Lời Chúa đắc thắng cơn cám dỗ…
Như một vòng tuần hoàn, hôm nay, chúng ta lại bắt đầu bước vào Chúa Nhật thứ nhất mùa chay. Theo truyền thống, mùa chay được bắt đầu với một thánh lễ, chúng ta quen gọi là lễ tro.
Khác với những thánh lễ thường ngày, lễ tro có một nghi thức đặc biệt, đó là nghi thức xức tro.
Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc nhất trong thánh lễ. Họ tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những lời ca u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro… ”.
Những lời ca đó, gợi cho chúng ta nhớ lại lời tuyên phạt của Thiên Chúa, “ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”, với nguyên tổ Adam và Eva, sau khi hai ông bà gục ngã trước sự cám dỗ của Xa-tan.
Xa-tan, còn được gọi là “tên cám dỗ”, đã du nhập sự cám dỗ đến cho con người. Theo thời gian, sự cám dỗ trở thành một căn bệnh trầm kha, nó đeo bám suốt chiều dài lịch sử con người.
Thì đây, con cái loài người cũng vì bị cám dỗ muốn “làm cho danh ta lẫy lừng” nên đã trở nên hỗn loạn “không ai hiểu ai nữa” (x.St 11, 4…7). Nặng ký nhất là David. Được mang danh hiệu là vua thánh, thế nhưng ông ta cũng không thể thoát khỏi sự cám dỗ, ông ta đã ngã gục trước một Bát-se-va trẻ trung xinh đẹp.
Và hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi vòng kiềm toả của sự cám dỗ. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.
Có những cơn cám dỗ hết sức nhẹ nhàng làm cho ta mất phương hướng không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật, cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong lôi thẳng chúng ta xuống tận cùng địa ngục.
Có thể nói, càng thêm tuổi, sự cám dỗ càng nhiều, nhiều đến độ, ông Gióp, một nhân vật trong Cựu Ước, đã nhận định rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.
Trong nhiều nỗ lực, con người tìm đủ mọi cách để vượt qua sự cám dỗ. Thế nhưng, trước sự yếu đuối, con người, vẫn cứ làm-điều-không-muốn-làm, còn điều-muốn-làm-lại-không-làm… để rồi suốt một kiếp người, con người cứ phải thở than: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”
Thánh Phaolô, với sự từng trải, ngài có lời đáp, rằng “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25). Tác giả sách Do Thái cũng mạnh mẽ xác quyết “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18)
Thật vậy, Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Và chính trong những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để “đắc thắng cơn cám dỗ”.
**
Về những cơn cám dỗ mà Đức Giê-su đã phải đối diện, tin mừng thánh Mat-thêu ghi lại rằng: hôm đó, Đức Giê-su “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa… ”. Vào hoang địa, Ngài sống một cuộc sống chay tịnh “ròng rã bốn mươi đêm ngày”, sống chay tịnh bốn mươi ngày không phải là để “giảm cân” nhưng là để từ bỏ những ước muốn thuộc thể mau hư nát, bằng những ước muốn thuộc linh trường tồn vĩnh cửu.
Hôm đó, với thân phận là một con người, Đức Giêsu đã bước vào một cuộc chiến, cuộc chiến giữa chính và tà, giữa một bên là bả vinh hoa lợi lộc và quyền lực trần thế mà Xa-tan đem ra “cám dỗ”, đối nghịch với bên kia là một Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa duy nhất và một Thiên Chúa chống cự kẻ muốn thử thách lòng Người.
Bước vào cuộc chiến, Xa-tan đã sử dụng chiến thuật “xa luân chiến” với ba cơn cám dỗ luân phiên hòng đưa Đức Giêsu vào mê hồn trận.
Cám dỗ thứ nhất, Xa-tan đã điểm ngay tử huyệt mà con người thường vấp phải, đó là đói thì ăn và khát phải uống. Hôm đó, khi thấy Đức Giê-su đói, chuyện kể rằng “tên cám dỗ đến gần Người và nói: nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi” (Mt 4, 3)
Cám dỗ thứ hai, Xa-tan đã “đem Người vào thành thánh và đặt Người trên nóc nhà thờ…”. Vâng, nếu được hỏi… nếu được hỏi Xa-tan làm nghề gì? Có lẽ chúng ta sẽ cho rằng, y làm ông bầu gánh xiếc. Tại sao lại đoán như thế! Xin thưa, bởi, đem Đức Giê-su đặt Người trên nóc nhà thờ, Xa-tan muốn Đức Giêsu biểu diễn màn “nhào lộn trên không” qua lời thách đố rằng “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”.
Đến cám dỗ thứ ba, Xa-tan đã “đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ, cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, nếu ông xấp mình bái lạy tôi” (Mt 4, 8-9)
***
Ba lời dụ dỗ được Xa-tan nguỵ trang kín đáo bằng những lời phỉnh nịnh “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Ba lần dụ dỗ được Xa-tan lấp liếm bằng những trích đoạn kinh thánh đầy ngô nghê “vì đã có lời chép rằng” v.v… và v.v… Vâng, tất cả sự phô diễn đó đều không khuất phục được Đức Giê-su.
Truyền cho những hòn đá này hoá bánh ư! Đức Giêsu không phải là non-tay-ấn không thể dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh”. Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.
Đói ăn, đói mặc ư! Đừng sợ. Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Vâng, hôm đó, bằng một trích đoạn Kinh Thánh, Đức Giêsu đã bẻ gẫy những lời dụ dỗ của Xa-tan. Trích đoạn đó được chép rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”.
Đúng vậy, sau này, chỉ một cử động của tâm hồn “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng”, Đức Giê-su đã hoá “năm cái bánh và hai con cá” cho năm ngàn đàn ông không kể đàn bà và trẻ con ăn no nê.
Tới cám dỗ tiếp theo, thách thức Ngài đứng đây mà gieo mình xuống ư! Không, Đức Giêsu đến thế gian không phải để mở trường dạy những trò ảo thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Xấp mình bái lạy Xa-tan ư! Vâng, đó là việc không tưởng. Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”. Con là Con của Cha… có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người. Con là Con của Cha thì “phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Xa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn hô biến nhuốm mùi “mãi võ Sơn Đông”.
Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời khiêu khích của Xatan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung. Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một trường “dạy Kinh Thánh”.
Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là Sự thật và là Sự sống”; và một khi con người bước đi trên con Đường của Sự Thật và Chân Lý, có lẽ nào Thiên Chúa lại không truyền cho “Thiên Sứ gìn giữ Bạn”! Có lẽ nào Thiên Sứ lại không “tay đỡ tay nâng”!
Nói tắt một lời, qua những cơn cám dỗ đó, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc, rằng “Lời Chúa” chính là vũ khí, chính là sức mạnh, để con người “đắc thắng cơn cám dỗ”.
****
Kết thúc cuộc “so găng” giữa Đức Giê-su và Xa-tan, trình thuật Tin Mừng thánh Mat-thêu ghi lại rằng: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người”.
“Hầu hạ”… Vâng, tưởng chúng ta cũng nên biết hai chữ hầu hạ, theo nguyên ngữ, có nghĩa là “hầu bàn”, tức là, sau khi quỷ bỏ đi, các sứ thần tiến đến dọn thức ăn cho Đức Giê-su.
Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, trước là để chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa không để con người đói ăn, nếu con người biết “đói lời Thiên Chúa”, sau là để chúng ta nhìn lại cuộc đời Ki-tô hữu của mình và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sự hiểu biết “Lời Chúa” của chúng ta có đủ để chúng ta chống lại cơn cám dỗ của Xa-tan?
Tại sao sự hiểu biết “Lời Chúa” lại cần thiết cho việc chống lại cơn cám dỗ của Xa-tan? Vâng, về điều này, thánh Phao-lô nói: “Lời Thiên Chúa” chính là “gươm của Thần Khí” (Ep 6, …17).
Quan trọng hơn, “Lời Chúa” cho chúng ta biết, bả vinh hoa lợi lộc, quyền hành lẫn quyền lực, cùng với “dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt… tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian…” Mà, như Lời Chúa nói: “thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó” (x.1Ga 2, 17)
Hãy trở lại câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ. Vâng, với ba lần trích dẫn “Lời Chúa”, Ngài đã hạ “nốc ao” tên cám dỗ.
Thưa bạn, bạn có nhớ ba trích dẫn “Lời Chúa” đó không? Nếu có, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8). Bởi vì, khi Lời Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, bất cứ một tên cám dỗ nào bén mảng đến gần chúng ta, hãy tin, gươm-của-Thần-Khí sẽ giúp chúng ta “đắc thắng cơn cám dỗ”.
Petrus.tran