Phép rửa của Đức Giêsu được công khai
Is 42,1-4.6-7; Tv 42; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quý vị,
Người Do Thái đã chờ đợi một thời gian rất lâu, khoảng vài thế kỷ, để theo đuổi những lời hứa mà Thiên Chúa đã thiết lập với họ. Một số dân thánh còn sót lại đã kiên cường trong niềm tin của mình, mặc dù bị thất bại thảm hại, đồng thời quê hương và những nơi thánh thiêng bị tàn phá và chịu lưu đày thê lương ở Babylon. Thêm vào đó, những tôn giáo đa thần bao vây và quyến rũ họ, nhất là giới trẻ, họ đã xa rời việc tin vào Thiên Chúa của Israel.
Ngày nay Đức Giêsu xuất hiện giữa một dân tộc chịu đau khổ triền miên. Họ đã đáp lại lời kêu gọi tiên tri của ông Gioan Tẩy Giả. Ngài mời gọi họ hãy sám hồi và chuẩn bị cho việc quang lâm mới của Thiên Chúa ở giữa họ. Câu chuyện về phép rửa của Đức Giêsu đã gợi lên lời tiên báo xa xưa mà Thiên Chúa đã phán qua ngôn sứ Isaia. Sự mô tả của thánh Mátthêu cho thấy rằng Đức Giêsu phải hoàn trọn vai trò người Tôi Trung Đau Khổ của Thiên Chúa. Giây phút đó thật cảm động: bầu trời mở ra, Thần Khí ngự xuống như chim bồ câu và đáp trên Đức Giêsu, đồng thời có tiếng nói về Đức Giêsu nhằm gợi lại người tôi tớ huyền nhiệm trong lời tiên báo của ngôn sứ Isaia.
Trong bài đọc một ngày hôm nay (đây là bài đầu tiên trong số bốn Bài Ca lớn của ngôn sứ Isaia về người Tôi Tớ), vị ngôn sứ mô tả người tôi tớ dịu hiền của Thiên Chúa, uy quyền của người được thể hiện nơi sự yếu đuối và người sẽ là “ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”
Đức Giêsu là Người Con yêu dấu, cuộc đời của Người sẽ phản ánh cuộc khổ nạn theo đường lối của Thiên Chúa, và chính Người sẽ biểu lộ Thần Khí (biểu tượng qua hình ảnh chim bồ câu ngự xuống), Thần Khí này như uy quyền của Thiên Chúa biến đổi nhân loại. Thậm chí khi sứ vụ của Đức Giêsu bị thất bại và Người lại chịu sỉ nhục và bị đánh đón trong cuộc Khổ nạn, thì Người vẫn tiếp tục được Thần Khí hướng dẫn và ban sức mạnh để tin tưởng vào Chúa Cha, Đấng hôm nay đã phán cho ta nghe và đón nhận lời Người: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngươi.”
Ngôn sứ Isaia hứa rằng người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, và dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” Chúng ta biết rằng các ngục tối không nhất thiết là những nơi cố định làm bằng bê tông cốt thép. Một số người trong chúng ta mang theo mình những ngục tối, cái ngục tối đó được diễn tả như là một “nhà tù di động” – bóng tối đi qua cuộc đời chúng ta từ trong dạ mẹ u sầu hoặc nơi người cha tranh đấu, giờ đây hướng đến bóng tối hiện tại của thế giới quanh ta.
Vì Đức Giêsu đã đến sông Jordan để chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn, nên ngày nay Người lại bước vào cảnh tượng đen tối và giam hãm của chúng ta. Đức Giêsu là Đấng được hứa ban cho chúng ta theo lời tiên báo của ngôn sứ Isaia, vì Người sẽ “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ.” Người đến những nơi ẩn khuất đã giam hãm chúng ta. Người cũng đến những nơi giam cầm cuộc đời chúng ta, và Người lại can thiệp vào những cách ứng xử bị cấm kỵ mà đôi khi chúng ta bào chữa bằng cách nói rằng: “Đó chỉ cách sống của tôi.” Không phải như một người cổ vũ đang đứng bên lề, Đức Giêsu đã xuống nước và chìm vào những nơi tối tăm mà chúng ta đang có mặt ở đó. Người giúp chúng ta đối diện với những bóng tối và những nơi ẩn khuất, đồng thời đưa chúng ta ro khỏi đó, vì chính Thiên Chúa đã hứa rằng, Người sẽ thực hiện điều đó cho chúng ta qua lời tiên báo của ngôn sứ Isaia.
Ngày nay phép rửa của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: qua việc lãnh nhận phép rửa, chúng ta được kết hiệp với Người. Tôi đoan chắc rằng hiếm người trong chúng ta suy nghĩ về phép rửa của mình. (Chúng ta có biết ngày mình được rửa tội không?) Qua phép rửa, chúng ta cùng chết với Đức Kitô, và nhờ đó được tái sinh trong một đời sống mới (x.Rm 6). Những người lãnh nhận phép rửa như chúng ta được sáp nhập vào thân thể của Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi và làm cho nên giống Đức Giêsu, Đấng mà thánh Phaolô nói rằng “quan tâm làm điều thiện.” Chúng ta không cần một cuốn sách luật chi tiết để biết hành động như thế nào trong mỗi hoàn cảnh của đời mình, nhưng nhờ phép rửa, chúng ta có được tình bằng hữu của Thần Khí Đức Giêsu, Đấng hiện thân sự khôn ngoan, niềm khích lệ và nguồn trợ lực để giúp ta làm điều thiện.
Đức Kitô đầy xứng đáng là Tôi Tớ của Thiên Chúa. Ngay sau khi lãnh nhận phép rửa, Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa. Phép rửa đó không đảm bảo cho Người một con đường suôn sẻ trong suốt cuộc đời; cũng chẳng đảm bảo cho chúng ta một lối đi êm ả. Ấy vậy, phép rửa lại có giá trị cho cuộc đời chúng ta, làm cho người tín hữu phải sống cuộc đời phục vụ như chính Đức Giêsu đã nêu gương.
Trong một vài nhà thờ mà tôi đã đi giảng, bình đựng nước thánh được đặt giữa lối đi chính, ngay tại lối vào nhà thờ. Thể nào quý vị cũng nhìn thấy nó. Tôi thường suy nghĩ như thế này, khi tôi nhúng ngón tay vào nước và đi quanh bình nước đó, thì vị trí của bình nước như là một sự nhắc nhở rằng, chúng ta tiếp tục đụng chạm vào phép rửa trong mình, và còn nhắc nhở ta suốt cuộc đời. Chúng ta không thể phớt lờ được. Bình nước thánh được đặt ở giữa nhà thờ là một sự nhắc nhở chúng ta biết bắt đầu hành trình đức tin như thế nào. Khi nhúng ngón tay vào nước và làm dấu thánh giá là chúng ta cũng được nhắc nhở rằng: phép rửa chỉ là khởi đầu lời mời gọi cho chúng ta hãy theo Đấng tôi trung của Thiên Chúa.
Thần Khí mà chúng ta lãnh nhận trong Phép Rửa tiếp tục thôi thúc và khích lệ chúng ta đi theo đường lối của Thiên Chúa – nghĩa là khi chúng ta làm dấu thánh giá bằng nước thánh là hướng đến giây phút hiện tại. Khi được rửa tội, chúng ta không chỉ nhận lấy tên thánh mang theo suốt cả đời, mà sứ vụ và căn tính của ta còn được xác định nữa, nghĩa là chúng ta được gọi “người yêu dấu”, và được mời gọi hãy bước theo con đường mà Đức Giêsu đã đi. Trên suốt hành trình cuộc đời, căn tính và sứ vụ của chúng ta sẽ được kiện toàn khi chúng ta biết nỗ lực phục vụ Thiên Chúa.
Một số người xem Phép Rửa chỉ là một sự kiện riêng tư của gia đình. Thậm chí họ còn nài nỉ đòi tách nghi thức phép rửa ra khỏi những nghi thức được cử hành trong Lễ Chúa Nhật hoặc chiều Chúa Nhật. Họ không cảm kích được rằng Phép Rửa không phải là một sự riêng tư, nhưng là một sự kiện công khai. Đức Giêsu không nài xin ông Gioan ra xa hơn sông Jordan để làm phép rửa cho mình cùng với thân mẫu, hoặc một số người trong gia đình và bạn bè. Phép rửa của Đức Giêsu được công khai, và do đó phép rửa của mỗi người Kitô hữu cũng được công khai, nghĩa là nghi thức công khai cho những ai được mời gọi sống ơn gọi Kitô hữu của mình trong những cách thức công khai. Tất nhiên vẫn có chút riêng tư đối với ơn gọi của chúng ta khi theo Đức Giêsu.
Không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được điều đó, nhưng niềm tin nơi phép rửa đảm bảo rằng, chúng ta là con cái của Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương, đồng thời Người tự hào về chúng ta. Chúng ta không phải loay hoay để tạo cho được sự thân tình với Thiên Chúa. Nhưng qua phép rửa, chúng ta đã sống tương giao với Thiên Chúa rồi. Chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, được ban ân sủng để sống đời sống mới mà Thiên Chúa đã chia sẻ với chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Ân sủng được ban cho những tôi tớ trung thành, những ai sống như ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, để “mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” Chúng ta đã chứng minh rằng đây chính là sứ vụ của mình; đồng thời quý vị hãy kiểm tra tên của mình trong giấy chứng nhận rửa tội.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.