Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh
Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40
Fr. Siciliano, op
Kính thưa quý vị,
Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa khái quát của ngày lễ hôm nay trong quyển “Cẩm nang dành cho nhà giảng thuyết, 2014 – Năm A” (Chicago: Liturgy Training Publications, tr.57). Thông tin này hướng ý cho chúng ta. Trước đây, ngày hôm nay được xem là ngày kỷ niệm Lễ Thanh Tẩy của Đức Trinh Nữ Maria và nhấn mạnh đến việc Đức Maria đã tuân giữ trọn vẹn đòi hỏi của luật Dothái về việc thanh tẩy sau khi sinh con. Ngày nay, chúng ta mừng kỷ niệm việc Đức Giêsu được dâng trong Đền Thờ. Việc tập trung được quy hướng về Đức Giêsu và xem như một cuộc hiển linh của Người. Nếu như trong lễ Hiển linh chúng ta cử hành việc Đức Giêsu tỏ mình ra cho các Đạo sĩ, là Dân ngoại, thì hôm nay khi được dâng trong Đền Thờ, Người đã tỏ mình ra cho chính dân tộc của Người.
Sự tiên đoán của ngôn sứ Malakhi về thời khắc mà “sứ giả” Thiên Chúa tỏ mình trong Đền Thờ là mạnh mẽ. Người sẽ xuất hiện “bất thình lình” và sứ mệnh của Người là để gây kinh hãi. Người sẽ đến như “lửa của người luyện kim” và như “thuốc tẩy của thợ giặt” để thanh tẩy và tinh luyện. Tại sao lại có sự xuất hiện kinh hãi này? Vì, khi dân trở về từ miền lưu đày và tái thiết lại Đền Thờ cũng như đất nước của mình thì họ lại chậm trễ trong việc bồi đắp nội tâm. Đời sống phụng tự của họ nghèo nàn và giới tư tế quá chểnh mảng (Mk 1,12-13;2,8). Dân được tuyển chọn nay đang trong tình trạng kiệt quệ về tinh thần. Nên chẳng ngạc nhiên gì khi ngôn sứ Malakhi (tên của ông nghĩa là “sứ giả của ta”) công bố một sứ điệp mạnh mẽ như thế về việc sứ giả của Thiên Chúa xuất hiện– đấng sẽ mang lại sự thanh tẩy và canh tân tinh thần. “Lễ vật của Giuđa và của Giêrusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước”.
Malakhi đã đến công bố một sứ điệp gay gắt và vì thế ông không được chào đón (Mk 3,12-14). Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì loan báo Lời của Thiên Chúa, như những vị ngôn sứ trước đây đã từng làm. Thông điệp khó nghe này vẫn cần thiết, nếu dân cần được thức tỉnh từ sự lạnh nhạt của họ đối với đường lối Thiên Chúa. Giữa đêm vắng, cơn gió thoảng mùa hè sẽ không thể đánh thức ta dậy nhưng sấm chớp thì có – đó cũng là trường hợp của ngôn sứ Malakhi, ông đã thấy dân đang mê ngủ và cố đánh thức họ dậy với những lời như sấm nổ chớp lòe.
Sách Malakhi là quyển cuối cùng trong Kinh thánh Cựu Ước. Đây có vẻ như không phải là một cách nhẹ nhàng để kết thúc một sứ điệp hùng hồn dành cho dân Dothái. Khi tôi còn là một thiếu niên và hay ngủ dậy muộn, mẹ tôi thường vào phòng lay chân tôi và lớn tiếng gọi tên tôi để đánh thức tôi dậy đi học. Tôi thường thức dậy cách uể oải – một cách nặng nề để khởi đầu ngày mới – nhưng như thế tôi mới khỏi bị trễ học! Tiếng gọi của ngôn sứ Malakhi là một tiếng la và một lời cảnh báo để thức giấc dân Israel khỏi tình trạng mê mệt tinh thần. Dòng cuối cùng, giọng khó chịu của ông lại là một ân sủng, cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Thiên Chúa hầu mời gọi chúng ta trở về vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Malakhi chuẩn bị cho dân đón nhận sự xuất hiện trong Đền Thờ cách thình lình của vị sứ giả để “thanh luyện”. Sứ điệp của ngài thực sự đã khiến chúng ta mong chờ, đúng không? Thông điệp ấy cũng khiến ta lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi vị sứ giả đến. Chúng ta cũng thắc mắc như Malakhi: “Ai sẽ chịu nổi ngày người đến…?”
Thánh Luca miêu tả sự xuất hiện trong Đền Thờ của Đấng được Thiên Chúa sai đến. Thật ngạc nhiên! Sứ giả của Thiên Chúa lại là một trẻ nhỏ! Khi chúng ta mong Thiên Chúa đến tàn phá và đập tan, xua đuổi và gây kinh hãi, vì những lý do chính đáng, thì Thiên Chúa lại khiến ta ngạc nhiên. Đó chẳng phải là một bản tóm lược toàn bộ Kinh thánh hay sao? Chúng ta chờ đợi những gì xứng với việc ta làm thì Thiên Chúa lại đến cứu giúp với sự tha thứ và trợ giúp kinh ngạc.
Ai sẽ nhận ra được sự xuất hiện hằng mong chờ này? Nhất là khi đấng phải đến lại xuất hiện không giống với những mô tả và sự mong đợi trước đây? Không phải là những tư tế hay những kẻ quyền cao chức trọng – nhưng là những bậc lão thành không ngừng cầu nguyện và chờ mong. Vì xã hội của chúng ta thờ phượng tại bàn thờ của những người trẻ và bỏ qua những người lớn tuổi, nên đây là dịp, trong tinh thần của bà Anna và ông Simêon, để tôn vinh những công dân trung thành, can đảm và khôn ngoan trong cộng đoàn chúng ta.
Đã bao năm các vị ấy đến nhà thờ? Đã bao lần các vị dạy con cái chúng ta; tự nguyện phục vụ những dịp lễ trong giáo xứ; chuẩn bị đồ ăn cho những tang gia đang đau buồn; gom tiền thau và quảng đại đóng góp trong những cuộc vận động cũng như dịp bác ái xã hội khác? Tôi có thể kể ra nhiều trang giấy về những việc trên. Tinh thần ngôn sứ của Anna và Simêon vẫn có ở nơi chúng ta, hãy mở đôi tai và cặp mắt để thấy những lần hiển linh đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa giữa chúng ta.
Simêon và Anna là ai? Quê quán họ ở đâu và đã theo học khóa thần học nào để chuẩn bị cho vai trò quan trọng của họ? Chúng ta không biết. Chắc chắn một điều là họ không thuộc về tầng lớp chức sắc trong Đền Thờ. Họ là con cái trung tín của Israel, những người hằng hướng nhìn lên Đức Chúa và không quên hành động ân sủng mà Thiên Chúa thực hiện cho con cái Israel. Họ học được từ Thiên Chúa. Thánh Luca cho ta biết Simêon được tràn đầy Thánh Thần; Anna “không hề rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”. Cả hai tượng trưng cho những người tốt nhất trong Israel, cả hai đều ở “mức cao độ” của việc cầu nguyện, tỉnh thức và hy vọng. Các ngài cho chúng ta biết rằng để nhận ra đường lối của Thiên Chúa thì phải trung tín và cầu nguyện không ngừng. Sự tận hiến cho Thiên Chúa của các vị ấy đã giúp họ sẵn sàng và mở lòng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.
Simêon đã tiên đoán chính xác việc một số người sẽ theo Đức Kitô và một số khác sẽ chống lại Người. Đây là câu chuyện của phần còn lại trong Tin mừng Luca. Việc chọn hay chống Đức Kitô là chọn lựa của chúng ta. Việc từ chối con của đức Maria sẽ là lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ.
Bà Anna là một điển hình khác về việc Thiên Chúa chăm sóc kẻ mọn hèn. Bà là một góa phụ nên phải phụ thuộc vào gia đình và người khác để có được cuộc sống bảo đảm; bà là một phụ nữ trong một xã hội trọng nam và bà lại lớn tuổi. Sự mong manh của bà được trình bày súc tích trong sự mô tả của Luca về bà. Nhưng, bà rất được chú ý. Bà kiên vững trong sự tín thác vào Thiên Chúa và là người đầu tiên loan báo ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Bà “cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Israel”.
Trong năm nay khi mà Giáo hội nhắc nhở mỗi chúng ta về vai trò truyền giáo, bà Anna có thể được xem như “bổn mạng của các nhà truyền giáo”. Đâu là vai trò của chúng ta như một nhà truyền giáo? Bà Anna cho thấy: chúng ta sẽ kiên trì trong lời cầu nguyện, dẫu cho khó khăn, tín thác vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, và khi cơ hội đến, thì hãy nói một lời minh chứng như bà Anna đã làm.
Một trong những giáo huấn hàng đầu trong thư Hippri là Đức Kitô là thượng tế. Giáo huấn này đi đôi với sứ điệp trình bày về sự tự hiến tế của Đức Kitô vì chúng ta. Chúng ta có thể hiểu tại sao đoạn thư này được chọn đọc trong ngày lễ hôm nay – Đức Giêsu được cha mẹ dâng vào Đền Thờ. Đức Giêsu không được sinh ra trong dòng tộc tư tế Lêvi, nhưng Người vẫn được gọi là tư tế. Thư Hippri dạy rằng Người vừa là của lễ hoàn hảo đền tội chúng ta, vừa là tư tế dâng chính mình Người như của lễ. Đức Kitô, tư tế của chúng ta đã cứu ta bằng cái chết, sự phục sinh và siêu thăng của Người. Đức Kitô đã mang lại sự tha thứ cũng như cho chúng ta được tiếp cận Thiên Chúa và hy vọng được sống đời đời.
Trong ngày lễ hôm nay, thư Hippri cho biết lý do Đức Kitô trở thành người. Theo như thư này, ma quỷ có quyền trên sự chết. Để giải thoát ta khỏi quyền lực ấy cũng như sự sợ hãi cái chết, Đức Kitô nên một trong chúng ta. Là con người, Người trở nên “vị thượng tế nhân từ và trung tín” cũng như hiến lễ “hầu đền tội cho dân”. Hôm nay, vị thượng tế của chúng ta đã tiến vào Đền Thờ và hai vị ngôn sứ cao tuổi đã nhận ra Người, loan báo việc Người ngự đến và lời hứa mà Người mang lại cho chúng ta.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.