Đường Về Của Mẹ
A. Hai cuộc truyền tin
Truyền tin cho ông Da-ca-ri-a.
“Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là bà Ê-li-sa-bet cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, không ai chê trách được điều gì.
Bỗng một sứ thần Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông…” (Lc1, 5-24).
Truyền tin cho Đức Maria
“Bà Ê-li-sa-bet có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-ret, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vit. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì…
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.” (Lc 1,26-38).
1. Bố đề cập đến cả cuộc truyền tin của ông Da-ca-ri-a và của Mẹ Ma-ri-a. Để chúng ta có cái nhìn so sánh, giúp dễ hiểu hơn về Mẹ chúng ta, về con đường mà Thiên Chúa đã dọn sẳn cho Mẹ đi.
Mới mở đầu cuộc truyền tin của cả hai người, ta đã thấy rõ ý định của Thiên Chúa. Trong việc tuyển chọn và sự ưu ái dành riêng cho Mẹ Ma-ri-a. Hai người được chọn gắn liền nhau ở cùng giao điểm lịch sử, nhưng địa vị và mức độ ân sủng khác biệt nhau rất lớn. Sứ thần Gap-ri-en đợi ông Da-ca-ri-a vào dâng hương trong cung cực thánh của Đền Thờ mới truyền tin cho ông. Còn với Mẹ Maria, Thiên Chúa đã sai sứ thần đến tận làng quê vào ngôi nhà nghèo của Mẹ. Thực tế bây giờ cho thấy, đối với Thiên Chúa ngôi nhà nhỏ nghèo nàn đơn sơ nơi Mẹ náu thân còn cao trọng hơn đền thờ Giê-ru-sa-lem cao quí và thiêng liêng đối với dân riêng Ngài tuyển chọn. Và theo Tin Mừng ghi lại, ông Da-ca-ri-a đã là người công chính trước mặt Chúa và cũng không ai chê trách ông điều gì (Lc1,6).
Thế nhưng sứ thần đã không hạ cố đến nhà ông. Song lại chờ ông vào Đền Thờ dâng hương, trong tình trạng theo luật định đã dọn mình thanh sạch. Với Mẹ Maria, thiên sứ tìm đến nhà gặp Mẹ, phải chăng người trinh nữ thôn dã lúc bấy giờ đã thanh sạch, thánh khiết toàn hảo và tôn quí đến mức sứ thần phải cất lời chào mừng “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Da-ca-ri-a tìm đến nơi Chúa ngự, còn Mẹ là Đền Thờ của Thiên Chúa, Đức Chúa ở cùng Mẹ. Chỉ riêng điểm này đã cho thấy Thiên Chúa rất yêu quí và coi trọng Mẹ Maria, người nữ tì tuyệt hảo của Ngài. Sự công chính phàm nhân có được còn quá xa vời so với đặc sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ.
Lúc nghe sứ thần truyền tin, ông Da-ca-ri-a và Mẹ Ma-ri-a đều rất bối rối. Nhưng có một điểm khác biệt chúng ta nên lưu ý đó là “nỗi sợ hãi ập xuống trên Da-ca-ri-a”, còn ở Mẹ Ma-ri-a không có. Suy gẫm “nỗi sợ hãi ập xuống trên ông Da-ca-ri-a” làm bố nhớ đến nỗi sợ hãi của A-đam và E-va khi nghe Thiên Chúa đi dạo trong vườn địa đàng. Sau khi đã phạm tội, A-đam tự nhận thấy tình thân mật giữa con người và Thiên Chúa bị rạn vỡ. A-đam biết xấu hổ, xấu hổ cho thân phận “trần truồng” mất hết ân sủng và nghĩa tình của Đức Chúa là Thiên Chúa. Nỗi sợ hãi là sản phẩm của tội lỗi, bất tuân lệnh Chúa, phản nghịch với Ngài. Sự sợ hãi của ông Da-ca-ri-a là nỗi sợ hãi kế truyền, của con người trong thân phận còn vương mang tội tổ. Riêng Mẹ Maria, Đấng Vô Nhiễm Tinh Tuyền, có lẽ lúc đó lòng thật bình an. Sự bối rối nơi Mẹ là sự bối rối của người trinh nữ lòng đầy khiêm hạ, bẻn lẻn bối rối trước lời chào tôn vinh Mẹ quá sức con người tưởng nghĩ của thiên sứ. Đồng thời tâm hồn chiêm niệm của Mẹ cũng ngỡ ngàng bối rối trước mầu nhiệm lâu nay Mẹ suy gẫm, mầu nhiệm được giấu kín tự ngàn đời bây giờ hé mở ra cho Mẹ.
Cao trọng như ngôn sứ Mô-sê, được Đức Chúa ở cùng, cũng mới ngự nơi ông bằng quyền năng tối thượng (Xh 4,12-15). Ông thân mật với Chúa không hơn một tình bạn thâm giao (Xh 33,15). Còn Đức Chúa ở với Mẹ Ma-ri-a, không chỉ ở bằng ân sủng và quyền năng mà còn ngự ở nơi Mẹ trọn vẹn bản thể Thiên Chúa. Bản thể thiêng liêng của Ngôi Lời ngự nơi linh hồn Mẹ, còn Thiên Chúa hóa thành nhục thể cư ngụ nơi thân xác Mẹ. Một sự ở cùng, hòa hợp đến mức độ không còn có thể kết hợp mật thiết và sâu xa hơn. Sau khi được sứ thần giải tỏa những băn khoăn trong lòng sự mừng vui lớn lên trong Mẹ. Mẹ Maria, Người Trinh Nữ Si-on vui sướng vì biết mình được Thiên Chúa đoái thương ở cùng, và Tình Thương ấy đã đến hồi mở rộng trên toàn nhân loại. Lời kinh Ma-ni-fi-cat cho ta thấy rõ tâm trạng hạnh phúc vui mừng của Mẹ.
Được sứ thần truyền tin, cả hai người đều thắc mắc nhưng ông Da-ca-ri-a không tin. Mẹ lại trọn lòng vâng phục, toàn hiến chính mình cho Thiên Chúa. Hoàn toàn tin tưởng phó thác cho tình Chúa quan phòng. Ông Da-ca-ri-a đã không tin dù rằng điều được sứ thần loan báo cho ông là điều chính ông đã cầu xin Đức Chúa. Thế đấy! Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng như ông Da-ca-ri-a cầu xin với tâm hồn tăm tối và cõi lòng hoài nghi. Xin thật nhiều thứ, nhiều điều, có khi mâu thuẫn nhau. Rồi đến lúc, đến thời điểm Chúa ban cho, cũng như Da-ca-ri-a, chúng ta lại quá ngỡ ngàng đến hoài nghi. Như thể đó là một ngoại lệ, một sự bất thường khó tin. Như thể Thiên Chúa không hề rộng lòng với con người, hoặc bất lực không thể làm được điều chúng ta cầu xin Ngài. Với đức tin ấy làm sao chúng ta chiếm hữu được lòng tin của Chúa đối với chúng ta. Phần Mẹ, Đức Trinh Nữ được giấu kín việc Ngài được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Bản thân có lòng khiêm cung sâu thẳm, Mẹ không hề mơ tưởng được cưu mang Đấng Thiên Sai, nói chi đến cầu xin điều đó. Thời gian sống dâng mình trong Đền Thờ đã hun đúc trong Người Trinh Nữ Si-on quyết tâm sống đồng trinh rồi.
Thế nhưng, xin chúc tụng Chúa, việc một trinh nữ dâng mình trong đền thánh ra đính hôn với một nam nhân là kế sách vẹn toàn của Thiên Chúa, qua mắt được Sa-tan. Sa-tan không hay biết Mẹ nguyện lòng sống đồng trinh. Trước mắt thế gian, Mẹ Ma-ri-a, Đức Thánh Trinh Nữ không còn là một trinh nữ sẽ sinh con như lời ngôn sứ đã loan báo (Is 7,14). Mẹ Ma-ri-a đã có chồng, một người chồng đức hạnh, công chính. Sự an bài nhiệm mầu này làm cho Sa-tan vẫn phải hoài nghi Đức Kitô Giêsu có phải là Con Thiên Chúa không. Dầu đã tới lúc Người chuẩn bị cho đời sống công khai, thể hiện vương quyền và thực thi sứ mạng Con Thiên Chúa, nó mở đầu và kết thúc cuộc cám dỗ với lời: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…!” (Lc 4, 3-9).
Tình Yêu Hoa Cỏ