Đừng sợ, hãy loan tin những điều mắt thấy tai nghe!
St 1,1-2,2; St 22,1-18; Xh 14,15-15,1a; Is 54,5-14; Is 55,1-11;
Br 3,9-15.32-4,4; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11; Mt 28,1-10
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quý vị,
Hôm nay, các đọc giả của Tin Mừng thánh Mátthêu vui mừng vì hình ảnh sứ thần xuất hiện trở lại. Đọc giả nào chú ý sẽ nhận ra tầm quan trọng của trình thuật Tin Mừng hôm nay. Bởi vì thánh Mátthêu dành những lần xuất hiện của sứ thần cho những thời điểm quan trọng nhất trong Tin Mừng. Chúng ta nhớ lại hình ảnh sứ thần trong hai trình thuật về biến cố Chúa Giáng Sinh và chịu cám dỗ trong sa mạc. Ở biến cố biến hình trên núi, có hai nhân vật khác từ trời hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, đó là ông Môsê và ông Êlia. Ba biến cố này là những khoảnh khắc quan trọng trong trình thuật của thánh Mátthêu – trong đó đều có sự xuất hiện của những nhân vật từ trời.
Hôm nay, một thiên thần xuất hiện tại ngôi mộ trống để trấn an hai phụ nữ cùng tên là Maria, và sai hai bà đi báo tin cho các môn đệ biết Đức Kitô đã Phục Sinh. Những nhà soạn kịch hẳn sẽ làm nổi bật cảnh tượng tại ngôi mộ trống cùng với tiếng kèn trumpet. Còn thánh Mátthêu thì làm nổi bật cảnh tượng này bằng hình ảnh một sứ thần với diện mạo như ánh chớp và y phục trắng như tuyết. Những lính canh đại diện cho chính quyền từng hành hình Đức Giêsu như một tên tội phạm, nay lại khiếp sợ, run rẩy “chết ngất đi”. Quyền lực của quốc gia áp bức và hùng mạnh nhất lúc bấy giờ là Rôma cũng phải chùn bước trong nỗi sợ hãi và bất lực. Sứ điệp đã rõ ràng: không có bất cứ sức mạnh hay quyền lực sự ác nào có thể thắng nổi Thiên Chúa chúng ta, Đấng đã cho kẻ chết sống lại. Các thiên thần lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên, tựa như đang ngồi trên toà chiến thắng. Thiên Chúa là Đấng chiến thắng, Người đã đánh bại sự chết.
Một câu chuyện về hồng ân được ban tặng. Ai có thể thắng nổi ác tà và sự chết? Người Mỹ là một “dân tộc dám làm”. Ông John F. Kennedy (29/05/1917 – 22/11/1963, tổng thống thứ 35 của nước Mỹ) hứa với đất nước rằng trong vòng mười năm nữa, chúng ta sẽ đưa một người Mỹ lên mặt trăng, và chúng ta đã làm được điều đó. Vào ngày 11/09/2001, Toà tháp đôi bị phá huỷ hoàn toàn, và hiện giờ đã có một Trung tâm Thương mại mới được xây cất và khánh thành. Sự lao động vất vả và quyết tâm của chúng ta đã mang lại những kết quả thật ấn tượng.
Tuy nhiên, dù cố gắng thế nào, chúng ta cũng không thể đánh bại sự chết. Đó là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thực hiện điều không ngờ và thiên thần Chúa ở đó để công bố điều không ngờ này. Tại ngôi mộ trống, hai người phụ nữ được cắt cử làm những người đầu tiên loan báo Tin Mừng. Thiên sứ sai hai bà “Mau về báo tin cho các môn đệ Người hay”.
Trước khi sai hai bà đi báo tin phục sinh, thiên thần bảo họ rằng: “Này các bà, các bà đừng sợ”. Cả các bà và chúng ta còn phải sợ gì nữa? Chúng ta sống trong một thế giới, nơi đó sự sợ hãi có thể khiến người ta không dám nói sự thật và không dám vượt ra khỏi những chia cắt về chủng tộc, kinh tế và quốc gia. Con người “thời xưa” xem ra không cảm thấy e ngại khi họ là những tín hữu. Rất ít người thừa nhận là vô thần hoặc không thuộc bất cứ tín ngưỡng truyền thống nào. Trong dòng họ của tôi, có một người anh con bác tuyên bố rằng mình là người vô thần. Mỗi khi gia đình hội họp mà có mặt anh ta, chắc chắn sẽ có người thách thức anh và lần nào cũng chất vấn anh rằng: “Tại sao anh không đi Lễ”.
Ngày nay, cảm quan (tôn giáo) ấy bị đảo ngược. Người ta không ngại ngùng thừa nhận mình là vô thần và dường như những người vô thần tỏ ra kiên định hơn. Họ gọi chúng ta là “ngây thơ” vì biểu lộ niềm tin vào Đấng Cứu thế đã phục sinh và sự sống đời sau. Người ta cảm phục chúng ta vì những việc bác ái của chúng ta, nhưng họ có xem trọng niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh không? Đừng quên vấn nạn này!
Những lời trấn an của thiên thần “Đừng sợ” cũng được nói với chúng ta khi chúng ta cử hành biến cố Đức Kitô phục sinh. Các phụ nữ không còn sợ hãi vì Đấng lãnh đạo của các bà đã bị đóng đinh, nhưng nay không còn ở trong mồ nữa, Người đã trỗi dậy. Thiên thần loan tin và mời gọi các bà đích thân đến xem ngôi mộ trống. Tuy nhiên, không chỉ có thân xác sống lại. Hơn thế nữa, Đức Giêsu “đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng chúng ta là Giáo hội truyền giáo. Mỗi Kitô hữu đã được rửa tội đều có cùng chức năng giống như các phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay được thiên thần trao cho, đó là “Đừng sợ…mau về báo tin cho…” Mặc dù bề ngoài tỏ ra kinh ngạc, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp đón những người láng giềng sành đời và hiện đại. Chúng ta vẫn có bổn phận làm chứng cho niềm tin của mình vào Chúa Phục Sinh bằng lời nói và hành động. Trong nhiều cách thức khác nhau, cuộc sống của chúng ta phải phản ánh niềm tin như chúng ta tuyên xưng trong Thánh Lễ hôm nay rằng: “Đức Kitô đã chết! Người đã trỗi dậy! Người sẽ lại đến”.
Nếu như ngôi mộ không trống và thân xác Đức Giêsu vẫn còn ở đó, thì các bà sẽ đến viếng mộ, và đau buồn kể lại những kỷ niệm của mình trước đó về người Thầy đã chết. Thế rồi, thất vọng và buồn bã, các bà trở lại với cuộc sống của mình trước kia, tìm lại những mảnh vỡ hy vọng để rồi tiếp tục sống. Đó là điều chúng ta thường làm đối với người quá cố mà chúng ta yêu thương. Xét về thời gian, họ không còn nữa. Cuộc sống vẫn tiếp diễn mà không cần có họ. Nếu trước kia họ đã đau khổ, thì giờ đây chúng ta an lòng vì họ không còn chịu đau khổ nữa. Lúc này, chúng ta phải trở lại với cuộc sống thường ngày, đồng thời thực hiện điều tốt nhất có thể dù không có họ.
Tuy nhiên, đối với những phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay và với cả chúng ta nữa, vẫn có vị thiên thần đó tại ngôi mộ trống. Là những tín hữu, chúng ta không thể phớt lờ sứ điệp đã nghe biết: “Đừng sợ!… Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói… mau về báo tin cho các môn đệ Người hay”.
Các phụ nữ này không thể trở lại với cuộc sống như trước kia được nữa. Nếu có ai bảo họ: “Hãy quên điều đó đi”, thì họ sẽ đáp lại rằng: “Chúng tôi không thể nào quên được. Đức Giêsu đã trỗi dậy và chúng tôi phải chia sẻ tin vui này với những ai chưa được nghe biết!” Hai người phụ nữ giảng thuyết tiên khởi này cũng biện hộ cho chúng ta như thế.
Đức Giêsu đã trỗi dậy và chúng ta phải nghiêm chỉnh thi hành những điều Người đã nói với chúng ta, đó là: “Hãy vác thập giá mình mà theo Thầy… Cho kẻ đói ăn… Mặc áo cho kẻ mình trần… Tha thứ cho những ai xúc phạm anh em… Hãy xây dựng hoà bình… Đừng báo oán… Hãy yêu thương kẻ thù… Chia sẻ của cải anh em cho người nghèo…” Chúng ta đang ở phần cuối của Tin Mừng Mátthêu. Vì Đức Kitô đã trỗi dậy, nên chúng ta có thể trở lại nghe lần nữa những gì Đức Giêsu đã bảo các môn đệ của Người thi hành – đừng sợ phải nói hay thi hành điều đó.
Nếu tôi có mặt tại ngôi mộ trống đó, tôi sẽ trả lời thiên thần rằng: “Ngài có ý gì khi nói ‘Đừng sợ!’ Tất nhiên là tôi phải sợ rồi. Vậy, tôi có thể sống ra sao với cách thế mà Đức Giêsu đang mời gọi tôi sống trên đời này? Người ta bày ra những chiêu bài chống lại tôi và tôi thường không có được sự khích lệ ngay cả phía gia đình và bạn bè – ít nhiều tôi cũng có kẻ thù. Tôi không đủ can đảm chống lại đám đông để trở nên giống như Đức Kitô. Tôi cần người giúp đỡ!”
Thiên thần sẽ trả lời và bảo chúng ta cũng như các đọc giả khác của Tin Mừng Mátthêu rằng: “Hãy kiên nhẫn đọc thêm chút nữa đến cuối chương và tin vào những gì Đức Kitô phục sinh nói với các môn đệ khi Người sai các ông ra đi: ‘Và anh em biết rằng Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’” (20,28).
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.