Triều Giáo Hoàng Benedic XVI (trọn bộ)

 

Video: Triều Giáo Hoàng Benedic XVI

 

Triều Giáo Hoàng Benedic XVI (trọn bộ)

Dẫn nhập

Mỗi khi một vị Giáo Hoàng bước vào nhà nguyện Sistina, những bích họa của Michelangelo nhắc nhở ngài rằng ngài sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về sự lãnh đạo Giáo Hội của ngài. Vì thế, chính là nơi đây, Cơ Mật Viện của Giáo Hội được nhóm họp. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã tiến vào nhà nguyện này và sau đó bước ra là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Annuntio vobis gaudium magnum:

Habemus Papam!

Tôi báo cho anh chị em một tin mừng trọng đại

Chúng ta có Giáo Hoàng.

Sau vị Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ trong vườn nho của Chúa làm người kế vị Thánh Phêrô.

Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn tước hiệu của ngài là Bênêđíctô thứ 16. Bênêđíctô đến từ tiếng La Tinh là “Benedictus” nghĩa là người đầy ân phúc mà người Việt dịch rất hay là Biển Đức. Chữ Bênêđíctô cũng thường được liên hệ với Thánh Biển Đức thành Nursia, đấng sáng lập Dòng Biển Đức và qua đó là đời sống đan tu ở Tây Phương. Nhưng tước hiệu của vị Tân Giáo Hoàng cũng nhắc nhở đến một vị Giáo Hoàng đã cai quản Giáo Hội 90 năm trước đó.

“Tôi nhớ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 người tha thiết kiến tạo hòa bình đã cai quản Giáo Hội trong thời tao loạn chiến tranh. Theo bước chân ngài, tôi đặt để sứ vụ của mình cho chính nghĩa hòa giải, hòa bình và sự hài hoà giữa các dân tộc”.

[youtube]AzqPMI1DsNI[/youtube]

Bênêđíctô thứ 16 là người Đức, quốc gia đã đóng vai trò chủ yếu trong hai cuộc chiến tranh thế giới sau cùng. Ngài chọn tước hiệu Bênêđíctô để nhắc nhở mọi người nhớ đến Đức Bênêđíctô thứ 15, người đã coi chiến tranh thế giới lần thứ nhất là “cuộc tự sát của văn minh Âu Châu”.

Năm 1939, Hitler xô đẩy nước Đức vào thế chiến thứ Hai, qua những chịu đựng của cha mẹ mình, cậu bé Joseph Ratzinger lúc đó mới 12 tuổi đã thấy trước những tháng ngày cơ cực đang chào đón cậu và gia đình.

Là một viên chức cảnh sát, cha cậu đã từ chức để tránh phải dính líu vào những vụ bắt bớ người vô tội. Vào thời điểm của năm 1939, Hitler đã thành công trong việc làm tắt tiếng tất cả những người đối lập, những người bất ngờ bị biến mất khỏi gia đình họ không chỉ vào ban đêm nhưng ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Hitler tăng cường các hoạt động tuyên truyền về sức mạnh của quốc xã qua các cuộc diễu binh khổng lồ. Hắn đẩy mạnh việc bắt lính và bắt buộc cả thiếu nhi từ 10 tuổi trở nên cũng phải tham gia vào đoàn thiếu nhi quốc xã.

Những cuộc đốt sách khổng lồ được tổ chức và các nhà văn nhân bản chống lại lý thuyết quốc xã lần lượt bị bắt và giam cầm trong những trại cải tạo khổng lồ được dựng lên khắp đất nước. Cả xã hội bị nhấn chìm trong một bầu khí sợ hãi.

Năm 1943, Hitler trưng dụng cả thiếu nhi vào các đội phòng không. Cậu Joseph Ratzinger lúc ấy đang học trong chủng viện cũng bị bắt đưa vào một đội phòng không. Ốm yếu vác đạn cũng không nổi, cậu bị đẩy vào một đơn vị bộ binh. Khi quân đồng minh tiến gần, Joseph Ratzinger đào ngũ trở về Munich chứng kiến một thành phố với một nền văn hóa, và một truyền thống âm nhạc mà cậu yêu thích đang bị nhận chìm trong biển lửa.

Là một người lính Đức, Joseph Ratzinger bị bắt đưa vào trại tù binh của quân Đồng Minh nhưng vài tháng sau cậu được trả tự do.

Chứng kiến tận mắt những đau khổ của một nước Đức khốn cùng, của những người dân phải bươi rác kiếm ăn, Joseph Ratzinger ý thức sâu xa về những bất hạnh mà con người có thể bị đẩy tới bởi sự dối trá của các chủ thuyết xã hội không dựa trên niềm tin Kitô.

Cùng với anh trai là Georg Ratzinger, cậu trở lại đời sống chủng viện.

Giáo sư Joseph Ratzinger

Sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nước Đức khốn cùng của Joseph Ratzinger vẫn chưa hết khổ. Chủ nghĩa cộng sản xây dựng trên bạo lực và dối trá đã biến một nửa đất nước thành một nhà tù khổng lồ.

Tất những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống càng thôi thúc cậu Joseph Ratzinger trong khao khát truyền bá chân lý và hòa bình. Những ngày này được Đức Bênêđíctô thứ 16 mô tả là những ngày quan trọng nhất trong đời ngài.

Ngày 29 tháng Sáu năm 1951, hai anh em Ratzinger cùng được thụ phong linh mục bởi Đức Hồng Y Michael von Faulhaber, Tổng Giám Mục Munich.

Ngay từ ban đầu, linh mục Joseph Ratzinger đã nổi bật nhờ khả năng giảng dạy và nghiên cứu của ngài. Luận án đầu tiên của ngài là về Thánh Augustinô với nhan đề “Dân Chúa và Hội Thánh trong Học Thuyết Giáo Hội của Thánh Augustinô” được công bố năm 1953. Ước mơ giảng dạy tại một trường đại học của ngài đang dần dần trở thành hiện thực.

Luận án tiến sĩ của ngài là về Thánh Bonaventura được hoàn thành năm 1957 và với luận án lẫy lừng này ngài được phong làm giáo sư tại đại học Freising một năm sau đó khi mới 31 tuổi.

Năm 1959, ngài trở thành giáo sư thực thụ tại Đại Học Bohn, thủ đô của nước Đức tự do.

Tiếng tăm của vị giáo sư trẻ đến tai Đức Hồng Y Josef Frings. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kể về thời kỳ này với các linh mục Rôma hôm 14 tháng Hai 2013 như sau:

“Năm 1959 tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở Đại học Bonn, nơi có các sinh viên, chủng sinh của giáo phận Koeln và các giáo phận lân cận theo học. Vì thế tôi được dịp tiếp xúc với Đức Hồng Y Frings. Hồi năm 1961, Đức Hồng Y Siri, Tổng Giám Mục giáo phận Genova, đã tổ chức một loạt các bài thuyết trình về Công đồng, với các thuyết trình viên là một số Hồng y Âu Châu. Đức Hồng Y Siri cũng mời Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Koeln thuyết trình về đề tài “Công đồng và thế giới của các tư tưởng tân thời”. Đức Hồng Y Frings đã mời tôi là giáo sư trẻ nhất soạn cho ngài dự thảo bài thuyết trình, và Đức Hồng Y đã trình bày cho dân chúng ở Genova bài thuyết trình mà tôi đã viết. Ít lâu sau Đức Giáo Hoàng Gioan 23 mời Đức Hồng Y Frings đến gặp. Đức Hồng Y rất lo sợ vì e rằng mình đã nói điều gì không đúng hoặc sai trái, và bị Đức Giáo Hoàng gọi đến để khiển trách, và thậm chí có thể bị tước bỏ mũ Hồng Y.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kể rất hóm hỉnh khiến các linh mục Rôma cười rộ lên.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đúng vậy, khi cha thư ký của Đức Hồng Y giúp ngài mặc áo để vào chầu Đức Giáo Hoàng, ngài nói: “Có lẽ bây giờ tôi mặc chiếc áo Hồng Y này, lần này chắc là lần chót!”.

Nhưng khi Đức Hồng Y Frings vào gặp Đức Giáo Hoàng Gioan 23, thì Đức Giáo Hoàng tiến đến gặp và ôm lấy Đức Hồng Y và nói: “Cám ơn Đức Hồng Y vì đã nói điều mà tôi muốn nói, nhưng tôi không tìm được lời để nói cho đúng”

Các linh mục Rôma lại cười rộ và vỗ tay.

“Thế là Đức Hồng Y Frings biết mình đang đi đúng đường và Đức Hồng Y đã mời tôi đi Công Đồng với ngài, trước tiên như một chuyên gia riêng, rồi trong giai đoạn đầu tiên, có lẽ vào tháng 11 năm 1962, tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng”.

Đây là tòa nhà Đức Hồng Y Frings và linh mục giáo sư Joseph Ratzinger đã cư ngụ trong thời gian tham dự Công Đồng Chung Vatican II.

Tháng 12 năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục kết thúc Công Đồng và Giáo Hội bắt đầu triển khai những giáo huấn của Công Đồng. Linh mục giáo sư Joseph Ratzinger trở lại với đời sống đại học.

Năm 1966 ngài bắt đầu giảng dạy trong cùng phân khoa thần học với Hans Küng tại Đại Học Tübingen, nơi có một số đông đảo giáo sư và sinh viên chịu ảnh hưởng mạnh bởi lý thuyết cộng sản và những phong trào cánh tả.

Những cuộc biểu tình bạo động của giới trẻ hồi tháng 4 và tháng 5 năm 1968, và làn sóng bất tuân phục thẩm quyền trong các sinh viên đại học đã thay đổi một số quan điểm cánh tân của giáo sư Joseph Ratzinger. Trong những bài viết trên tạp chí Concilium, giáo sư Joseph Ratzinger chỉ trích những diễn biến tệ hại này trong xã hội và giải thích những diễn biến ấy như là hệ quả của khuynh hướng muốn thoát ly khỏi những giáo huấn truyền thống của Công Giáo.

Năm 1969, ngài trở lại quê hương Bavaria nơi bào huynh ngài đang coi sóc một giáo xứ ở đó. Ngài giảng dạy tại Đại Học của thành phố Regensburg, nơi là hợp lưu của hai giòng sông êm đềm Danube và Regen. Năm 1972, ngài sáng lập tại đây tạp chí thần học Communio, tức là Hiệp Thông, cùng với các thần học gia Henri de Lubac, Walter Kasper và những vị khác. Năm 1976, ngài trở thành Hiệu Phó Đại Học Regensburg.

Ngày 24 tháng Ba năm 1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục kêu gọi ngài hy sinh sự nghiệp đại học để trở thành Tổng Giám Mục Munich và Freising. Đây là một quyết định khó khăn cho ngài vì ngài ham mê sự nghiệp đại học và nghiên cứu. Và ngài rất thành công trong lãnh vực này. Nhiều học trò của linh mục giáo sư Josheph Ratzinger là những nhân vật quan trọng trong Giáo Hội như Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, Áo quốc. Hơn nữa, sau nhiều năm hoạt động trong lãnh vực đại học, ngài có rất ít kinh nghiệm mục vụ so với các linh mục coi xứ. Sau khi cầu nguyện, ngài vâng lời và chọn khẩu hiệu Giám Mục là Cooperatores Veritatis, tức là “những người cùng cộng tác vì chân lý”. Chỉ ba tháng sau đó, ngày 27 tháng Sáu năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y cho ngài với hiệu tòa là “Santa Maria Consolatrice al Tiburtino”, nghĩa là Đức Maria Đấng An Ủi dân thành Tiburtino.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tiếp tục sứ mạng giảng dạy đức tin của mình, không phải trong khuôn viên đại học, nhưng với quảng đại quần chúng tại Vương Cung Thánh Đường thành Munich.

Trong những năm tháng này, ngài làm quen và liên lạc thường xuyên với Đức Tổng Giám Mục Krakow là Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła của Ba Lan, người đã phải kinh qua thời kỳ Quốc Xã kinh hoàng và nay là thời kỳ cộng sản vừa bạo tàn vừa quyết liệt tận diệt đức tin Công Giáo của những người dân lành. Ngài gởi tặng Đức Hồng Y Wojtyła cuốn “Nhập Môn Kitô Giáo”. Một phần trong cuốn sách này đã được Đức Hồng Y Wojtyła trình bày trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều của Đức Phaolô Đệ Lục.

Hai vị trao đổi thư từ và những tác phẩm của mình nhiều tháng trước khi có cuộc gặp gỡ đầu tiên trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng vào tháng 8 năm 1978 sau khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục được Chúa gọi về với Ngài.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất, vị Giáo Hoàng với nụ cười đã được bầu lên. Ngài tiêu biểu cho một phong thái lãnh đạo rất mới mẻ. Thật vậy, trong buổi triều yết chung, ngài đã gọi một chú bé giúp lễ lên trả lời những câu hỏi. Tiếc thay, triều Giáo Hoàng của ngài chỉ kéo dài vỏn vẹn có 33 ngày.

Các Hồng Y lại quay trở lại Vatican. Vị Hồng Y trẻ trung mới 58 tuổi, đến từ một quốc gia cộng sản, rất phù hợp cho thời hậu hiện đại.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được mời đảm trách chức vụ quan trọng bậc nhất trong giáo triều Rôma, chỉ sau Đức Giáo Hoàng, là chức Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Ngài chấp nhận lời đề nghị của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với lời thỉnh cầu xin được tiếp tục viết sách. Một yêu cầu được Đức Giáo Hoàng Ba Lan chấp nhận nhanh chóng. Không những thế, Đức Tân Giáo Hoàng còn khuyến khích Đức Hồng Y Tổng Trưởng tiếp tục các nghiên cứu thần học của riêng mình.

Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Sự hợp tác của hai vị sinh nhiều hoa trái, chẳng hạn như Tuyên Ngôn Dominus Iesus (Tính Duy Nhất Và Cứu Độ Phổ Quát Của Chúa Giêsu Kitô Và Hội Thánh) hay Tông Thư Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí).

Tuy nhiên, trong vai trò bảo vệ đức tin tinh tuyền của Giáo Hội, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trở thành tiêu điểm tấn công của nhiều nhà thần học đang đề cao lý thuyết giai cấp đấu tranh của Mácxít nhân danh Thiên Chúa và cả những người không chấp nhận những giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Đức Hồng Y William Levada, người đã từng giữ chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin tâm sự: “Vai trò của chúng tôi là bảo vệ giáo huấn Công Giáo và các học thuyết Công Giáo”.

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone nói: “Ngài ở trong cương vị cao nhất của người phải bảo vệ đức tin của các tín hữu đơn sơ”.

Trong Mùa Chay của năm Thánh 2000, ngài đứng bên cạnh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và giảng trong một nghi thức thanh tẩy quá khứ cảm động để xin tha thứ cho những lầm lạc và tội lỗi của “Những con cái của Giáo Hội, nhân danh đức tin và luân lý đã dựa vào những phương thức không bắt nguồn từ Phúc Âm để bảo vệ chân lý.”

Gần 24 năm trong chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã mạnh mẽ bảo vệ và tái khẳng định đạo lý Công Giáo trên những vấn đề nhạy cảm trong xã hội như ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, và đối thoại liên tôn. Do đó, ngài thường là tiêu điểm tấn công của nhiều phía, đặc biệt khi phải ra những quyết định kỷ luật trong Giáo Hội.

Năm 1997, khi đến tuổi 70, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngài rút lui khỏi chức vụ này để đảm trách công việc tại Văn Khố Mật của Tòa Thánh, nhưng thỉnh cầu này đã không được chấp thuận.

Ngày 1 tháng Hai năm 2005, Đức Gioan Phaolô II bị khó thở sau khi bị cúm và phải đưa vào nhà thương Gemelli. Tháng Ba, ngài trở về Vatican. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 25 tháng Ba, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết bài suy niệm và chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Côlôsê. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II theo dõi buổi lễ qua màn ảnh truyền hình.

Trong bài suy niệm, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger cầu xin ơn tha thứ vì những tội lỗi trầm trọng trong Giáo Hội. “Tội lỗi trong Giáo Hội biết là bao nhiêu, ngay cả trong hàng linh mục, những người phải tận hiến chính họ hoàn toàn cho Ngài. Kiêu căng và ngạo mạn biết chừng nào!”

Từ cửa sổ phòng làm việc của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫy tay chào các tín hữu và du khách hành hương trên quảng trường Thánh Phêrô. Đây là hình ảnh cuối cùng thế giới nhìn thấy ngài còn sống.

Trong cuộc họp báo đặc biệt chiều thứ Bẩy 2 tháng Tư 2005, tiến sĩ Joaquin Navarro Valls, Trưởng Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói:

“Đức Thánh Cha tỉnh táo, rất thanh thản, hiển nhiên là ngài đang có khó khăn về hô hấp”.

Hàng chục ngàn người tuôn đến quảng trường Thánh Phêrô, cầu nguyện cho vị Giáo Hoàng yêu quý.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được Chúa gọi về.

Xin cho lời cầu nguyện thinh lặng của chúng ta đồng hành trong những phút giây đầu tiên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II diện kiến Chúa Kitô trên thiên đàng.

Trong tư cách là niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chủ sự lễ nghi an táng cảm động tại quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của đông đảo các nhà lãnh đạo trên thế giới. Một làn gió mạnh thổi qua quảng trường Thánh Phêrô.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng, Đức Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay từ cửa sổ thiên đàng, đang nhìn xuống chúng ta và ban phép lành cho chúng ta. Vâng, Đức Thánh Cha hãy ban phép lành cho chúng con.

Ngày 18 tháng Tư, 115 vị Hồng Y trong số 117 vị Hồng Y dưới 80 tuổi tham dự Cơ Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng . Hai vị Hồng Y vắng mặt vì đau yếu là Đức Hồng Y Jaime Sin của tổng giáo phận Manila, Phi Luật Tân và Đức Hồng Y Adolfo Suárez Rivera của tổng giáo phận Monterrey, Mễ Tây Cơ.

Giảng trong thánh lễ Khai Mạc Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y niên trưởng Joseph Ratzinger đã phân tích rất xúc tích về tình hình của Giáo Hội và thế giới. Ngài nói:

Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.

Sau bốn vòng bỏ phiếu, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistina.

Tôi báo cho anh chị em một tin mừng trọng đại

Chúng ta có Giáo Hoàng.

Sau vị Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ trong vườn nho của Chúa làm người kế vị Thánh Phêrô.

Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn tước hiệu của ngài là Bênêđíctô thứ 16. Bênêđíctô đến từ tiếng La Tinh là Benedictus nghĩa là người được chúc phúc và thường được liên hệ với Thánh Biển Đức thành Nursia, đấng sáng lập Dòng Biển Đức và qua đó là đời sống đan tu ở Tây Phương. Nhưng tước hiệu của vị Tân Giáo Hoàng cũng nhắc nhở đến một vị Giáo Hoàng đã cai quản Giáo Hội 90 năm trước đó.

“Tôi nhớ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 người tha thiết kiến tạo hòa bình đã cai quản Giáo Hội trong thời tao loạn chiến tranh. Theo bước chân ngài, tôi đặt để sứ vụ của mình cho chính nghĩa hòa giải, hòa bình và sự hài hoà giữa các dân tộc”.

Triều Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bắt đầu.

Triều Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã được các vị Hồng Y tín nhiệm trao trọng trách Kế Vị Thánh Phêrô từ ngày 19 tháng Tư năm 2005. Như vậy, đến ngày ngài thoái vị là ngày 28 tháng Hai năm 2013, Đức Thánh Cha ở ngôi Giáo Hoàng được 2873 ngày, tức là 7 năm, 10 tháng và 10 ngày.

Trong thời gian gần tám năm triều đại Giáo Hoàng của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 để lại cho thế giới những ấn tượng đẹp đẽ và hùng hồn của một thầy dạy đức tin khiêm nhường khi hướng dẫn người Công Giáo hướng đến các nguồn mạch đức tin, và thúc bách xã hội hiện đại đừng quay lưng lại với Thiên Chúa. Thế giới cũng sẽ nhớ đến ngài như một nhà lãnh đạo tôn giáo đối thoại thẳng thắn với cả những người không chia sẻ niềm tin của mình.

Một thầy dạy đức tin khiêm nhường

Với bản tính khiêm nhường, ngài giữ nguyên vẹn và trung thành phát huy những sáng kiến mục vụ được đánh giá là rất thành công của người tiền nhiệm chẳng hạn như các đại hội giới trẻ thế giới, và các cuộc tông du đến các quốc gia dù thừa biết rằng ngài không thể nào thu hút giới trẻ mạnh như Đức Gioan Phaolô II, và có thể tiên liệu được sự mệt nhọc của tuổi già khi phải vượt qua những đại dương bao la để đến với các dân tộc.

Vị Giáo Hoàng người Đức đã không cố gắng để có được sức thu hút mạnh người trẻ như vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng hàng triệu người trẻ gặp ngài ở Rôma và hải ngoại đã đánh giá cao nụ cười của ngài, và những lời tâm sự chân thành từ con tim.

Mặc dù tuổi già không cho phép tông du nhiều, kết thúc triều Giáo Hoàng của mình, ngài đã thực hiện 24 chuyến tông du đến sáu lục địa và ba lần chủ trì Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Đức vào năm 2005, tại Úc vào năm 2008, và ở Tây Ban Nha vào năm 2011.

Bên cạnh việc tiếp nối các sáng kiến mục vụ tốt đẹp của vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đưa ra hàng loạt các sáng kiến mục vụ của riêng ngài.

Trong năm Linh Mục 2010 và 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao cha Thánh Gioan Vianney là linh mục sống ở Pháp hồi thế kỷ 19 như là một mô hình của sự thánh thiện trong hàng giáo sĩ, người đã chiến đấu chống lại sự thờ ơ và thù nghịch của một xã hội thế tục đầy bạo lực.

Ngài đã triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Kinh trong năm 2008, trong một nỗ lực để đưa Kinh Thánh trở lại là trung tâm của đời sống tâm linh cá nhân và các kế hoạch mục vụ. Ngài đưa ra Năm Đức tin trong tháng Mười năm ngoái và đã chủ trì một thượng hội đồng tập trung vào việc tân phúc âm hóa nhằm hồi sinh đức tin Kitô ở phương Tây thế tục, là một ưu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Là mục tử toàn thể Hội Thánh, ngài đã tận dụng hầu như tất cả các phương tiện có trong tay – từ những phương tiện truyền thông cổ điển như sách báo đến các phương tiện tân tiến như Twitter, từ các tông huấn dài cho đến những lời nhắn tin ngắn trên mạng lưới toàn cầu – để dạy giáo lý cho các tín hữu về đức tin cơ bản và các thực hành Kitô giáo, với các chủ đề đa dạng, từ các bài giảng của Thánh Augustinô cho đến ý nghĩa của dấu Thánh Giá mỗi khi chúng ta làm dấu Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.

Trong vai trò là thẩm quyền luân lý của Giáo Hội, ngài mạnh mẽ vạch ra những ranh giới đạo đức rạch ròi trong các vấn đề như an tử, trợ tử, hôn nhân, và đồng tính luyến ái. Các thông điệp của ngài cho xã hội tập trung vào nguy cơ mất đi những mối quan hệ cơ bản giữa con người và Đấng Tạo Hóa.

Ngài thường xuyên cảnh báo phương Tây rằng trừ khi xã hội tục hóa của nó tái khám phá các giá trị tôn giáo, nó không có chút hy vọng nào có thể tham gia vào các cuộc đối thoại thực sự với nền văn hóa Hồi giáo và với các tôn giáo.

Trong các thông điệp của ngài và trong cuốn “Chúa Giêsu thành Nazareth”, Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại thông điệp đó, nhắc nhở độc giả của mình khám phá các liên kết cần thiết giữa tình yêu xả kỷ, các hoạt động bác ái, và sự tận hiến cho sự thật và Tin Mừng của Chúa Kitô.

Một trong những tài liệu quan trọng nhất được ban hành dưới triều Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là hướng dẫn về đạo đức sinh học đưa ra năm 2008 trong đó cảnh báo về một số phát triển trong nghiên cứu tế bào gốc, liệu pháp gen và thử nghiệm phôi vi phạm các nguyên tắc đạo đức và phản ánh một nỗ lực của con người để “chiếm chỗ của Đấng Tạo Hóa.”

Những tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thường xuyên khám phá mối quan hệ giữa đức tin cá nhân nơi Chúa Kitô và các hậu quả xã hội.

Thông điệp đầu tiên “Deus Caritas Est” (“Thiên Chúa là tình yêu,”) ban hành năm 2005, nhắc nhở tất cả mọi người rằng Thiên Chúa yêu thương họ và kêu gọi họ chia sẻ tình yêu trong quan hệ giữa các cá nhân và với xã hội.

Hai năm sau, thông điệp thứ hai “Spe Salvi” (Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng), đã cảnh báo rằng nếu không có đức tin vào Thiên Chúa, mà chỉ biết cậy dựa vào các ý thức hệ thì các hệ tư tưởng ấy chỉ dẫn đến “các hình thức tàn ác và các hành vi bất công.”

Thông điệp thứ ba của ngài, “Caritas in Veritate” (“Bác Ái trong Chân Lý”) được công bố năm 2009 khẳng định rằng các giá trị đạo đức là cần thiết để vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên toàn cầu cũng như để diệt trừ nạn đói và thúc đẩy sự phát triển thực sự của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Vài tháng trước, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã hoàn thành một thông điệp thứ tư về đức tin, và dự kiến sẽ được công bố trong nửa đầu năm nay. Cha Federico Lombardi khẳng định rằng cuối cùng thông điệp này sẽ được công bố dưới một hình thức thích hợp.

Cuốn sách gồm 3 tập với nhan đề “Chúa Giêsu thành Nazareth”, được xuất bản từ năm 2007 nhấn mạnh rằng Chúa Kitô phải được hiểu như là Con Thiên Chúa xuống trần để cứu rỗi nhân loại chứ không phải là một nhà đạo đức hay thậm chí chỉ là một nhà cải cách xã hội.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã yêu cầu bộ Phong Thánh kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn ứng viên phong thánh, nhưng cuối cùng ngài cũng đã phong thánh cho 44 vị, bao gồm cả người Mỹ da đỏ Kateri Tekakwitha và Mẹ Marianne Cope Molokai. Ngài cũng đã tôn phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tấn phong Hồng Y cho 90 vị, trong đó hiện nay có đến 67 vị vẫn còn dưới 80 tuổi và do đó đủ điều kiện để bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng để bầu người kế nhiệm ngài.

Đối thoại nhiệt tình và thẳng thắn

Năm 2007, ngài mở rộng khả năng sử dụng Thánh Lễ Tridentino. Hai năm sau, năm 2009, trong một nỗ lực hòa giải với Huynh Đoàn Thánh Piô X, ngài giải vạ tuyệt thông cho bốn giám mục là những người được tấn phong bất hợp pháp vào năm 1988. Sau khi phục vụ trong độ tuổi 30 trẻ trung của mình như là một cố vấn có ảnh hưởng trong thời gian Công Đồng Vatican II từ 1962 đến 1965, ngài đặt để như một ưu tiên quan trọng trong triều Giáo Hoàng của mình là làm sao sửa chữa những diễn giải quá xa với ý hướng của Công ĐồngVatican II trong khi nhấn mạnh đến tính liên tục của Công Đồng với truyền thống đã có từ hai ngàn năm của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đã ba lần gặp gỡ tổng thống Mỹ George W. Bush, bao gồm một chuyến viếng thăm chính thức tới Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã tìm thấy sự tâm đầu ý hợp trong những lãnh vực rộng lớn liên quan đến phò sự sống và gia đình. Khi tổng thống Barack Obama được bầu, Đức Giáo Hoàng gửi cho Obama một bức điện tín nồng nhiệt chúc mừng và lời hứa cầu nguyện cho tổng thống của ngài, nhưng khi họ gặp nhau tại Vatican vào năm sau đó, Đức Thánh Cha đã nói rõ ràng về sự phản đối của Giáo Hội đối với chính sách của chính quyền Obama liên quan đến các vấn đề như phá thai và nghiên cứu tế bào gốc trên phôi người.

Trong bài giảng tại Đại học Regensburg của Đức ngày 12 tháng Chín năm 2006, Đức Thánh Cha trích lời một hoàng đế Kitô giáo thời Trung cổ, người đã nói “Hãy chỉ cho tôi thấy những gì mới mẻ mà tiên tri Mohammed đã mang lại và anh chỉ thấy ở đó toàn những điều tàn ác và vô nhân đạo, chẳng hạn như lệnh truyền của ông hãy loan truyền niềm tin mà ông rao giảng bằng gươm giáo.” Vụ này gây ra những chỉ trích dữ dội từ thế giới Hồi Giáo.

Tuy nhiên, cuối năm đó, ngài đã đến thăm một đền thờ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, và đã quay về phía Mecca thầm cầu nguyện cùng với chủ nhà. Cử chỉ này tạo ra sự cải thiện đáng kể, và trong những năm tiếp theo, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đến thăm các hội đường Do Thái Giáo, ở Đức năm 2005, ở New York vào năm 2008 và tại Rôma vào năm 2010. Ngài lên án mạnh mẽ những trào lưu bài Do Thái, và đã giành được lòng quý mến của nhiều nhà lãnh đạo Do Thái.

Trong một lá thư được báo chí tại Do Thái công bố hôm 19 tháng Hai, tức là 10 ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị, thủ tướng Do Thái đã nồng nhiệt cám ơn triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Lá thư của thủ tướng Benjamin Netanyahu đề ngày 18 tháng Hai năm 2013 gởi đến Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 có đoạn viết:

“Nhân danh dân tộc Do Thái, tôi muốn cảm ơn ngài vì tất cả những gì ngài đã làm trong khả năng của mình với cương vị Giáo Hoàng để tăng cường mối quan hệ giữa Kitô hữu và người Do Thái, cũng như giữa Tòa Thánh và Nhà nước Do Thái”.

“Tôi cũng cảm ơn ngài đã dũng cảm bảo vệ các giá trị của Do Thái giáo và Kitô giáo trong suốt triều Giáo Hoàng của mình. Tôi không chút nghi ngờ rằng những giá trị ấy là rất quan trọng để xây dựng một thế giới tân tiến, và là thiết yếu để đảm bảo một tương lai an ninh, thịnh vượng và hòa bình

Đức Thánh Cha coi sự hợp nhất Kitô Giáo là một trong những ưu tiên trong triều đại ngài, và đã có những bước cải thiện đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống. Dấu hiệu cụ thể nhất là việc Đức Thánh Cha chấp nhận lời mời của Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew của thành Constantinople để đến thăm các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2006. Hai năm sau, Đức Thánh Cha mời Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tòa thánh Vatican cũng nối lại các cuộc đàm phán thần học với Chính Thống vào giữa năm 2006 và bắt đầu các hình thức mới của sự hợp tác văn hóa với Giáo Hội Chính Thống Nga.

Số phận của các nhóm thiểu số Kitô giáo trên toàn thế giới là một trong những mối quan tâm lớn khác của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là ở những nước cộng sản và các nước Hồi giáo. Trong bài diễn văn đầu tiên của ngài trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 12/5/2005, chỉ vài tuần sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô bày tỏ mong ước của ngài là Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa có thể để cho Giáo Hội “có những điều kiện hợp pháp để thi hành sứ vụ của mình.”

Trong 27 năm triều Giáo Hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dành hơn 30 bài diễn văn để đề cập đến “đất nước Trung Hoa vĩ đại” và Giáo Hội tại Trung Hoa.

Rõ ràng, các vị Giáo Hoàng đều cảm thấy rất áy náy về tình trạng của anh chị em tín hữu tại đây và việc thực thi nghĩa vụ truyền giáo cho đất nước đông dân nhất hành tinh này.

Trong tiến trình vận động cho Thế Vận Hội 2008, Bắc Kinh tuyên bố rằng cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người bị chúng coi là “có tội” làm sụp đổ các chế độ cộng sản trên thế giới, đã mở ra một trang mới trong quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican.

Trong các cuộc thảo luận không chính thức giữa Vatican và tòa đại sứ Trung quốc tại Ý, Bắc Kinh đồng ý cho 4 vị Giám Mục được tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể (10/2005) và cho các nữ tu của Mẹ Têrêsa được mở một nhà cho người nghèo và người già tại Hoa Lục. Năm 2006, một viên chức cao cấp của đảng cộng sản Trung quốc hứa với phái đoàn Tòa Thánh là sẽ cấm Hội Công Giáo Yêu Nước không được truyền chức Giám Mục trái phép nữa. Tất cả những điều ấy đã không xảy ra.

Dù thế, những lời hứa cuội và các hoạt động ngoại giao sôi nổi đã làm nức lòng một số viên chức Tòa Thánh, đặc biệt là những vị không có chút kinh nghiệm nào với cộng sản. Đối thoại với cộng sản Trung quốc thất bại vì những nhượng bộ quá sớm và quá chân thành của một số viên chức Tòa Thánh, Giáo Hội tại đây xơ xác và hoang mang với con số đông đảo các linh mục hầm trú bị bắt trong hai năm 2008 và 2009; và ngày càng có những vụ truyền chức giám mục trái phép bất kể vạ tuyệt thông của Tòa Thánh.

Cuộc đối thoại với cộng sản Việt Nam tuy có dẫn đến sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli là vị đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, nhưng tình trạng nhân quyền tồi tệ, tình trạng chà đạp tự do tôn giáo đặc biệt là ở các vùng biên giới phía Bắc và vùng Cao Nguyên Trung Phần, tình trạng cướp bóc, chiếm đoạt trái phép tài sản của Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện và cũng chẳng có chút tín hiệu nào cho thấy sẽ được cải thiện.

Lời Kết

Khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 19 tháng 4 năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã 78 tuổi nhưng rõ ràng ngài có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, ngài đã nói với các Hồng Y rằng triều đại Giáo Hoàng của ngài không thể dài như của người tiền nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với tác giả Peter Seewald hồi năm 2010, Đức Thánh Cha nói: “Nếu một vị Giáo Hoàng rõ ràng nhận ra mình không còn đủ thể chất, tâm lý và tinh thần để cáng đáng các nhiệm vụ của mình, ngài có quyền, và thậm chí, trong một số hoàn cảnh, có nghĩa vụ phải thoái vị. “

Trong diễn văn thoái vị hôm 11 tháng Hai, sự khiêm nhường của một vị thầy dạy đức tin vĩ đại cũng được bộc lộ rõ ràng. Ngài nói:

“Tôi chân thành cảm ơn tất cả anh em vì tình yêu và những công việc mà anh em đã ủng hộ tôi trong sứ vụ của mình và xin tha thứ cho tất cả các khiếm khuyết của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy ủy thác Giáo Hội cho sự chăm sóc của vị Mục Tử tối cao của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, và khẩn cầu Mẹ Maria chí thánh của Ngài trợ giúp các Hồng Y Giáo Phụ với lòng ưu ái từ mẫu của Mẹ trong việc bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Liên quan đến bản thân mình, tôi cũng muốn tận tụy phục vụ Giáo Hội Thánh của Thiên Chúa trong tương lai thông qua một cuộc sống tận hiến cho việc chuyên tâm cầu nguyện.”

Cảm tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một vị Giáo Hoàng vĩ đại trong một thế giới đang biến chuyển nhanh đến mức ranh giới giữa đúng và sai, giữa thiện và ác có lẽ mờ nhạt hơn bao giờ.

J.B. Đặng Minh An

Vietcatholic.net

 

 

 

Để lại một bình luận