CN III MCA: Một cuộc gặp gỡ đổi đời…

Một cuộc gặp gỡ đổi đời…

CN III MCA: Một cuộc gặp gỡ đổi đời…Hai tuần của Mùa Chay đã trôi qua. Hôm nay, (23/03/2014) chúng ta bước vào tuần thứ III Mùa Chay.

Với tuần thứ nhất Mùa Chay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, Giáo Hội cho chúng ta thấy hình ảnh một Đức Giê-su kiên cường bất khuất trước những cám dỗ của Xa-tan, để rồi cuối cùng Ngài đã đắc thắng những cơn cám dỗ đó.

Với tuần thứ hai Mùa Chay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được chiêm ngắm vinh quang của Đức Giê-su, qua sự biến hình uy nghi trên núi Tabor, “dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

Với tuần thứ ba ư! Vâng, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, hình ảnh “Thiên Chúa là tình yêu” được tỏ lộ, tỏ lộ qua  Đức Giê-su, trong một cuộc gặp gỡ rất đời thường, một cuộc gặp gỡ tưởng như chỉ là thoáng qua, nhưng nó đã để lại một dấu ấn khó phai mờ, một dấu ấn “đổi đời” nơi những người được gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ đó được ghi lại trong Tin Mừng Gioan với tiêu đề “Đức Giê-su tại Samari”. (Ga 4, 5-42)

Tin Mừng thánh Gioan thuật lại rằng: Hôm ấy, Đức Giêsu “đến một thành xứ Samari, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Giacop đã cho con là ông Giu-se.  Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. (x.Ga 4,6).

Vâng, thật tình cờ… “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”. Rồi chỉ là những trao đổi rất đời thường giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Samari. Thế nhưng, chính những trao đổi tưởng như thường tình đó, đã làm cho người phụ nữ Samari đi từ ngạc nhiên đến thán phục và rồi bị chinh phục bởi những lời thốt ra từ Đức Giêsu.

Làm sao không ngạc nhiên cho được! Là người Do Thái, thế mà Đức Giê-su đã không ngần ngại xin một người phụ nữ Samari “chút nước uống”. Đó là môt điều cấm kỵ, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari.

Làm sao không thán phục cho được! Chỉ là một kẻ xa lạ, mới chỉ là cuộc gặp gỡ lần đầu, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái lý lịch đen tối của chị ta rằng “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4, 18).

Kết thúc cuộc gặp gỡ, người phụ nữ Samari hoàn toàn bị chinh phục bởi những lời tuyên phán của Đức Giê-su. Chuyện kể rằng: “Người phụ nữ… vào thành và nói với người ta: Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Không dừng ở đó, người phụ nữ Samari còn nói tiếp rằng: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”(x. Ga 4,28) Vâng, có thể kết luận rằng; cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ Samari và Đức Giê-su chính là “một cuộc gặp gỡ đổi đời”.

***

Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su tại Samari”. Hôm đó, Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.

Phải chăng, chị Samari này nghĩ rằng “nước hằng sống” chính là loại nước chị ta dùng hằng ngày? Có phải thế, nên chị ta đã không ngần ngại xin Đức Giêsu “thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”?.

Cứ cho là chị ta nghĩ như thế! Vâng, thật đáng cảm phục về lòng tin của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu. Chưa biết Đức Giêsu là ai, thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.(x. Ga 4,  14).

Nghĩ về hành động của chị Samari, thật phải đạo khi chúng ta tự hỏi: còn tôi, đức tin của tôi có đủ để tin vào những lời Đức Giê-su đã phán dạy rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”? (x.Ga 7, 37)

Nếu chúng ta tin… Vâng, thánh Phaolo khẳng định rằng: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay…”(Rm 5,2).

****

“Thứ nước ấy – nước hằng sống”, có bao giờ chúng ta tự hỏi, đó là thứ nước gì? Thưa,  “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào người sẽ lãnh nhận” (x. Ga 7, 39)

Thế nên, hãy nhớ, nước hằng sống, chính là nước Thần Khí, một thứ nước không cần dùng “gầu” để múc, không cần dùng “vò” để đựng, mà cần một cử động của tâm hồn, mở tâm hồn ra, đón nhận mạch nước của Thần Khí: mạch nước bác ái, mạch nước nhẫn nhục, mạch nước nhân hậu, mạch nước từ tâm… trung tín… hiền hoà và tiết độ. 

Chính những mạch nước này mới có thể thoả lòng những cơn khát tình yêu: tình yêu gia đình, tình yêu vợ chồng, tình yêu tha nhân.

Cho nên, đừng để quá trễ cho một phút hồi tâm, trở về trong thinh lặng với lời tự hỏi: “Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm, sáu mươi năm tin Chúa, thế nhưng, chúng ta đã bao nhiêu lần xin Ngài “thứ nước ấy – nước Thần Khí – để tôi hết khát”?

Hay chúng ta luôn bận rộn bên những bờ-giếng-trần-gian, nơi cung cấp cho chúng ta thứ nước càng uống lại càng khát… khát quyền lực, khát dục vọng, khát tiền tài? 

“Phù vân”! Cohelet nói: “Tất cả chỉ là phù vân…. Thú vui trần gian ư! Nhà cửa, bạc vàng và vật quý ư! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người… Tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 2,11)

Thưa Bạn, một câu hỏi chót, Bạn đã có mạch-nước-của-Thần-Khí sống trong tâm hồn Bạn? Nếu có, đừng quên lời khuyên của thánh Phao-lô: “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước”, thánh nhân nói tiếp rằng: “Đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (x.Gl 5, 25-26).

Vâng, chỉ khi nào chúng ta thực thi đúng những điều thánh Phao-lô khuyên bảo, khi đó, bất cứ cuộc gặp gỡ nào của ta với tha nhân, có phần chắc, cuộc gặp gỡ đó sẽ là “một cuộc gặp gỡ đổi đời”. 

petrus.tran 

Để lại một bình luận