Lễ Lá năm A: Anh em hãy uống “chén” của Thầy!

 

Anh em hãy uống “chén” của Thầy!

Kiệu Lá: Mt 21,1-11; Thánh Lễ: Is 50,4-7; Tv 22; Pl 2,6-11; Mt 26,14 – 27,66

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quý vị,

Lễ Lá năm A: Anh em hãy uống “chén” của Thầy!Tôi lưỡng lự để chọn chủ đề cho bài giảng của mình. Vì Trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo thánh Mátthêu thật phong phú và cũng thật… dài, nên vị giảng thuyết dễ bị cám dỗ chỉ đọc cho hết mà không giảng. Riêng tôi, tôi hết sức chống lại cơn cám dỗ này. Trong khi có thể rút gọn bài giảng, tôi lại muốn cố gắng giải thích Lời Chúa cho thế giới ngày nay. Và tôi quyết định chỉ tập trung vào một hình ảnh trong trình thuật cuộc Thương Khó, đó là Chén Thánh.

“Khi ấy, Người cầm lấy chén, dâng lời chúc tụng và trao cho các môn đệ mà nói: ‘Hãy nhận lấy mà uống, này là Chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội.’”

Thánh Mátthêu đã dùng 1/3 Tin Mừng của mình để viết về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu (16,21-28.20). Có nhiều chủ đề để phân biệt lối trình thuật của thánh Mátthêu về cuộc thương khó và sự phục sinh. Ví dụ, trong Tin Mừng thánh Mátthêu, Đức Giêsu hoàn toàn chủ động trong các biến cố sau cùng của đời mình. Người biết điều gì sẽ xảy đến cho mình, tuy vậy, Người vẫn không dùng quyền năng để thay đổi chúng (26,53). Thánh Mátthêu đã làm rõ việc Đức Giêsu hoàn toàn tự nguyện chọn con đường thập giá (26,37-38). Đức Giêsu không tìm kiếm một cuộc tử đạo chỉ đơn thuần để được tử đạo. Đúng hơn, Người chấp nhận “chén thánh” đau khổ vì thánh ý Thiên Chúa. Người sẽ “uống” chén ấy. Uống chén đau khổ nghĩa là chấp nhận bị phản bội, ruồng bỏ, phải đau khổ và phải chết. Vì chúng ta mà Đức Giêsu sẽ phải uống chén đã được dọn sẵn cho Người.

Đức Giêsu đã mượn hình ảnh biểu tượng bữa tiệc Vượt Qua để diễn tả cho các môn đệ biết những việc Người sắp thực hiện, đồng thời nói cho các ông biết những gì Người muốn các ông đáp lại. Vốn thuộc truyền thống của mình, các môn đệ hiểu được thế nào là bữa tiệc Vượt Qua: đó là lễ kỷ niệm dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ. Tại bữa ăn cuối cùng với Đức Giêsu, các môn đệ sẽ biết rằng Người là Đấng giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thiên Chúa đã dẫn đưa dân Israel đến bờ bến bình an; và giờ đây, dẫu nơi họ có muôn vàn khó khăn, nhưng chính Đức Giêsu sẽ dẫn họ đến bờ bến bình an trong “Vương Quốc của Cha Người”.

Đức Giêsu không xem việc bị bắt giữ và cái chết là kết thúc sứ mạng của Người ở trần gian. Thậm chí trong những lúc cùng cực nhất, Đức Giêsu vẫn hy vọng hướng về một trời mới đất mới cùng với Chúa Cha. Để uống chén mà Đức Giêsu đã ban tặng, chúng ta hãy củng cố và canh tân giao ước giữa chúng ta với Thiên Chúa, đồng thời hãy khấn hứa giữ trọn giao ước ấy.

Hạn từ “chén” xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong các bản văn Kinh thánh. Ví dụ, “chén an ủi” trong sách ngôn sứ Giêrêmia (16,7). Các thánh vịnh thường nói về việc nâng “chén chúc tụng”, “chén cảm tạ” sau khi nhận được ơn trợ giúp (Tv 16,13). Tin Mừng Mátthêu (20,22) thuật lại rằng: chủ nhà đổ đầy chén thực khách, và như vậy, mỗi chén ám chỉ về phận vụ của mỗi người. Thánh vịnh (75,9) diễn tả về “chén đầy mùi vị đắng cay.” Mỗi chén này, và còn nhiều chén khác, đều là những chén biểu tượng (x. John L.Mckenzie, S.J., “Từ điển Kinh Thánh”, nxb Bruce, New York, 1965).

Trong Tin Mừng thánh Máccô (15,22), chúng ta đọc thấy rằng: “và tất cả đều uống chén này.” Nhưng trong Tin Mừng thánh Mátthêu, Đức Giêsu đưa ra lệnh truyền: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống.” Một lần nữa, thánh sử Mátthêu muốn diễn tả việc Đức Giêsu luôn nắm quyền chủ động trong tất cả các việc. Người đang mời gọi chúng ta cùng chia sẻ định mệnh của Người. Đây là “máu giao ước” (Xh 24,8), một hình ảnh nhắc nhở về việc ông Môsê ký giao ước với Đức Chúa và rảy máu của động vật trên dân. Giờ đây, máu “sẽ được đổ ra cho tất cả.” Người Tôi Tớ của Thiên Chúa sắp chịu đau khổ và Người chấp nhận chén đắng ấy vì chúng ta. Điểm tập trung chính, vốn là những gì mà Đức Giêsu đã, đang, và còn tiếp tục thực hiện, đó là tha thứ tội lỗi (1,21; 6,12; 9,6). Chúng ta có nhận lấy cùng chén ấy không? Thánh Mátthêu còn thêm rằng: “để nhiều người được tha tội.”

Việc uống chén cứu độ cũng nhắc nhở chúng ta rằng, trong tương lai, chúng ta cùng với Đức Giêsu uống “sản phẩm của nho này” nơi bàn tiệc Thiên Quốc. Cho đến khi thời điểm ấy đến, “giờ đây” Đức Giêsu phải chịu đau khổ. Mọi sự sẽ được hoàn tất vào một ngày nào đó; song điều ấy vẫn chưa xảy ra. Vì thế, chúng ta uống chén này để tưởng nhớ cuộc khổn nạn của Đức Giêsu và lời hứa về một sự hoàn tất trong tương lai.

Khung cảnh là bữa ăn Vượt Qua; một bữa ăn được gia đình và những người thân yêu cùng chia sẻ. Đức Giêsu đã nhiều lần dùng bữa cùng các bạn hữu, tội nhân và những người bị ruồng bỏ, và đây là bữa ăn cuối cùng của Người với các môn đệ. Đức Giêsu thiết lập mối dây liên kết với những ai đồng bàn với Người. Chúng ta không nên cảm thấy xấu hổ hay e thẹn khi đồng bàn với Người. Chúng ta giơ tay cầm lấy chén để uống, không phải vì chúng ta là những môn đệ hoàn hảo, nhưng vì chúng ta là những kẻ đang khao khát chén này. Chúng ta muốn sống một cuộc đời mà Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta đón nhận lấy, song chúng ta cần sự trợ giúp của Người. Vì vậy, chúng ta phải uống Chén Máu mà Đức Giêsu đã đổ ra cho chúng ta được ơn tha thứ và chữa lành.

Chúng ta được nhắc nhớ về giao ước giữa chúng ta với Đức Kitô tại bữa tiệc Vượt Qua này. Bữa tiệc đó bảo đảm cho giao ước không gì có thể phá vỡ được. Tất nhiên Thiên Chúa không bao giờ vi phạm giao ước. Nếu chúng ta tham dự bữa tiệc, khi đó chúng ta sẽ nhớ về chén thánh, nhớ về những giọt máu đã được đổ ra vì ơn tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Ơn tha thứ đã được ban, và chúng ta lại uống chén ấy.

Trong câu chuyện, Đức Giêsu là Đấng trung tín, tất nhiên không như ông Giuđa thất tín, và ông Phêrô quá tự tin. Đức Giêsu thể hiện sự trung tín bằng việc nhận lấy và uống chén đó. Chúng ta cũng hãy tiến đến mà uống, để diễn tả niềm khao khát được bước theo con đường của Đức Giêsu, cho dù phải trả bất cứ giá nào. Chúng ta hãy cầm lấy chén, chén đó giúp chúng ta sống qua được khát vọng để trở nên những môn đệ của Đức Kitô, trong niềm mơ ước cũng như trong hành động.

Đã bao lần và trong những dịp nào thì chúng ta nâng cao “chén rượu” và hứa hẹn nhiều điều? … Thưa rằng, có thể đó là những dịp: sau một đám tang, chúng ta hứa sẽ tưởng nhớ người mới qua đời, đồng thời an ủi những người bị mất người thân; tại một bữa tiệc cưới, khi cha mẹ hoặc các thực khách cùng nâng ly chúc mừng đôi tân hôn với những hứa hẹn về cả những niềm vui, và những hy sinh đang ở phía trước; khi được tin một đứa trẻ vừa chào đời, một người bạn vừa tốt nghiệp cao đẳng hay trung học; trong Đêm Giao thừa khi chúng ta tạm biệt năm cũ và hy vọng những điều tốt đẹp nhất trong năm mới; ở một bữa ăn đặc biệt khi chúng ta cầu hôn; hoặc để mừng một đứa con trai hay con gái từ chiến trường trở về, v.v…

“Chén” mà chúng ta chia sẻ nói rất nhiều về việc tạ ơn, sự trợ giúp, niềm vui, hy vọng, hiệp thông và tất nhiên cả sự hy sinh nữa. Chúng ta không xa lạ gì với những ý nghĩa trên đây. Khi hiệp thông Thánh Thể hôm nay, ý thức sự cần thiết của việc cử hành này và cụ thể những hy sinh của mình, chúng ta cầm lấy chén mà uống để tưởng nhớ và hy vọng.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Để lại một bình luận