Dạ Con Đây, Xin Sai Con Đi
Is 6, 1-2a, 3-8; Tv 138; I Cr 15, 1-11; Lc 5, 1-11
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh em Học Viện Đaminh chuyển ngữ
Kính thưa quý vị,
Tuần trước, chúng ta đã nghe về lời mời gọi của ngôn sứ Giêrêmia. Có một đoạn ở giữa bị lược bớt trong bài đọc (Gr 1,6) khi vị ngôn sứ thốt lên: “Ôi ! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” Giêrêmia hẳn đã phải chống lại CẢ vương quốc, các tư tế và dân trong xứ. Lẽ ra ông phải mạnh mẽ nhưng trong giây phút được gọi, ông cảm thấy không thích hợp với một công việc lớn lao mà Thiên Chúa trao phó. Điều gì sẽ hỗ trợ ông và biến ông thành: “thành trì kiên cố, lũy sắt, thành đồng chống lại cả xứ” (Gr 1,18)? Giêrêmia nói khá cô đọng: “Có Lời Chúa phán cùng tôi…” Đó là lý do một con người bình thường có thể trở thành ngôn sứ, “Có Lời Chúa phán cùng tôi…” Điều này cũng tóm kết chủ đề của ba bài đọc trong ngày hôm nay: con người cảm thấy không xứng hợp khi Thiên Chúa kêu gọi và sức mạnh của Lời Chúa đi cùng với ơn gọi ấy.
Isaia mô tả ơn gọi của ông qua hình ảnh phụng tự trong đền thờ với ca đoàn chúc tụng sự thánh thiện của Đức Chúa. Ông thấy một thị kiến: “Tôi thấy Chúa thượng, ngự trên ngai rất cao”. Cuộc gặp gỡ giữa ông với Đức Chúa khiến ông cảm thấy mình sợ hãi và bất xứng. Đức Chúa đã tẩy trừ sự nhơ bẩn và thanh tẩy ông. Được chuẩn bị, Isaia sẵn sàng trả lời cách nhanh chóng khi Đức Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây?” Isaia trả lời: “dạ con đây, xin sai con đi”.
Lời đáp trả của ngôn sứ: “Dạ con đây” là môtíp kinh thánh xuyên suốt hai Giao Ước. Khi Thiên Chúa kêu gọi, người được chọn đáp lời: “Dạ con đây”. Dù con người cảm thấy mình bất xứng, lời đáp trả ấy cũng cho thấy sự tín thác vào lời mời gọi của Thiên Chúa và sẵn sàng phục vụ ý định của Người. “Dạ con đây, xin sai con đi”. Lời cầu nguyện ngắn gọn và tín thác đó chúng ta có thể dùng như lời suy niệm lặp lại trong suốt Mùa Chay và suốt đời ta.
Trong bài Tin mừng, Phêrô được mời gọi. Bối cảnh không giống như thị kiến trong đền thờ của Isaia. Phêrô là một mẫu người thực tế và bình dị. Ông là một ngư phủ. Làm thế nào Thiên Chúa khiến ông chú ý? Chẳng lẽ ông phải lên đỉnh núi cao hay lên Giêrusalem? Làm thế nào Đấng Tối Cao đến với một con người suốt ngày chỉ biết giăng câu, thả lưới và dán mắt vào thời tiết và tình trạng của con nước?
Ngư phủ Phêrô sẽ có một thị kiến giống Isaia: ông sẽ được thấy một điều kinh ngạc. Thị kiến và ơn gọi của Phêrô đến từ lời nói của Đức Giêsu và kết quả của Lời ấy là một mẻ lưới đầy cá. Phêrpô sẽ làm như Isaia và Giêrêmia khi các ông nghe được tiếng mời gọi. Ông trở nên sợ hãi trước Đấng phán ra lời có thể làm cho lưới đầy cá. Ông nhận thấy sự hiện diện phi thường và sức mạnh thánh thiêng của Đức Giêsu và thấy mình bất xứng. Đức Giêsu lại lên tiếng một lần nữa: Người mời gọi Phêrô hãy đánh cá kiểu mới. Từ nay trở đi, ông sẽ rời mắt khỏi lòng biển, luồng gió và thời tiết để quan tâm đến những người ông sẽ gặp gỡ và sẽ thấy những cơ hội để mang về cho Đức Giêsu nhiều môn đệ hơn nữa. Ơn gọi của Phêrô không làm cho ông bớt bất xứng, nhưng nếu ông chú tâm lắng tai nghe lời của Đấng đang mời gọi ông, ông sẽ trở thành kẻ “thu phục người ta cho Chúa”
Mùa Chay sẽ bắt đầu trong tuần này. Đây là thời gian thuận tiện để thực hành một số hình thức kỷ luật. Chúng ta làm thể để giúp mình có thể ngày càng làm chủ được đời mình hơn. Rất nhiều người quanh chúng ta thường nói lên một điều ngược lại: “Tôi phải có cái tôi muốn, và đúng lúc tôi cần nó!” Nền văn hóa của chúng ta dường như trước hết được hướng dẫn bởi những nguyên tắc chiếm hữu nhiều hơn nữa. Nhưng, như những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta muốn tránh khỏi những gì khiến tinh thần chúng ta bị chia trí hay bị làm cho xa sút. Chúng ta không muốn bị điều khiển bởi: tiền tài, thói hư, nghiện ngập, tìm kiếm lạc thú và giải trí. Vì thế, chúng ta thực hành từ bỏ chính mình để nhắc nhở ta lưu tâm hơn đến tiếng của Đức Kitô và tách chúng ta ra khỏi những tiếng gọi của ganh đua không ngừng. Những thực hành Mùa Chay có thể giúp chúng ta nghe thấy lời mời gọi khởi đi từ Phép Rửa của mình và hình thành lên đời sống chúng ta.
Cả ba bài đọc đều phản ánh một lời đáp trả tương tự của con người (Isaia, Phaolô và Phêrô). Các ngài đều thấy mình bất xứng khi thấy mình được Thiên Chúa kêu gọi để phụng sự Người. tuy nhiên, có một ẩn ý (hoặc được nói ra) – “nhưng”. Lời này xảy ra sau khi người ấy thấy mình được mời gọi và diễn tả sự bất xứng của mình.
Chúng ta có lý do nào để bào chữa cho việc đã không tiến lên đáp lại khi nghe thấy lời mời gọi hay không? Chúng ta biết tiếng gọi ấy không đến như ánh chớp và một áng mây. Đó thường giống như kiểu ai đó gọi mình: “muốn đi đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân không?” “Anh có muốn giúp tôi thu gom thức ăn cho người vô gia cư hay không?” “Ô không, tôi không muốn, tôi chưa làm thế bao giờ!” Khi chúng ta bị cám dỗ trả lời như thế, chúng ta có thể tua lại những lời thánh Phaolô nhắn nhủ: “tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”.
Có thể chúng ta nhận ra Phêrô đón nhận ơn gọi ra sao – đó là một tiến trình với các giai đoạn. Trước hết, Đức Giêsu giảng cho đám đông từ trên thuyền của Phêrô. Phêrô có lẽ đã nghe và bị đánh động bởi những gì Đức Giêsu nói. Sau đó, Phêrô nghe theo lời “đề nghị” của Đức Giêsu để thả lưới bắt cá. Sau mẻ cá lạ lùng, Phêrpô nhận ra ơn gọi của mình, “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Ngay khi nghe được Lời, Phêrô đã được nên mạnh mẽ và ông có thể đáp lại.
Các bài đọc hôm nay cũng đưa ra một thực hành Mùa chay cho chúng ta. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng thực hiện, thì hãy dành chút thời gian mỗi ngày để lắng nghe Lời Chúa. Để kết thúc những suy niệm này, tôi đã nối kết với bài Tin mừng Chúa Nhật này. Tại sao không in những bài đọc này ra và dựa vào đó suy niệm mỗi ngày trong suốt tuần phụng vụ này?
Một số cá nhân và nhóm nhỏ thực hành một phương pháp truyền thống về việc lắng nghe Lời Chúa trong Sách Thánh. Phương pháp này được gọi là “Lectio Divina”. Đại loại giống như sau:
Lectio – đọc. Sách Thánh là lời sống động, vì thế đọc chậm rãi một vài câu, thậm chí có thể đọc lớn tiếng. Để Thánh Thần soi dẫn và để mình ý thức về một từ hay đoạn cụ thể nào đó. Chìm sâu vào đó một lúc.
Meditatio – suy niệm. Hãy để mọi khả năng của quý vị vào trong bối cảnh đó. Quý vị thấy gì? Ngay ở đây? Cảm thấy gì? Nghĩ gì? …
Oratio – cầu nguyện. Đáp lại những gì quý vị cảm nghiệm được với cảm súc sâu xa nhất: vui mừng, chúc tụng, buồn phiền, tạ ơn…
Contemplatio – chiêm niệm. Đây là điều các tác giả tâm linh gọi là “ở lại trong Chúa”. Ở đây chúng ta gác lại mọi hoạt động trí óc cũng như cảm xúc và ở lại trong vòng tay Chúa. Một số người mô tả khoảnh khắc này như là “cung lòng” trong đó Sách Thánh được tái sinh và nhập thể thành xương thịt của chúng ta.
Chúc quý vị một Mùa Chay hạnh phúc!