Đức Giêsu chịu cám dỗ, nhưng không bị khuất phục
St 2,7-9;3,1-7; Tv 51; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quý vị,
Chúng ta không phải là chiếc máy vi tính với những chương trình đã được cài đặt sẵn. Thiên Chúa có thể dựng nên chúng ta theo cách thức “cỗ máy được mặc định” để chúng ta luôn đưa ra những quyết định đúng đắn trong suốt cuộc đời. Nếu là đấng tạo hóa, có lẽ chúng ta đã thiết kế nhân loại theo cách đó. Chắc chắn sẽ làm nên một thế giới gọn gàng hơn, ít mâu thuẫn và ít đau khổ hơn. Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên chúng ta theo cách thức đó. Ngay từ thuở ban đầu, Người đã ban cho chúng ta quyền tự do lựa chọn.
Ghi nhận về những nỗ lực của con người cho thấy không phải lúc nào chúng ta cũng sử dụng tốt tự do mà Thiên Chúa đã ban cho. Có những cá nhân và cộng đoàn tỏa sáng như ngọn đèn giữa đêm tối. Tong khi đó, có những người chỉ mải mê chạy theo lợi lộc và chức quyền, nên đã gây ra xung đột và đau khổ cho phần lớn nhân loại.
Đoạn giữa của trình thuật bài đọc Cựu ước hôm nay nói đến “cây cho biết điều thiện điều ác.” Cây đó không xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trong Kinh Thánh. Nhưng có những dấu vết của nó trong câu chuyện cám dỗ, và cây thập giá xuất hiện ở phần cuối các sách Tin Mừng. Trong trình thuật của sách Sáng Thế, “cây cho biết điều thiện điều ác” ngụ ý rằng nếu con người chọn sống theo lệnh truyền của Thiên Chúa thì họ sẽ được hạnh phúc; còn nếu chọn đi ngược lại với huấn lệnh của Thiên Chúa, thì kết cục thật bi thảm. Quả thật, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền lựa chọn.
Ông Ađam và bà Evà không lựa chọn một cách khôn ngoan. Hai ông bà ham muốn quyền năng và không vâng lời Thiên Chúa. Sự bất tuân đó đã cắt đứt mối dây bằng hữu thân tình trước đây giữa họ với Thiên Chúa. Hai ông bà muốn có được điều từng ao ước, và khi muốn như thế thì sự bất tuân đã khiến họ hóa ra không còn thân thiện với Thiên Chúa nữa. Tiếp đó, ông Ađam đổ lỗi cho vợ mình về điều họ đã làm, và thế là sự bất tuân cũng khiến cho ông bà trở thành xa lánh nhau. Hoàn cảnh “sa ngã” của hai ông bà đâu phải là do Thiên Chúa đã định từ khi tạo dựng nên họ. Điều đã xuất hiện trong vườn Địa Đàng khi xưa sẽ để lại âm hưởng trong suốt Kinh Thánh, đó là: lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với con người; sự khước từ ân sủng và vong thân đã cắt đứt mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Cuối cùng: nếu chúng ta lựa chọn một thứ tự do ảo tưởng thì ắt sẽ dẫn đến tình trạng nô lệ.
Trình thuật về ông Ađam và bà Evà là một câu chuyện đầy tính huyền thoại. Thực tế có diễn ra những điều mà câu chuyện ấy kể hay không? Thưa rằng, không. Nhưng đó vẫn là một câu chuyện rất đúng, bởi nó phản ánh trong suốt dòng lịch sử nhân loại cho tới thời đại ngày nay. Tự do lựa chọn nằm ở ngay giữa khu vườn tâm hồn chúng ta, và chúng ta thường chọn vì những lợi ích cá nhân. Chúng ta muốn có quyền năng, và đó là cây ở chính giữa khu vườn tâm hồn, cứ thế chúng ta lại ra sức hái quả cây đó mà ăn.
Trong câu chuyện Ađam và Eva, người Kitô hữu chúng ta đã biết trước cuộc nhập thế của Đấng được Thiên Chúa xức dầu là Đức Kitô, Đấng ấy đã từ bỏ ham muốn quyền lực, thay vào đó, Người lựa chọn con đường phục vụ và hiến thân vì tha nhân. Cây của Đức Kitô chính là cây thập giá, cây đó ở giữa khu vườn tâm hồn chúng ta, và hoa trái của cây đó là tình yêu Thiên Chúa, cây này thôi thúc ta chọn lựa yêu thương, và giống như Đức Giêsu, hiến thân mình cho tha nhân.
Trong thư gửi giáo đoàn Rôma hôm nay, thánh Phaolô nhắc chúng ta về hệ quả tội Ađam, đó là “nhiều người phải chết…sự chết đã thống trị.” Thánh Phaolô cũng tóm gọn tin mừng, sứ điệp về điều Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta, đó là: “Nếu chỉ vì một người duy nhất sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, sẽ được sống và thống trị.”
Thánh Mátthêu viết Tin Mừng cho cộng đoàn Kitô hữu hầu hết là người Do Thái và bởi thế, trình thuật của tác giả thường nhắc lại những biến cố trong lịch sử Do Thái. Chẳng hạn như: con số “40 ngày và 40 đêm” đã xuất hiện nhiều lần trong Cựu ước. Mưa ròng rã 40 ngày đêm suốt kỳ hồng thủy, dẫn đưa ông Noê, gia đình và thú vật ra khỏi tội lỗi; ngôn sứ Êlisa ăn chay 40 ngày đêm trong sa mạc; ông Môsê ăn chay 40 ngày đêm trên núi Sinai trong lúc viết Thập Điều; dân Israel đi bộ qua sa mạc 40 năm trường lại thường xuyên thất tín trong việc giữ giao ước với Thiên Chúa. Hôm nay, được Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu cũng vào trong sa mạc ăn chay 40 đêm ngày, rồi chịu cám dỗ, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa và đường lối của Người.
Tên quỷ đề nghị Đức Giêsu dùng quyền năng để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của Người. Đó là một cám dỗ chúng ta thường thấy các quan chức thành phố và quốc gia sai phạm. Đức Giêsu không màng đến những nhu cầu cá nhân của Người, chính Thiên Chúa sẽ lo liệu điều đó. Sứ vụ của Đức Giêsu là nhắm tới những điều quan trọng hơn và Người tập trung hết năng lực của mình để thi hành sứ vụ đó, chứ không phải là những nhu cầu cần thiết và căn bản như lương thực hằng ngày.
Để chu toàn sứ vụ, Đức Giêsu sẽ chịu sỉ nhục, đau khổ và chịu chết. Tên quỷ dụ dỗ Đức Giêsu rằng: nếu Người là Đấng được Thiên Chúa yêu mến thì Thiên Chúa sẽ bảo vệ Người khỏi mọi điều nguy hại. Đau khổ có thể khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa. “Nếu Thiên Chúa thực sự yêu thương tôi, tại sao tôi lại lâm vào nỗi khốn khổ thế này?” Suốt hành trình sứ vụ của mình, Đức Giêsu luôn tín thác vào Thiên Chúa và Người không dùng quyền năng để giữ cho mình được an toàn cũng như để thoát khỏi mọi khổ đau.
Tuy nhiên, dẫu rằng Đức Giêsu không dùng quyền năng vì những lợi ích riêng tư, hoặc để lôi kéo dân chúng đến với sứ vụ của Người, thì ít nhất Người có thể dùng quyền năng để chu toàn sứ mạng bằng cách sắp đặt trật tự mức ảnh hưởng, uy tín và sức mạnh của các vương quốc trần gian. Đức Giêsu từ chối luôn cả cơn cám dỗ cuối cùng này. Nước Thiên Chúa mà Người đến để loan báo sẽ không chấp nhận quyền lực và những đường lối lãnh đạo của các quốc gia; nhưng Nước đó sẽ là “những hạt cải khởi đầu”, như nắm men, chúng âm thầm và tinh tế tác động để làm dậy men cả thế giới.
Chúng ta tin tưởng vào quyền năng nào? Dù với mục đích cao thượng, giải quyết mọi vấn đề trong chương trình nghị sự mà không lắng nghe người khác góp ý về những phương tiện khác nhau để hoàn thành, thì liệu chúng ta có bị cám dỗ hay không? Thậm chí tại một cuộc họp hội đồng Giáo xứ, trong khi cùng nhau thảo luận những kế hoạch thuận lợi, liệu chúng ta có thật sự biết lắng nghe người khác chăng?
Chúng ta sẽ học được nhiều điều nơi Đức Giêsu khi biết tuân theo chỉ dẫn của thánh Mátthêu trong những Chúa Nhật suốt năm phụng vụ này. Trong Tin Mừng hôm nay, cảnh cám dỗ bắt đầu mặc khải cho chúng ta biết về Đức Giêsu. Những cơn cám dỗ này sẽ kéo dài suốt hành trình sứ vụ, tới khi Người từ chối vâng theo các quyền lực hoặc không cộng tác với chúng, thì chúng nổi cơn thịnh nộ với Người. Đức Giêsu vẫn không sử dụng quyền năng của mình để tạo ấn tượng, thu hút dân chúng; Người sẽ không thực hiện phép lạ để làm cho những ai cần đến phép lạ tin vào mình, và những việc chữa lành của Người là dấu hiệu của sự sống, chứ không phải là phô trương sức mạnh.
Đức Giêsu dạy chúng ta đừng khuất phục trước những quyền lực thế gian, đừng để cho các thủ lãnh của chúng chiếm lĩnh tâm trí chúng ta. Bởi lẽ, các thực tại chính trị không phải là vương quốc của Thiên Chúa. Bây giờ là thời thống trị của Thiên Chúa, nhưng nó hướng chúng ta vươn xa hơn lịch sử. Khi nhận biết Đức Giêsu đã khước từ loại quyền lực nào, chúng ta hãy lựa chọn sống một cuộc đời giống như Người. Chúng ta được mời gọi thực hiện điều Đức Giêsu đã đòi hỏi nơi các môn đệ là: “Hãy theo Thầy.”