Gia đình Việt Nam: Mảnh đất phì nhiêu cho hạt giống Tin Mừng[1]
Gia đình chính là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội, xây dựng Giáo hội,
là mảnh đất màu mỡ để hạt Tin mừng có thể nảy mầm,
đâm rễ và sinh hoa kết trái.
DẪN NHẬP
Khi ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng nhiều điều. Người nói:
Kìa người gieo giống ra đi gieo giống. Trong khi người ấy gieo thì có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá… Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục (Mt 13, 4-8).
Trong năm Phúc âm hóa đời sống gia đình, với viễn cảnh của một cuộc hội nhập văn hóa rộng lớn ở Á châu, cụ thể là tại vùng đất “con rồng cháu tiên” này, lời mời gọi gieo rắc hạt giống Tin mừng trở nên cấp thiết. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Ecclesia in Asia, số 1, đã bày tỏ niềm hy vọng có được một mùa gặt bội thu tại cánh đồng màu mỡ giàu chất nhân bản và tâm linh này.
Cánh đồng Á châu thật bao la bát ngát, bước chân người gieo giống còn phải lắm phen bôn ba bươn chải. Trong lúc đợi chờ cả cánh đồng ánh lên màu lúa mới, chúng ta trở về mảnh đất gia đình thật gần gũi thân quen, nơi đó chúng ta gieo vãi hạt giống Tin mừng. Thiết tưởng rằng việc làm này có thể góp thêm một chút gì đó cho việc hội nhập văn hoá và đặc biệt cho năm Phúc âm hoá gia đình này.
Gia đình chính là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội, xây dựng Giáo hội, là mảnh đất màu mỡ để hạt Tin mừng có thể nảy mầm, đâm rễ và sinh hoa kết trái. Tông huấn Familiaris Consortio đặc biệt quan tâm đến gia đình bởi bao mối nguy hiểm đang đe doạ làm cho gia đình bị suy sụp, phần vì người ta quan niệm tự do một cách lệch lạc, phần vì não trạng hưởng thụ đang bành trướng.[2]
Nhiều gia đình đã biến chất, tha hoá và vong thân. Thánh hoá gia đình thiết nghĩ là làm sáng lên những giá trị truyền thống, những nét đẹp tinh thần và Tin mừng hóa những giá trị cao quý ấy. Tin mừng hóa không có nghĩa là thay thế những giá trị, mà là làm cho những giá trị đó sáng lên. Thiết tưởng công việc gieo rắc Tin mừng nên khởi đi từ việc phát hiện những điểm sáng đó.
I. Thăm dò vùng đất
1. Mảnh đất gia đình Việt Nam
Gia đình Việt Nam thuộc loại hình gia trưởng, quyền bính thường tập trung vào người cha, người đứng đầu trong gia đình. Cái mô hình gia trưởng ấy lại nằm gọn trong một lối sống có tổ chức theo lối làng xã và cộng đồng. Quyền lợi tập thể luôn được đề cao hơn quyền lợi cá nhân, cho dù đó là những việc riêng tư nhất. Trong lối sống cộng đồng ấy, người Việt Nam suốt đời quanh quẩn với lũy tre xanh, trong chiếc cổng làng khép kín. Mỗi gia đình lại là một thế giới riêng nữa, nhất là khi Nho giáo vào Việt Nam, những “định chế” ấy lại càng được củng cố một cách vững vàng hơn.
Do ảnh hưởng rất nhiều từ Nho giáo, người Việt Nam coi trọng sự bền vững của gia đình, với những tôn ti trật tự, với cung cách ứng xử theo mỗi bậc người. Theo đó, người Việt Nam có nét đặc trưng trong cách thức chào hỏi, xưng hô, giao tiếp … mà những ngôn ngữ của các dân tộc khác dù văn minh cũng không có được. Linh mục F. Buzomi thuộc dòng Tên, quốc tịch Italia, một nhà truyền giáo đã đặt chân lên mảnh đất Việt Nam khá sớm vào ngày 18.1.1615, đã ghi lại một nhận xét rất chí lý rằng: “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao. Người dân Việt Nam có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công việc truyền giáo”.[3]
Một trong những nét phong tục, hay có thể gọi tên khác là văn hóa hay tín ngưỡng của người Việt Nam là việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Trong mỗi gia đình người Việt Nam, dù sang hay hèn, cũng dành một nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ gia tiên. Ông bà cha mẹ dù có khuất đi nhưng luôn hiện diện gần gũi với con cháu. Những ngày đầu tháng, ngày rằm hay lễ tết, nếu có của thì làm mâm cơm thịnh soạn cúng ông bà, nếu không có thì một bát cơm, một chén nước lạnh cũng xong. Quan trọng hơn hết vẫn là tấm lòng con cháu đối với ông bà. Mỗi khi trong gia đình có việc gì quan trọng như dựng vợ gả chồng cho con cái, hoặc con cái thi cử đỗ đạt … cha mẹ đều dẫn con cái đến trước bàn thờ gia tiên để trình diện với các ngài, bày tỏ mọi sự việc để các ngài chứng giám. Nét văn hoá tâm linh này là một truyền thống quý báu của mỗi gia đình người Việt.
Văn hóa gia đình Việt Nam cũng yêu chuộng những gì là tình nghĩa hơn là lý sự: “một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích xuề xòa dễ dãi “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải, “người là vàng, của là ngãi” hoặc “người làm ra của chứ của không làm ra người”; thích anh em bốn bể một nhà, “tứ hải giai huynh đệ”;… đặc biệt là tinh thần độ lượng, khoan dung, “đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái này là “thương người như thể thương thân”. Đến đây, ta thấy văn hoá Việt Nam, hay văn hoá gia đình Việt Nam đã có rất nhiều nét giao thoa với giá trị của Tin mừng. Những nét đẹp tinh thần này tạo nên các gia đình Việt Nam với phong cách đặc biệt, một phong cách rất Việt Nam.
Đối với người Việt Nam, gia đình là một giá trị hết sức thiêng liêng, nói như nhà thơ Chế Lan Viên:
“Khi ta ở đất là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Người Việt Nam vẫn nhớ mãi nơi chôn nhau cắt rốn; dù có xuôi ngược phương nào, ngày tết ngày tư bằng mọi cách cũng phải về với gia đình, dù đó chỉ là một mái nhà tranh. Đi sâu vào tìm hiểu gia đình, chúng ta thấy gia đình mang một ý nghĩa tuyệt vời đối với sự sinh trưởng và thành toàn của mỗi người trên cả lãnh vực văn hóa, xã hội, thể lý, tâm lý, và tâm linh nữa.
Gia đình, tự bản chất là một thực thể văn hóa. Chắc hẳn chúng ta đều công nhận rằng con người sống trong gia đình không chỉ đơn giản có mối quan hệ huyết thống, với chức năng sinh sản ra các thế hệ nối tiếp. Trước tiên gia đình phải là một tổ ấm, ở nơi đó con người trao đi và đón nhận những tình cảm vô tư nhất, linh thiêng nhất, cao cả nhất. Điều này không chỉ thể hiện nơi những người đang sống, mà còn cả với những người đã khuất. Nét văn hóa tâm linh trong mối quan hệ giữa các thế hệ huyết thống gia đình là mối dây bền chặt, vừa bí ẩn vừa linh thiêng. Cội nguồn của gia đình phát xuất từ mối dây thiêng liêng đó.
Gia đình là một môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống … để con người có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội. Một sự giáo dục toàn diện phải chú trọng đến cả tài và đức. Gia đình chính là nơi đào tạo căn bản nhất nền móng ban đầu để con người phát triển cái tài và nhân rộng lên cái đức sau này. Cái đức chính là sự thừa hưởng nền móng gia đình, hay có thể nói là kết quả giáo dục của gia đình.
Mỗi giai đoạn lịch sử, gia đình ứng với một mô hình khác nhau. Thời văn minh tiền sử, có lẽ không có khái niệm gia đình như chúng ta có hiện nay, con người lúc đó sống bầy đàn, lao động chủ yếu là hái lượm, hay nói cách khác là thiên nhiên ưu đãi và nuôi dưỡng họ. Sang đến thời văn minh nông nghiệp, gia đình xuất hiện như một đơn vị sản xuất; nhưng đến thời văn minh công nghiệp, tính địa phương bị phá vỡ, mô hình gia đình hạt nhân xuất hiện; và rồi khi bước sang nền văn minh trí tuệ, thì mô hình gia đình hạt nhân này cũng sẽ bị phá vỡ. Tuy nhiên, dù là mô hình gia đình nào đi nữa, thì cũng chính cái nôi ấy con người được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành. Mái trường gia đình không phải chỉ giáo dục con người một sớm một chiều, nhưng rong ruổi theo bước con người suốt cuộc đời của họ. Những kỷ niệm, ký ức là một phần gia sản của con người mà họ chỉ tìm lại được nơi mái ấm gia đình của mình.
Hai chữ gia đình thật là thân thương, nơi đó con người hình thành cả một nhân cách sống. Trong bầu khí của tình làng nghĩa xóm, trong cái thân thương quen thuộc người ta thường gọi bằng hai tiếng “quê hương”, gia đình dạy con người về đạo lý, thế nào là yêu tổ quốc, quê hương, thế nào là “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế tín lý về Giáo hội, Lumen gentium, cũng cho chúng ta một nhận xét rất thâm thuý về gia đình và sứ mạng của gia đình:
Gia đình là môi trường hoạt động và là trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức của cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy. Nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của nước Thiên Chúa và niềm trông cậy vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và lời chứng, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian về tội lỗi đồng thời soi sáng cho những ai đang tìm kiếm chân lý (LG số 35).
Một khi đã nhìn ra những nét đặc sắc và vị trí quan trọng của gia đình, chúng ta tìm hiểu xem đâu là « mạch nước ngầm » tạo nên mảnh đất gia đình phì nhiêu đó.
2. Mạch nước ngầm
Chúng ta có thể nhận thấy hai « dòng chảy » lớn tạo nên sức sống phong phú của mảnh đất gia đình, đó là « tinh thần đại gia đình » và « tinh thần đạo hiếu » trong mỗi gia đình người Việt.
a. Tinh thần đại gia đình
Gia đình truyền thống Việt Nam không sống riêng lẻ nhưng tập trung thành đại gia đình. Mỗi gia đình lớn này có nhiều thế hệ sống với nhau, thường là ba bốn thế hệ, tứ đại đồng đường: ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt. Cha mẹ già không đem gởi vào nhà dưỡng lão, nhưng sống chung với con cái. Người Việt Nam quan niệm : “Một mẹ già bằng ba hàng dậu”, cha mẹ già không thể tiếp tục công việc đồng áng thì ở nhà giữ cháu cho con cái đi làm. Và như vậy cũng chẳng cần gởi con đi nhà trẻ, gia đình lúc nào cũng ấm cúng, tuổi thơ của con được ươm đầy ắp tiếng ầu ơ của bà, được trau dồi cái nhân cái nghĩa ngay từ thuở chưa rời vành nôi.
Rồi khi con cái lớn lên, lập gia đình mới, cha mẹ lại cho miếng đất dựng lên căn nhà, thế là con cái lại xum vầy bên cha mẹ, lúc tắt lửa tối trời có mặt bên nhau. Cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia tạo thành một dòng họ đông đúc. Mô hình gia đình xã hội nông thôn này còn được củng cố mạnh mẽ bằng tình làng nghĩa xóm, và mỗi đại gia đình lại còn có khu đất tổ, có nhà thờ họ (từ đường), có đất hương hỏa… nên tình nghĩa đã đầy lại càng sâu nặng hơn.
Chính cái gia sản tinh thần này là chất keo nối kết tâm hồn người ta lại, để rồi ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một … đi đâu cũng phải nhớ về”.[4]
b. Tinh thần đạo hiếu
Gia đình là cơ sở xã hội Việt Nam, sức mạnh của gia đình là chữ hiếu.
Trong gia đình không tội gì nặng cho bằng tội bất hiếu. Con cái phải kính trọng và vâng lời cha mẹ. Luật nhà Lê trừng phạt những con cháu phản kháng lại ông bà, cha mẹ, cũng như những người vợ phạm những hành động như vậy đối với cha mẹ chồng. Điều 475 luật Hồng Đức thiết định rằng con cháu đánh ông bà thì phải lưu đày, thậm chí xử giảo. Con cháu phải nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Lòng hiếu thảo không cho phép con cháu thưa kiện ông bà hay cha mẹ của mình. Luật Gia Long định rằng con cái phải che dấu những lỗi lầm của cha mẹ, trừ những tội liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy vậy con cái vẫn có quyền đối thoại, thưa lại với cha mẹ khi mệnh lệnh của các ngài quá đáng hoặc sai trái.[5]
Khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo càng phải được thể hiện sâu sắc hơn. Việc lo tang lễ, cúng giỗ cho người đã khuất là một nghĩa vụ thiêng liêng và là cách thể hiện chữ hiếu cụ thể nhất. Con cái phải để tang cha mẹ trong ba năm. Trong thời gian gia đình có tang chế, con cái phải tuyệt tối hoà thuận yêu thương nhau. Người ta cũng kiêng cữ không kết hôn trong thời gian gia đình có cha mẹ qua đời. Quả thực, chữ hiếu là sợi dây nối kết mọi người trong dòng họ.
Không chỉ ở Việt Nam, mà Á đông nói chung, chữ hiếu là nhân đức thiêng liêng nhất. Chẳng những đức hiếu hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn bao trùm mọi mối tương quan khác của con người trong xã hội. Theo Mạnh Tử, bổn phận đối với cha mẹ là nền tảng cho mọi bổn phận khác.[6]
Bên cạnh chữ hiếu, người Việt Nam còn đề cao chữ Trung nữa. Khi truyền giáo ở Việt Nam, cha Alexandre de Rhodes đã hội nhập hai đức tính này và làm nên một nền thần học “Tam Phụ”: ngoài người cha trong gia đình mà ai cũng kính trọng, thì còn người cha ngoài xã hội là vị vua mà mọi người phải trung tín, và đặc biệt trên trời còn có một người Cha tuyệt vời là Thiên Chúa nữa. Trong cuốn “Phép giảng tám ngày”, cha viết:
Bây giờ, ta phải hay có ba đấng bề trên là ba cha, ta phải thờ ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh ra thân xác cho ta, đấng giữa là vua chúa trị nước, đấng trên là đức Chúa trời đất, làm chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống được ở.[7]
Phải hiểu được chữ hiếu này, chúng ta mới thấy được việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là thiêng liêng và cao quý biết bao. Tiếc thay nhiều người Kitô hữu Việt Nam đã trở nên xa lạ ngay với nhưng phong tục của quê hương xứ sở mình. Nhiều người nói rằng chúng ta vong thân cũng là có lý do của họ. Chẳng vậy nhà Nho Nguyễn Đình Chiểu đã cật lực phản đối việc một số người Việt Nam bỏ thờ cúng tổ tiên mà chạy theo tôn giáo mới:
“Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ”.
Một khi hiểu được hạt giống mình gieo vãi, hiểu được đặc tính mảnh đất hạt giống sẽ sinh trưởng, thì việc gieo trồng sẽ hy vọng đạt được nhiều hoa trái.
II. Gieo trồng
1. Cải tạo đất
Mảnh đất gia đình Việt Nam màu mỡ, có nhiều điểm phù hợp với hạt giống Tin mừng; tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm cần cải tạo, khôi phục. Việc trước tiên phải làm đó là:
a. Khôi phục dòng chảy
Như đã phân tích ở trên, dòng chảy ngầm làm cho mảnh đất gia đình phì nhiêu đó là tinh thần đại gia đình và chữ hiếu. So sánh gia đình Việt Nam hiện nay với gia đình Việt Nam truyền thống, chúng ta thấy có nhiều khác biệt. Nếu như ngày xưa người ta sống thành làng xã, suốt đời quanh quẩn với luỹ tre xanh, tính địa phương, cộng đồng, làng xã được đề cao; thì ngày nay người ta theo lối sống thành thị nhiều hơn. Mô hình gia đình truyền thống bị phá vỡ. Đại gia đình không còn nữa, không còn “tứ đại đồng đường”, thay vào đó là mô hình gia đình hạt nhân. Người ta không thể đưa cả ông bà, cha mẹ, con cái vào xí nhiệp, nhà máy. Lúc này mỗi cá nhân được tôn trọng chứ không phải là cộng đồng nữa. Những người già cũng mất dần chỗ đứng trong gia đình, họ phải sống trong những trại dưỡng lão chứ ít khi còn là “một mẹ già bằng ba hàng dậu”.
Ở nông thôn cũng vậy, con cái sẽ không còn ở mãi với cha mẹ, khi lớn lên phần lớn chúng đến những thành phố, những khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm. Gia đình không còn gói gọn nơi bờ dậu và luỹ tre xanh, mà là ngôi nhà toàn cầu, ngôi nhà thế giới.
Đó là chưa nói đến hệ quả của nền văn minh trí tuệ, người ta cho rằng ngay cả mô hình hạt nhân cũng bị phá vỡ. Rồi đây số người làm việc trong văn phòng, lo dịch vụ vượt hơn số người làm trong nhà máy. Người ta dùng nhiều máy móc, phương tiện tối tân mà trước kia không hề nghe nói tới, nào là máy vi tính, thuốc ngừa thai … và vấn đề văn hoá, vấn đề đạo đức gia đình được đặt lại.
Trong xã hội ngày nay, gia đình phải đối đầu với nhiều vấn nạn mới nữa. Nào là tệ nạn ma tuý, nạn dịch AIDS, bạo lực trong gia đình, con cái phải đối cha mẹ rồi bỏ nhà đi hoang… Những giá trị truyền thống của gia đình phải được đặt lại, hay đúng hơn cần được khôi phục. Giới trẻ ngày nay ít ai còn hiểu thế nào là “tam cương, ngũ thường” (nhiều người cho đó là lỗi thời, lạc hậu)… thay vào đó là lối sống buông thả tự do, tất cả là hưởng thụ, là nguyên tắc khoái lạc chi phối. Do chủ nghĩa cá nhân được đề cao, nên gia đình lại bị coi nhẹ. Nhiều gia đình chỉ còn là quán trọ, là chỗ dừng chân cho những lúc tâm hồn quá mệt mỏi ê chề.
Việc khơi lại nguồn mạch lúc này là cần thiết. Cần làm sống lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, Tin mừng hoá cần bắt đầu bằng những việc làm cụ thể đó. Bước kế tiếp trong việc cải tạo lại mảnh đất gia đình, thiết nghĩ phải là:
b. Gạn đục khơi trong
Không phải nét tuyền thống nào của gia đình cũng đều là quý. Cần phải có sự chọn lựa thanh lọc. Nếu như nét truyền thống của gia đình Việt Nam là gia trưởng, thì nhiều khi tính gia trưởng này lại phát triển thái quá, quá khích, tạo nên một cung cách trịch thượng hay áp đặt trong gia đình. Nhiều khi người cha không biết lắng nghe mà chỉ biết ra lệnh, điều gì trái ý mình thì la mắng, đánh đập… Trong bối cảnh này mà chúng ta rao giảng Thiên Chúa là Cha, chắc hẳn sẽ gặp không ít trở ngại, và Thiên Chúa sẽ không mấy được thiện cảm.
Lật lại trang sử Việt Nam từ thế kỷ X – XIX, ta thấy đây là thời kỳ chế độ phong kiến đè bẹp con người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Chế độ này có cả một hệ thống hoàn chỉnh tinh vi về lý luận cũng như thực tiễn để kìm hãm, áp bức phụ nữ. Về thể chế gia đình, quyền tập trung vào người đàn ông gia trưởng, người phụ nữ bị trói buộc trong tôn pháp và lễ giáo. Điều này được ghi rõ trong luật Hồng Đức và nhất là trong luật Gia Long. Người phụ nữ bị cấm cửa, không được học hành, và dĩ nhiên không được mở mang trí tuệ. Điều này đã hạn chế rất nhiều khả năng cống hiến của người nữ. Họ bị ràng buộc về cả tinh thần lẫn vật chất, dẫn đến một sự chêng lệnh, bất công rất lớn trong gia đình và xã hội.
Lại còn bao hủ tục về ma chay cưới hỏi nữa cũng kiềm tỏa sự tự do của con người. Nếu như Tin mừng là quà tặng sự sống, thì những gì là bất công, là trói buộc con người cần phải được tháo cởi. Do vậy việc gạn lọc những giá trị trong truyền thống của gia đình Việt Nam cũng là một việc làm cấp thiết để hạt Tin mừng không bị cỏ dại lấn át.
Sau khi đã khơi lại dòng chảy là những truyền thống tốt đẹp, đồng thời chọn lựa những nét tinh tuý và gạn lọc truyền thống đó, chúng ta phải làm cho những giá trị của Tin mừng được sáng lên nơi chính mảnh đất gia đình thân thương này.
2. Gieo trồng
Một quan niệm mới trong việc rao giảng Tin mừng hôm nay là làm sáng lên những nét tinh tuý đã tiềm tàng sẵn trong mỗi nền văn hóa. Đối với môi trường gia đình Việt Nam, đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình cụ thể này. Theo kinh nghiệm của những người gieo trồng, thì yếu tố thời vụ cũng góp phần không nhỏ cho mùa gặt bội thu.
a. Đúng thời vụ
Yếu tố “thời vụ” chúng ta bàn ở đây là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hạt giống Tin mừng đã sẵn sàng, môi trường gia đình đã chuẩn bị xong, chỉ còn lại yếu tố là lòng người có khao khát đón nhận hay không mà thôi.
Như chúng ta thấy, người Việt Nam rất dễ cởi mở để đón nhận những tôn giáo khác. Bằng chứng cụ thể là sự phát triển Tam giáo ở Việt Nam. Hơn thế nữa, hơn lúc nào hết con người thời nay khao khát tâm linh, một cơn khát tìm về với cõi vô biên, thanh tịnh. Hãy nhìn những cung cách cúng vái, thực hành tín ngưỡng của phần đông dân chúng ta có thể cảm được phần nào. Giáo hội nhận thấy rằng: “Trong lòng dân chúng, văn hóa và tôn giáo tại Á châu có một cơn khát “nước hằng sống” (X. Ga 4, 10-15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ có mình Chúa Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn đầy đủ”.[8] Phải chăng đây chính là “thời vụ”, là yếu tố “nhân hòa” để hạt Tin mừng có thể đâm rễ, trổ bông? Với tinh thần lạc quan, chúng ta có thể thấy rằng hạt giống đã rơi vào đất tốt.
b. Hạt giống rơi vào đất tốt
Gia đình Việt Nam với những yếu tố như đã khai triển ở trên, thì quả thực là mảnh đất tốt cho Tin mừng phát triển. Nếu yếu tố đại gia đình là nét truyền thống quý báu mà người Việt trân trọng, thì Tin mừng loan báo một Nước Thiên Chúa phổ quát, mọi người là anh em; nếu đạo hiếu là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt trong gia đình lại, đặc biệt qua việc thờ kính tổ tiên, thì Tin mừng loan báo cho mọi người biết họ có một Cha trên trời, và họ phải hết lòng tôn kính hiếu thảo; nếu tinh thần gia đình là yêu thương tương trợ lẫn nhau, thì Tin mừng có dạy điều gì khác hơn là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; và nếu như tinh thần gia đình người Việt Nam là quý yêu sự sống, thích sự bình dị, và sống chan hoà, thì Tin mừng cũng dạy chúng ta: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), và “Anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”… Như vậy Tin mừng không dạy điều gì mới mẻ, mà chỉ làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hóa gia đình Việt Nam. Có nét mới mẻ chăng là mặc cho những giá trị văn hóa ấy một chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ. Tin mừng không chỉ thoả mãn cho con người sức sống thể lý, hạnh phúc chóng qua, mà còn hứa ban cho con người sự sống siêu nhiên, hạnh phúc vĩnh cữu.
KẾT LUẬN
Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đây là bốn yếu tố quan trọng làm nên một mùa gặt nặng hạt. Xin tạm làm một phép so sánh loại suy rằng: nước : chính là yếu tố truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam; phân: chính là sự thúc đẩy làm sáng lên những giá trị truyền thống ấy; cần : chính là sự dấn thân, đời sống chứng tá, đặc biệt là tác động của Chúa Thánh Thần; và giống : chính là hạt giống Tin mừng, là đạo lý Chúa Kitô. Kết hợp bốn yếu tố này chúng ta hy vọng có một mùa gặt với niềm vui rạng rỡ của những tay thợ vai nặng gánh lúa vàng. Hy vọng bộ mặt gia đình Việt Nam sẽ được Tin mừng hóa, sẽ sáng ngời không chỉ bởi vì những giá trị cao đẹp của truyền thống, nhưng ánh lên ánh sáng của Tin mừng đích thực, một Tin mừng sống động đem lại ơn cứu độ cho muôn người.
Quốc Văn, OP.
(trích Báo Chia Sẻ số 73)
Thư Mục
Công đồng Vat. II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội,
Lumen Gentium.
Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình,
Familiaris Consortio.
———-, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục
Á châu, Ecclésia in Asia.
Cardière, L., Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam.
Huế, 1930.
De Rohdé, A., Phép giảng tám ngày, Tủ sách Đại kết,
In theo bản gốc Rôma, xuất bản 1651.
Nguyễn Chính Kết, Thích ứng và Hội nhập văn hóa
trong truyền giáo. TP. HCM, 1998.
Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam.
Sài Gòn, 1959.
Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập 2. Hà Nội, KHXH, 1996.
Tọa đàm một số vấn đề về văn hóa Công giáo Việt Nam, Tòa TGM Huế, năm 2000.
1. Trước đây, bài này đã được đăng trong báo Thời Sự Thần Học, nay nhân dịp năm Phúc âm hóa đời sống gia đình, xin đăng lại nơi số báo Chia Sẻ này, với nội dung đã được bổ sung và chỉnh sửa (người viết).
2. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 6.
3. Theo Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Sài Gòn 1959, tr. 55.
4. Trích trong bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân.
5. Xc. http://tailieutonghop.com/free/quoc-trieu-hinh-luat-bo-luat-hong-duc_f176-10591.html
6. L. Cadière, Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam, Huế, 1930, tr. 412.
7. A. De Rhodes, Phép giảng tám ngày, tủ sách đại kết, in lại theo bản gốc do Rôma xuất bản năm 1651, tr. 17.
8. Tông huấn Ecclesia in Asia, số 18.