Lễ Chúa hiển linh: Hãy trở nên ngôi sao chỉ đường

Hãy trở nên ngôi sao chỉ đường

Is 60,1-6; Tv 72;Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính chúc quý vị năm mới khang an hạnh phúc!

Kính thưa quý vị,

Lễ Chúa hiển linh: Hãy trở nên ngôi sao chỉ đườngKhi cử hành Thánh Lễ như ngày Lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn về những sự kiện đức tin trong quá khứ, mà còn định hình hiện tại cho hành trình của mình trên đường đạt đến ơn cứu độ. Trong khi điều ta đang kỷ niệm là những sự kiện thuộc về quá khứ, thì những sự kiện này theo thời gian đã trở nên siêu việt. Hôm nay, nhờ trải nghiệm những sự kiện này, chúng ta có được cơ hội để chia sẻ thực tế về ngày lễ.

Thời gian lịch sử được mô tả qua việc lật lại các trang niên lịch (hoặc một ngày mới xuất hiện trên màn hình khi bạn mở máy vi tính lên). Thời gian lịch sử có những kiểu cách và quy luật của nó. Đối với lịch sử của người tín hữu là linh thiêng, vì trong diễn tiến của nó, chúng ta khám phá ra kế hoạch Thiên Chúa được thực hiện qua những sự kiện mang tính con người. Lịch sử trở nên linh thánh đối với ta khi Thiên Chúa can thiệp vì lợi ích của ta. Chúng ta đã được nghe trong suốt mùa Giáng Sinh này, ví dụ như, Đức Giêsu đã sinh ra vào “thời vua Hêrôđê trị vì” (Mt 2,1). Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của chúng ta trong một thời gian rất cụ thể.

Giờ đây, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới, “những ngày cuối cùng”, kỷ nguyên này sẽ đi đến tận cùng của lịch sử. Đây không chỉ là một giai đoạn theo thứ tự thời gian mà ta đánh dấu trên niên lịch của mình: Kinh Thánh gọi đây là “lúc thuận tiện”, “hôm nay” là ngày của Thiên Chúa. Giờ đây, dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, nếu để mắt trông coi, ta sẽ thấy kế hoạch Thiên Chúa cứu độ đang được thực hiện. Chúng ta có thể hỏi: “Ngày gì vậy?” Người có lòng tin sẽ trả lời: “Hôm nay là ngày Lễ Hiển Linh, “ngày của Thiên Chúa”. “Hôm nay” là ngày của Thiên Chúa, đây là ngày Người biểu lộ cho ta thêm một lần nữa. Ngày lễ hôm nay không giống như năm trước, nó đã đổi mới rồi, vì chúng ta đã thay đổi và còn thay đổi nhiều hơn nữa. Thiên Chúa đang thực hiện những điều mới mẻ trong chúng ta. Đây là một “thời gian thuận tiện” (“kairos”) cho mỗi người. Hôm nay, nhân ngày Lễ Hiển Linh, chúng ta được mời gọi tỉnh thức về việc Thiên Chúa tỏ mình. Thiên Chúa đã hoạt động trong quá khứ, nhưng Người vẫn tỉnh thức và sống động trong hiện tại của chúng ta.    

Hiển Linh có nghĩa là “sự hiện ra”, “sự biểu lộ”. Chúng ta quan sát các nhà đạo sĩ từ phương đông dõi theo vì sao để đến nhà của Đức Kitô. Các nhà đạo sĩ đại diện cho tất cả các dân tộc, những người nhờ việc rao giảng Tin Mừng mà tới gặp được nhà của Đức Kitô, bao gồm cả chính chúng ta nữa. Chúng ta không chỉ nhìn về một thời gian đã qua, mà còn công bố “ngày của Thiên Chúa”. Hôm nay, ngày lễ này bày tỏ điều gì cho ta? Để hiểu được điều đó, như thường lệ, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh đã được nghe hôm nay.

Lời tiên tri của ngôn sứ Isaia là một viên ngọc thơ mộng. Ngoài những gì được hứa hẹn, còn cách nào khác nữa để truyền đạt điều gì chưa xảy ra? Những người đã phải chịu đựng sống một thời gian dài trong bóng tối. Họ và chúng ta không thể phát sinh ánh sáng cần thiết để trông thấy và nhận ra con đường của mình. Thiên Chúa mới là nguồn ánh sáng đó. Vì thế, khi Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta, tựa như nguồn ánh sáng đến thế gian vậy. “Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ…” Một dân tộc đã từng sống trong bóng tối của thất bại sẽ trông thấy ánh sáng, và vinh quang Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa trên họ. Cảnh lưu đày sẽ chuyển từ nô lệ sang Giêrusalem. Khi họ đến đó và kiến thiết lại thành phố đã bị phá hủy, họ sẽ hỏi: “Điều này có thể xảy ra thế nào?” Ngôn sứ Isaia liền trả lời cho họ rằng: “Vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên ngươi…” Làm thế nào khác để có thể xảy ra một sự chuyển hướng như thế?    

Đây là những lời người ta nói sau một thời gian bệnh tật kéo dài và suy nhược: “Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, tôi không bao giờ có được như ngày hôm nay.” Hoặc là, sau khi được phục hồi, một người nghiện ngập có thể nói như thế này: “Thiên Chúa đã giúp tôi bỏ đi thói quen ấy vì Người đã gởi đến cho tôi những người yêu thương tôi bằng một ‘tình yêu bất khuất. ” Những người biết quan sát sẽ dõi theo những thay đổi, và lắng nghe các lời chứng của các chứng nhân như thế có thể kết luận rằng: Thiên Chúa đã thực hiện lời ngôn sứ Isaia đã hứa. “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất… còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.”

Trong Đức Kitô, ánh sáng được hứa ban đã chiếu tỏa nơi bóng tối. Hành trình của các nhà đạo sĩ tượng trưng cho các dân ngoại được lôi cuốn đến với ánh sáng, đến với sự hiển linh của Thiên Chúa chúng ta. “… Tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.”

Có những lời ngôn sứ nói về Đấng Mêsia và các câu chuyện kể thời thơ ấu hướng chúng ta đến với Đức Giêsu. Chỉ có tác giả Mátthêu mới thuật lại cho chúng ta về các nhà đạo sĩ. Ta có thể dựng lên những câu chuyện ly kỳ, các tấm thiệp thánh thiêng và những vở kịch lãng mạn ở trường học, và kể những câu chuyện tỉ mỉ về sự kiện này. Nhưng sau đó là tin vui cho chúng ta, và đó chính là những gì thánh Mátthêu muốn nói với chúng ta.

Ngôi sao mà các nhà đạo sĩ dõi theo không phải là do chính họ làm ra. Điều này là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần được hướng dẫn thiêng liêng để tìm thấy nơi Đức Kitô cư ngụ trong cuộc sống của mình. Những ánh sáng rực rỡ trong mùa Giáng Sinh thương mại vừa qua có thể làm cho chúng ta bị mờ quáng và sao lãng khi kiếm tìm Đấng Mêsia. Cũng như các nhà đạo sĩ, chúng ta cần có một vì sao để dẫn lối đến với nơi Đức Kitô hiển linh. Thánh Mátthêu không cho ta hay là khi các nhà đạo sĩ vào trong nhà thì ngôi sao vẫn tiếp tục hướng dẫn họ. Thánh sử cũng không cho ta biết rằng ánh sáng bên ngoài mà họ có trước đây đã được thay bằng ánh sáng bên trong để có thể hướng dẫn cuộc đời còn lại của họ hay không. Sự lựa chọn ấy là do họ và cũng là của mỗi chúng ta.

Lấy lại lời của ngôn sứ Mikha, thánh Mátthêu nhấn mạnh sự nhỏ bé của Belem. Nhỏ bé thôi, nhưng nơi đây lại có một sứ vụ trọng đại. “Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời.” Nào có ai sẽ hay biết về Belem nếu Đức Kitô không sinh ra ở nơi đó? Dân sẽ tìm thấy sự giải thoát ở nơi đâu? Vua Hêrôđê chỉ quan tâm đến việc siết chặt kiểm soát quyền lực. Các tư tế và kinh sư, những người đã trả lời cho câu hỏi của vua Hêrôđê, lại không làm theo điều họ biết. Họ chỉ ở yên một chỗ. Chúng ta có thể trích dẫn Kinh Thánh và trả lời cho những câu hỏi về Thiên Chúa mà các trẻ em đặt ra, nhưng cuộc đời của ta cần phải phản ánh những sự thật mà ta nói ra nữa. Chúng ta cần sẵn sàng rời bỏ nơi ở hiện nay và dõi bước theo ánh sáng mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban cho chúng ta.

Chúng ta không biết nhiều điều về các nhà đạo sĩ như: chủng tộc, nguyên quán, tôn giáo v.v… Họ có phải là những vị vua hay không? Hay là những nhà thông thái tôn giáo? Có bao nhiêu vị? Tên của họ là: Melchior, Caspar và Balthasar đã không hề thay đổi trải qua nhiều thế kỷ. Điều chúng ta biết là Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho một số người mà thôi. Dân chúng từ tận cùng trái đất sẽ tập hợp lại theo danh xưng của mình; Và đó là điều mà ngôn sứ Isaia đã hứa: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”, và đó cũng là điều Đức Giêsu đã hoàn trọn.

Điều này có phải là sứ vụ của chúng ta hay không? Để làm cho danh của Đức Giêsu được biết đến trên toàn thế giới, cụ thể là trong gia đình, ở trường học, nơi làm việc, hay những khu vui chơi…, ngôn sứ Isaia, Mikha và tất cả Kinh Thánh chúng ta nghe đều công bố trong sự tôn kính, hướng đến việc làm cách nào và nơi đâu có thể tìm thấy Thiên Chúa. Cuộc sống của chúng ta phải trở thành một ngôi sao sáng hầu giúp mọi người tìm thấy con đường của họ để băng qua bóng tối và đến được với ánh sáng của Đức Kitô.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã là một ngôi sao chỉ đường cho Giáo hội và thế giới trong mùa Giáng Sinh này. Ngài dẫn đường cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta là một Giáo hội quan tâm đến chư dân trong bóng tối của nghèo đói, áp bức, chiến tranh và bệnh tật. Ngài yêu cầu chúng ta dõi bước theo vì sao dẫn đưa ta đến nơi Đức Kitô sống, giữa những người ở ngoài, những người sinh ra nơi chuồng bò, sống trên đường phố, người đang chạy trốn những cuộc nội chiến và chịu đàn áp bởi những chính quyền tàn bạo.

Thánh Mátthêu không hề quan tâm đến việc cung cấp cho chúng ta một bản lộ trình về những chuyến đi của các nhà đạo sĩ. Vì thế, chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cho bản thân mình khi ngài nói với ta rằng các nhà đạo sĩ “đã đi lối khác mà về xứ mình”. Dường như ngài cho thấy rằng, giống như các nhà đạo sĩ, một khi đã được diện kiến Đấng Cứu Thế thì chúng ta cũng cần dâng lên Người sự tôn kính, như chúng ta đang cử hành trong phụng vụ đây. Nhưng khi ta trở về với cuộc sống của mình thì cũng cần phản ánh sự thay đổi phát sinh do kết quả từ cuộc gặp gỡ ấy. Chúng ta cần phải “ra đi… theo một lối khác”. Cuộc hành trình của chúng ta được tái lập bởi Đấng ta đã được trông thấy.

Chúng ta đã có kinh nghiệm về Tin Mừng của Đức Kitô trực tiếp vào ngày lễ kỷ niệm Chúa Hiển Linh hôm nay. Đây không phải là “trở lại sau đó”; nhưng là “ở đây và ngay lúc này”, chúng ta sẽ làm cách nào đây để phản ánh ánh sáng đã chiếu tỏa trên ta trong cuộc sống hằng ngày? Sáng nay, khi cộng đoàn anh em Đa Minh nguyện Kinh Phụng Vụ, chúng tôi dâng lên lời cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa là cội nguồn ánh sáng vĩnh cửu, xin cho cuộc sống của chúng con làm chứng cho ánh sáng ấy.” Thế quý vị có nghĩ rằng điều đó giống như một bản tóm tắt hay đối với ngày lễ hôm nay không?

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Để lại một bình luận