Thánh Tôma tông đồ : Cùng Chết Với Thầy
Chúng ta có thể đặt câu hỏi Tôma, Phêrô, kẻ thì cứng lòng tin, người thì yếu lòng tin nhưng cả hai Thánh cuối cùng vẫn chọn cái chết để tuyên xưng đức tin vì Thầy. Nhưng Giuđa thì không. Tại sao?
Trong bữa tiệc cuối cùng chia tay với Thầy, các tông đồ cãi nhau sôi nổi ai trong nhóm được coi là người lớn nhất (Lc 22, 34). Cuộc tranh luận này đã có đáp số ít ngày sau đó khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra ở biển hồ Tibêria và chọn Phêrô. Ngài không hỏi Phêrô: con có tài năng hoặc con có đức tin hơn những người anh em khác không, mà lại đặt vấn đề “con có yêu mến Thầy hơn những người này không” (Ga 21, 15) đến 3 lần. Rõ ràng, nhờ đức mến vượt trội mà thánh Phêrô trở thành vị Giáo hoàng tiên khởi mà Chúa Giêsu nhấc lên.
Chứng cứ về tầm quan trọng của lòng mến
Khi có nhóm luật sĩ hỏi Chúa Giêsu điều răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu khẳng định động từ “yêu” đến 2 lần cho 2 chủ thể: Thiên Chúa và tha nhân. “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. (Mc 12, 38).
Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt các Kitô hữu với các cộng đoàn tôn giáo, tổ chức khác là gì? Chúa Giêsu trả lời: “Mọi người sẽ nhận biết các anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Người đầu tiên được Chúa Giêsu hiện ra tại sao không phải cho các môn đệ được Thầy dạy dỗ ba năm, mà Maria Madala? Bởi bà đã mến đến mức dám theo Thầy vào những giờ phút bi hùng nhất của 33 năm cuộc đời, cùng leo lên đồi Gôngotha, cùng đứng dưới chân thập giá chứng kiến Thầy trút hơi thở cuối, cùng đưa xác Thầy vào mộ và từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần đã chạy viếng mộ Thầy. Liên quan đến lòng mến, trong một đoạn khác Chúa nói với một người phụ nữ tội lỗi “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7, 47).
Giáo hội trong giai đoạn sơ khai, trong từng nhóm cộng đoàn có nhiều người nhận được các đặc sủng khác nhau từ Chúa Thánh Thần 1 Cr 12, 9: “Người thì được Thần Khí ban cho lời khôn ngoan, kẻ khác được lời trí tri, thể theo cũng một Thần Khí. Kẻ thì được lòng tin trong cũng một Thần Khí; người lại được những đặc ân chữa bịnh tật trong cũng một Thần Khí độc nhất. Người thì được kỳ công phép lạ; kẻ khác được ơn tiên tri; kẻ khác nữa lại được ơn biện phân các Thần Khí: người thì được các thứ ngôn ngữ; kẻ lại được ơn diễn giải các ngôn ngữ. Lúc đó người ta tranh luận một cách tự nhiên về thứ bậc các ân sủng này, xem ân sủng nào là vượt trội. Thánh Phaolô khẳng định, cao trọng hơn cả là đức mến (1 Cr 13, 6). Thánh nhân giải thích như sau: các ân sủng khác thì có hạn về độ lớn lẫn thời gian và sẽ mất đi, riêng đức mến thì không bao giờ mất được.
Ngoài ra các ơn khác là do sự ban tặng của Chúa Thánh Thần, còn đức mến là do sự nổ lực của cá nhân với Thiên Chúa. Một nghiên về thiên định, một nghiên về nhân định và Thiên Chúa vì tôn trọng sự tự do của mỗi cá nhân mà đánh giá cao tính nhân định này.
Hai nhân vật: Tôma và Giuđa
Chúng ta có thể đặt câu hỏi Tôma, Phêrô kẻ thì cứng lòng tin, người thì yếu lòng tin nhưng cả hai Thánh cuối cùng vẫn chọn cái chết để tuyên xưng đức tin vì Thầy nhưng Giuđa thì không. Tại sao ?
Trong Ga 12, 4 khi thấy Maria dùng dầu thơm xức chân Chúa, Giuda nói “Sao không bán dầu thơm lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo”. Thánh Gioan kể tiếp “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp”. Với câu nói và bản chất bên trong của câu nói, lòng mến của Giuda dành cho Chúa là khá thấp. Thánh Phaolô giải thích rõ hơn, tại sao lòng mến của Giuda bị đánh giá xấu, trong 1 Cr 13, 4 “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được”.
Trong khi đó, thánh Tôma đã mạnh dạn, can đảm nói với các tông đồ: ”Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”( Ga 11, 16 ), khi Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để làm cho Ladarô sống lại, nhưng ở đó các người Do Thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu: ”Các môn đệ thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao ?”( Ga 11, 8 ). Trong một lần khác, thánh Tôma cũng tỏ rõ muốn đi theo Thầy nhưng con đường là mơ hồ đối với nhận thức của ngài. “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14, 5).
Nhờ lòng mến nên mặc dù tại những thời điểm nhất định lòng tin, đức cậy của thánh Tôma, hay Phêrô có yếu đuối, chao đảo vẫn được Chúa ân cần nâng đở, cầu nguyện và dạy bảo.
Lòng mến không thể khởi đầu từ trí lực mà phải khởi đi từ tâm lực, phải xuất phát từ yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và sau đó Ngài sẽ dắt chúng ta tới mức độ khác, hết trí khôn và hết sức lực. Đức tin công giáo đến từ kinh nghiệm chứ không từ lí trí là vậy. Cách tiếp cận đức tin của thánh Tôma rất gần với khoa học thực nghiệm. Nghĩa là trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ. Phương pháp này Chúa cho rằng ít phúc “ vì con thấy nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”
Mẹ Têrêsa thành Calcuta một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của lòng mến như sau “khi chết đi Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã làm những điều lành gì mà hỏi tình yêu của chúng ta đã dành cho Chúa trong mỗi lần làm việc đó”. Còn Thánh Phanxicô thì nói “vì lòng yêu mến Chúa, anh em hãy chấp nhận các nghịch thù hữu hình cũng như vô hình”.
Lạy Thánh Tôma xin giúp đỡ chúng con gia tăng lòng mến với Cha Trên Trời đến mức dám đi để cùng chết với Ngài.
G. Tuấn Anh.