Đức Giêsu không phải kẻ trộm đến để lấy cắp
Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quý vị,
Mùa Vọng đã đến. Hai tuần đầu của mùa Vọng không hướng đến lễ Giáng Sinh – chưa phải lúc này. Vì hai tuần đầu mùa Vọng, chúng ta suy nghĩ về những hoàn cảnh cá nhân, đất nước và thế giới. Quá nhiều người đang bị tổn thương và chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của họ, nhưng chúng ta hãy cùng nhau ngồi quây quần trên vạt áo của ông già Noel để đưa ra những ước muốn của mình. Tất nhiên, đây chưa phải là lúc những thành viên trong gia đình và nhóm bạn bè chúng ta gặp cảnh khốn cùng. Thời gian này lại không phải các gia đình trong giáo xứ, nơi tôi đang rao giảng hiện nay, nằm trong giai đoạn chưa khôi phục sau cơn bão cát cách đây hơn một năm. Đây cũng không phải là lúc tôi cầm tờ báo lên đọc từng mục ở trang bìa, để rồi nhìn vào bức tranh những người Syria đang đói, hay những người Philippines bị bão lớn tàn phá.
Vào thứ Sáu, ngày 25 tháng 10, nhật báo New York Times đã đăng lên trang nhất một bản tin khiến tôi ớn lạnh và đau buồn. Ở đầu bài báo là một bức hình được chụp từ bên trong một lò bánh mì Damascus. Bức hình cho thấy một vài ổ bánh mì mỏng dính, vài công nhân đang chăm chú nhìn qua những cửa sổ nhỏ hẹp, và dân chúng đang nhìn vào kho dự trữ bánh mì ít ỏi. Trẻ em và các bậc cha mẹ thì nơm nớp lo âu không biết liệu mình có lấy được chút bánh mì nào từ những kho dự trữ đang cạn kiệt đó không.
Bài báo còn giải thích rõ ràng những chi tiết ác nghiệt hơn nữa: “Có đến năm triệu người Syria là những người tị nạn trong chính đất nước của họ, đang sống cảnh “làm ngày nào xào ngày ấy” trong những toà nhà bỏ không, trường học, nhà thờ Hồi giáo, công viên và những ngôi nhà chật hẹp của những người bà con thân thuộc”. Những người khác bị mắc kẹt trong khu xóm của họ do sự xung đột, họ sợ phải lìa bỏ gia đình. Các nguồn cung cấp y tế thì thiếu thốn. Thêm vào đó, cuộc nội chiến dai dẳng đã khiến cho hai triệu người Syria phải rời bỏ đất nước của họ. Khi mùa đông đến, những khó khăn đó càng trở nên tồi tệ hơn.
Chúng ta cần có mùa Vọng trước khi chúng ta lồng vào những bài hát mừng Giáng Sinh. Chúng ta cần sự thực tế mùa Vọng kiểm thảo lại; thế gian đang đau đớn, và quá nhiều người có tương lai trông mờ mịt. Sẽ đến lúc mọi người đứng chung quanh hang đá Giáng Sinh và chiêm ngắm Ngôi lời nhập thể, niềm hy vọng của chúng ta, nhưng chưa phải lúc này.
Ngôn sứ Isaia là sứ giả khai mở mùa Vọng cho chúng ta. Cho dù cảnh tượng tối tăm và tinh thần chúng ta mệt mỏi, vị ngôn sứ vẫn đi cùng chúng ta lên ngọn núi cao để chúng ta có thể nhìn thấy rõ về hiện tại và tương lai của mình.
Ngôn sứ Isaia sống trong thời buổi hỗn loạn, rất giống với mỗi người chúng ta. Đất nước Israel (vương quốc phía Bắc) đã rơi vào tay những người Syria, và chẳng bao lâu nữa, miền Giuđa cũng chung số phận. Dân chúng đã đánh mất lòng tin vào Thiên Chúa và quay trở lại khối liên minh cùng với các dân tộc khác. Lúc này, ngôn sứ Isaia ra sức thuyết phục họ rằng, Thiên Chúa chính là sự an toàn đích thực của họ. Hôm nay, chúng ta lắng nghe về niềm hy vọng và sự an toàn mà ngôn sứ Isaia muốn diễn tả cho dân được biết. Giêrusalem sẽ là trung tâm về sự chỉ dẫn của Thiên Chúa, và là nơi quy tụ tất cả các dân tộc. Sẽ không còn chiến tranh nữa, “họ cũng sẽ thôi học nghề chinh chiến”.
Có ai lại không muốn hoà bình? Hoà bình là điều chúng ta cầu nguyện cho chính mình, cho gia đình và thế giới. Chúng ta mong muốn hoà bình, nhưng chúng ta có tạo cho những lời nói và hành động của mình mang lại hoà bình hay không? Chúng ta có thể đọc sách ngôn sứ Isaia hôm nay như một lời cầu nguyện: Cầu xin Thiên Chúa tạo cho tâm hồn chúng ta thành những lời của vị ngôn sứ, ngõ hầu chúng ta có thể vứt bỏ mọi gươm đao và giáo mác đang mang vác trên người. Ngôn sứ Isaia kêu gọi chúng ta chú ý thay đổi tâm hồn và hiến thân cho một lối sống mới.
Chúng ta mong muốn mọi chiến tranh ngừng lại. Liệu chúng ta có nhận ra mùa Vọng này rằng, mình có thể góp phần trong việc xây dựng vương quốc thái bình mà ngôn sứ Isaia đã được thấy hay không? Cùng với thị kiến của mình, ngôn sứ Isaia còn thêm vào một lời hứa rằng, Thiên Chúa sẽ đồng hành và ở cùng chúng ta cho tới khi thị kiến ấy được hoàn trọn. “Nhà Giacóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường”.
Trong mùa Vọng, nhiều giáo xứ sẽ tháo dỡ tấm thảm xanh nơi cung thánh và những bức màn trang trí. Thay cho chủ đề lễ hội sẽ là một sự bố trí tựa như sa mạc – những hòn đá, cát, những nhánh cây không lá… Khi bước vào nhà thờ, người ta sẽ lập tức cảm thấy rằng mình đang ở trong một tâm trạng, hay một bầu khí đặc biệt dành cho mùa Vọng. Có điều gì đó đã kết thúc, nhưng cũng có điều gì đó đang bắt đầu. Lối đi được phát quang để gợi lại sự suy tư và tự vấn.
Tin Mừng đưa ra một thông điệp về sự cấp bách. Xin đừng trì hoãn những điều quý vị cần phải sửa đổi. Thời gian ít ỏi nên chúng ta phải hành động mau lẹ. Chúng ta không được để cho những tư tưởng yếu đuối lừa gạt – “Ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Những kiểu mẫu sống đó có thể nhanh chóng thay đổi, thậm chí tan rã. Liệu chúng ta có sẵn sàng cho những thay đổi đột ngột như thế hay không?
Đức Giêsu dùng một thí dụ khác thường để thức tỉnh chúng ta. Người tự ví mình đến với cuộc đời chúng ta như kẻ trộm đột nhập vào nhà. Quý vị có từng nghe thấy một âm thanh lạ dưới tầng hầm nhà quý vị, hay có ai đó đang lay mạnh vào quả đấm cửa phòng của quý vị hay chưa? Nếu quý vị đã đề phòng thì chẳng có chi phải sợ hãi. Còn nếu không, quá trễ rồi, kẻ xâm nhập có thể đã ở sẵn trong nhà!
Ai lại không thích một khuôn mẫu chuẩn mực trong cuộc sống của mình? Thức dậy cho con cái ăn sáng và đưa chúng đến trường; đi làm đúng giờ; khởi đầu một ngày làm việc hiệu quả; trở về nhà sau khi mua sắm; thức ăn nấu trên bếp lò, hay hâm nóng trong lò vi ba. Đức Giêsu căn dặn chúng ta không được để cho cả đời mình chìm vào cơn mộng du. Người sẽ can thiệp vào thời điểm thuận tiện và bất ngờ nhất.
Nhưng quý vị có tin rằng Người không phải là kẻ trộm đến để lấy cắp không? Thay vào đó, Người là kẻ xâm nhập đột ngột, không gây nguy hại, nhưng để giải thoát chúng ta khỏi chính mình. Quý vị có tin rằng Người phá bỏ tính tự mãn để thức tỉnh ta, giúp ta nhận ra mình cần thay đổi và rồi Người ở với ta, và cho ta có khả năng thực hiện những thay đổi quan trọng sẽ đem lại cho ta sự sống hay không?
Lời căn dặn của Đức Giêsu không chủ ý khiến chúng ta sợ hãi hay lo âu. Chúng ta không giống như một số người mong đợi Đức Giêsu trở lại vào một lúc nào đó, để rồi đi vào sa mạc hay tới một ngọn núi để ăn uống, cầu nguyện và hướng về tận cuối chân trời mà mong chờ Người. Thay vào đó, Đức Giêsu cho chúng thấy một thực tại mới, đó là sự xâm nhập vào vương quốc của Người.
Khi tỉnh mộng, Người sẽ cho chúng ta trở lại với cuộc sống thường ngày. Có thể chúng ta sẽ cảm thấy “vẫn như cũ”. Nhưng lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy rõ sự hiện diện của Người, và thấy rõ triển vọng của một thực tại mới: sự công chính và nền hoà bình đang ngự trị. Đó là điều Thiên Chúa mong muốn cho thế gian và cho chúng ta; chúng ta được mời gọi để giúp mang lại những niềm hy vọng trên. Tự ví mình như kẻ trộm, Đức Kitô đã đột nhập vào tâm hồn chúng ta, và nhờ đó, mọi thứ được biến đổi, biến đổi tất cả trở nên điều thiện hảo.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.