Thiên Chúa Tình Yêu Trao Ban

 

Thiên Chúa Tình Yêu Trao Ban

Xh 34, 4b-6.8-9; 2Cor 13,11-13; Ga 3,16-18

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Thiên Chúa Tình Yêu Trao BanVợ chồng đứa cháu gái của tôi đã chuẩn bị đón chào đứa con của mình bằng việc chuẩn bị một loạt những tên gọi có thể đặt cho đứa trẻ, dù trai hay gái. Gia đình tôi chẳng ngại gì trong những vấn đề như thế này, nên mọi người cùng bàn luận. Một vài cái tên được nêu ra nhưng lại không phải là những tên gọi gia đình thường dùng. Hẳn quý vị còn nhớ cách đây vài năm, các tên gọi được ưa dùng là Emma, Heather, Jeremy và Jacob không? Nhưng chẳng cái tên nào trong số này được chọn. Có người đề nghị đặt theo tên một người dì dễ mến, nếu là bé gái, hoặc theo tên của một người cậu, nếu là bé trai. Mỗi cái tên trong gia đình đều mang nhiều ý nghĩa, kỷ niệm, tầm ảnh hưởng cũng như những yêu thương gửi gắm vào đó.

Tên gọi trong Kinh Thánh cũng thế. Chúng còn hơn là một danh xưng, một cách để phân biệt giữa người này với người khác. Biết tên của một người là đã thiết lập mối tương quan với người ấy, và thậm chí có ảnh hưởng trên họ. Mỗi tên gọi đều có ý nghĩa và thường nói lên đôi điều về nhân tánh đó. Thường người ta cho rằng tên gọi chất chứa sức mạnh của người mang nó. Tuy nhiên, Thiên Chúa quyền năng trổi vượt tất cả mọi người, và do đó, một dấu cho thấy Thiên Chúa Toàn Năng là khi Người thay tên đổi họ cho người ta. Abram được đổi thành Abraham (St 17,5); Giacop đổi thành Israel (St 35,10),…

Nếu danh xưng chứa đựng năng lực và tầm quan trọng của một người, thì Danh Thiên Chúa còn quan trọng hơn biết nhường nào? Biết Danh Thiên Chúa là biết bản tính của Người. Danh mà Thiên Chúa mạc khải cho ông Môsê là “Giavê”, “Đức Chúa”. Kêu cầu tên của một người là làm cho họ hiện diện cách nào đó. Vì thế, biết Danh Thiên Chúa và cầu khẩn Danh đó nói lên sự hiện diện cùng với quyền năng và sự bảo trợ của Đức Chúa. Thiên Chúa chủ động mạc khải Danh Thánh cho ông Môsê. Biết và kêu cầu Danh Thiên Chúa là cảm nghiệm được thực tại Thiên Chúa. Đâu là thực tại về Thiên Chúa của ông Môsê và của dân Do Thái? Câu sau đây nói lên điều đó: Thiên Chúa nhân từ và rất mực xót thương. Người chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín. Đây là bản tính của Thiên Chúa mà chúng ta mừng kính hôm nay – vị Thiên Chúa trong Kinh Thánh Do Thái và trong Tân Ước. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa này trong Điệp ca hôm nay:

“Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.

Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.”

Thông thường, Điệp ca được lấy từ Thánh vịnh. Tuy nhiên, Điệp ca hôm nay được lấy từ sách ngôn sứ Đaniel (3,52-56). Đó là bài thánh ca mà ba trẻ hát trong lò lửa đang bừng cháy. Họ bị trừng phạt vì từ chối thờ lạy tượng vua.Thay vào đó, họ tuyên xưng niềm tin của cha ông họ. Thiên Chúa, Đấng chúng ta mừng kính trong bài đọc thứ nhất (“Thiên Chúa nhân từ và rất mực xót thương, chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín”) không phải là một Thiên Chúa trừu tượng hay được cất giữ trong các khảo luận thần học. Quả thực, ba trẻ nhỏ đã có một trải nghiệm rất cụ thể về Thiên Chúa của mình: Họ được cứu khỏi cái chết cận kề nhờ Thiên Chúa sai một thiên thần đến bảo vệ họ.

Những trẻ nhỏ từ chối thờ lạy biểu tượng sức mạnh được đặt ngay trước mặt. Thay vào đó, những trẻ này chọn trung thành với Thiên Chúa. Đối với ba người ấy và cả ta nữa, hậu duệ thiêng liêng của họ, Thiên Chúa là Thiên Chúa trung tín, Người yêu thương, cứu vớt và ban cho chúng ta hơi thở trong từng giây phút mỗi ngày.

Chúng ta cố giữ vững niềm tin trong bất kỳ lò lửa nào ta gặp thấy trong chính cuộc đời của mình – khi niềm tín thác nơi Thiên Chúa Tình Yêu của chúng ta bị thử thách. Ba trẻ nhỏ được cứu, không phải tự sức họ, nhưng nhờ sức uy hùng từ Thiên Chúa – Đấng mà chúng ta thờ hôm nay, đã được Đức Giêsu xác định cách rõ ràng là Thiên Chúa Tình Yêu trổi vượt tuyệt vời. Thiên Chúa, Đấng mà ông Môsê gặp trên núi Sinai cũng chính là Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta. Chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cuộc sống của Đức Giêsu, như dấu chỉ cụ thể về tình yêu trung tín của Thiên Chúa.

Hôm nay, chúng ta ca tụng Thiên Chúa được nhắc đến trong tín biểu Ba Ngôi khi ta lãnh nhận Phép rửa: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Mỗi khi chúng ta bước vào thánh đường và dùng nước phép để làm dấu thánh trên mình, ta lặp lại tín biểu đó. Khi thánh lễ kết thúc, ta lại được chúc lành nhân danh Chúa và được sai vào thế giới nơi nhắc cho chúng ta về thực tại của Thiên Chúa. Chúng ta cũng nhớ rằng những lời đó chỉ mang tính loại suy. Thiên Chúa không thể bị giới hạn nơi con tim và trí óc chúng ta bằng những từ ngữ đó. Tuy nhiên, những câu chữ này gợi cho ta về Thiên Chúa, nơi Người, chúng ta sống trong mối tương quan cha – con và Thần Khí Sáng Tạo của Người sẽ tiếp tục uốn nắn chúng ta trở thành những môn đệ của Đức Kitô.

Mọi cố gắng nhằm giới hạn Thiên Chúa vào một tín biểu hay một định nghĩa đều thất bại. Trọng tâm của đại lễ hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa là Mầu Nhiệm. Chúng ta không thể nắm bắt hay hiểu thấu Mầu Nhiệm đó. John Shea lưu ý rằng “bản chất của Mầu Nhiệm là tình yêu tự hiến được dành cho nhân loại cách trọn vẹn. Điều này chi phối mọi sự”.

Shea tiếp rằng Thiên Chúa không chấp nhận để cho con người chịu đau khổ và diệt vong. Vì thế, Thiên Chúa Tình Yêu đã sai Người Con vào thế gian “để ban cho chúng ta cuộc sống không bao giờ hư mất.” Cho dù thế gian phạm tội và ngoảnh mặt làm ngơ, Thiên Chúa vẫn không trừng phạt nhưng kiếm tìm và ban ơn cứu độ. Thiên Chúa đã không phán xét nhưng chọn cho chúng ta sự sống và tình yêu.

Chúng ta ở đâu trong kế hoạch cứu độ này? Chắc chắn chúng ta không được gọi để vào lụy phục. Chúng ta không phải là những nô lệ luôn cố gắng làm vui lòng Thiên Chúa bằng lễ tế. Nếu chúng ta tìm kiếm một định nghĩa về Thiên Chúa, thì không cần đi xa hơn những gì Kinh Thánh mạc khải. Mạc khải hôm nay không phải là mạc khải về một Thiên Chúa phán xét và trừng phạt. Bản tính của Thiên Chúa là ân sủng. Người không ngừng trao ban chính mình cho thế giới này.

Thật khó để rũ bỏ hình ảnh trước đây khỏi trí tưởng của chúng ta, nó đã ăn sâu vào tâm trí. Đối với nhiều người, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa được dựa trên sự thưởng phạt. Nhưng hôm nay, một lần nữa, Kinh Thánh kéo chúng ta ra khỏi việc thờ lạy các tà thần để tôn thờ cách đích thực một Thiên Chúa Tình Yêu Vô Hạn.

Hôm nay, chúng ta không có thêm một định nghĩa hay giải thích mới mẻ nào về Chúa Ba Ngôi. Nhưng, chúng ta lại được nghe công bố bản tính thật sự của Thiên Chúa, Người “quá yêu thế gian”. Đây là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng thấy chúng ta đang bấn loạn, thờ lạy các tà thần, và trong Đức Giêsu, Người đã đưa tay cứu vớt chúng ta. Ân sủng của tình yêu Thiên Chúa ban không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng vì lòng nhân ái của Người. Nếu cảm nhận của chúng ta về tình yêu nhân loại chỉ dựa trên sự thành công, bề ngoài và sự cần mẫn, thì chúng ta không thể hiểu chút gì về ngày lễ hôm nay. Tuy nhiên, nếu đã từng thích thú trước quà tặng nhưng không của tình yêu, thì chúng ta sẽ hiểu được phần nào trong ngày đại lễ hôm nay.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận