CN IV MC C: Con ta đã mất và nay lại tìm thấy

 

Con ta đã mất và nay lại tìm thấy

Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32

Lm. Jude Siciliano, OP.
(Anh em học viện Đaminh chuyển ngữ)

 

Kính thưa quí vị,

CN IV MC C: Con ta đã mất và nay lại tìm thấyNgay cả người không biết nhiều về Kinh thánh cũng biết dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng. Thuật ngữ “đứa con hoang đàng” là lối nói thông thường. Một lần kia khi tôi dự bữa tiệc của trường và về nhà trễ, thì thấy mẹ tôi đang đứng đợi. Khi tôi khoá cửa thì bà đứng phía sau tôi nói: “Đứa con hoang đàng đã về”. Quý vị có hiểu ý tôi muốn nói là gì không? Dĩ nhiên, lối hiểu những câu chuyện kinh thánh như thế không phải luôn có lợi vì sự hiểu biết này có thể chỉ gợi lại cùng một câu trả lời mà chúng ta đã thực hiện khi lần trước chúng ta tiếp cận bản văn. “Có gì mới mẻ đâu?” đó là câu hỏi mà nhà giảng thuyết phải vật lộn với ngày Chúa nhật này khi chúng ta suy tư về dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng. Nếu Lời Chúa luôn là ổ bánh mì mới ra lò, thì mọi thứ sẽ mới.

Trước khi chúng ta nói tiếp về bánh mì, xin hãy cùng tìm hiểu bài đọc thứ nhất. Chúng ta tạm dừng lại ở hình thức của bánh mì và bắt đầu bằng hình thức khác. Trong sách Giôsuê chúng ta thấy dân Israel đang hoàn thành một hành trình gian khổ và lâu dài dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa; họ ra khỏi Aicập và mất 40 năm trên hành trình sa mạc. Cuối cùng họ đã vượt qua sông Giođan và vào đất miền Đất Hứa. Họ đã rời khỏi vùng đất Aicập và có thể định cư ở vùng đất Canaan. Trong vùng đất mới này, họ đã ăn “Sản phẩm của đất”. Thức ăn sẽ không còn hiếm như khi họ ở trong sa mạc phải nhờ vào Manna Thiên Chúa ban hàng ngày. Lúc này, đất sẽ sản sinh ra nhiều hơn số lương thực thừa sức họ cần.

Như thế cũng guy hiểm phải không? Trong những lúc khó khăn họ đã phải học để tín thác rằng Thiên Chúa luôn gìn giữ và bao bọc họ. Đây là hành động của niềm tin hàng ngày vì mỗi ngày manna lại rơi xuống. Giờ đây, nơi miền đất Hứa, họ có thể tự lo được – hay gần như thế – trồng trọt, thu hoạch và chăn nuôi. Đây cũng là một mối đe doạ cho cả chúng ta nữa. Chẳng ai muốn rơi vào những thời điểm khó khăn, nhưng đối với người tin mà biết dựa vào Thiên Chúa mỗi ngày, thì những thời điểm khó khăn có thể dạy chúng ta tin. Trong những thời điểm yên bình, chúng ta có nguy cơ quên Thiên Chúa.

Cho dù dân có phạm bao lỗi lầm trong sa mạc, nhất là sự bất trung đối với Thiên Chúa và cám dỗ chạy đến với các thần linh khác, thì họ cũng sẽ được tha thứ. Như thánh vịnh nói: “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem cho biết Chúa thiện hảo dường bao”. Manna có thể ngừng rơi, nhưng Thiên Chúa vẫn đang cung cấp bánh tha thứ hàng ngày.

Dân Israel, như người con thứ trong dụ ngôn, lang thang trong sa mạc và lạc đường. Thiên Chúa đưa họ trở lại sau khi họ đã bất trung và Người phán: “Hôm nay, Ta đã cất khỏi các ngươi nỗi ô nhục của người Aicập”. Cũng thế, trong dụ ngôn, chính người cha đã cứu con trai mình ra khỏi những lầm lạc của quá khứ. “Con ta đã mất và nay lại tìm thấy”. Dân Israel dùng tiệc sau khi được Thiên Chúa thanh tẩy; Đứa Con Hoang Đàng vào dùng tiệc sau khi được cha ôm lấy vòng tay ấm áp cùng với những lời khích lệ yêu thương. Tiệc Thánh Thể hôm nay chúng ta được chào đón trở lại từ những lầm lạc và vào tham dự yến tiệc.

Bối cảnh dụ ngôn có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó. Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng là một trong những lời đáp mà Đức Giêsu đưa ra cho những người phê bình. Những nhà thông luật và Pharisêu đã phàn nàn về việc Người giao du với phường tội lỗi. Vì vậy, Người trả lời bằng ba dụ ngôn về những thứ bị mất và tìm thấy. Tuy nhiên, chúng không lặp lại: hai dụ ngôn đầu diễn tả những thứ bị mất, khi tìm thấy, thì mang lại niềm vui to lớn – chiên lạc (15,1-7) và đồng bạc bị mất (8-10). Cả hai dụ ngôn này nối kết việc tìm thấy với sự hối cải: “Cũng thế, tôi bảo các ông, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy cũng vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” (15,10).

Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng đưa chúng ta vào một gia đình dưới một áp lực. Đây là một gia đình khá giả và có “vấn đề”. Hiếm có gia đình nào trong cộng đoàn tuần này không liên hệ một cái tên cụ thể cho một thành viên trong nhà, hay một người trong gia đình của bạn, với cái tên của một đứa con ương ngạnh trong dụ ngôn.

Ai cũng đã không từng nghe về một người cha giúp đỡ tài chính cho đứa con bướng bỉnh hoặc đang thiếu tốn, gây ra sự bất hoà giữa anh em với nhau, chúng đã thốt lên: “cha đang phung phí tài sản vào đứa con không tốt đó!” Cha mẹ sẽ quả quyết yêu thương con cái, nhưng nếu quí vị phải hỏi: “Cha thương đứa nào nhất” – câu trả lời nghe như là một phiên bản của dụ ngôn hôm nay, “Đứa con cần cha nhất”.

Bầu khí trong dụ ngôn phức tạp ngay từ đầu, khi đứa con thứ xin phần tài sản. Một sự táo tợn! cứ như thể cậu ta không thể đợi cha mình chết hầu có thể được chia tài sản. Những ai nghe dụ ngôn này đều muốn ngắt lời để nói với người cha: “đừng ngốc thế! Chớ phí tài sản tay mình làm ra vào đứa con vô tích sự!”

Nhưng người cha này không chịu dừng lại, ông vẫn tiếp tục và chấp nhận rủi ro để cho tài sản và danh tiếng mình nơi đứa con vô trách nhiệm này. Thử hình dung xem những mối tương quan của người cha, gia đình và dân làng sẽ nói gì về lòng quảng đại liều lĩnh của ông. Điều gì sẽ xảy ra cho chỗ đứng của ông trong cộng đồng? Người cha đã chấp nhận sự rủi ro hơn cả số tiền cho đứa con.

Thiên Chúa có thể bị kết tội về sự liều lĩnh ngờ nghệch tương tự. Thiên Chúa quảng đại ban cho chúng ta một cơ hội lớn lao: niềm tin, tài năng, tha nhân và thế giới của chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng bo bo cho mình, đến một “vùng xa xôi”, bỏ quên việc tương quan với Thiên Chúa; tập trung nhiều hơn vào những gì chúng ta được trao ban và ít tỏ lòng biết ơn với Đấng trao ban; sử dụng và phung phí như thể tất cả những gì chúng ta nhận được là chỉ dành duy mình ta sử dụng.

“Trong suy tính của mình”, đứa con quỷ quyệt tìm cách đổ đầy bụng nó và vì thế, một lần nữa, nó đến xin cha nó giúp đỡ. Quên đi mọi khái niệm chúng ta có thể biết về cách thức người cha nên dạy cho đứa con một hay hai bài học về hành vi liều lĩnh của nó trước khi cho nó trở về. Người cha gạt qua một bên tư cách là chủ gia đình của mình, để chạy ra đón đứa con về. Ông ngắt lời con mình trước khi nó nói xong những lời ăn năn được chuẩn bị trước.

Trong khi chúng ta có thể muốn nói với người cha một vài lời khuyên khôn ngoan về việc nuôi dạy con sao cho nên người, nhưng đây không phải là một bài học về việc nuôi dạy con cái. Đây là một dụ ngôn về kiểu tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Hai dụ ngôn đầu tiên trong ba dụ ngôn này là về sự sám hối, nhưng điểm nhấn trong dụ ngôn này thì không nhắm nhiều đến sự sám hối của người con. Không thể nói rằng đứa con hối tiếc vì đón nhận ích lợi của người cha, đúng hơn cậu ta “suy tính” – một sự mô tả hàm hồ.

Đây là một câu chuyện về ân sủng. Sự tha thứ không dựa trên hành động thống hối và sửa đổi của người con. Cậu ta cũng không phải xưng ra sự thống hối và những dự tính của mình cho sửa đổi bằng lời lẽ đúng đắn. Việc chào đón người con trở về với gia đình (được biểu tượng hoá bằng chiếc áo choàng tốt nhất… bằng chiếc nhẫn đeo trên tay và bằng đôi giày dưới chân”) là vòng tay ấm áp và những lời của người cha. Ai được chào đón hay chào đón trở lại trong vương quốc Thiên Chúa? Việc quyết định theo những động lực của dụ ngôn này là ai cũng có quyền chạy đến và hy vọng được đón nhận.

Người anh cả không xuất hiện như một “con chiên lạc hay đồng bạc bị mất” – người em cũng không theo cách đó. Tuy nhiên, người anh cả cũng như người em thứ là một đứa con bị lạc. Anh ta lập luận như chúng ta: anh ta đã làm việc, không phá phách và ở nhà trong khi thằng em thì đi hoang. Anh ta giống như nhiều người trong chúng ta là người tốt. Thế nhưng, trong khi anh ta làm mọi việc được giao, thì anh ta lại không bao giờ hiểu rõ được sự độc đáo của cha mình. Anh ta hiểu sai thế giới anh đang sống: Anh ta đã làm việc, nhưng lại bỏ lỡ ân huệ dành cho mình là được sống trong nhà cha anh. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”.

Những gì chúng ta có thể nói về người con cả là cách anh ta: gọi cách cha anh đón thằng em của mình về là xuẩn ngốc và sỉ nhục. Anh ta biết thằng em đã chẳng làm được gì cả, ngay cả lời xin lỗi cũng không có, vậy mà nó lại nhận được sự chào đón long trọng. Những gì người cha đối đãi với người con thứ, lúc này ông cũng trao cho cho người con cả uất ức trong cách thức khác biệt nhẹ nhàng. Ông cũng không loại bỏ anh ta vì sự bất kính, nhưng tái khẳng định mối tương quan bằng việc gọi anh ta “con à”, nhắc nhớ rằng anh ta là thành viên của gia đình – “tất cả những gì của cha đều là của con”.

Chúng ta cứ cho là người con thứ có cơ hội để trở về giữa gia đình mình. Chúng ta không biết cách người con này đáp lại chuyện ấy ra sao. Liệu nó sẽ lại “suy tính” và trở về nhà một lần nữa để dự tiệc và ăn mừng những ân huệ của đời nó? Chúng ta có như thế không?

Dụ ngôn này thích hợp nhất cho mùa Chay. Một số người chúng ta đã thực hiện “cuộc hành trình lớn” rời khỏi sự yêu thương bao bọc của Thiên Chúa. Một số khác thì cần mẫn và chú tâm những công việc của mình, nhưng có lẽ không xem trọng những gì chúng ta đang có. Nhưng dù sao đi nữa, cánh cửa luôn được mở ra cho chúng ta vào dự tiệc với Thiên Chúa. Chúng ta bước vào Thánh lễ để cử hành tình yêu ngờ ngệch và kỳ lạ của Thiên Chúa dành cho chúng ta – tất cả chúng ta – dù là lúc này chúng ta đang trở lại, hay chúng ta đang hiện diện ở đây, nhưng miễn là chúng ta ở trong “ngôi nhà của sự biết ơn” (Câu thơ của Mary Oliver ám chỉ điều này: “chốn ta muốn về”).

 

 

Để lại một bình luận