Đừng để mình trở thành kẻ đa nghi…

Đừng để mình trở thành kẻ đa nghi…

Đừng để mình trở thành kẻ đa nghi…Một tuần đã trôi qua, tính từ ngày 20/04/2014, ngày mà toàn thể Giáo Hội Công Giáo kính mừng trọng thể Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh. 

“Một tuần qua…” Vâng,  như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói trong một bài giảng trước năm mươi ngàn thính giả tại quảng trường Thánh Phêrô rằng, “là tuần của niềm vui, chúng ta cử hành biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, đây là niềm vui sâu xa sự thật, dựa trên sự chắc chắn rằng Chúa Kitô đã sống lại ngay lúc này, nơi Ngài sự chết không còn nữa, Ngài vẫn sống và hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Chắc chắn rằng, Ngài ngự trong tâm hồn các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh, khi những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ của Chúa Giêsu và các thiên thần nói với họ: ‘tại sao các người lại tìm người sống giữa kẻ chết’…”(nguồn: VNRs.)

Vâng, đối với toàn thể người Ki-tô hữu hôm nay, tuần lễ vừa qua, quả đúng là “tuần của niềm vui”, của những lời hoan ca Alleluia – Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại”. Thế nhưng, đối với các tông đồ xưa, thì đó không phải là tuần của niềm vui, nhưng  là tuần của âu lo, của sợ hãi, của nghi nan, của ngờ vực. 

Thật vậy, sự sợ hãi được bắt đầu khi kể từ khi Đức Giêsu bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-ni, lúc đó, các môn đệ của Ngài chẳng khác nào những chú gà con mất mẹ. Sau hai ngày tan tác, các ông đã tụ tập về nơi các ông thường nhóm họp. Các ông họp lại trong sự sợ hãi và hoang mang.

Trong khi đó, bên ngoài là cả một rừng những tin đồn. Nhóm thượng tế và các kỳ mục đã nham hiểm cho lính một số tiền lớn và bảo họ tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13).

Trái ngược với những dòng tin đầy ác ý đó, các môn đệ nhận được một nguồn tin từ bà Maria Macdala là người đã chứng kiến cuộc hành hình cũng như cuộc chôn cất của Đức Giê-su. Hôm  đó , vào  sáng  ngày  thứ  nhất  trong tuần, sau khi ra mộ và được nghe “những điều Chúa đã nói với bà”, bà ta liền chạy đến gặp  các  môn  đệ  và  nói “Tôi đã thấy Chúa”(x. Ga 20, 18)

“Tôi đã thấy Chúa”. Vâng, tính từ hôm thứ-sáu-sầu-thảm, ngày Đức Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự tại núi Sọ, cho đến hôm nay đã là bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Sắp hết ba ngày rồi! Có lẽ nào, qua lời loan báo của bà Mác-đa-la, lời phán hứa của Đức Giêsu rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, hôm nay sẽ ứng nghiệm sao đây!

Đang lúc các môn đệ suy đi nghĩ lại lời Đức Giêsu đã phán hứa thì một điều không tưởng đã xảy ra. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”, mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”. Mười người, thiếu vắng một người, với mười đôi mắt rực sáng lên trong hân hoan và vui mừng. Họ “vui mừng vì được thấy Chúa” …

Thầy Giêsu đó ư! Đúng. Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. Trong giây phút lịch sử đầy linh thiêng đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).

Vâng, chẳng những thấy, hôm đó, các môn đệ còn được Đức Giê-su “cho các ông xem tay và cạnh sườn” của Ngài. Đúng là  “Bách văn bất như nhất kiến – Trăm nghe không bằng một thấy”. 

Hôm đó, tiếc rằng, thiếu vắng tông đồ Tôma. Chính sự vắng mặt của ông đã khiến ông không tin sự kiện Đức Giêsu hiện đến với các bạn đồng môn của mình.

Không tin, ông còn lớn tiếng nói với các bạn đồng môn của mình, rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Để rồi, tám ngày sau, ông mới thấy sự hồ nghi của mình quả là đáng trách. Không trách sao được, bởi có lời chép rằng “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”…

Và giờ đây, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của Tôma, thay vào một tâm hồn tan vỡ là một tâm hồn mở ra. Nhìn Thầy Giê-su uy nghi trong sự Phục Sinh, ông đã cất lên một lời thần phục trước mặt Thầy của mình, rằng, “Lạy Chúa của tôi… Lạy Thiên Chúa của tôi”. (Ga 20, 28).

**

Đức Giêsu Phục Sinh đã nói gì với tông đồ Tôma? Xin thưa, Ngài nói rằng “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin”. Và phải chăng đây là lời Đức Giêsu trách cứ Tôma? Thực ra, nếu phải trách cứ, Đức Giê-su có rất nhiều điều để mà trách cứ, không chỉ Tô-ma, mà luôn cả nhóm mười người còn lại.

Anh cả Phê-rô, với ba lần chối Thầy không đáng trách sao!  Còn Giacôbê, “con của sấm sét”… khi Thầy nói “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống?”, rõ ràng anh đã trả lời “Thưa được”. Sao lúc Thầy bị bắt, anh lại “chém vè”!

Chín anh còn lại, sao không chạy đến, mỗi người tay đỡ tay nâng, phụ vác thập giá cho Thầy! Sao lại để cho một anh “ngoại đạo” tên là Simon xứ Kyrene làm công việc đó! Không! Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến không phải để “tính sổ” các ông. Càng không phải để trách móc những yếu đuối của các môn đệ.

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng, Ngài đã chiến thắng sự chết, như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”. Đức Giê-su đến còn là để biểu lộ lòng xót thương qua việc “Ban Bình An” cho các ông. Một thứ bình an không theo kiểu thế gian ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).

Còn sự hoài nghi của Tô-ma ư! Thưa, Tôma muốn được dùng chính “thị giác” hơn là “thính giác” để biểu lộ lòng tin của mình thì có gì là đáng trách! Vâng, có gì phải đáng trách chứ! Chính việc tông đồ Tôma có nhu cầu “nhìn sự thật” hơn là “nghe sự thật” nên nhờ đó Đức Giêsu ưu ái tặng cho các môn đệ và cũng là cho chúng ta hôm nay thêm một lời chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, …29).

***

Hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh không quá thiên vị, Ngài vẫn hiện đến với chúng ta qua “Bí Tích Thánh Thể”. Trước giây phút người tín hữu bước tới bàn Tiệc Thánh để “thấy và cầm” Đức Giêsu Phục Sinh, qua vị linh mục chủ tế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng sẽ nói với chúng ta lời chúc phúc như xưa, rằng, “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”. 

Thưa Bạn, Bạn đã Gặp Đức Giê-su Phục Sinh và thật sự được “Bình An trong Chúa”? Nếu chưa! Vâng, hình ảnh mẫu mực nhất,  mà chúng ta cần noi theo, để được gặp Đức Giê-su Phục Sinh và nhận được sự “Bình An trong Chúa” đó chính là hình ảnh cộng đoàn tiên khởi “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

Lm Charles E. Miller gọi sự hiệp thông của các tín hữu xưa là một “ngày đại hội”, ngài có lời khuyên, rằng; “Anh chị em không được vắng mặt tại ngày đại hội này như tông đồ Tô-ma tại buổi họp đầu tiên của các môn đệ”. Đừng bao giờ hỏi tông đồ Tô-ma lý do nào ngài đã “vắng mặt”, vì đó là điều không còn cần thiết. Nếu có hỏi, hãy hỏi mỗi chúng ta hôm nay.

Lý do nào khiến chúng ta “vắng mặt” trong ngày Lễ Chúa Nhật? Phải chăng là, như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói, là do “bị quyến rũ bởi những quyền lực thế gian và những gì thuộc thế giới này?” Ngài nói tiếp, phải chăng là do “chúng ta đặt niềm tin của chúng ta vào phù phiếm của thế gian, tiền bạc, hay sự thành công?”. 

Và cuối cùng, ngài nhấn mạnh, rằng: “Tại sao bạn đang tìm kiếm những thứ đó, nó không thể cung cấp cho bạn cuộc sống, nó sẽ cho bạn niềm vui một ngày một tuần một tháng một năm và sau đó…? Tại sao bạn tìm kiếm một cuộc sống trong vòng kẻ chết ? Câu này cần phải thấm nhập vào trái tim của chúng ta..”

Trở lại câu chuyện Phục Sinh của Đức Giê-su, vâng, hôm Maria Mác-đa-la, ra mộ Chúa Giê-su, “Bà đã khóc”. Nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng bà ta lại không nhận ra Ngài, bà ta chỉ nhận ra rằng đó là Chúa Giêsu khi Ngài gọi chính tên bà; “Maria” (x.Ga 20, 16)

Nhắc lại chuyện này, để nói về chúng ta hôm nay. Hôn nay, làm sao để thấy Chúa Giê-su Phục Sinh? Làm sao để Chúa Giê-su Phục Sinh gọi tên của mình? Để thấy Chúa Giê-su Phục Sinh, để Chúa Giê-su Phục Sinh gọi tên của mình… Vâng, tất nhiên, không nhất thiết phải  tìm  đến “ngôi mộ trống” ở Giê-ru-sa-lem năm xưa. Nơi cần đến, chính là ngôi nhà thờ, tại bàn Tiệc Thánh Thể, nơi đây, Đức Giê-su, qua vị linh mục, sẽ nói với chúng ta rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.  

Đừng quên, lời phán hứa của Đức Giê-su, rằng “Ai ăn … sẽ được sống muôn đời”. Chúng ta, đã là một Ki-tô hữu, đã đặt niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh, Lm Charles E. Miller nói: “Chúng ta đừng để mình trở thành kẻ đa nghi, và cũng đừng vắng mặt như Thánh Tô-ma”. Vâng, “đừng để mình trở thành kẻ đa nghi…” bạn nhé!

Petrus.tran

Để lại một bình luận