CN 24 C: Trở về trong vui mừng

 

Trở về trong vui mừng

Xh 32, 7-11, 13-14; Tv 51; 1Tm 1, 12-17; Lc 15, 1-32

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

CN 24 C: Trở về trong vui mừngCó bao giờ quý vị chơi trò đố hình với các con và đưa cho chúng xem hai bức hình giống nhau rồi đố chúng tìm ra điểm khác nhau trong hai bức hình hay chưa? Hoặc có bao giờ quý vị kể nhiều lần cùng một câu chuyện cho con nghe, và khi kể đi kể lại, quý vị biết từ nào cần nhấn mạnh và lặp lại để câu chuyện đạt hiệu quả hơn chăng? Quý vị cũng biết cách giả bộ bỏ qua những chi tiết quen thuộc và cả từ khóa để con trẻ thốt lên đúng ngay từ ấy.

Những câu chuyện Tin mừng cũng giống vậy: tuy chúng tường thuật cùng một sự kiện, nhưng mỗi bản lại khác nhau vài chi tiết để cho thích hợp với mục đích của soạn giả. Các trình thuật rất giống nhau, nhưng cũng có điểm khác nhau; một số chi tiết bị loại bỏ trong khi lại thêm chi tiết khác vào. Điều đó tùy thuộc vào ý định của tác giả sách Tin mừng cũng như nhu cầu của những người mà ngài muốn viết cho họ.

Hôm nay, chúng ta được nghe ba dụ ngôn của Tin mừng Luca. Người giảng sẽ băn khoăn không biết nên chọn cả ba hay chỉ hai dụ ngôn trên cùng. Nhưng nếu chúng ta để ý đến cả ba dụ ngôn và chơi một trò trẻ em, “tìm các từ được lặp lại”, thì hẳn chúng ta sẽ tìm thấy chìa khóa để giải thích các câu chuyện này bằng cách tìm ra đâu là điều được lặp lại trong các dụ ngôn. Có phải thánh Luca là một tác giả kém cỏi, thiếu trí tưởng tượng thế nên nhiều từ ngữ cũng như tình tiết được lặp lại bằng cùng một từ trong cả ba dụ ngôn chăng? Hẳn là không phải thế!

Dù là ba dụ ngôn nhưng chúng đều nói đến cùng một sứ điệp. Hãy tưởng tượng xem, liệu các dụ ngôn này có được treo ở khu vực “đồ thất lạc” tại phi trường không? Đúng, đó chính là lý do thánh Luca gom chúng lại với nhau, đây là những dụ ngôn về lạc mất và tìm thấy.

Một điểm cho thấy sự liên kết của chúng là sự lặp lại cùng một từ hay một từ tương tự trong mỗi dụ ngôn. Trong mỗi dụ ngôn, có thứ “bị mất” và rồi được “tìm thấy”. Khi tìm thấy thì “vui mừng”. Và sau đó, cộng đoàn được mời đến để chúc mừng vì vật mất nay lại tìm thấy. “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được…” Hoặc như người cha nói với đứa con lớn: “chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Điểm nổi bật của Tin mừng Luca là luôn nhắc lại lời loan báo tình thương của Thiên Chúa. Các dụ ngôn hôm nay, làm nên toàn bộ chương 15, là một ví dụ về chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa, qua việc sử dụng những từ “lạc mất”, “tìm thấy” và “ăn mừng/chung vui”.

Người chăn chiên ngớ ngẩn bỏ cả 99 con lại để đi tìm một con đi lạc. Một phụ nữ kiếm khắp cả nhà chỉ để tìm đồng bị mất. Một người cha gạt qua một bên danh phận và tiếng tăm của mình giữa những người đồng đẳng khi ông chạy ào ra để ôm chầm lấy đứa con hoang đàng nay trở về nhà.

Không mấy gì khó khăn để tìm thấy sự tương đồng giữa các nhân vật trong dụ ngôn và Thiên Chúa. Đây là một sự so sánh táo bạo và liều lĩnh. Nhưng chính Đức Giêsu đã làm thế nên chúng ta cũng sẽ so sánh như vậy. Nhân vật chính khiến chúng ta đi đến kết luận rằng chính Thiên Chúa đã dại dột mạo hiểm vì chúng ta, kiên trì tìm kiếm và quá nhân từ, tha thứ cũng như đón ta về nhà. Thiên Chúa không chỉ đưa chúng ta vào trong nhà mà còn ôm chầm lấy ta và mở đại tiệc ăn mừng.

Đức Giêsu nói trong kinh nghiệm mật thiết với Thiên Chúa. Các dụ ngôn là hiểu biết và kinh nghiệm của Người về Thiên Chúa cũng như đường lối của Thiên Chúa, điều mà Người hăng say chia sẻ với chúng ta. Người không chỉ rao giảng tin mừng bằng các dụ ngôn và giáo huấn, nhưng còn rao giảng nơi chính gương mẫu của Người. Đức Giêsu đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ giới lãnh đạo tôn giáo vì đã hành xử như các nhân vật trong dụ ngôn của Người. Đức Giêsu ra đi để tìm kiếm người tội lỗi, tỏ lòng thương xót và đón nhận họ, hơn nữa Người còn dự tiệc đồng bàn với họ. Đức Giêsu không bao giờ quay lưng lại với bất kỳ kẻ tội lỗi nào chạy đến với Người.

Thánh Phaolô mô tả sự hiện diện của Đức Giêsu giữa chúng ta: “Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”. Chính Đức Giêsu là một dụ ngôn về nước Thiên Chúa cho những ai Người gặp gỡ: lời nói và hành động của Đức Giêsu phản ánh qua những dụ ngôn Người kể. Vì thế, một số người chấp nhận những cách thức giảng dạy của Người bằng dụ ngôn, kẻ khác thì không đón nhận.

Cách nào đó, Đức Giêsu giống như đứa con hoang đàng đối với chúng ta. Thư gửi tín hữu Hippri (4,15) nhắc chúng ta rằng Người “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội”. Người sống trong một thế giới tội lỗi, để rồi đi đến: “một vùng quê xa xôi” và tận mắt chứng kiến cảnh khổ cực do tội lỗi gây ra. Đức Giêsu bị bỏ rơi, tẩy chay và bị giết chết ở “nơi xa xôi ấy”. Người trở nên một trong chúng ta để ta nhận ra rằng khi mình từ bỏ bất kỳ một cuộc đi hoang nào, thì như đứa con hoang đàng, chúng ta cũng đều được chào đón khi trở về.

Cách thức và các giá trị trong các dụ ngôn thì ngược với những giá trị trên thế gian này. Các giá trị của thế gian mâu thuẫn với những gì mà dụ ngôn tỏ cho thấy về đường lối hành xử của Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe các dụ ngôn của Đức Giêsu về lòng thương xót và chấp nhận thì cũng có thể đáp lại những điều mình đã nghe. Chúng ta được mời gọi để sống đời sống như dụ ngôn ngày hôm nay, đó là: trở nên gương mẫu về lòng cảm thương, tha thứ và đón nhận tất cả những ai lạc lối mà nay đang tìm cách trở về.

Chúng ta dành thời gian dạy cho con cái về đức tin. Chúng ta cũng đảm bảo rằng chúng được tham dự lớp học giáo lý của giáo xứ. Trong khi, đây là những cách thức quan trọng để chuyển tải đức tin thì phương pháp mạnh mẽ và hiệu quả nhất để chuyển trao đức tin cho con cái và cả người khác nữa là sống các dụ ngôn về lòng nhân từ, đôn hậu và đón nhận: hãy sống và hành động dựa trên những gì ta tuyên xưng.

Một số người khi nghe các dụ ngôn của Đức Giêsu thì chỉ gãi đầu bảo rằng “tôi chẳng hiểu gì”. Nhưng những người khác nghe các trình thuật này, lại bước vào trong câu chuyện rồi tự an ủi mình rằng “tôi thích được ở đây. Cảm giác như đang ở nhà và tôi thấy mình được chào đón”.

Những người muốn khám phá niềm tin của chúng ta sẽ thắc mắc về niềm tin này. Chúng ta cố gắng cho họ câu trả lời tốt nhất. Nhưng, ai trong chúng ta lại không cần phải học hỏi thêm về đức tin của mình? Hôm nay là Chúa nhật Huấn Giáo và chủ đề của năm nay là “Hãy Mở Ra Cánh Cửa Đức Tin”. Đức Giám mục đã đưa những tư liệu cần thiết lên trang báo điện tử (website) của giáo phận để giúp cho giáo lý viên hiểu hơn về đức tin của mình. Nguồn tư liệu này cũng giúp cho giáo xứ chia sẻ và dạy đức tin trong suốt “Năm Đức Tin”.

Điều có thể khiến người khác thắc mắc về đức tin chính là kinh nghiệm về tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi chúng ta. Hiểu biết về Thiên Chúa hầu như không đến nhiều từ những trang sách nhưng đến từ chính các chứng nhân sống động về đức tin; hoặc những người đã được nghe, đón nhận và thấm nhuần các dụ ngôn. Thực vậy, đó là cố gắng biến các dụ ngôn về nước trời thành hiện thực trong thế giới của chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Để lại một bình luận