Hãy trở thành chứng nhân trong triều đại mới!
Hc 15,16-21; Tv 118; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quý vị,
Chúa Nhật tuần qua, tuần nay và hai tuần tới (Tuần VII và VIII thường niên) chúng ta đều có những bài Tin Mừng được chọn ra từ Bài Giảng trên Núi. Một lần nữa, chúng ta cần nhắc nhở chính mình về cách thức Bài Giảng khởi đầu: với những hạnh phúc từ Tám Mối Phúc Thật – tựa như Mười Điều Răn đã được khai mở trước đó qua lời tuyên phán. Nguồn động lực trong Kinh Thánh được nhắc đi nhắc lại rằng: ân sủng luôn đi bước trước lệnh truyền.
Trong phạm vi Bài Giảng này, chúng ta nghe về những chỉ dẫn cùng với các minh họa. Những người môn đệ như chúng ta đều được trao ban những đường đi lối bước để sống xứng đáng đời Kitô hữu. Những đường lối đó không phải là các luật lệ khắt khe, nhưng là một lời mời gọi để chúng ta cố gắng noi theo Đấng đang dạy bảo chúng ta về những giáo huấn đó. Hãy nhớ rằng chúng ta không phải là những người chưa hề nghe Tin Mừng. Thánh Mátthêu và các tác giả sách Tin Mừng khác đã viết Phúc Âm cho những người thực sự đón nhận tin mừng và hiện tại đang nỗ lực sống với tin mừng đó.
Bài Giảng nhắc nhở chúng ta về sự dấn thân theo Đức Giêsu, và chỉ dẫn chúng ta sống theo đường lối Người. Chúng ta đang ở trong phần đầu của Bài Giảng, và Đức Giêsu khẳng định giá trị của Lề Luật. Đức Giêsu khẳng định rõ ràng: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là “để kiện toàn Luật Môsê và lời các ngôn sứ,” – đặc biệt khi luật đó bàn đến việc quan tâm người nghèo khổ và sống đúng phẩm giá con người. Cùng với ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ và kiện toàn sức mạnh của Luật Môsê. Qua Luật Môsê và lời các ngôn sứ, Thiên Chúa hướng dẫn dân Người tuyển chọn. Bấy giờ cộng đoàn các môn đệ, những ai được Đức Giêsu tuyển chọn, sẽ làm chứng cho sự hoàn thiện của Luật Môse nhờ đời sống gương mẫu của họ.
Thánh Mátthêu viết Tin Mừng cho những Kitô hữu gốc Do Thái và dân ngoại mới cải đạo vào cộng đoàn đức tin. Người hướng dẫn họ sống theo những đường lối để phản chiếu sự hoàn thiện của Luật Môsê. Các giáo huấn trong Bài Giảng không chỉ đơn thuần là danh sách “những điều” mà các Kitô hữu phải thực hiện để lấy lòng Thiên Chúa. Nên nhớ rằng Bát Phúc nhắc nhở chúng ta là những người được chúc phúc, nên chúng ta có thể sống một cuộc đời công chính mà Đức Giêsu đã khai mở trong Bài Giảng.
Đức Giêsu nêu lên những gương sống công chính cao hơn của các môn đệ sẽ tương tự như thế. Người đưa ra một loạt những tuyên bố đối chọi nhau: “Anh em đã nghe… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Trước hết, chúng ta đã nghe Luật dạy, còn Đức Giêsu thì thêm lời của Người vào Luật đó, và áp dụng lời dạy của Người vào những hoàn cảnh cụ thể. Hôm nay chúng ta nghe một đoạn Tin Mừng dài. Đoạn Tin Mừng có đến sáu giáo huấn, một bài giảng như vậy thì quá nhiều. Người giảng thuyết có thể tập trung vào một giáo huấn thôi, tùy theo hoàn cảnh của cộng đoàn hoặc thời đại mà quyết định chọn giáo huấn nào cho phù hợp.
Nhưng có lối tiếp cận khác thì chú trọng vào điều gì liên quan đến các giáo huấn – nghĩa là quan tâm đến những mối tương quan với nhau. Do đó, ai giận dữ hoặc lăng nhục anh chị em mình thì sẽ bị đưa ra tòa. Trong vương quốc mới của Thiên Chúa, vương quốc mà Đức Giêsu đã khai mở, chúng ta phải biết cư xử với nhau sao cho có lòng kính trọng. Cũng vậy, trong thời đại mới này, chúng ta không được làm cho các mối quan hệ vốn bị tổn thương lại còn thêm bưng mủ. Thậm chí chúng ta phải trì hoàn việc thờ phượng để đi làm hòa trước đã.
Có những hoàn cảnh mà đi tìm sự hòa giải và tha thứ thì cũng chẳng đem lại kết quả gì, lại còn không an toàn nữa là khác. Chúng ta nghe Đức Giêsu đưa ra điều lý tưởng. Nhưng điều lý tưởng đó không thể trở thành hiện thực ngay tức khắc được, nó cần thời gian và sự kiên nhẫn, thậm chí có khi hai bên cần bàn thảo với nhau để tìm ra hướng giải quyết. Hoặc có khi chẳng bao giờ giải quyết được điều gì. Trong khi đó, nghi thức hòa giải đầu Thánh Lễ vẫn diễn ra như một lời cầu nguyện để chữa trị trong cộng đoàn. Khi biết rằng mình được tha thứ và cũng nghe lời công bố tha thứ đó trong các đoạn văn Kinh Thánh, thì đó chỉ là việc trao ban sức mạnh, nên chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm những phương thế hòa giải với người khác.
Lời giáo huấn thì khá rõ ràng, còn những mối quan hệ bị rạn nứt hoặc căng thẳng thì cần phải giải quyết sao cho thấu tình đạt lý, để cho điều xấu xa không làm cho ra bưng mủ, hoặc không phải nói lời từ mặt nhau. Đến với buổi phụng vụ không phải vì chúng ta đã làm được công kia việc nọ, nhưng vì chúng ta muốn dâng mình cho Đấng công chính của Thiên Chúa, tức là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và muốn ngày càng trở nên giống hình ảnh của Đức Kitô hơn.
Bài Giảng tiếp tục công bố: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi.” Theo cách ứng xử của người Trung Đông, Đức Giêsu cường điệu lời tuyên bố để tạo ra điểm nhấn của mình. Người không biện hộ cho việc tự hủy hoại thân thể, nhưng nhấn mạnh cho ta biết sự cấp bách như thế nào để giữ được thứ tự ưu tiên. Đức Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ rằng, không được phạm tội ngoại tình trong hành động cũng như trong tư tưởng.
Vì người phụ nữ được xem như tài sản, nên lời dạy chống ly dị vợ là nhằm bảo vệ điều tốt nhất cho họ, bởi lẽ, một người phụ nữ bị ly dị thì sẽ trở thành kẻ ngoại tình hoặc thậm chí thành gái điếm vì họ sẽ lâm cảnh túng thiếu. Trong quan điểm của người Do Thái, khi người vợ đã “thuộc” về người chồng, thì người vợ ngoại tình sẽ vi phạm các quyền của người chồng. Nhưng một người đàn ông đã lập gia đình lại có thể quan hệ xác thịt với người phụ nữ chưa chồng, và điều đó không xem là ngoại tình.
Đức Giêsu cấm nguyền rủa và thề thốt điều gì, vì các môn đệ của Người phải sống liêm chính, nên không cần thiết phải thề thốt. Mọi người cứ nói thật là đủ rồi. Các môn đệ là những người có thế giá về tiếng nói nên không cần phải thề. Chúng ta có thể nhìn thấy lý tưởng cao trọng mà Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ của Người phải thực hiện – và nếu họ sống theo lối ứng xử Người mô tả, thì dân chúng sẽ biết được lối sống mới của họ rằng, luật cũ được hoàn thiện và thời đại mới đã bắt đầu.
Những người giảng thuyết cần phải cẩn trọng khi chúng ta giảng dạy giáo huấn từ đoạn văn Tin Mừng này, và những đoạn văn Tin Mừng khác nữa. Bởi lẽ, những người Kitô hữu như chúng ta theo lời giáo huấn của Đức Giêsu trong Tân Ước, nên có khuynh hướng trái ngược với những giáo huấn trong Cựu Ước, và một cách nào đó, dẫn chúng ta đến thái độ bài văn hóa Sêmít và Do Thái giáo. Chúng ta không muốn đưa ra cảm tưởng rằng Cựu Ước không còn vững chắc nữa. Thánh Mátthêu không dạy rằng Bài Giảng trên núi thay cho Luật Môsê và lời các ngôn sứ, nhưng thánh sử nói với chúng ta rằng Đức Giêsu là vị ngôn sứ của Thiên Chúa, Người đang công bố sự kết thúc thời đại này và khai mở một thời đại mới. Với Đức Giêsu, triều đại của Thiên Chúa đang đến để kiện toàn. Bây giờ Người đang tỏ bày sao cho các điều răn đó trở nên đầy đủ ý nghĩa.
Trong Tin Mừng tuần rồi, và Tin Mừng tuần này nối tiếp, Đức Giêsu bảo các môn đệ của Người là “ánh sáng cho thế gian” và họ như một thành phố được xây trên núi. Người nói với cộng đoàn được chúc phúc rằng, đời sống chúng ta phải minh chứng sao cho mọi người thấy: Trong Đức Kitô, một thời đại mới đang đến, và chúng ta phải trở thành những chứng nhân cho bộ mặt của thời đại này thực sự hiện hữu trong thế giới. Nếu sống đúng như Đức Giêsu mời gọi, chúng ta sẽ trở thành bằng chứng vững chắc, mà thực tế, thời đại mới đã đến, và thời đại mới này sẽ nên trọn hảo khi Đức Kitô trở lại.
Hôm nay chúng ta sẽ nhận được của ăn và thức uống như chúng ta cần đưa máu thịt vào trong Bài Giảng trên Núi vậy. Tại bàn thờ này, chúng ta là cộng đoàn những người tin được nhắc nhớ rằng, chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc, và một lần nữa, được sai đi để sống triều đại mới mà chính Đức Giêsu đã loan báo.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.