Hạ mình xuống như thế nào?
Hc 3,17-18.20.28-30; Tv 68; Hr 12,18-19.22-24; Lc 14,1.7-14
Lm. Jude Siciliano, O.P.
Kính thưa quí vị,
Ngày nay, vì phải dành nhiều thời gian cho công việc, đi lại và những bài tập ở nhà của con cái nên việc chuẩn bị bữa tối đã thực sự trở thành áp lực đối với các bậc cha mẹ. Dù đã có gia đình, hay sống độc thân, thì sau một tuần bận rộn, hẳn là quí vị chỉ thích được ai đó mời tới nhà, để chỉ việc ngồi xuống dùng bữa tối với gia đình họ hay bạn bè mà không phải nấu nướng hay mua vội thức ăn nơi các cửa tiệm trên đường về nhà, phải không?
Ở đoạn trước của Tin mừng Luca (9-51), Đức Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem. Từ lúc đó, Người đã bận rộn tuyển chọn và dạy dỗ các môn đệ mới, chữa lành bệnh tật, giảng dạy và đương đầu với những chống đối của giới chức tôn giáo. Khởi đầu bài đọc hôm nay, chúng ta biết Người đang dùng bữa tại nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu. Nhóm Pharisêu rất mộ đạo, đời sống của họ là gương mẫu cho những người Dothái khác về cách sống công chính như quý vị hành xử ngoài xã hội, trong gia đình và nơi hội đường. Sabat là ngày nghỉ mà người Dothái phải giữ và đây là cơ hội để Đức Giêsu gác lại cuộc sống bận rộn và thưởng thức một bữa ăn ngon vời bằng hữu.
Nhưng như cách nói của thánh Luca thì không hẳn như thế, bởi vì: “Họ đang cố dò xét Người”. Ngay cả ngày Sabat và tại bàn ăn, người ta cũng dò xét Đức Giêsu. Người thường bị giới lãnh đạo tôn giáo khả kính lên án vì ngồi ăn với những người tội lỗi. Nhưng dù đang bị dò xét, Đức Giêsu vẫn quan sát xung quanh. Bữa tiệc là đề tài quan trọng trong giáo huấn của Đức Giêsu, và vì thế tại bàn ăn hôm nay, Người đã có lời chất vấn nhà lãnh đạo Pharisêu và các khách mời của chủ nhà.
Khi một người bước vào một văn phòng hay xưởng làm nhộn nhịp, họ hay hỏi: “Ai chịu trách nhiệm ở đây?” Nếu chúng ta đến dùng bữa tối tại nhà vị lãnh đạo phái Pharisêu và cũng hỏi các khách mời câu hỏi đó, thì họ sẽ trả lời: “Dĩ nhiên, chủ tiệc chính là vị Pharisêu kia”. Nhưng, theo trình thuật của thánh Luca hôm nay, chúng ta nghe có một câu trả lời khác, đó là: “Đương nhiên, người chịu trách nhiệm ở đây là Đức Giêsu”. Rõ ràng Đức Giêsu kể dụ ngôn có tính thách thức này nhắm đến những người đang dự tiệc.
Đức Giêsu nhắm đến giới lãnh đạo Pharisêu và các thực khách của ông ta bằng một minh họa bất thường. Lúc đầu nghe như là một bí kíp để có được chỗ cao nhất tại bàn tiệc và được nổi nang giữa công chúng. Đức Giêsu cảnh báo cho các vị khách chọn “những nơi vinh dự của bàn tiệc”. Người đề nghị chọn nơi thấp nhất để khi chủ tiệc nhận ra sẽ mời lên chỗ cao hơn: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Còn gì tốt hơn việc được tiếng là khiêm nhường trước đám đông và còn nhận được chỗ cao hơn tại bàn tiệc? Phải chăng Đức Giêsu đang gợi ý một cách xã giao khôn ngoan tại bàn tiệc để có được sự nể trọng giữa những người có cùng địa vị – vì sự khiêm tốn giả tạo chính là bởi thái độ kiêu ngạo mà ra? Đó không phải là điều mà Đức Giêsu đem cả cuộc đời và gương mẫu của mình để dạy chúng ta. Nhưng, chúng ta nhận được một thông điệp căn bản từ dụ ngôn này: là đệ thì phải khiêm tốn và giản dị.
Chắc chắn Đức Giêsu không bảo chúng ta, những môn đệ thời nay phải lấy điểm thấp ở trường, hoặc tìm một vị trí chậm tiến trong nghề nghiệp hay từ chối lời khen khi làm tốt công việc. Thay vào đó, Người khơi dậy động cơ căn bản của chúng ta khi theo đuổi những mục đích sống. Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta tài năng để làm điều tốt đẹp trong thế giới, chứ không phải để tìm kiếm địa vị và sự tán thưởng nơi bàn tiệc, hay công sở. Có rất nhiều thứ mà người môn đệ phải thực hiện trong thế giới vì những nhu cầu lớn lao, đặc biệt nhu cầu cho những ai đang ở nơi thấp nhất trong bàn tiệc xã hội. Điều này tùy thuộc vào Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân, chính Người chuyển trao cho chúng ta danh dự đáng có. Chúng ta thử nghĩ xem mình đã phục vụ Chúa như thế nào, như ngôn sứ Mikha khuyên rằng: “Chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng con chỉ làm bổn phận của mình” (17,10).
Dường như điều đó là chưa đủ, nên Đức Giêsu đi xa hơn bằng cách thách thức các thực khách tại bàn tiệc. Rõ ràng họ thuộc về tầng lớp xã hội khá giả và có khả năng đãi tiệc để mời bạn hữu và các đồng nghiệp của mình. Người lại bảo họ không nên mời những bạn hữu và gia đình giàu có dự tiệc, vì học có thể mời đáp lễ. Nhưng hãy mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.”
Có phải chúng ta không nên tổ chức tiệc tùng với gia đình và bạn bè hay không? Không phải vậy, chính Đức Giêsu là khách mời trong gia đình của chị Matta, Maria và anh Ladarô mà! Nhưng, chúng ta cần nhớ điểm quan trọng trong giáo huấn của Người là: không được thờ ơ trước những người nghèo đói, bệnh tật và túng thiếu. Những người bị bỏ rơi trong xã hội phải là ưu tiên hàng đầu của môn đệ Đức Giêsu.
Một trong những hậu quả của Sequester (tịch thu tài sản tạm thời của người thiếu nợ), những cắt giảm mạnh tay của quốc hội, là Chương Trình Khởi Động Tài Năng (Head Start Program) dành cho các trẻ em nghèo, chương trình này đang bị cắt giảm thảm hại, đó là: 60.000 trẻ em chưa đến tuổi đến trường không được đi học. Thêm vào đó, thời gian học của những trẻ em khác cũng bị rút ngắn lại, cùng với những giảm thiểu hỗ trợ y khoa, nha khoa và dinh dưỡng. Với thời gian trợ giúp rút ngắn, cha mẹ của chúng sẽ phải cố gắng xoay sở để vừa chăm sóc con cái vừa phải làm việc mưu sinh. Chúng ta có thể nhận thấy ai là người được ngồi ở chỗ cao nhất, ai là người ngồi chỗ thấp nhất và ai là người bị lãng quên.
Các môn đệ được giáo dục và có địa vị xã hội sẽ phải tìm ra những cách rời bỏ những nơi vinh dự tại bàn tiệc để ngồi chung với những người ở “nơi thấp nhất”, tìm hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe và đứng ra bênh vực họ. Đức Giêsu bị chỉ trích vì ngồi chung bàn với người tội lỗi, bệnh tật và bất hảo – những người này không chỉ bị loại ra khỏi bàn tiệc, mà còn bị cấm cản vào hội đường. Vậy người ta tìm thấy Đức Giêsu ở đâu? Đó là nơi thấp nhất của bàn tiệc, nơi đây mọi người có thể tìm gặp Người.
Hôm nay, chúng ta lại được quây quần dự tiệc của Chúa nơi đây. Chúng ta là những khách quý của Người. Đức Giêsu là chủ tiệc và dọn cho ta ẩm thực ngon nhất; ở đây, người tội lỗi và kẻ thấp hèn đều được chào đón. Chúng ta cùng nhau dùng bữa trong sự khiêm tốn và lòng biết ơn. Thế rồi, khi no nê, chúng ta phải rời khỏi nơi này để thực hành những gì đã nghe và đã thấy: người đói được no và kẻ tội lỗi được tha thứ.
Bài trích sách Huấn Ca hôm nay chuẩn bị cho chúng ta bước vào Tin mừng. Sách Huấn Ca là một phần của truyền thống Khôn Ngoan. Bài đọc hôm nay cũng ngỏ lời cho những người có vị thế trong cộng đoàn của họ. “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” Giống như Tin mừng, lời khuyên của bậc hiền nhân dành cho học trò không phải là cách để khẳng định mình, nhưng là làm đẹp lòng Thiên chúa.
Sách Huấn Ca cho thấy khiêm tôn chính là một đức tính diễn tả niềm tín thác, không phải để tự khẳng định, nhưng là dành cho Thiên Chúa. Thiên Chúa thấy – Thiên Chúa hài lòng – Thiên Chúa ban thưởng. Điều lớn lao thực sự đến từ đâu? Không phải từ chúng ta, nhưng từ Thiên Chúa. Như ngôn sứ Mikha nhắc chúng ta phải nhớ “thực thi công bình, yêu mến nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa” (6,8).
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.