Đường Về Của Mẹ (Phần 10)

 
Đường Về Của Mẹ
 
 D. Các Đặc Ân Của Mẹ

4. Đặc ân Lên Trời Cả Xác Hồn

Đường Về Của Mẹ (Phần 10)Ơn vinh hiển thăng thiên của Mẹ Ma-ri-a Rất Thánh Thánh Kinh không trực tiếp ghi lại một lời nào. Nhưng thật ra trong Thánh Kinh Thiên Chúa đã chuẩn bị rất nhiều, cách tiệm tiến kéo dài theo dòng thời gian, song thật rõ ràng. Để tâm thức nhân loại có thể đón nhận sự việc vượt xa tự nhiên này, về cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Sa-tan. Việc Đức Nữ Đồng Trinh được vinh hiển thăng thiên là sự vinh thắng hoàn toàn của ơn cứu độ, thể hiện trọn vẹn huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Mẹ lên trời cả hồn và xác mới hoàn tất cách viên mãn chân lý mạc khải Thiên Chúa đã tỏ bày qua Đức Kitô Giêsu, Con Duy Nhất của Ngài.

Đón Mẹ Ma-ri-a về thiên quốc Thiên Chúa muốn ngõ lời với nhân loại, dù là một tội nhân nặng nề nhất cũng được biết khoảng cách giữa thế giới tự nhiên hữu hình và thế giới siêu nhiên vô hình không xa. Tuy có khoảng cách nhiệm mầu nhưng không phải bí nhiệm tuyệt đối, đến mức loài người chẳng thể hiểu biết được gì về nó và không bao giờ có thể đạt tới. Đức Giêsu là Cánh Cửa mầu nhiệm nước trời đã mở, là chiếc thang cho nhân loại đến cùng Thiên Chúa. Vinh dự thay Đấng được rước về cõi thiên cung vĩnh phúc qua cánh cửa, qua chiếc thang ấy trong vinh quang hiển sáng xứng với địa vị Mẹ Thiên Chúa.

Trước khi đi vào chiêm ngắm những mốc chặng nhiệm mầu Thiên Chúa tỏ bày cho chúng ta nơi Thánh Kinh. Chúng ta phải xác định với nhau: trong con cái loài người, ngoại trừ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội thì không còn ai không mắc tội tổ tông truyền. Như thánh Phao-lô đã khẳng định “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Và thánh công đồng Va-ti-can-nô II cũng tuyên bố “bởi vì loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ” (TĐ 7). Thế nên tất cả mọi người đều phải chịu án phạt của Thiên Chúa sau khi tổ tông phạm tội; tức phải chết.

Thế nhưng những định tín này nếu đem so lại với đôi đoạn Thánh Kinh, được nêu ra sau đây sẽ đẻ ra những vấn nạn. Cùng tìm hiểu, lý giải được những vấn nạn này, chúng ta sẽ thấu đạt được tình Chúa yêu thương loài người đến mức trao tặng Đức Mẹ Ma-ri-a, một người nữ trong con cái loài người, ơn vinh hiển thăng thiên cả xác hồn. Quà tặng mở đầu cho Mẹ sau Con Thiên Chúa, cũng cho tất cả những ai theo gương Mẹ sống trọn đức tin vào Thiên Chúa Làm Người. Có hiểu được mới thấy tình quan phòng của Thiên Chúa tỏa sáng nơi Thánh Kinh, kỳ diệu và khôn ngoan ngần nào. Đồng thời có nhìn lại đếm tháng ngày mình sống

“Kiếp phù du: tháng ngày vắn vỏi

tấm thân này: cỏ úa  vàng khô” (Tv 102,12).

Mới cảm nghiệm sự thăng thiên cả xác hồn của Đức Thánh Trinh Nữ, về quê hương vĩnh phúc vĩnh hằng là phúc trọng dường nào.

Trong Cựu Ước có ba nhân vật được kể lại đã “đi cùng Thiên Chúa”. Và có hai người trong họ được đưa lên trời cách bí ẩn, họ không phải qua cái chết. Còn ở Tân Ước cũng có một vị được đưa lên trời bí nhiệm không kém. Ngay chính người đó được đưa lên trời như thế nào, ông cũng không biết.

E rằng đột ngột đi vào “miền ánh sáng”, sự rực rỡ của chân lý sẽ làm lóa mắt tâm linh con. Suy niệm về những con người đặc biệt, được Thiên Chúa đã dùng để làm cầu nối tư tưởng cho mầu nhiệm thăng thiên của Chúa Kitô và Mẹ Ma-ri-a, chúng ta có thể thấy điển hình Thánh sử Mat-thêu đã đưa tên ba người phụ nữ vào bản gia phả của Ngài: bà Ta-ma, bà Rút và bà Bét-sa-va là những người tội lỗi, ngoại bang. Theo quan điểm Do Thái, họ không bao giờ xứng đáng được ghi tên vào đó. Nhưng thánh Mat-thêu đã đưa tên họ vào gia phả để làm tiền đề – cầu nối hầu đưa tên người phụ nữ thứ tư là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vào gia phả, cho Do Thái dễ dàng tiếp nhận khi đọc Tin Mừng. Những nhân vật Thánh Kinh ghi lại được kể ra đây không phải một sự ngẫu nhiên trùng hợp, Thiên Chúa muốn viết lên như thế để chuẩn bị cho nhân loại dễ dàng tiếp nhận mầu nhiệm thăng thiên của Chúa Kitô và Mẹ Người.

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu xem những con người lịch sử ấy đã đi với Thiên Chúa có ý nghĩa như thế nào con nhé!

* Vấn nạn 1

Ông Kha-nốc, Nô-e, Ê-li-a được Thiên Chúa đưa đi, Thánh Kinh ghi lại. Các ông ấy có thể được đưa đi như thế nào, và việc các ông được đưa đi Thánh Thần muốn nói gì với nhân loại?

– Những linh hồn lành thánh được Thiên Chúa đưa đi vào huyền nhiệm của Ngài một thời gian. Dù xưa hay nay là điều không ai phản bác khi đã thật sự tin vào Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn làm bất cứ điều gì cho ai, ở đâu và như thế nào đều tùy thuộc vào Ngài.

Thiên Chúa có thể đưa thần trí hay linh hồn rời khỏi xác, đi đến nơi Người muốn. Hoặc đi trong thị kiến, hay có thể đi với cả xác hồn như trường hợp của Ê-li-a, của Chúa Giêsu (2V 2,11; Lc 4, 2).

Chiêm ngắm ơn Lên Trời Cả Xác Hồn của Đức Trinh Nữ, bố con ta cùng tìm hiểu thêm từ “đi” theo nghĩa rộng mà Thánh Kinh hay dùng. Với ý nghĩa này chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận với chân lý Thánh Thần mạc khải về vấn đề này.

“Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ

Con nguyện đi theo mãi đến cùng

Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi

Vì con ưa thích đường lối đó”  (Tv 118,33-35).

Chắc rằng trước khi Thiên Chúa đưa các ông đi cả xác hồn về trời hay chỉ đi với Ngài một thời gian. Các ông đã được Thần khí đưa đi trên con đường công chính và chân thật. Đi trong đường lối thánh chỉ đồng nghĩa với đi trong ân sủng và tình yêu Chúa.

“Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Chúa

hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi

Đức Chúa, Chúa tôi thờ, làm cho tôi mạnh sức

cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai

Và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời”. (Kb 3, 18-19)

Bốn nhân vật Thánh Kinh ghi lại: ông Kha-nốc, Nô-e, Ê-li-a và Phao-lô. Đời các Ngài sáng chói tựa những vì sao trên bầu trời đêm tội lỗi và bất trung của nhân loại. Chẳng khác nào ngọc trai vô giá vùi lấp trong cát và rong rêu trần thế, chốn nhân gian dẫy tràn phận người sa ngã. Trước khi Thiên Chúa đem các ngài ra khỏi đó, Thiên Chúa đã dẫn các ngài đi trên đường công chính thánh thiện, bước vững vàng trên những đỉnh núi thử thách và ân sủng cao vời. Những trình thuật thánh kinh kể lại về đời sống các ngài nói rõ lên điều đó. Riêng ông Kha-nốc Thánh Kinh không kể gì về đời sống của ông. Nhưng với lời Thánh Kinh ghi lại về sau, đủ để xem như những chứng tích hùng hồn về sự thánh thiện của ông. Một con người được Thiên Chúa gìn giữ giữa nhân gian đang ngập tràn tội lỗi, đến độ Thiên Chúa phải xóa hết dấu vết Ngài kinh tởm bằng trận lụt đại hồng thủy.

“Trong số những người được dựng nên ở trần gian chẳng có ai giống như ông Kha-nốc. Vì ông được cất lên khỏi đất này” (Hc 49,14)

“Ông Kha-nốc đẹp lòng Đức Chúa và đã được đưa đi. Ông là tấm gương cho các thế hệ quay về với Thiên Chúa” (Hc 44, 16)

“Nhờ đức tin ông Kha-nốc đươc đem đi nơi khác để khỏi chết, và người ta không tìm thấy ông nữa, bởi vì Thiên Chúa đã đem ông đi. Quả thật kinh thánh chứng nhận rằng trước khi được đem đi, ông đã đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,5).

Tội lỗi mang lại sự chết, tội lỗi cũng làm cho tuổi thọ của con người ngắn lại. Xác phàm mang tội nguyên tổ như men xấu dần hủy hoại con người (St 6,3; Mt 16,6). Trong khi đó thì con của ông Kha-nốc được sống lâu hơn hết thảy mọi người. Tội lỗi mang lại sự chết còn sự công chính bởi ân sủng mang lại sự sống. Kha-nốc được đem đi cả xác hồn về với Thiên Chúa nguồn sự sống. Để lại ân đức cho con, con của ông được Chúa ban ơn có tuổi thọ hơn hết thảy con cái loài người (St 5,27). Chân lý tiềm ẩn ở nơi đây.

Vì bị tội lỗi thống trị, con người mãi theo gót tổ tông quay lưng chạy trốn Thiên Chúa, bất tuân và phản bội Ngài (St 3,8; 6,5-12). Thì ngay giữa dòng lũ chảy xiết thất sủng và đau khổ mênh mông nhận chìm hết thảy con người vào cõi âm ty. Thiên chúa vẫn để sót lại những con người có thể đứng vững trên đỉnh núi thánh ân cao vời. Họ được đưa đi với Thiên Chúa, vào thế giới của Ngài. Một sự giải thoát làm dấu chỉ rạch ròi Thiên Chúa vẫn không hề bỏ rơi con người. Và người không hề chiến bại trước Sa-tan, cuộc chiến vẫn còn đó, âm thầm diễn ra… Tất cả bày tỏ lòng thương xót Chúa lúc ẩn lúc hiện nhưng xuyên suốt lịch sử nhân loại hướng về Chúa Kitô. Và cách riêng giây phút vinh hiển khải hoàn thăng thiên của Người, và của Đấng nên một cùng Người trong huyết nhục và cả ân sủng đong đầy.

* Vấn nạn 2

Thánh Kinh ghi rõ ông Kha-nốc, ông Ê-li-a đã được đem đi khỏi mặt đất cả xác hồn để không phải chết (Dt 11,5; 2V 2,11-18). Như vậy có phải hai ông đã không mắc tội tổ tông nên không phải chết? Được lên trời cả xác hồn hai ông có giống Đức Mẹ Chúa Trời được ơn vô nhiễm nguyên tội không?

– Với ông Kha-nốc thánh Phao-lô đã khẳng quyết “Nhờ đức tin ông Kha-nốc đã được đưa đi nơi khác để khỏi chết…” Vâng, ông Kha-nốc đã tin Thiên Chúa, tin vào Ngôi Hai Cứu Độ. Tin vào Đấng nếu không có Người không có gì hiện hữu. Chúng ta đừng lầm tưởng khi có ông Kha-nốc thì Đức Kitô chưa sinh ra, vậy ông Kha-nốc biết gì về Người để mà tin? Chúng ta có thể trưng dẫn câu nói của Chúa Giêsu so sánh mình với Ap-ra-ham mà hiểu được đức tin của ông Kha-nốc “Ông Ap-ra-ham là cha của các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi… Thật tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ap-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8, 56-58). Đối với một số người đẹp lòng Thiên Chúa hay như các ngôn sứ, Thiên Chúa đã tỏ cho các ngài biết về Đức Kitô mặc dầu Người chưa đến. Đức tin của ông Kha-nốc về Đấng Cứu độ ông cũng ở trường hợp này.

Để hiểu rõ hơn chúng ta cùng tìm hiểu đức tin của ngôn sứ Ê-li-a, người được đưa về trời giống ông Kha-nốc. Dưới gầm trời, tất cả những ai từ lòng Mẹ sinh ra, ngoại trừ Đức Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa, không một ai tránh khỏi tội tổ tông. Vì Thiên Chúa không bao giờ để cho tạo vật nào ra khỏi quyền Ngài, và tự bản chất của tạo vật cũng không thoát khỏi quyền năng Chúa. Lưới trời lồng lộng con người nhỏ khó qua, Thiên Chúa cũng không tự mâu thuẩn, ban ra án lệnh rồi lại làm ngơ cho một số người thoát khỏi (2Tm 2,13).

Nhưng lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa có muôn ngàn cách để cứu giúp những ai sống trong lề luật. Và hết mực kính tin nơi tình thương xót của Ngài. Về vấn đề này thánh Phao-lô có dạy: “Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10, 1-4). Tương tự như ông Mô-sê và Dân thánh, ông Ê-li-a đã chịu phép rửa, nhờ đó ông Ê-li-a được sạch tội tổ tông. Chúng ta hãy so sánh phép rửa của Mô-sê và Dân với Ê-li-a, theo như lời thánh Phao-lô.

1. Phép rửa của Mô-sê và Dân Ít-ra-en thời xuất hành

a. Cột Mây

– Dân được Đức Chúa ở cùng trong Cột Mây, trong suốt hành trình nơi sa mạc. Đức Chúa trong Cột Mây che chở, bảo vệ, gìn giữ sự sống và an nguy cho Dân và Mô-sê (Xh 13, 21-22; 15, 19-20).

b. Biển Đỏ

– Đức Chúa ở với Mô-sê và Dân giúp cho Dân và Mô-sê vượt qua biển Đỏ. Một cuộc vượt qua lạ thường và uy hùng. Chúa dùng Mô-sê cứu thoát Dân Ngài khỏi tay Pha-ra-ông và tiêu diệt họ (Xh 14,15-31).

– Được Đức Chúa hổ trợ, bảo vệ. Dân và Mô-sê tiến về Si-nai tế lễ Đức Chúa, làm cho Dân thêm xác tín vào Đức Chúa.

– Hiện diện tại núi Si-nai, Dân được ông Mô-sê đại diện gặp gỡ Đức Chúa và giao ước với Ngài (Xh 19; 20,1-21; 24,15-17).

– Nhờ Mô-sê Dân được chứng kiến vinh quang Chúa trong lửa bừng bừng cháy (Xh 19,16-21; 24,15-17).

– Riêng Mô-sê được ơn diện kiến và đàm đạo với Chúa (Xh 32,9-11; 33,18-23).

c. Thức ăn và thức uống linh thiêng

– Dân được Đức Chúa ban cho thức ăn bởi trời, bánh Man-na (Xh16,9-16).

– Dân khát nước trong Sa-mạc được uống nước từ tảng đá, Chúa dùng Mô-sê làm nước chảy ra (Xh 7, 1-7).

2. Giống như Mô-sê và dân, Ê-li-a đã chịu phép rửa

a. Thần khí

– Ê-li-a được Đức Chúa ban cho Thần khí dồi dào (2V 2,9). Ông chịu phép rửa bởi Thần khí (1Cr 12,13). Được mạc khải về Đức Kitô nhờ Thần khí (1Cr 2,10). Cũng như chúng ta ông trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Thần khí (Rm 8,14). Ông Ê-li-a đã làm cho con trai bà góa sống lại nhờ Thần khí ban sự sống (1V 17,11-24).

Cột Mây là hình ảnh của Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí Sự Sống.

b. Cơn Đại Hạn

– Ê-li-a được Thiên Chúa che chở, ở với ông, giúp ông vượt qua cơn đại hạn bằng sự can thiệp lạ thường (1V 17,1-6). Các ngôn sứ và Ê-li-a bị truy sát (1V 18,4-10). Ông Ê-li-a bảo dân giết các ngôn sứ Ba-an (1V 18,40).

– Ê-li-a thoát khỏi cuộc truy bắt của bà I-de-ven nhờ sự giúp đỡ của thiên sứ. Ông tiến về núi Khô-rếp là núi của Thiên Chúa để gặp Ngài (1V 19,1-8).

– Ngôn sứ Ê-li-a giúp dân tìm lại đức tin vào Đức Chúa, tận mắt thấy quyền năng Chúa. Nhờ lời cầu nguyện của Ê-li-a lửa của Thiên Chúa xuống thiêu cháy của lễ thiêu và củi đã bị ngấm nước ba lần (1V 18,20-40).

– Ê-li-a được diện kiến và đàm đạo với Đức Chúa (1V 19,9-18).

c. Thức ăn và thức uống linh thiêng

Ngôn sứ Ê-li-a và gia đình người đàn bà góa được ăn bột và dầu không vơi cạn trong vò (1V 17,7-16). Dân đang cơn đại hạn được mưa nhờ lời cầu nguyện của ông Ê-li-a (1V 18,41-45).

Còn rất nhiều điểm ngôn sứ Ê-li-a giống ngôn sứ Mô-sê với Dân thời xuất hành, không thể kể hết ra đây. Nhưng kể bấy nhiêu và quan điểm thần học của thánh Phao-lô cũng đủ minh chứng hùng hồn. Phép rửa trong đức tin của Mô-sê và Dân Thánh, ngôn sứ Ê-li-a cũng được lãnh nhận. Thiên Chúa đã chọn ngôn sứ Ê-li-a cách đặt biệt, ban cho ông Thần khí hiểu biết về Đấng Cứu Thế, ông tin nhận Người mạnh mẽ nên được cứu thoát cách lạ lùng. Ê-li-a không nhận biết và tin vào Đấng Thiên Sai sẽ đến sao được, khi có lời kinh thánh tiên báo Ê-li-a sẽ là người được sai đến  dọn đường cho Đức Kitô.

Nơi Phúc Âm, các thánh sử cũng công nhận Thần khí Chúa ban cho Ê-li-a đã được ban cho thánh Gio-an Tẩy Giả, ngôn sứ giao thời giữa Cựu và Tân ước. Đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thế, ứng nghiệm lời ngôn sứ Ma-la-khi nói trên (Lc 1,17). Và lúc Chúa Giêsu biến hình trên núi Ta-bô-rê, ông Ê-li-a và ngôn sứ Mô-sê đã hiện ra đàm đạo với Người, nói về cuộc tử nạn để cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô (Lc 9,30-31). Tất cả cho thấy tương quan giữa Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai và ngôn sứ Ê-li-a thật mật thiết.

Tóm lại, nhờ Thần khí dồi dào Ê-li-a đã biết và vững tin vào Đấng Cứu Độ ông. Ông được lãnh nhận phép rửa bởi Thánh Thần, đã “chết” cái chết của những người công chính là trải qua đau khổ, gian nan thử luyện lớn lao vì danh Chúa. Nên lời của Chúa Giêsu ứng nghiệm trọn vẹn nơi ông, giống như ông Kha-nốc “Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26). Như mọi người Kha-nốc và Ê-li-a đều mắc tội tổ tông nhưng không trải qua cái chết xác thể, Đức Chúa cứu thoát hai ông, vì các ông vững tin vào đấng Cứu Độ. Và hai ông được đưa đi cả xác hồn khỏi mặt đất để không chết. Nhưng điều đó không nói lên hai ông đã được lên trời vinh hiển như Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cùng mắc tội tổ hai ông đã được cứu, và được hưởng vinh phúc của một phàm nhân.

Kinh thánh viết về cuộc đời hai ông ngầm chứa đựng chân lý mạc khải: Thiên Chúa luôn yêu thương loài người, yêu thương đặc biệt và lạ lùng. Và Ngài khôn ngoan gìn giữ công trình tạo dựng của Ngài, tình thương Ngài vẫn xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại. Và ân sủng Ngài luôn bảo vệ, gìn giữ cách hoàn hảo những ai vững tin vào Thiên Chúa. Đồng thời nó cũng nói lên hình ảnh tiên báo sự vinh hiển phục sinh rồi thăng thiêng của Đức Kitô và Mẹ Rất Thánh của Người.

Chúng ta phải nhìn nhận ân sủng và thần khí Thiên Chúa ban cho Kha-nốc và Ê-li-a làm sao có thể so bì với Đấng Đầy Ơn, Mẹ Thiên Chúa.

“Tấm thân trong trắng giờ mang nặng

Ơn cả diệu huyền quá thẳm sâu”

 (Thánh thi Kinh Sáng lễ Giáng Sinh)

Đường Về Của Mẹ (Phần 10)Thân xác và linh hồn Mẹ Ma-ri-a không hề có chút bợn nhơ vì tội lỗi, tinh tuyền rạng ngời, lại cưu mang Kho Tàng Ân Phúc, ấp ủ chở che và nuôi lớn nơi chính mình Nguồn Sự Sống. Con người dùng thân xác để phạm tội, phạm tội ngoài thân xác lẫn trong thân xác. Nên tội lỗi hủy hoại con người bởi án chết, như thứ bệnh ung thư kinh khủng nhất làm thối rữa thịt da. Còn Mẹ Thiên Chúa, Đấng tận hiến trọn vẹn xác thân cho Thiên Chúa. Cung lòng Mẹ trở thành Điện Ngọc Quang Vinh, Hòm Bia Cực Thánh, Đền Thờ Mầu Nhiệm, Thánh Cung Huy Hoàng của Đức Chúa Các Đạo Binh ngay từ ở trần gian. Ngôi Lời vui thỏa khi nhập thể nơi lòng Mẹ Ma-ri-a, không chỉ vì đã mặc cho Mẹ ân sủng tràn đầy. Song vì còn nhận thấy một phần bản thể Ngài hiện hữu nơi Người Nữ Tinh Tuyền, tức Ơn Vô Nhiễm

Hình dung, chiêm ngắm tình yêu da diết, nồng nàn tình Mẹ thương Con từ lúc xin vâng hiến dâng trọn xác hồn cưu mang cho đến khi sinh nở. Rồi hơn ba năm bú mớm, ẳm bồng, lo lắng chăm nom, săn sóc vổ về… Hát ru từng ngày điệp khúc thiết tha Tình Từ Mẫu, cho đến lúc dùng tình yêu Người Mẹ Cao Cả ấy tận hiến Con trên thập giá thương đau. Nơi Trái Tim Vô Nhiễm kính cẩn vâng theo ý Cha dâng hiến Người Anh cho cả đàn em được cứu sống. Đã là Thiên Chúa, Chúa Giêsu lẽ nào không hiểu hơn chúng ta tình yêu của Mẹ, tình yêu đã trao ban cho Người bản tính nhân loại… Kể sao cho hết ân tình cao trọng hơn trời bể Mẹ đã dành cho Con.

Con người Mẹ, tình yêu của Mẹ luôn đượm nhuần thánh ân nên sự thánh thiện đến thiêng thánh. Và cường độ tình yêu tinh tuyền nơi Mẹ vượt trên cả trí tưởng tượng của trí óc từng vương mang tội tổ. Vì thế, trước nhan Thiên Chúa nơi con người Rất Thánh Trinh Nữ luôn sáng ngời ánh hào quang phản ảnh dung nhan Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng còn, chẳng có tạo vật nào giống Ngài hơn Mẹ. Cho nên Thiên Chúa yêu dấu Mẹ vô ngần. Ngay cả Kha-nốc và Ê-li-a cũng phải cao rao: “Từ khởi nguyên Thiên Chúa tạo dựng nên tạo vật đầu tiên, cho đến ngày Mẹ Ma-ri-a chính thức được làm Mẹ Thiên Chúa, chưa có tạo vật nào xinh đẹp yêu kiều đáng để Thiên Chúa đỗ đầy vực thẳm tạo vật hư vô tình thương xót vô biên của Ngài như Mẹ.”  Một thọ sinh được nắn lên bởi đất được ân sủng biến đổi cách thần kỳ.

Như đã nói, lúc Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm cưu mang Chúa Con. Mẹ sớt chia sự sống tự nhiên của Mẹ cho Ngôi Hai Thiên Chúa, thì thần tính của Ngôi Lời Nhập Thể cũng dần xâm chiếm và biến đổi thân xác Mẹ Ma-ri-a nên giống thân xác mang vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu Con Mẹ. Bởi đó thân xác Mẹ không thể hư nát nơi hầm mộ. Cõi âm ty cũng không thể và chẳng dám giam giữ một con người vĩ đại và cao trọng hơn chính nó. Nhưng chúng ta đừng vội nghĩ sự kiện toàn của ân sủng, nơi thân xác Mẹ Ma-ri-a nên giống thân xác mang vinh quang phục sinh của Chúa Kitô ngay lập tức.

Đường Về Của Mẹ (Phần 10)Không, Thần tính Thiên Chúa đã biến đổi thân xác Mẹ như nắm men được trộn vào đấu bột. Nó biến đổi dần dần và chỉ viên mãn lúc đến giờ Chúa muốn Mẹ về trời. Vì vậy, thuở còn tại thế người đương thời không phát hiện được tính chất lạ lùng nơi thân xác Đấng sẽ vinh hiển thăng thiêng. Nhưng với Mẹ, Mẹ hiểu rất rõ những gì Thiên Chúa làm nơi Mẹ. Sự hoàn thiện cả linh hồn và thân xác trong thánh sủng, đã làm Mẹ Vô Nhiễm đủ can trường, đủ đức tin trong sáng mạnh mẽ, để thông công với Con trong toàn cuộc khổ giá của Người, để hôm nay có người chiêm ngắm đức tin ấy phải ngỡ ngàng cao rao

Đức tin nào cao vút vực cheo leo

Con đã chết nhưng con là Thiên Chúa.

Xin chúc mừng Mẹ, Đấng Đồng Trinh Vô Nhiễm Thăng Thiên!

Tình Yêu Hoa Cỏ 
 

Để lại một bình luận