Hãy mang lấy thương tích của nhau!

 

 

Hãy mang lấy thương tích của nhau!

Cv 2: 42-47; Tv 117; 1 Phêrô 1: 3-9; Gioan 20: 19-31

Lm. Jude Siciliano, OP

Hãy mang lấy thương tích của nhau!

Kính thưa quý vị,

Một hôm, trong lớp Triết học tại một trường Đại học, chủ đề được đưa ra là: “Điều gì khiến con người phân biệt với động vật?” Câu trả lời của lớp đưa ra là con người biết làm ra công cụ. Vâng, người ta vẫn lầm tưởng như thế mãi cho tới thời của Jane Good thì tất cả các nhà nghiên cứu về hành vi của động vật đều nhận thấy rằng động vật cũng có khả năng làm ra công cụ. Gần đây, tôi được xem một đoạn phim tài liệu nói về một con tinh tinh biết cắt gọt một cành cây mỏng và sau đó sử dụng nó như một thứ công cụ. Nó chọc cành cây xuống một tổ kiến cho kiến bám vào và rút cành cây đầy kiến lên mà ăn, sau đó nó lặp lại như thế nhiều lần, thật ngon lành, ít nhất là đối với một con tinh tinh. Với tôi, chắc chắn con tinh tinh ấy cũng giống như là một nhà sản xuất ra công cụ vậy.

Một số sinh viên trong lớp lại cho rằng điều phân biệt chúng ta với động vật là khả năng biết cười, vì chúng ta có thể thấy sự tương phản này. Cách đây không lâu, bìa của cuốn tạp chí “New Yorker” có in hình các hành khách trên một chuyến bay đang nhồi nhét hành lý vào ngăn tủ ở phía trên đầu của họ. Một hành khách khác lại đang cố gắng đưa xe hơi vào khoang! Hãy xem nào, chúng ta thì cười khúc khích, còn con tinh tinh thì cứ thản nhiên ăn kiến trên cành cây của nó mà thôi.

Tôi để lại cho các nhà triết học đưa ra câu trả lời: điều gì giúp con người chúng ta khác biệt so với động vật. Bên cạnh khả năng biết cười trước những điều hài hước, tôi muốn thêm rằng điều làm cho chúng ta thành con người là khả năng bị tổn thương và có thể gây ra thương tổn cho người khác. Loài động vật có thể gây ra vết thương và để lại vết sẹo cho nhau, nhưng con người còn có thể gây ra thương tích và gánh chịu những thương tổn, đôi khi là trong suốt cuộc đời. Chúng ta có ký ức về niềm hạnh phúc và những khoảnh khắc hân hoan; nhưng ta cũng có thể tìm thấy dấu vết của những đau thương trong miền ký ức ấy mà mình đã phải gánh chịu hay đã gây ra cho người khác.

Bạo lực thể lý đe doạ chúng ta và những lời nói ném vào chúng ta chẳng khác nào những viên đá nhọn sắc bén. Theo lẽ thường, những lời nói gây thương tổn thì đau nhiều hơn và kéo dài lâu hơn những vết thương thể lý. Có lúc hai người từng nói với nhau: “Anh yêu em”, “Em yêu anh”. Một luật sư chuyên về ly hôn đã kể cho tôi nghe về những đôi hôn nhân đổ vỡ có những lời lẽ gây thương tổn nhau ngay trước tòa.

Hãy xem những vết thương và những nguồn gốc khác nhau phát sinh ra chúng. Ví dụ, thế giới đã dạy chúng ta cạnh tranh với người khác, luôn phấn đấu để giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận, thể thao và tại nơi làm việc. Vince Lombardi đã tổng kết những điều mà chúng ta đã học được: “Chiến thắng không phải là tất cả, mà chỉ là một điều gì đó thôi”. Chúng ta cũng đã được dạy rằng các chuẩn mực của cái đẹp sẽ tác động tới những tâm trí nhạy cảm. Đã có bao nhiêu học sinh hoặc bạn trẻ đã bị rối loạn trong ăn uống khi nỗ lực điên cuồng để được giống như những người mẫu mà họ thấy trên các tạp chí hay truyền hình?

Là con người, chúng ta có điểm chung là biết cười trước câu chuyện vui. Tiếng cười khiến chúng ta xích lại gần nhau bên bánh pizza và lon bia. Thế nhưng những nỗi đau tâm hồn có thể khiến chúng ta giấu mình phía sau những cánh cửa bị khóa, sợ rằng có ai đó đụng chạm vào chúng; chúng ta không muốn người khác biết về những nỗi đau ấy, hoặc thậm chí không dám nhìn vào bản thân mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể xích lại gần nhau hơn nhờ chia sẻ những nỗi đau ấy.

Cộng đoàn trong trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng có những vết thương của mình. Có lúc họ được ở trên chín tầng mây cao. Họ là những người sống gần gũi nhất với một nhà giảng thuyết đầy lôi cuốn, một người lương y chữa bệnh và một nhà cải cách. Có lẽ Người chính là vua của Israel! Là Đấng Mêsia! Nhưng sau đó họ đã chứng kiến sự dữ đã đánh bại Người, nghiền nát niềm hy vọng của họ, đập tan những giấc mơ và để lại cho họ những tổn thương. Còn có những vết thương khác như: ký ức về sự phản bội của họ với Đấng mà họ đã từng thề thốt đi theo cho đến chết. Họ đã hứa và đã phản bội.

Chỉ còn một điều họ nhớ lại; đó là những gì mà Đức Giêsu đã làm và dạy cho họ phải thi hành. Người thiết lập một cộng đoàn xung quanh mình cùng với dự định của Người. Vì vậy, những cá nhân bị thương tổn và đầy đau đớn này đã xích lại gần nhau và thành một cộng đoàn – một cộng đoàn đóng chặt vì sợ hãi – nhưng dẫu sao đó vẫn là một cộng đoàn. Chính trong cộng đoàn bị thương tích, đau đớn và vỡ mộng này, Đức Giêsu đã đến, mang theo những lời tha thứ và chữa lành: “Shalom”, nghĩa là “Bình an cho anh em”.

Trong Kinh Thánh, khi Đức Giêsu ban bình an, đó không phải là một lời chào bình thường, không phải là “con người của hòa bình” (Peace man) như người ta quan niệm vào thập niên 60. Khi Đức Giêsu chào bình an, lời của Người mang đến thực tại đã được loan báo, đó là sự tha thứ, chữa lành và sự phục hồi. Lời của Người được hiện thực hóa. Một điểm quan trọng đối với các môn đệ là khi Người cho các ông xem các vết thương của mình. Trình thuật Tin Mừng này không cho thấy Người đã xin bánh hay cá. Đức Giêsu không thuyết phục các môn đệ rằng Người vẫn còn sống bằng cách ăn uống. Vết thương của Người đã chứng tỏ cho các môn đệ biết Người là ai.

Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường; không chỉ để chia sẻ một bữa ăn và một cuộc trò chuyện thân tình. Như chúng ta, Thiên Chúa biết được việc ra đi của những người thân yêu, những lời hứa bị tan biến và những dự định bị thất bại. Đức Giêsu đã đón nhận những vết thương mà người ta cho là đã đưa cuộc đời của Người đến hồi kết thúc. Những vết thương đó đã bị khuất phục và Người đã chiến thắng. Qua trình thuật hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ rằng Đức Giêsu không bao giờ quên những vết thương của Người, cũng như các vết thương của chúng ta.

Cũng như các môn đệ, chúng ta tập hợp lại trong cộng đoàn ngày hôm nay. Chúng ta được Đức Giêsu mời gọi mang lấy những phần thương tổn và những thất bại của đời mình để tiếp tục sống, tựa như người môn đệ xưa của Người. Nhưng không chỉ mang lấy những vết thương của mình, mà chúng ta còn cưu mang những thương tổn của những người ta yêu mến, những người gặp hoạn nạn và bệnh tật. Chúng ta cũng chú ý đến những đau khổ của thế giới – ở Syria, Ukraine, Trung Đông, những người nghèo, những người bị xâm hại bởi những giáo sĩ, các nạn nhân của vụ nổ súng bài người Do Thái ở Kansas, những người bị thương do đánh bom ở Boston năm ngoái – họ vừa tập trung để tưởng nhớ sự kiện này, v.v…

Thật lấy làm an ủi biết bao khi biết rằng Đức Giêsu chia sẻ số phận của chúng ta. Nhưng còn nhiều hơn thế nữa, Người thở hơi trao ban Thánh Thần cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta cùng hợp nhau cầu nguyện với tư cách cộng đoàn của Người. Giờ đây, chúng ta sẽ dâng lễ vật lên bàn thờ và cầu khẩn Chúa Thánh Thần ngự xuống, biến đổi lễ vật ấy. Nhưng chúng ta cũng cầu xin Thần Khí thổi hơi chữa lành và ban ơn tha thứ cho chúng ta, và cả thế giới đang bị tổn thương nữa. Chúng ta cầu xin sự tha thứ cho tất cả những vết thương ta đã gây ra cho người khác, và xin cho chúng ta ngày càng có khả năng biết cho đi và tha thứ anh chị em mình.

Các bài đọc trong dịp Lễ Phục Sinh có phần mở đầu tương tự nhau, “vào ngày thứ nhất trong tuần”. Ví dụ, tuần tới tác giả Luca sẽ thuật lại cho chúng ta về các môn đệ trên đường đi Emmau vào ngày “thứ nhất trong tuần”. Thông thường các sách Tin Mừng không hề có cách nói cầu kỳ về những ngày và giờ trong ngày. Các câu chuyện thường xuyên bắt đầu với hạn từ “Sau đó, Đức Giêsu đi đến…” “Vào lúc sáng sớm Đức Giêsu đi vào Đền thờ”, v.v… Thời nay, chúng ta thắc mắc rằng: “Ngày nào trong tuần vậy?” “Vào năm nào?” “Và lúc mấy giờ?” Nếu ta cố tìm kiếm sự chính xác trong các câu chuyện thì hầu như chúng ta sẽ luôn nản chí. Ra như tác giả sách Tin Mừng muốn nói rằng: “Điều đó không quan trọng”.

Thế nhưng, các bài đọc trong dịp Lễ Phục Sinh này, mặc dù có nhiều chi tiết gây nhầm lẫn (Đã có hai hay một thiên thần ở ngôi mộ? Bà Maria Mađalêna đi một mình hay đi với hai người phụ nữ khác?) chúng ta nói, đó là “ngày thứ nhất trong tuần”. Không phải là một ngày sau ngày Sabát, không phải là ngày Chúa Nhật. Nhưng là “ngày thứ nhất trong tuần”. Các tác giả sách Kinh Thánh không chỉ có một chút mơ hồ về các ngày và xác định cách chính xác hơn. Họ đang ám chỉ tới ngày đầu tiên của công trình sáng tạo khi Thiên Chúa làm ra ánh sáng. Vì vậy, tác giả Gioan nói với chúng ta hôm nay rằng Đức Giêsu đã hiện ra “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”. Giờ đây, ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu sáng xuyên qua bóng tối của ngôi mộ, chúng ta không còn phải lo sợ về cái chết cuối cùng nữa.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Để lại một bình luận