CN 27C: “Xin thêm lòng tin cho chúng con”

“Xin thêm lòng tin cho chúng con”

Kb 1,2-3; 2,2-4; Tv 95; 2 Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quí vị,

CN 27C: “Xin thêm lòng tin cho chúng con”Ngôn sứ Khabacúc sống trong thời kỳ đế quốc Babylon nắm quyền thống trị thế giới và áp bức đất nước Giuđa. Lúc bấy giờ bạo chúa Giêhôdakim làm vua nước Giuđa. Ông ngược đãi các ngôn sứ, bắt dân làm nô lệ và cho phép sùng bái tà thần trong lãnh thổ. Phải chăng những điều này có thể khiến dân ngã lòng không còn tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa nữa?

Ông Khabacúc là vị ngôn sứ đặc biệt. Trong tác phẩm ngắn gọn chỉ vỏn vẹn ba chương, ông không ngỏ lời với dân mà là kêu than với Thiên Chúa. Những dòng mở đầu tóm kết lời kêu than ấy: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa?” Vị ngôn sứ chứng kiến nạn bạo lực, xung đột tôn giáo và hỗn loạn trong nước. Họ không được xem là dân của Chúa hay sao? Thiên Chúa ở đâu trong những hoàn cảnh thảm khốc như thế? Điều gì khiến Thiên Chúa chậm đến cứu giúp? Tất nhiên, Thiên Chúa không muốn có sự đau khổ và tiêu diệt như thế. Vậy, cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa?

Ngôn sứ Khabacúc đã viết những lời than van đó 600 năm trước Đức Kitô giáng trần. Nhưng phải chăng lời cầu xin của ông không phải là những lời khẩn cầu của chúng ta hay sao? Đức Giáo hoàng của chúng ta đã kêu gọi mọi người ăn chay và cầu nguyện cho đất nước Syria. Chúng ta quá chán ngán và đau đớn khi chứng kiến trên màn hình Tivi cảnh tượng quá nhiều người tị nạn đang ùn ùn đổ về các vùng Libăng, Giođan, Irắc và Aicập. Hai triệu người đã di dời chỗ ở! Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa? Chúng ta cầu nguyện cho hoà bình, khi có chiến tranh.

Còn đất nước chúng ta thì sao? Chúng ta đã mừng lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi vào tháng Ba ở Washington, nhưng vẫn còn nạn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong đất nước chúng ta. Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa? Chúng ta cầu xin cho một thiếu niên trong gia đình mình, cậu ta bị bệnh tâm thần phân liệt và từ chối điều trị y khoa. Gia đình kiệt lực và hoảng sợ vì cậu ta. Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa? Chúng ta cầu xin có được một công việc và khi đến phỏng vấn, người ta nói rằng chúng ta đã quá tuổi rồi. Nhưng chúng ta cần có việc làm. Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa? Cùng với ngôn sứ Khabacúc, chúng ta gào thét lên: “Bạo tàn!” mà sao Thiên Chúa lại không cứu vớt? Chúng ta cầu nguyện liên lỉ và, dù đã biết cầu nguyện, chúng ta học biết thêm: Lời cầu nguyện dù là của người lương thiện cũng không bảo đảm đạt được những hiệu quả nhanh chóng hay một câu trả lời rõ ràng.

Có những điều chỉ làm cho nước Giuđa trở nên tồi tệ hơn. Một khi cự tuyệt Thiên Chúa và đường lối của Người, họ sẽ phải đối diện với vấn đề bạo lực mà dân Babylon xâm lược sẽ gây ra cho họ. Vì dân Giuđa không phụng sự Thiên Chúa nên họ sẽ phải chịu khuất phục trước vị thần của người Babylon.

Mặc dầu tất cả những nguyên do nói trên có thể dẫn đến việc đánh mất niềm tin và đi tìm sự giúp đỡ ở nơi khác, nhưng ngôn sứ Khabacúc vẫn không ngừng kêu cầu Thiên Chúa. Lòng tín thác và cầu nguyện kiên trì không chỉ là cách thức ngôn sứ Khabacúc cầu xin Thiên Chúa, mà ông còn là một mẫu gương cho những ai đón nhận sứ điệp của ông. Quả thật, người ta khẳng định rằng ông viết sứ điệp trên với phạm vi rộng lớn đến nỗi ngay cả những người bận rộn cũng có thể đọc được.

Thiên Chúa cho ngôn sứ Khabacúc biết rằng dù trong cảnh khốn cực, dân luôn phải chờ đợi và tin tưởng Thiên Chúa sẽ hoàn trọn những gì Người đã trù tính. Sẽ có thời kỳ dân phải sống theo huấn lệnh của Thiên Chúa. Khi ấy, họ sẽ phải chờ đợi và hy vọng ngày đó chắc chắn sẽ đến và không còn lâu nữa. Thời điểm hoàn trọn đó sẽ xảy đến bằng sứ điệp Đức Giêsu loan báo vào lúc Người đến.

Lời cầu nguyện của ngôn sứ Khabacúc rất rõ ràng và quả quyết. Ông kêu gào xin Thiên Chúa thực hiện một điều gì đó. Có người nghĩ rằng những lời cầu nguyện của chúng ta phải cụ thể và thích đáng. Tuy nhiên, các Thánh vịnh và sách Ngôn sứ lại không ngần ngại cất lên lời than vãn với Thiên Chúa và các sách ấy khích lệ chúng ta thực hiện điều tương tự. Quả thật, đức tin là nền tảng của mối tương quan ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa. Đức tin giúp chúng ta kiên định trong những giai đoạn khó khăn và nuôi dưỡng niềm hy vọng giúp chúng ta chờ đợi Thiên Chúa sẽ thực hiện.

Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Khi gặp phiền muộn, chúng ta sẽ có được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đang cư ngụ trong chúng ta. Ngài khích lệ chúng ta tiến vào ngọn lửa ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận. Những đau khổ của các Kitô hữu tiên khởi đã khiến họ phải gào thét lên như ngôn sứ Khabacúc: Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa? Những gì Đức Giêsu tiên báo, giờ đã ứng nghiệm. Những ai bước theo Người thì sẽ phải đảm nhiệm và vác lấy thập giá xảy đến như một hệ quả của cương vị người môn đệ. Thánh Phaolô khuyên nhủ: Điều làm cho Giáo hội vững mạnh chính là vâng theo sứ điệp đúng đắn. Cho dù kết quả là những đau khổ, thì một khi đã tin vào Tin Mừng tất sẽ cần đến sức mạnh từ Thánh Thần, điều mà chúng ta cầu xin trong thánh lễ này nhân danh cộng đoàn.

Tin Mừng đã chọn lấy lời nguyện nhẫn nại của ngôn sứ Khabacúc. Lời nguyện ấy tựa như các tông đồ đang cảm nhận một cung điệu về ơn gọi của các ông. Thay vì chất vấn: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa?”, các tông đồ đã xin Đức Giêsu điều chúng ta cũng cần xin khi gặp bước đường cùng, đó là: “Xin thêm lòng tin cho chúng con”.

Cộng đoàn nhỏ bé gồm những tín hữu quy tụ quanh Đức Giêsu. Họ phải trải qua những gian nan thử thách và những điều bấp bênh vì lời cầu xin của họ ngắn gọn với mục đích: “Xin thêm lòng tin cho chúng con”. Nhưng họ lại đang kêu xin một điều không đúng. Họ đã có lòng tin – thế là đủ rồi. Họ không cần đạt đến cấp độ tối tân hay một kết quả lớn lao hơn. Chỉ cần lòng tin bằng hạt cải là đủ: chính chất lượng làm nên sự khác biệt chứ không phải số lượng. Do đó, thí dụ có vẻ vô lý: một chút lòng tin cũng đủ làm bật rễ cây dâu tằm, nổi tiếng vì rễ của nó ăn sâu dưới đất. (Người ta không trồng loài dâu tằm gần những bể chứa nước bởi vì rễ của chúng rất khoẻ sẽ làm bể vách bồn chứa).

Dụ ngôn Đức Giêsu đưa ra liền đó tựa như một lời cảnh báo các môn đệ không được cho là Thiên Chúa nợ chúng ta một phần thưởng vì những điều chúng ta làm. Chúng ta làm lụng vất vả hết sức mình để có được một cuộc sống sung túc và làm những điều có ích cho tha nhân. Chúng ta không được đòi phần thưởng cho những việc tốt đã làm; chính lòng tin chúng ta đã lãnh nhận mời gọi và cho phép chúng ta thi hành. Chúng ta thực hiện điều được mong đợi nơi chúng ta như những tông đồ và để lại kết quả vào bàn tay Thiên Chúa. Qua chúng ta, Thiên Chúa sẽ hoàn tất những ý định của Người. Thiên Chúa không nợ chúng ta bất cứ điều gì.

Khi làm điều gì với vai trò tông đồ, chúng ta xem như công trạng đó không thuộc về chúng ta, vì những nỗ lực của chúng ta phát xuất từ kết quả của ân huệ chúng ta đã lãnh nhận. Bất kể thành tích của chúng ta lớn lao hay bình thường như thế nào chăng nữa, thì tất cả đều phát xuất bởi hồng ân. Chúng ta đã được ban cho đủ lòng tin để vượt qua những trở ngại không thể thắng nổi, hoặc để đương đầu với những thách đố hàng ngày trong cương vị người môn đệ trung tín, và hãy trung kiên vượt qua cho đến khi Thầy trở lại.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Để lại một bình luận