Thánh Giuse – gương sống đời lao động

 

Thánh Giuse – gương sống đời lao động

 

Thánh Giuse - gương sống đời lao động“Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13: 55). Ðời sống con người có nội tâm mà cũng phải có hoạt động, như thế mới hợp với bản tính con người có hồn có xác.

1. Ðời sống lao động

Trên kia ta đã chiêm ngưỡng Giuse là gương đời sống nội tâm. Trong bài này, ta sẽ chiêm ngưỡng ông là gương đời sống hoạt động. Ông không phải là một thầy ẩn tu, nhưng là một người có gia đình phải săn sóc, có nghề nghiệp phải thực hành. Ông đã từng đi phương xa nước lạ làm ăn.

Hoạt động chính của ông là nghề thợ mộc để độ thân và cung dưỡng gia đình. Ông làm pha đủ chuyện: cất nhà cửa, làm bánh xe, đẽo cuốc cày, đóng hòm xiềng. Hai bàn tay đã thành chai vì cái chàng, cái đục. Khắp vùng Nagiarét ai cũng cần đến ông, nên ông được người ta quí chuộng, nhưng cũng chẳng thiếu những điều rắc rối, bận tâm.

2. Yêu mến lao động

Theo Phúc âm, Giuse là thợ mộc chuyên nghiệp (Mt 13: 55). Chúa Giêsu cũng theo nghề của ông cho đến  khi ra truyền đạo (Mc 6: 3). Ông rành nghề thạo việc, lại cầu toàn: đường cưa phải thực thẳng, nước bào phải thực mịn, mộng mẹo phải thực khít, các sản phẩm làm ra phải thực chắc, thực đẹp, xứng đáng với lương tâm nhà nghề, đáp lại lòng tín nhiệm của thân chủ. Vì thế các đồ ông làm ra đều nổi tiếng trong vùng.

Các đồ nghề, ông giữ gìn như của báu, coi đó là những bàn tay nối dài sắc bén, không thể để sứt mẻ vô cớ được. Nhất là ông yêu nghề. Từ sáng sớm, ông đã bắt đầu làm việc, vừa làm vừa ca hát, ngâm nga, ra chiều thích thú, khác nào thợ cưa kéo gỗ bên ta. Lao động, đối với ông, là một nguồn vui trong sạch, xua đuổi mọi nỗi buồn chán trong lòng.

Lao động, không phải là mục đích cuộc đời, nhưng là phương tiện cần thiết để phát huy tài năng và làm ra của cải nuôi sống con người. Theo quan niệm của Giuse, lao động không phải là thần tượng con người phải phục vụ, nhưng trái lại, lao động phải phục vụ con người, và con người phải phục vụ Thiên Chúa.

3. Thánh hóa lao động

Không những yêu mến nghề nghiệp, Giuse còn thánh hóa nó nữa. Dưới chân các bức ảnh Thánh gia thường in mấy tiếng: “Cầu nguyện cho lao động”. Ðối với người tín hữu, lao động tuy là việc rất cần thiết, nhưng không phải là việc quan trọng nhất. Việc quan trọng nhất là việc phụng sự Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc trường sinh.

Giuse đã biến chuyển việc lao động thành lời nguyện cầu, và xưởng thở đã hóa thành một nguyện đường. Mỗi lát chàng, lát đục là một câu kinh. Mọi công việc ông đều làm vì lòng mến Chúa Giêsu, mà ông được hân hạnh nuôi nấng bằng giá mồ hôi của mình. Ông tiếp nhận công việc như là biểu thị thánh ý Thiên Chúa, như là phương tiện tu đức lập công cho mình và thi hành đức ông bình bác ái đối với nhân quần xã hội.

Tại Nagiarét, ông đã tìm ra một giá trị mới cho lao động. Ngoài của cải trần gian nó sản xuất, lao động còn là con đường phục vụ Thiên Chúa, con đường đưa tới cõi thường sinh.

Làm việc vì danh Chúa, vì hạnh phúc của mình cũng như của xã hội là một nghĩa vụ, một vinh dự cho con người. Ðó cũng là diều kiện để tiến bộ, để mưu hạnh phúc bây giờ và đời sau. Trên Thiên quốc, ta sẽ được lãnh phần thưởng tùy công việc ta đã làm ở trần gian (Mt 16: 27).

Giáo hội đã tôn Thánh Giuse làm gương mẫu và quan thầy lao động, khi Ðức Piô XII (1955) lập lễ Thánh Giuse lao công, hằng năm mừng vào ngày Lao động quốc tế.

Chúng ta hãy theo gương Thánh Cả mà chọn một nghề thích hợp với năng khiếu và hoàn cảnh mà học tập cho thành thạo, vì “nhât nghệ tinh nhất thân vinh.” Nghề đó thuộc phương diện chân tay hoặc trí óc, không hệ. Thuở trước người ta coi rẻ lao động chân tay, ngày nay có khuynh hướng ngược lại. Nhưng sự thực là ở chỗi chiết trung, nghĩa là hai mặt đó cần bổ túc cho nhau.

Sau hết ta cố thánh hóa nghề nghiệp theo lời Thánh Phaolô: “Phàm điều gì anh em làm, ngôn hành bất luận, mọi sự hết thảy hãy làm vì danh Ðức Chúa Giêsu và nhờ Ngài mà cảm tạ Chúa Cha.” (Col 3: 17).

Lạy Thánh Giuse gương mẫu lao động, xin cầu cho chúng con.

 

 

 

Để lại một bình luận