Biết Thượng Đế có lòng yêu thương
tức là đã thấy chút ít về tình yêu của Thượng Đế.
Thế thì chúng ta hãy xem
Nho giáo đã quan niệm về tình yêu thương như thế nào;
hay nói theo ngôn ngữ Kitô giáo ngày nay,
Nho giáo đã “Phúc Âm hóa” như thế nào,
mặc dầu vào thế kỷ 6 trước Công Nguyên,
Đức Khổng Tử chưa từng được nghe rao giảng về Phúc Âm!
* Phúc Âm hóa
Phúc Âm hóa là hiện thực Lời Phúc hay Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Lời Phúc ấy nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Toàn bộ giáo lý của Kinh Thánh Tân Ước đều trình bày về tình yêu ấy. Sứ mệnh của Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha là đến thế gian để công bố tình yêu ấy. Cuộc sống khổ nhục của Đức Giêsu ở thế gian cốt để hiện thực tình yêu ấy. Cảm nghiệm được chân lý ấy, thánh Gioan tông đồ đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga: 4,16). Sở dĩ Ngài viết như vậy vì Ngài đã hiểu rõ điều răn của Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga: 15, 12).
Từ “anh em” trong câu nói trên cần phải được hiểu là “tất cả mọi người”, không phân biệt chủng loại, đẳng cấp, bạn hữu hay kẻ thù.
Trong Cựu Ước, đã từng có khoản luật: “Ngươi sẽ không báo oán, không cừu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình.” (Lêvi: 19, 18). Sợ rằng người Do Thái hiểu chữ “đồng loại” một cách hẹp hòi, sách Lêvi lại được bổ sung một khoản luật như sau:
Khi có khách lạ ngụ nhờ xứ các ngươi, các ngươi sẽ không bức hiếp: như một người bản hương trong các ngươi, các ngươi sẽ xử đãi người khách ngụ cư nơi các ngươi; ngươi sẽ mến yêu nó như chính mình ngươi vì ngươi cũng đã là khách ngụ cư nơi đất Ai Cập (Lêvi: 19, 33-34).
Sách Xuất hành còn có một khoản luật đặc biệt nói về tình thân yêu mọi người:
Khi ngươi gặp bò của kẻ thù ngươi hay lừa của nó thất lạc, ngươi sẽ dẫn về cho nó. Khi ngươi thấy lừa của kẻ ghét ngươi quị vì chở nặng, ngươi sẽ không bỏ mặc nó; ắt ngươi sẽ cùng nó giúp tay vào (Xuất hành: 23, 4-5).
Khoản luật này đã gián tiếp dạy người ta phải yêu thương cả kẻ thủ mình. Giáo lý này đã được Đức Giêsu bổ sung và làm sáng tỏ trong thời Tân Ước:
Các ngươi đã nghe bảo: hãy mến yêu thân nhân và hãy ghét địch thù. Còn ta, ta bảo các ngươi: hãy yêu mến thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi nên con cái Cha các ngươi ở trên trời; vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác (Matthêo: 5: 43,45).
Nếu chúng ta quan niệm Lề-Luật như là đôi cánh nâng con người bay bổng trên toàn thể tạo vật, thì Lề-Luật đó là “yêu mến”. Ý thức được tầm quan trọng này, thánh Phaolô Tông đồ đã viết:
Nợ nần anh em không mắc gì với ai ngoài một điều là phải yêu mến nhau. Vì kẻ yêu người tất đã làm trọn Lề-Luật. Quả thế, các điều như: chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ tham muốn, và nếu còn lệnh truyền nào khác thì cũng tóm lại trong điều này: ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình. Lòng yêu mến không xử ác với đồng loại. Vậy yêu mến là chu toàn cả Lề-Luật.” (Rôma: 13, 8-10).
Như vậy, “Phúc Âm hóa” có nghĩa là đem tình yêu đến cho mọi người.
* Quan niệm của Nho Giáo
Trước khi Đức Giêsu công bố tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, nhân loại từ Đông sang Tây hoặc không biết về Thiên Chúa, hoặc có biết ít nhiều qua sự suy tư siêu hình về Thực tại tối cao nhưng không biết bản chất, không biết tâm tình của Thực tại tối cao ra sao; thậm chí có những người căn cứ vào giác quan của mình cho rằng không có Thực tại tối cao vì không ai trông thấy Thực tại tối cao bao giờ!
Ở Hy Lạp thời thượng cổ, qua suy tư siêu hình, Platon chỉ nhận thấy Hữu Thể tối cao là một Thực tại bao gồm ba đặc tính: Chân, Thiện, Mỹ. Ở Ấn Độ trước Công Nguyên, các đạo sĩ thấu thị chỉ biết Đại Ngã Brahman vĩnh hằng, vô thủy vô chung… Trong Phật giáo nguyên thủy, Đức Phật Thích Ca chỉ nói về đạo diệt khổ như lá cây trong bàn tay, mà không bàn tới những gì thuộc về siêu nhiên giới mênh mông bát ngát như lá cây trong rừng. Trong Phật giáo đại thừa, qua những lời tương truyền là của Đức Phật Thích Ca giảng cho Tu Bồ Đề (Subhuti) về siêu hình trong 22 năm (nhị thập nhị niên Bát nhã đàm), Bồ tát Mã Minh (Asvaghosa) nhận ra Thực tại Chân Như là căn nguyên của vũ trụ vạn vật, nhưng chỉ biết Chân Như (Bhuta – Tathata) động thì có vũ trụ vạn vật phát sinh. Ở Trung Hoa, hiền triết Lão Tử biết có Đạo là Thực tại Di Hi Vi (Di: nhìn mà không thấy; Hi: lắng tai mà không nghe; Vi: nắm bắt mà không được). Ông còn biết Đạo là Thực tại ẩn kín của vạn vật, là vật báu của người lành, là chỗ bảo vệ của người chẳng lành (Đạo giả vạn vật chi áo, thiện nhân chi bảo, bất thiện nhân chi sở bảo: Đạo Đức Kinh – chương 62). Ông lại biết Đạo là Thực tại có ngôi vị, có khả năng ban cho ai cầu xin và có khả năng miễn tội (hữu cầu dĩ đắc, hữu tội dĩ miễn: Đ.Đ.K: chương 62). Ngoài ra Lão Tử cũng chỉ biết thêm rằng: trở về với Đạo là đường lối tuyệt hảo!
Trong khi đó, ở Nho giáo, Kinh Thư đã nói: “Trời xót thương dân” (Thiên căng vu dân); Kinh Thi thì nhận ra được rằng Thượng Đế là Thực tại tối cao có lòng yêu thương dân chúng:
Hoàng hỹ Thượng Đế,
Lâm hạ hữu hách,
Giám quan tứ phương,
Cầu dân chi mạc.
Lớn thay Thượng Đế,
Soi xuống rõ ràng,
xem xét bốn phương.
tìm khổ của dân.
Biết Thượng Đế có lòng yêu thương tức là đã thấy chút ít về tình yêu của Thượng Đế. Thế thì chúng ta hãy xem Nho giáo đã quan niệm về tình yêu thương như thế nào; hay nói theo ngôn ngữ Kitô giáo ngày nay, Nho giáo đã “Phúc Âm hóa” như thế nào, mặc dầu vào thế kỷ 6 trước Công Nguyên, Đức Khổng Tử chưa từng được nghe rao giảng về Phúc Âm! Trong phạm vi bài viết này, xin bàn về việc hiện thực tình yêu thương do Nho giáo chính truyền hướng dẫn trong đời sống gia đình.
* Gia đình là gì?
Gia là cái nhà. Tuy nhiên, chữ Gia trong từ kép “gia đình” không chỉ thị cái nhà cụ thể bằng vật chất (đá, gạch, gỗ hay tre lá, rơm rạ). Gia là “nhà” hiểu theo nghĩa siêu hình, là nơi an trú của con người trong đời sống trần gian. “Nhà” là tổ ấm cho một nhóm người bao gồm: ông bà, cha mẹ và con cái. Nhà chỉ là tổ ấm khi mọi người trong đó yêu thương lẫn nhau, an vui hòa chung. Vì thế, trong ngôn ngữ Việt Nam, khi vợ chồng yêu thương nhau, vợ chồng dùng tiếng “nhà tôi” để thân thưa cho người khác biết.
Đình là cái sân. Chữ Đình đi kèm chữ Gia chỉ thị cái không gian ấm cúng, an bình để cho con người được nghỉ ngơi sau khi tham gia công việc ngoài xã hội. Cái sân cũng là không gian thảnh thơi dành cho con cháu nô đùa trong sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ.
Như vậy, nghĩa đúng của hai chữ “Gia đình” trong Nho giáo là cái không gian hiện thực tình yêu thương giữa chồng vợ, giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau. Trong ý nghĩa đó, Nho giáo chính truyền từ thời thượng cổ đã nắm được thực tại tình yêu trong đời sống gia đình; nói theo ngôn ngữ Công giáo, gia đình theo quan niệm đúng đắn của Nho giáo – không phải Nho giáo hương nguyện – đã được Phúc Âm hóa, mặc dầu chưa được chính thức nghe lời Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Tình yêu ấy đã biểu hiện như thế nào?
* Đạo Nghĩa tình
Ngoài đạo Hiếu kính của con người đối với Thượng Đế và tổ tiên, các tiên vương, tiên hiền trong Nho giáo còn dùng Lễ để duy trì các tình cảm tốt đẹp trong các tương quan giữa mọi bậc người trong xã hội. Theo Kinh Dịch: “Gia hội túc dĩ hợp Lễ: gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để hợp với Lễ.” (Quẻ Thuần Kiền: Văn Ngôn). Lễ là đường lối của Trời (Thượng Đế); đó là sự kết hợp mọi điều tốt đẹp. Sách Lễ Ký viết: “Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung.” (Lễ Ký: Thiên Lễ Vận). Theo sách Lễ Ký (một trong Ngũ Kinh của Nho giáo: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu), Lễ là sự hòa ái tốt đẹp trong tương giao giữa mọi người.
– Phụ từ: cha mẹ yêu thương con cái.
– Tử hiếu: con cái làm vui lòng cha mẹ.
– Huynh lương: anh chị cư xử tốt lành với các em.
– Đệ đễ: các em mến yêu, tôn trọng anh chị.
– Phu nghĩa: chồng yêu quí vợ.
– Phụ thính: vợ nghe theo chồng.
– Trưởng huệ: người trên (lớn, ông bà) ban ơn cho người dưới (con cháu).
– Ấu thuận: người dưới (nhỏ, con cháu) vâng theo người trên (ông bà).
– Quân nhân: vua (người lãnh đạo đất nước) có lòng nhân từ với dân chúng.
– Thần trung: bề tôi (dân chúng, công chức) trung thành với người lãnh đạo đất nước.
Trong phạm vi quốc gia xã hội, đó là “Thập Nghĩa”, những điều kiện khiến cho xã hội thái bình, thịnh trị. Ở đây, “Trưởng” chỉ thị người cấp trên, lớn tuổi; “Ấu” chỉ thị người thừa hành, nhỏ tuổi. Trong phạm vi gia đình, đạo lý trên thu gom lại trong “Bát Nghĩa” (Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận). Trong phạm vi nhỏ này, “Trưởng” chỉ thị ông bà, “Ấu” chỉ thị các cháu.
Trong Bát Nghĩa (tám tương quan tốt đẹp), hai tương quan “Phụ từ” và “Tử hiếu” được chú trọng nhiều nhất. Thi hào Nguyễn Du đã nói về “Phụ từ” (cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con cái) khi mô tả nỗi lòng của Thúy Kiều thương nhớ cha mẹ như sau:
“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.”
(Đoạn Trường Tân Thanh: câu 1253 – 1254).
“Chín chữ cao sâu” dịch từ bốn chữ “Cửu tự cù lao” trong Kinh Thi của đạo Nho. “Chín chữ cao sâu” gồm: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú mớm), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (xem tính mà dạy bảo), phúc (gìn giữ). Chín chữ trên thể hiện trọn vẹn tình yêu của cha mẹ đối với con cái.
Còn nói về “Tử hiếu” (con cái có hiếu với cha mẹ) thì sách Luận Ngữ nói đến rất nhiều; nhưng quan trọng hơn cả, “hiếu” là làm cho cha mẹ vui lòng. Sách Lễ Ký có câu: “Xuyết thúc, ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu: ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho (cha mẹ) thật vui vẻ, ấy gọi là hiếu.” (Lễ Ký: Đàn cung hạ).
Xét cho rốt ráo ý nghĩa sâu xa, Bát Nghĩa bao hàm tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Nếu gia đình nào thành tựu được tình yêu thương này, đó là hiện thực “Phúc Âm hóa” trong đời sống gia đình. Đó là đạo Nghĩa tình trong cộng đồng bao gồm ông bà, cha mẹ, vợ chồng và con cái.
Bát nghĩa là những tương quan hai chiều đi với nhau từng cặp một. Sở dĩ trong suốt chiều dài lịch sử trên 2000 năm ở Viễn Đông, Bát Nghĩa chưa thành tựu ý nghĩa sâu xa; hay nói khác đi, đời sống gia đình ở Viễn Đông, trong đó có Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên chưa được “Phúc Âm hóa” vì những người giảng đạo lý và mọi người dân chỉ hiểu Bát Nghĩa theo tương quan một chiều. Người ta chỉ thường nói đến “Tử hiếu” mà bỏ quên “Phụ từ”; nói đến “Đệ đễ” mà bỏ quên “Huynh lương”; nói đến “Phụ thính” mà bỏ quên “Phu nghĩa”; nói đến “Ấu thuận”mà bỏ quên “Trưởng huệ”. Có nghĩa là người ta chỉ nhấn mạnh đến con phải “hiếu” với cha mẹ; em phải “đễ” với anh chị; vợ phải “thính” (vâng nghe) theo chồng; cháu phải “thuận” với ông bà mà thôi. Người ta đã quên hoặc ít nói đến cha mẹ phải “từ” với con cái; anh chị phải “lương” với các em; chồng phải “nghĩa” (yêu quí) với vợ; ông bà phải “huệ” với con cháu. Đó là cách giải thích theo Nho gia hương nguyện (nhà Nho đạo đức giả). Đức Khổng nói: “Hương nguyện, đức chi tặc dã: những kẻ đàn anh trong làng là kẻ làm hại đạo đức.” (Luận Ngữ: Dương Hóa: 13). Và cũng từ đó, đa số dân chúng ngày nay cho Nho giáo là đạo của giai cấp thống trị, áp bức, phong kiến! Lẽ ra, cần phải nói đến “Phụ từ, huynh lương phu nghĩa, trưởng huệ” trước, rồi mới nói đến “Tử hiếu, đệ đễ, phụ thính, ấu thuận” sau; bởi vì nếu người trên không nêu gương yêu thương, người dưới sao biết yêu thương?! Nếu chỉ có tương quan một chiều, mà lại ngược chiều từ dưới lên trên, Bát nghĩa sẽ bị hỏng mất. Bát nghĩa phải liên tục qua lại với nhau, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, mới là “Phúc Âm hóa”. Ví dụ, trong tương quan “Phụ từ, tử hiếu”, cha mẹ phải thương yêu con cái trước, thì con cái mới làm vui lòng cha mẹ được. Ở Do Thái ngày xưa, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người đã yêu thương con người trước, rồi mới giảng về đạo yêu thương cho loài người. Tiến trình “Phúc Âm hóa” phải diễn ra như vậy; vì thế Đức Giêsu nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga: 15, 12).
Kết luận
Bát Nghĩa của Nho giáo, nếu được triển khai trọn vẹn, thì Nho giáo đã thành tựu Thiên mệnh, trình bày đạo yêu thương trong đời sống gia đình; nói theo ngôn ngữ Kitô giáo, đó là “Phúc Âm hóa” trong đời sống gia đình. Nếu thêm hai tương quan “Quân nhân, thần trung” (bậc lãnh đạo đất nước yêu thương dân chúng, dân chúng hợp tác trung thành với bậc lãnh đạo), thì Thập Nghĩa của Nho giáo có thể xây dựng cảnh thái bình thịnh trị cho đất nước. Những tương quan này đều là những tương quan hai chiều tương tác với nhau. Trong ý nghĩa sâu xa của giáo lý Công giáo, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, vừa là vua (Quân) của vũ trụ, vừa là Cha (Phụ) nhân lành của các thụ tạo, vừa là Anh cả (Huynh) của cộng đồng nhân loại, vừa là Chồng (Phu) của Hội Thánh (hiền thê), vừa là Thầy (Trưởng) của các môn đệ (Ấu); Ngài đã đáp ứng đúng các yêu cầu của Thập Nghĩa. Đức Khổng và Nho giáo tuy xuất hiện trước khi Đức Giêsu Kitô rao giảng Phúc Âm, nhưng đã cảm nghiệm được đạo lý Phúc Âm một cách trung thực. Ngày nay, nói đến Phúc Âm hóa trong đời sống gia đình qua giáo lý Tin Mừng, chúng ta hãy tìm hiểu lại Thập Nghĩa một cách sâu xa để hiện thực tình yêu thương trong gia đình một cách tốt đẹp hơn./.
Lý Minh Tuấn