng người thay đổi, khi đau khổ vì con cái không ngoan chúng ta hãy đến bên Người mà phó dâng tất cả, hay hãy chạy đến bên Chúa đứng trước Người mà chia sẻ cùng Người như một người bạn thân thiết rằng “Chúa ơi! hôm nay con vui lắm vì con trai của con vừa thi đậu Đại Học, Chúa ơi! Con tạ ơn Người…”.

Ngoài việc cầu nguyện, chuyện trò cùng Chúa chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện với Chúa qua tràng chuỗi Mân Côi đễ ta cùng nâng lòng ta lên với Mẹ Maria yêu kính. Hãy dành riêng thêm nhiều thời gian hơn nữa để đến bên Người vì chỉ có Người mới là niềm hạnh phúc và bình an đích thực.

Chúa muốn chúng ta cầu nguyện với Ngài và Ngài sẵn sàng chúc lành cho chúng ta. Chúng ta tôn sùng Mẹ Maria, Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa và ban xuống muôn ơn cho hồn xác chúng ta. Hãy cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi đặc biệt ngay trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta.

Têrêsa Trà My

Để lại một bình luận