Tháng ân phúc, mùa báo hiếu
Mỗi độ thu về, lá cây úa vàng lả tả rơi, cuốn theo chiều gió trôi về cội nguồn. Trong làn gió chiều, thoang thoảng mùi hương khói tỏa lan từ các nghĩa trang và các Từ đường Phục sinh; lời “kinh vực sâu” vọng vang da diết, tạo nên bầu khí thiêng liêng, pha lẫn đôi chút u buồn… Vậy là tháng Mười Một đã tới, tháng ân phúc dành cho các linh hồn đã đến, mùa báo hiếu đã về. Điều đó nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ về cuội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người thân yêu đã khuất bóng; gọi mời chúng ta tăng cường việc lành phúc đức, hiệp dâng lễ, cầu nguyện cho “những người đã ra đi trước chúng ta” sớm được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.[2]
Thắp lên một nén hương lòng
Khi còn sống với nhau trên trần gian, chúng ta thường chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, những thành công, thất bại, những ưu sầu lắng lo và những hy vọng của cuộc sống. Khi một bên đã từ giã cuộc đời này để đi về thế giới bên kia, sợi giây liên kết đó vẫn được duy trì giữa người ra đi với người ở lại.[3] Tuy không còn cụ thể hữu hình như xưa, nhưng người còn sống và người “quá cố” vẫn giữ mối giây liên lạc với nhau qua những tâm tình nhớ nhung thương mến, qua những câu kinh, ý lễ, qua cuộc sống thường ngày.
Vong linh người quá cố vẫn luôn phẳng phất bên cuộc sống những người còn tại thế. Thế nhưng, lắm lúc chúng ta đã quên đi sự hiện diện vô hình đó. Tháng Mười Một về nhắc nhở mỗi chúng ta gắn kết lại sợi dây liên liên lạc thân tình ấy. Đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội, chúng ta cùng thắp lên một nén hương lòng, là những lời kinh nguyện, là những thánh lễ ta hiệp dâng, là các việc lành phúc đức, là những hy sinh hãm mình để tưởng nhớ và cầu nguyện những người thân yêu của chúng ta sớm được về hiệp đoàn với các phúc nhân.
Nếu như nén hương trầm tỏa bay là biểu tượng cho sự kết nối linh thiêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất, thì những việc lành phúc đức ta lập để chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục chính là “nén hương lòng” thương thảo ta thắp lên với tất cả tâm tình chân thành, thể hiện sự hiệp thông sâu xa giữa ta với những người đã khuất. “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều.”[4]
Trong suốt tháng Mười Một này và một số ngày khác trong năm, đến với các xứ đạo có Từ đường Phục sinh, hoặc nghĩa trang bên cạnh thánh đường giáo xứ, chúng ta sẽ bắt gặp được hình ảnh rất thân thương, thật ấn tượng. Đó là sau mỗi buổi tan lễ, người ta quy tụ tại nghĩa trang hay Từ đường Phục sinh, dâng những lời cầu nguyện tha thiết, tưởng nhớ các linh hồn đang an nghỉ nơi đó, đợi chờ ngày phục sinh. Khói hương ngào ngạt hòa quyện với những câu kinh, tiếng hát, tạo nên một bầu khí linh thiêng sống động, nói lên sự hiệp thông sâu xa giữa các thành phần trong Giáo Hội. Mùi hương thơm lan tỏa như là mối liên hệ tâm linh giữa người sống với người đã khuất. “Từ tay thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của dân thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa.”[5]
Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta đã vô tình lãng quên những người thân yêu quá cố của ta, thì tháng Mười Một này là dịp thuận tiện, là cơ hội quý báu để chúng ta “đền đáp nghĩa tình” với người đã khuất. Ta cùng thắp lên một nén hương lòng, thành kính tưởng nhớ tới họ, dâng lời cầu nguyện cho họ sớm được thoát khỏi chốn ngục hình đau thương. Các linh hồn đang mong đợi điều đó nơi mỗi chúng ta từng ngày, nhất là trong tháng Mười Một này, tháng ân phúc dành cho các linh hồn.
Tháng ân phúc dành cho các linh hồn
Buổi tối ngày Lễ Các Thánh (ngày 01.11 hàng năm), từ trên tháp chuông của nhiều giáo đường, một hồi chuông dài vọng vang lên; khi hồi chuông dứt, thì từng tiếng một cách quãng đều đặn thủng thẳng ngân vang như đếm thời gian rất trầm lắng. Đó là những tiếng chuông báo hiệu ngày đại lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời và tháng ân phúc dành cho các linh hồn đã tới, mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhau lập nhiều công đức chỉ cho các ngài.[6]
Người viết gọi tháng Mười Một là “Tháng ân phúc dành cho các linh hồn.” Bởi lẽ, trong tháng này, Mẹ Hội Thánh dành nhiều phương thế hữu hiệu kèm theo những ân xá đặc biệt để con cái mình dùng nó mà giúp đỡ các linh hồn luyện ngục. Cụ thể là từ trưa ngày Lễ Các Thánh đến nửa đêm ngày Cầu cho các tín hữu đã qua đời, những người viếng nhà thờ, nhà nguyện, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính với những điều kiện theo thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) thì được hưởng một ơn đại xá. Nhưng, ơn đại xá đó phải nhường lại cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Cũng với ý hướng đó, từ ngày 01 đến hết ngày 08 tháng Mười Một, các tín hữu thành kính đi viếng các nghĩa địa và Từ đường Phục sinh, cầu nguyện cho các linh hồn, với các điều kiện theo thường lệ như khi đi viếng nhà thờ, thì cũng được hưởng một ơn đại xá, mỗi ngày được hưởng một ơn, nhưng phải nhường lại cho các linh hồn. Hơn nữa, ngày lễ 02.11 hằng năm, trong ba thánh lễ mà các linh mục được dâng trọng thể, các vị phải dành một lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và một lễ cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.[7] Ngoài ra, những việc đạo đức khác như lần hạt Mân Côi, đi đàng Thánh giá, làm việc bác ái, những hy sinh hãm mình… cũng là những phương thế hữu hiệu mà chúng ta có thể làm để lập ân phúc chỉ cho các linh hồn.
Chúng ta biết rằng, khi một người đã kết thúc cuộc sống dương gian này, thì cũng đồng thời người đó chấm dứt thời gian lập công phúc cho mình. Vì vậy, những người quá cố, các linh hồn trong luyện ngục chỉ trông chờ ân phúc nơi những người còn sống lập thay cho họ, để việc thanh luyện và đền tội của họ nhẹ đi và rút ngắn thời gian lại. Trong nơi luyện ngục, các linh hồn không những phải được thanh luyện, mà còn phải chịu đền bù các hình phạt do tội họ gây nên khi còn sống. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng công bình, “Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”[8] Thời gian thanh luyện bao lâu là tùy theo mức độ những hành vi của họ khi còn sống, nhưng cũng tùy vào công phúc của chúng ta làm để đền thay cho họ nữa, và nhất là nhờ lòng thương xót của Chúa.
Sống mầu nhiệp hiệp thông trong Hội Thánh, chúng ta được mời gọi kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời, để họ thoát khỏi mọi tỗi lỗi, hầu sớm được diện kiến Thánh Nhan Chúa.[9] Vả lại, cầu nguyện cho các linh hồn còn là bổn phận và trách nhiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta. Đó cũng là việc đền ơn đáp nghĩa với những người thân yêu của ta, và là việc báo hiếu của chúng ta với những bậc sinh thành dưỡng dục.
Mùa Báo Hiếu đã về
Mỗi khi tháng Mười Một về, sau tâm tình hân hoan mừng Lễ Các Thánh, Giáo Hội thành kính tưởng nhớ, dâng lễ, cầu nguyện cách đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời. Những nghĩa cử cao đẹp và ý nghĩa đó bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục ta cả về thể lý và tâm linh. Đó cũng là tinh thần Đạo Hiếu và là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tinh thần cốt lõi của Đạo Hiếu đó bắt đầu bằng việc tôn kính, mến yêu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc còn sống; tưởng nhớ khi các ngài đã qua đời.[10] Ơn nghĩa cao dày của các ngài đã được ca dao Việt Nam đã sánh ví rằng:“Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.”
Đối với người Công giáo chúng ta, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa trong giới răn thứ bốn.[11] Người Kitô hữu chúng ta ý thức Đạo Hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn chữ Hiếu cũng đồng thời chúng ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong tinh thần yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.
Nếu như vào ngày rằm tháng Bảy hằng năm, các Phật tử tổ chức mùa “Vu lan báo hiếu”, tưởng nhớ đến vong hồn cha mẹ và người thân đã khuất, cầu cho các ngài sớm được giải thoát, thì người Kitô hữu chúng ta có cả tháng Mười Một để tưởng nhớ, “báo hiếu” đặc biệt đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã qua đời. Với người Kitô hữu chúng ta, tháng cầu nguyện cho các linh hồn cũng có thể gọi là “mùa báo hiếu.” Tâm tình “báo hiếu” đó được thể hiện cách rất cụ thể, sống động trong đời sống Đức Tin của chúng ta. Kitô giáo chúng ta thăng hoa việc tưởng nhớ và báo hiếu ấy theo một chiều kích thiêng liêng cao quý hơn qua việc dâng thánh lễ, cầu nguyện và lập công đức chỉ cho các ngài, để Chúa tha thứ tội lỗi và sớm dẫn đưa các ngài về chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Chúa.
Như vậy, tháng Mười Một là cơ hội thuận tiện để mỗi chúng ta tri ân hiếu thảo, tưởng nhớ và biết ơn các bậc tiền bối kính yêu; đồng thời báo đáp phần nào công ơn các ngài bằng những công phúc ta lập, bằng những lời kinh nguyện và nhất là bằng thánh lễ ta hiệp dâng. Những việc làm đó không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu hơn.[12]
Tạm Kết
Khi còn là Tập sinh, vào tháng Mười Một năm đó, người viết phụ trách ghi sổ khấn và sổ lễ của Tu viện. Trong số những người đến xin lễ, xin khấn, có một bà cụ nghèo đến thỏ thẻ tâm tình với người viết rằng: Thưa thầy, dù cuộc sống con nghèo khổ đến bao nhiêu, mỗi năm cứ đến tháng này là con dành dụm một ít tiền, có khi còn phải nhịn ăn mấy bận, để xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân, để phần nào báo đáp ân nghĩa với các ngài. Lời trần tình của bà cụ làm cho người viết không khỏi bùi ngùi cảm động. Trong cuộc đời, ai lại không có cha, có mẹ, thế mà trong một năm nhiều khi cha mẹ đã không hề được nhắc đến dầu chỉ một lần, không hề nhận được một lời cầu nguyện!
Người con hiếu thảo là người con biết đến và nhớ về cội nguồn, vì tổ tiên ông bà cha mẹ là những bậc sinh thành và gây dựng sự nghiệp cho con cháu. Các ngài đã trải qua dòng đời với những công lao vất vả khó nhọc để cho thế hệ con cháu được thừa hưởng. Mặc dầu các ngài đã khuất bóng, nhưng vẫn luôn yêu thương chúng ta và có một mối giây liên kết mật thiết và linh thiêng với chúng ta. Thế mà nhiều lúc chúng ta đã lãng quên các ngài. Hơn bao giờ hết, tháng Mười Một là cơ hội thuận tiện để mỗi chúng ta nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất bóng. Chúng ta cùng thắp lên một nén hương lòng, thể hiện tấm lòng biết ơn các bậc sinh thành dưỡng dục ta, ít là bằng một lời kinh nguyện.“Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.”
Pet. Võ Tá Đương, OP
Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Sáng, cầu cho các tín hữu đã qua đời.
Xc. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Getium”, số 50.
Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1690.
Tv 140, 2.
Kh 8, 4.
Xc. Hương Việt, Truyện Các Thánh, Quyển 4, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.175.
Xc. Những Ngày Lễ Công Giáo 2012- 2013, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 130-131.
Mt 16, 27b.
Xc. Mcb 12, 15.
Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2215- 2218.
Xc. Xh 20, 12 ; Dnl 5, 16; Mt 19, 19; Mc 7, 10.
Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 958.