Cn 16C : Tôi đã chọn phần tốt nhất !
Hiếu khách là một đức tính tốt. Có thể nói, hầu như bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều đề cao lòng hiếu khách. Với người Việt Nam, lòng hiếu khách được thể hiệu rất thịnh tình, “khách đến nhà không gà cũng vịt”. Có khách đến nhà, quen hay lạ, thân hay sơ… chủ nhà dù nghèo khó cũng tiếp đón chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, với quan niệm, đói năm chứ không đói bữa…
Dân tộc Do Thái thì sao? Cũng rất là hiếu khách, họ đã được dạy rằng “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13, 2). Ông Gióp là một mẫu người điển hình. Bất cứ ai, dù là người xa lạ, ông ta vẫn tỏ lòng hiếu khách “mở cửa đón mời” (G 31, 32).
**
Cuộc đời của Đức Giêsu, trong ba năm rao giảng Tin Mừng, không ít lần Ngài đã được những người đồng hương bày tỏ lòng hiếu khách qua việc mời đến nhà chơi . Và thường thì lòng hiếu khách của họ được thể hiện bằng một bữa tiệc. Tưng bừng và náo nhiệt nhất là bữa tiệc tại nhà một người thu thuế tên là Lêvi. Hôm đó, sau khi được con tim thôi thúc bỏ tất cả mọi sự đi theo Đức Giêsu, ông Lêvi đã làm một bữa tiệc rất thịnh soạn. Ông ta đã mời Đức Giêsu. Bữa tiệc đó, “có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với Người” (x. Lc 5, 29).
Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, để biểu lộ lòng hiếu khách, không chỉ là cần có một bữa tiệc thịnh soạn, nhưng, giữa khách và chủ còn cần có những giây phút tâm tình “ta với ta”. Cái giây phút tâm tình ta-với-ta đó đã được kể lại trong Tin Mừng thánh Luca (10, 38-42).
Vâng, bối cảnh câu chuyện xảy ra tại nhà hai chị em Macta và Maria. Hôm đó, trong lúc Đức Giêsu cùng các môn đệ đang rảo bước đi trên đường, bỗng nhiên, có một người phụ nữ tiến đến, người phụ nữ này tên là Macta. Cô ta ngỏ ý mời “Người vào nhà”.
Việc Macta mời Đức Giêsu vào nhà mình cứ tưởng rằng sẽ đem lại cho cô ta niềm vui và hạnh phúc, niềm vui có Chúa ghé thăm và hạnh phúc được “phục vụ” Chúa.
Thế nhưng, diễn biến sự việc lại không phải là như thế. Niềm vui Chúa đến và hạnh phúc được phục vụ Chúa đã biến thành gánh nặng cho Macta. Thật vậy, hôm đó, nào có phải chỉ một Thầy Giêsu đến, còn cả một tiểu đội với một số chàng ngư phủ vạm vỡ nữa, quả là một gánh quá nặng, thế mà cái con bé Maria lại cứ thản nhiên “ngồi bên chân Chúa” chẳng màng đến bà chị đang “tất bật (ngược xuôi) lo việc phục vụ”.
Như giọt nước tràn ly, Macta đến bên Đức Giêsu than thở: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”
Than ôi ! lời than thở của Macta đã không đánh động được Đức Giêsu, trái lại, lời than thở đó đã bộc lộ sự mệt mỏi trong việc thể hiện lòng hiếu khách của cô nàng.
“Macta! Macta ơi!”… không biết cô có biết đến ông Dakêu? Vâng, ông Dakêu, khi được Đức Giêsu thổ lộ rằng “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”, cũng theo lời kể lại của thánh sử Luca, thì, đâu thấy ông ta “tất bật” lo việc cơm nước cho Đức Giêsu!.
Trái lại, Dakêu đã tỏ lòng hiếu khách của mình, tuy không có mân cao cỗ đầy, vẫn rất thật chân tình.
Chúng ta hãy nghe Dakêu tâm sự: Bác Giêsu ở lại nhà em ư! Vâng, em đã “… (chờ) bấy lâu nay bác tới nhà” Thế nhưng, đáng tiếc quá, “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách trầu không có”… Bác đã đến rồi, thôi thì, thưa bác Giêsu, “Bác đến chơi đây ta với ta”. (*)
Vâng, chỉ là một chút tưởng tượng cho vui, nhưng, có một điều không tưởng tượng chút nào, Dakêu đã thật sự chỉ ngồi bên Đức Giêsu trò chuyện mà không màng đến chuyện cơm bưng nước rót. Ấy vậy mà, qua những giây phút “ta với ta”, Đức Giêsu không chút phàn nàn về ông ta, trái lại, Ngài nói với Dakêu rằng “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (x. Lc 19, 9).
Không phải Đức Giêsu không thấy Macta “đầu tắt mặt tối”. Không phải Đức Giêsu muốn “đì” Macta nên không đả động gì đến lời yêu cầu của cô ta: “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. (Lc 10, 41).
Nó… Bảo nó giúp một tay ư! Macta! Macta ơi! nó đang “ngồi bên chân Chúa”, nó cũng đang phục vụ Chúa bằng cách ngồi bên Ngài tâm tình “ta với ta”, nó đang “nghe lời Người dạy” kia mà! Vâng, Đức Giêsu đã cho Macta biết rằng, Maria – cô em gái của nàng, “đã chọn phần tốt nhất”.
***
Đức tin cho chúng ta tin rằng, hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong ngôi làng Bêtania, đó chính là những ngôi thánh đường. Vâng, Lm Charles E. Miller chia sẻ rằng, “Đang lúc cử hành phụng vụ, ngôi thánh đường của chúng ta phải là một Bêtania mới, nơi đây ta học tập nên những môn đệ đích thực”.
Đúng vậy, thánh đường nơi chúng ta đến tham dự thánh lễ, cũng theo lời Lm E. Miller chia sẻ, rằng, “Theo một ý nghĩa thẳm sâu, Anh chị em phải hiểu rằng, trong thánh lễ, chúng ta cũng ngồi bên chân Chúa Giêsu ở phần phụng vụ Lời Chúa. Công Đồng Vatican II đã dạy rằng: ‘Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong nhà thờ” (Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7).
Điểm khác biệt của năm xưa và hôm nay, đó là, xưa Macta đón Đức Giêsu vào nhà mình để phục vụ, còn hôm nay, Chúa Giêsu, Người mời gọi ta đến với Người để Người “phục vụ” ta.
Thật vậy, nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu phục vụ chúng ta “Mình và Máu Đức Kitô, không phải do Macta dọn ra mà do chính Người dọn ra” (**). Nơi bàn tiệc Lời Chúa, Chúa Giêsu dạy chúng ta “lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29)
****
Chúa Giêsu không coi thường sự phục vụ, bởi như Ngài đã nói “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43).
Nhưng khi đã phục vụ, cần có “lòng hiều hậu và khiêm nhường”, lòng hiền hậu và khiêm nhường sẽ giúp chúng ta phục vụ mà “không lẩm bẩm kêu ca” (1Pr 4, 9).
Vâng, đó là một điều khó thực hiện. Hãy thử tưởng tượng, trong một cộng đoàn luôn xảy ra cảnh “ông nói gà bà nói vịt”, ai trong chúng ta có thể phục vụ cộng đoàn đó mà không-lẩm-bẩm-kêu-ca! Phục vụ cho những người già khó tính, hoặc những bệnh nhân aids hay bộc lộ tính khí thất thường v.v… thật khó để mà không có những lúc “lẩm bà lẩm bẩm”, phải không, thưa quý vị!
Phải làm sao đây, vì “phục vụ” là lệnh truyền của Chúa! Vâng, thánh Phaolô trước những khó khăn và vất vả cho việc phục vụ dân ngoại, với kinh nghiệm bản thân, ngài chia sẻ rằng “ Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).
Quả là một kinh nghiệm tuyệt vời cho mỗi người Kitô hữu hôm nay. Vậy, tại sao chúng ta không ghi khắc trong con tim mình kinh nghiệm của Phaolô! Tại sao chúng ta không dùng kinh nghiệm của ngài thể hiện vào công việc phục vụ của mình?
*****
Chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu nói với cô Macta, “Maria đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10, 42). Vâng, là một Kitô hữu, phần tốt nhất tôi sẽ lựa chọn là gì?
Phải chăng là ghi khắc trong con tim mình kinh nghiệm của Phaolô và thể hiện nó vào công việc phục vụ của mình? Hay nói cách khác, phải chăng, chúng ta sẵn sàng phục vụ mọi người, trước là trong gia đình và sau là ngoài xã hội, bằng kinh nghiệm của Phaolô, sẵn sàng chịu đau khổ, thiệt thòi, vì lợi ích cho thân thể Chúa là Hội Thánh, để “đem yêu thương vào nơi oán thù… đem thứ tha vào nơi lăng nhục… đem an hòa vào nơi tranh chấp… đem nguồn vui đến chốn u sầu” (Kinh hòa bình).
Vâng, nếu chúng ta thực thi tốt tất cả những điều nêu trên, hãy tin, trong ngày phán xét, Chúa Giêsu sẽ nói, không phải với Macta hay Maria mà chính là với chúng ta, rằng “Con đã chọn phần tốt nhất.”
Petrus.tran
*****
(*) Bạn đến chơi nhà – tác giả Nguyễn Khuyến.
(**) trích lời giảng của Lm E. Miller