“Tôi biết chúng, và chúng theo Tôi”
Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Trong đời, ai mà không từng có những lần dao động lòng tin? Ai không từng băn khoăn những lúc trầm cảm và phân vân về lòng tin của mình? Khi người thân yêu của ta qua đời sau một thời gian dài chịu đau khổ, nhiều người sẽ tự hỏi: “Sao Chúa lại để cho bà ấy chịu đau khổ lâu thế? Sao Người không cất bà đi sớm hơn? Tất cả những đau khổ ấy thì có ích gì kia chứ?” Đôi lúc gặp phải những vấn đề như thế, người ta đâm ra thất vọng về Thiên Chúa. Dù họ có thể không từ bỏ niềm tin hoặc những việc thực hành đạo đức nhưng có lẽ giờ đây việc cầu nguyện và thờ phượng đối với họ chỉ như như công việc thường ngày, đơn giản chỉ làm vì thói quen.
Những Kitô hữu mà sách Khải huyền và Tin mừng Gioan hôm nay nhắc đến đã phải trải qua nhiều gian truân trong đức tin. Họ bị rúng động bởi việc bắt bớ và sự phản đạo. Kết quả là, trong những lúc khó khăn như thế người ta đã bỏ việc thực hành đức tin của mình. Đức Giêsu ở đâu và tại sao Người không trở lại như đã hứa? Bên cạnh những áp lực bên ngoài, thì cám dỗ nghi ngờ Thiên Chúa còn đến từ rất nhiều những vấn đề như được nhắc đến ở trên. Cũng như chúng ta, họ đã tự hỏi Thiên Chúa ở đâu khi mà những thảm cảnh ấy xảy ra cho gia đình, hoặc chính bản thân họ.
Trong những lúc gian truân, người tín hữu có thể sẽ cảm thấy rất bất an hoặc không còn muốn bám víu vào Thiên Chúa. Quý vị có thể thấy hậu cảnh của những đau khổ mà các tín hữu thời Giáo hội thời sơ khai phải trải qua như được nhắc lại trong sách Khải huyền và Tin mừng Gioan. Nhưng điều mà tác giả sách thánh muốn nói với chúng ta hôm nay là ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình đang rơi tự do thì Thiên Chúa không bao giờ buông tay chúng ta.
Đôi tay vững chắc là tài sản quan trọng và cần thiết đối với các vận động viên. Nhưng thậm chí một cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất cũng có thể đánh một cú pop-up và khiến cho đội kia ghi điểm dành chiến thắng trước đội chủ nhà. Nhưng Đức Giêsu, vị Mục Tử, sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Chúng ta, những người tín hữu, cần những đôi tay vững chắc như thế khi cuộc sống đang cố hạ gục chúng ta.
Những Tông đồ đầu tiên là Phaolô và Banaba có thể đã bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nghe về phương pháp rao giảng của các ông. Khi đến một thành mới, thì trước tiên hai ông đến hội đường và rao giảng vào ngày Sabbát. Nhưng, lời giảng của hai ông ở Antiôkhia gặp phải sự chống đối của một số người, “họ sinh lòng gen tức và phản đối những lời ông Phaolô nói”.
Thay vì bỏ cuộc thì hai ông lại tiến lên. Hai ông nhận ra rằng sứ điệp cứu độ không chỉ dành cho những người Dothái mà còn dành cho cả thế giới. Đức Kitô đã không bỏ rơi các ông. Sau những thất bại ban đầu thì đôi tay chắc chắn của Vị Mục Tử Nhân Lành đã mở ra một cách thức mới để toàn thể nhân loại được nghe Tin mừng.
Sách Khải huyền mô tả hàng loạt những thị kiến liên quan đến các tín hữu đã trải qua thử thách. Một số người xem sách Khải huyền như là cẩm nang dự đoán về ngày tận thế. Đây thực ra không phải là sách viết về những phỏng đoán tương lai, nhưng là lăng kính giúp giải thích hiện tại cũng như giúp chúng ta biết đặt niềm hy vọng nơi Vị Mục Tử đang nói với chúng ta hôm nay trong Tin mừng Gioan.
Trong đoạn trích sách Khải huyền hôm nay, “đoàn người đông đảo” mặc áo trắng, “tay cầm nhành lá thiên tuế” – là dấu hiệu của sự chiến thắng. Cuối cùng! Họ đã chiến thắng sau khi “đã trải qua cơn thử thách lớn lao…!” Những người kiên nhẫn chịu đau khổ này đã được Con Chiên dẫn dắt. Thật là sự nối kết tài tình giữa các hình ảnh! Đấng là Mục Tử cũng là Con Chiên, dẫn dắt chúng ta qua đau khổ và cái chết. Đấng đã từng đi qua hành trình gian khổ ấy không bỏ mặc chúng ta, nhưng Người sẽ đi trước, dẫn đường và đưa chúng ta đến sự sống bất diệt.
Khi nghe được lời hứa này ngay trong đời thì không một khó khăn và thử thách nào có thể kéo chúng ta xa rời con đường mà Đấng Mục Tử đã đảm bảo, “…không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.
Ngày nay chúng ta có Internet, lò vi sóng và phi cơ, nhưng chúng ta sống như những người tín hữu thuở đầu, trong một thế giới đầy cám dỗ và đau khổ. Ngoài ra, Giáo hội của chúng ta cũng bị phân chia thành nhiều phần vì phụng vụ, quyền lực, hình thức mục vụ, và những tranh cãi về giáo thuyết,… giống như Giáo hội của họ. Giữa những Giáo hội Kitô giáo còn một khoảng cách rất lớn. Vì thế, chúng ta ngồi xích lại cạnh bên những người còn ngăn cách với chúng ta trong niềm tin, những người lần đầu nghe sách Khải huyền.
Với họ, chúng ta nghe được lời hứa về cuộc quy tụ cuối cùng của tất cả mọi người trước nhan Thiên Chúa. Khi việc ấy xảy đến, chúng ta tín thác vào lời hứa này rằng “Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn”. Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa sẽ ôm ấp tất cả chúng ta, dù ta có xuất thân từ đâu, thuộc tầng lớp nào, nói thứ ngôn ngữ gì. Chúng ta sẽ trở thành những thọ tạo mới quây quần quanh bàn ăn dư đầy: “sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa”.
Tác giả sách Khải huyền có lẽ sẽ tiếp tục bằng câu: “Trong khi đó…” Vì bài đọc không chỉ nói đến cái nhìn về tương lai. Nhưng đó là việc chúng ta sống ra sao ngay ở đây và lúc này. Chúng ta tin tưởng vào bàn tay dẫn dắt và tiếng nói của vị Mục Tử, Đấng đã hứa cho chúng ta một nơi an toàn “không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Sách Khải huyền cho biết về một tương lai mà chúng ta không tự mình đạt được. Trong một thế giới cạnh tranh và chia rẽ chúng ta mới cảm thấy cần nhau. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau; tương lai và hiện tại đan xen vào nhau. Chúng ta không thể sống dửng dưng và cô lập nếu muốn đến trước “Đấng ngự trên ngai” để được chung bàn và cùng nhau dự tiệc.
Thị kiến mà sách Khải huyền cho chúng ta biết hôm nay đã xảy ra: ngay tại yến tiệc Thánh Thể này chúng ta có một tương lai dọn sẵn mà chúng ta mong muốn chia sẻ cho những người khác. Với hiện tại, chúng ta có thể thấy điều mà một ngày nào đó, sẽ hoàn toàn xảy ra. Chính Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại cùng nhau và nhờ đó giờ đây chúng ta sống và cùng nhau cộng tác với viễn cảnh đó cũng như lời hứa về sự hiệp nhất.
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.