Không đơn độc trên đường
2V 5,14-17; Tv 98; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quý vị,
Chúng ta đã từng nghe bao lần câu nói: “cuộc đời là một chuyến đi?” Có vẻ đây chỉ là kiểu nói rập khuôn nhưng thực ra đó chính là một chân lý. Hành trình cuộc đời của chúng ta có khởi đầu, trung thời và kết thúc. Ông Hêraclít, một triết gia Hylạp, nói rằng: “Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Không cần phải là triết gia chúng ta cũng có thể hiểu ý ông muốn nói: cuộc đời luôn thay đổi. Hoặc có người khác bảo rằng: “chỉ có một điều bất biến trong cuộc sống đó là thay đổi”.
Quả thật, mỗi người đã có đủ kinh nghiệm sống để hiểu rằng “chỉ có một điều bất biến trong cuộc sống đó là thay đổi”. Mỗi giai đoạn cuộc đời của ta có những niềm vui đặc trưng riêng của nó: trò chơi trẻ con, tốt nghiệp phổ thông, phải lòng một người, kết bạn, có con cái, trở thành cậu hoặc dì,… Mỗi giai đoạn có những thách đố cũng như những khó khăn: không phải giấc mơ nào cũng thành hiện thực, các tương quan thì căng thẳng, ly dị và bệnh tật lại xảy đến – những bất trắc này một phần do những hạn chế về thành quả luôn thay đổi trong ta và tùy thuộc ở ta nữa. Một chân lý khác về sự đổi thay trên hành trình cuộc đời (từng giai đoạn) rằng, dù là niềm vui hay khó khăn, đều là những cơ hội để ta trưởng thành. Ở một giai đoạn nào đó trong đời, ta có thể thắc mắc: “Tôi đang ở đâu?” Bài Tin mừng hôm nay có lẽ nói cho biết chúng ta đang ở giai đoạn nào của đời mình.
Lúc này, Tin mừng thánh Luca cho ta biết rõ hành trình của Đức Giêsu đang dẫn Người tới đâu. Thánh Luca cho biết rằng “Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Đó là một hành trình khó khăn, vì Người có thể thấy điều gì đang chờ mình ở phía trước. Nhưng Người vẫn không lùi bước, hoặc né tránh, bởi Người lên Giêrusalem vì chúng ta. Có những kẻ cùng đi với Người; còn các môn đệ đang truy tìm chân lý nơi Người trên suốt hành trình nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tò mò. Không phải cứ hiện diện cùng với Đức Giêsu thì làm cho người ta tự động trở thành môn đệ. Cũng chẳng phải tự nhiên người ta trở thành thành viên trong Giáo hội. Người đòi hỏi nhiều hơn nữa nơi những kẻ đồng hành.
Khi các ngài đang trên đường thì một nhóm người bệnh phong lang thang đón gặp các ngài. Những người bệnh phong hình như không đi đâu cụ thể. Họ sẽ đi đâu? Họ đi đến nơi nào ư? Đối với họ điều đó chẳng quan trọng, vì chẳng ai muốn gặp họ. Thậm chí họ bị chính gia đình mình xua đuổi. Họ chẳng có nơi nào để mà đi.
Những người bệnh phong biết liên đới thành một nhóm với nhau. Khi người ta trải qua những bi kịch như thiên tai, sập hầm mỏ, bị xả súng, ung thư,… thì chính nỗi đau chung ấy kéo những người xa lạ xích lại gần nhau. Vì thế, trong số những kẻ bị bệnh phong kia có cả người Samari và người Dothái – những người này là kẻ thù truyền kiếp của nhau – nhưng họ được liên kết lại vì có cùng nỗi đau và bị gia đình, tôn giáo cũng như xã hội bỏ rơi.
Trong nhiều giáo xứ, trước Thánh lễ chiều thứ Bảy, người ta xếp hàng dài để xưng tội. Từ trẻ em cho đến người lớn tuổi đều xếp hàng. Cách ăn mặc khác nhau cho thấy họ thuộc nhiều tầng lớp và môi trường xã hội khác nhau. Thế nhưng, họ đang đứng đó, họ thực sự đứng trong hàng, chờ đợi, đây là dấu hiển nhiên cho thấy rằng họ là những tội nhân. Không ai được đứng vào chỗ nhất, hoặc phải xuống cuối hàng chỉ vì điều kiện kinh tế, nơi sinh, nghề nghiệp, hay bằng cấp… Như những người bệnh phong gồm những thành phần khác nhau, họ cũng liên kết với nhau vì chia sẻ chung nhu cầu. Khi cùng xếp hàng để lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta cùng nhau nhìn nhận rằng mình đã phạm tội và đang cần được tha thứ. Chúng ta cùng thực hiện một hành động vào mỗi đầu Thánh Lễ là kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa xin thương xót chúng con! Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con! Lạy Chúa xin thương xót chúng con”.
Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy cất lời khẩn nguyện cách đơn giản và trực tiếp như những người bệnh phong: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Không cần phải giả bộ, viện cớ hay hãnh diện rởm để rồi giấu diếm hay thay đổi lời đề nghị. Chỉ đơn giản thẳng thắn thưa lên: “Xin thương xót chúng con”. Giống như những người bệnh phong kia, chúng ta không chỉ khẩn nguyện cho riêng mình, nhưng như một nhóm những người thiếu thốn, “Xin thương xót chúng con”. Chúng ta cầu nguyện cho chính mình trong Thánh lễ hôm nay, nhưng lời nguyện này ở ngôi thứ nhất số nhiều. Vì thế, chúng ta cũng cầu nguyện cho cả những người cùng ngồi bên cạnh, cũng như cho Giáo hội và thế giới. “Xin thương xót chúng con”.
Khi cất lên lời nguyện đơn sơ xin những điều cần thiết, chúng ta thực sự mong muốn gì – sự giúp đỡ tức thì hay sự chữa lành? Đôi khi điều đó xảy ra. Nhưng chúng ta thấy được một manh mối từ những người bệnh phong. Thánh Luca cho biết “đang khi đi thì họ được sạch”. Những nơi chốn mà Đức Giêsu hành động và lên tiếng thì rất quan trọng. Thánh Luca nêu tên nơi mà phép lạ chữa lành xảy ra. Ngài không phải là chuyên viên vẽ bản đồ, để rồi vẽ lại một bản đồ về thế kỷ I cho chúng ta. Ngài là tác giả sách Tin mừng, nói về tin vui dành cho những người bệnh phong được chữa lành: “đang khi đi thì họ được sạch”
Khi họ lên đường là được gia nhập với gia đình, xã hội và các thực hành tôn giáo. Họ không còn bị xua đuổi, nhưng nay được đón nhận trở lại cộng đồng. Chắc chắn cả chín người kia cũng được tái hội nhập chứ không chỉ một mình người Samari kia. Trong khi tất cả mười người bệnh phong được khỏi, thánh Luca cho hay, người Samari “nhận thấy” mình được khỏi. Anh ta quay trở lại, bỏ tất cả những người kia để trở lại với Đức Giêsu. Anh có thể không được chào đón như đồng bạn cùng cộng đồng Dothái mộ đạo và nhiệt thành, nhưng được chào đón vào nhóm bạn hữu của Đức Giêsu.
Người bệnh phong này nhận ra rằng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ra tay cứu chữa anh và anh trở lại “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Anh không còn là anh của trước kia nữa, nhưng là một con người mới đang tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giêsu. Chín người kia thì trở lại lối sống trước đây của họ; còn người Samari đã khởi đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Khi anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu, thì đó là biểu trưng cho việc anh chấp nhận Đức Giêsu và chọn lựa đi theo đường lối của Người.
Từ kinh nghiệm của những người bệnh phong, chúng ta được nhắc nhớ rằng mình phải biết đồng hành với nhau. Trên con đường đó, khi cố gắng thực thi điều thiện, chúng ta biết rằng mình còn nhiều thứ phải làm, không chỉ cho người khác nhưng còn cho chính mình nữa. Bài Tin mừng hôm nay đảm bảo rằng Thiên Chúa muốn chữa lành chúng ta ngay khi ta lên đường. Sự chữa lành này có thể đến bằng nhiều cách:
một người thân thương nói cho ta biết một sự thật phũ phàng mà ta phải nghe
trong những năm dài sống đời hôn nhân có những cơ hội để thăng tiến lòng quảng đại, tính kiên nhẫn, sự tha thứ và tính hài hước
Việc trở thành cha mẹ giúp ta biết hy sinh cuộc đời mình cho người khác
Tư vấn giúp chữa lành chúng ta sau một ca ly dị cay đắng
Chương trình cai nghiện giúp ta thoát khỏi nghiện ngập
Gia đình và bạn hữu giúp ta vượt qua nỗi đau của việc mất mát người thân yêu.
Bằng cách này hay cách khác, giống như những người bệnh phong, chúng ta được chữa lành khi đăng trình. Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta nhớ lại những việc chữa lành và tiến trình chữa lành này khi “nhận ra” rằng chính Đức Giêsu là nguồn mạch của những việc chữa lành này và chúng ta tạ ơn Người. Đức Giêsu luôn hiện diện trên hành trình của chúng ta. Hôm nay, Người lại nói với ta: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Cứu ta khỏi: nỗi cô đơn khi thiếu thốn; sự chán nản khi sự thay đổi diễn ra quá chậm trễ; nỗi sợ bị loại trừ khi ta phạm tội; sự miễn cưỡng không muốn khởi sự lại.
Giêrusalem là điểm cuối hành trình. Chúng ta chưa đến đó, nhưng không đơn độc khi đăng trình. Cùng đi với chúng ta có cả một cộng đoàn những người tin, bằng nhiều cách, họ nhắc ta nhớ rằng từng bước trên đường, Đức Giêsu đang hoạt động và đồng hành với chúng ta.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ