Sự cứng lòng tin
Có thể trình bày về đức tin một cách gián tiếp khi bàn luận về sự cứng lòng tin, một hình thái đối ngẫu của đức tin. Tính cứng lòng tin không chỉ biểu hiện ở việc chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn thể hiện ở việc không nhận biết các dấu chỉ, những mạc khải của Ngài.
Sự cứng lòng tin thể hiện ở nhiều mức độ, từ mức nghi ngờ tình yêu, quyền năng tối thượng của Ngài đến mức nghi vấn, phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử của nhân loại và của từng cá nhân.
Sự cứng lòng tin trong Cựu ước
Trong hoang mạc, khi được Moisen và Aaron dẫn dắt trên đường về đất hứa, dân Israel đã nổi lên chống đối, than trách Thiên Chúa vì phải chịu nạn đói, khát và sợ hải quân thù truy đuổi. Họ muốn Thiên Chúa thực hiện ngay lập tức lời hứa, bỏ qua yếu tố quan trọng là thời gian, đồng nghĩa với sự thử thách. Trong khi Thiên Chúa lại muốn tôi luyện dân Ngài để họ trưởng thành trong đức tin. Sự cứng lòng tin của dân Israel trong tình huống trên vì chưa gặp được lợi ích của đức tin có tính vật chất tại thời điểm mà họ đang cần.
Sau khi đạt đến miền đất hứa, sự cứng lòng tin của dân Israel lại thể hiện ở thái độ bắt cá hai tay, nghĩa là họ kết giao, thỏa hiệp với các thần của dân lân cận. Hình thái “ngoại tình” nay hoàn toàn không được Thiên Chúa chấp nhận. Tiên tri Elia loan báo cho Israel như sau “Các người còn đi hai chân đến bao giờ? Nếu Giavê là Thiên Chúa, hãy tin vào Ngài; bằng nếu Baal, thì theo hắn đi”.
Hai trạng thái cứng lòng tin của dân Israel trong Cưu ước cũng chính là hình ảnh biểu diễn một số hình thái đức tin của chúng ta trong thời đại mới. Sự cứng lòng tin biểu hiện ở hai thái cực của cuộc sống. Sự cứng lòng thứ nhất biểu hiện việc trách móc Thiên Chúa khi phải vác thánh giá trong cuộc sống, và cứng lòng thứ hai biểu hiện sự rời xa Thiên Chúa khi đang đạt tới thời điểm sung túc, đầy đủ của cuộc đời.
Sự cứng lòng tin trong Tân ước
Trong 3 năm rao giảng, phản ứng lại những lời giảng dạy và cả những phép lạ của Chúa Giêsu, khá nhiều người Do Thái vẫn cứng lòng tin, đến mức chính Ngài cũng phải ngạc nhiên.
Trong Tân ước chúng ta còn tìm thấy sự cứng lòng tin ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu. Thái độ cứng lòng tin được thể hiện tại những hoàn cảnh khác nhau, lúc thì không hiểu lời giảng dạy mà họ cho là chói tai; lúc là do gặp sóng to gió lớn trên biển cả. Và nhất là khi phải đối diện với mầu nhiệm Vượt qua, thử thách của thánh giá, đức tin của nhóm mười hai tại những khoảnh khắc này cũng nghiêng ngã chao đảo. Ngay cả khi được Chúa Giêsu tỏ hiện vinh quang Phục sinh vài lần, lòng họ vẫn còn những hoài nghi về sự sống lại của người Thầy kính yêu.
Nhưng thật lạ lùng, trong Tân ước chúng ta cũng gặp ít nhất là hai lần, Chúa Giêsu lên tiếng ca ngợi những gương điển hình của đức tin mạnh mẽ, một của bà góa và một của viên đội trưởng, đây lại là những người ngoại giáo.
Đức tin của một cá thể, giả sử nếu được lượng hóa, thì nó là một đại lượng có trị biến đổi theo thời gian. Sự tăng trưởng đức tin của một cá thể vừa tuân theo qui tắc khoa học, vừa theo qui tắc tâm linh. Theo khoa học, đức tin muốn tăng trưởng cần thời gian và rèn luyện trong thử thách. Về qui tắc tắm linh, chúng ta tìm thấy nhiều ý chỉ liên quan sau:
1. Thánh Phaolô nói “Thiên Chúa xót thương ai tùy ý Ngài, và làm cứng lòng ai tùy ý Ngài” (Rm 9, 18).
2. Chúa Giêsu tuyên bố “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 44).
3. Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25).
4. Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.” (Lc 22, 31).
Đức tin của một Kitô hữu trên con đường lữ hành trần thế, mỏng manh dễ vỡ như chiếc thuyền nan trên đại dương. Nếu không dựa chắc chắn vào Thiên Chúa, con thuyền ấy sẽ trở thành mồi ngon không chỉ khi phong ba, bão tố mà còn cả ngay khi trời yên, sóng lặng.
Lạy Chúa, con tin, xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con.
G. Tuấn Anh.