CN 3 TNC: Loan báo Tin mừng cho người nghèo khó

 

Loan báo Tin mừng cho người nghèo khó

Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21

Lm. Jude Siciliano, OP.

Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ

Kính thưa quý vị,

CN 3 TNC: Loan báo Tin mừng cho người nghèo khóBài Tin mừng hôm nay là hai phần riêng biệt thuộc hai chương khác nhau. Phần trước là đoạn mở đầu của Tin mừng. Trong phần này thánh Luca giống như thầy ký lục Étra, trong bài đọc I.

Dân Israel vừa trở về từ sau cuộc lưu đày và còn nhiều việc phải làm để tái thiết đất nước. Thủ lãnh Nơkhêmia sẽ phải sắp xếp xây dựng lại thành Giêrusalem, đảm bảo thành sẽ đủ vững chắc và an toàn để khỏi bị tấn công. Nhưng chỉ nhiêu đó thì không đủ để tái cung hiến thành và dân cho Thiên Chúa. Đó là nhiệm vụ của Étra. Ông sẽ kêu gọi dân quay trở lại với Thiên Chúa và tuân giữ Lề Luật.

Nhưng tại sao dân lại khóc lóc đau buồn khi nghe Étra đọc sách Luật? Có thể khi nghe Lời ấy họ nhận ra những lỗi lầm trước đây của họ. Hay, có thể trước đây họ đã không hiểu Lời này và giờ đây khi họ có thể nghe được những tính chất trao ban sự sống của lời ấy nên đã xúc động đến phát khóc. Nếu chúng ta cũng có được thái độ khát khao Lời Chúa như họ và khi nghe, có thể những lời ấy cũng sẽ khiến chúng ta thổn thức vì hối hận và cảm kích trước những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Lời thách thức chúng ta trong bài đọc thứ I trích sách Nơkhemia là việc Étra đã công bố Lời Chúa long trọng như thế nào và thái độ thành kính của dân khi nghe những lời ấy ra sao. “Họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa”. Trong khi, đó không phải là thái độ của chúng ta khi nghe Lời Chúa trong phụng vụ, vì thế, đấy là lời nhắc chúng ta phải chú ý hơn và thành kính hơn với Lời Chúa khi chúng ta nghe.

Cũng có hướng dẫn dành cho những người công bố các bài đọc, vì Étra “đọc cách rõ ràng sách Luật của Chúa….” Tôi đã từng được nghe những tác viên chu đáo công bố Lời Chúa cách thành kính hết sức với những giảng giải thiết thực. Họ nói cho chúng ta về tình yêu của họ đối với Lời và họ đã “mở tai chúng ta” để nghe sứ điệp của Sách thánh dành cho ta. Dường như các thừa tác viên này có thể khơi lên trong lòng thính giả một tình yêu và sự hiếu kỳ đến độ họ sẽ tự mình tìm đọc Sách Thánh – và điều đó sẽ dẫn đến chỗ nghiên cứu và cầu nguyện sâu xa hơn. (Gần đây tôi có giảng tại một giáo xứ và người đọc bài đọc thứ I có vẻ thiếu chuẩn bị nên đọc vội vã bài đọc. Thiếu điều tôi chỉ muốn đứng bật dậy và la to “Đọc chậm lại!”. Tôi không làm thế, nhưng quý vị có bao giờ có cảm giác ấy chưa?)

Và quý vị có để ý thấy cũng có một thách đố dành cho các nhà giảng thuyết không? Étra không chỉ “đọc sách Luật của Đức Chúa”, ông còn “[giải thích] nó để tất cả có thể hiểu những điều đã được đọc lên”. Đó chính là một gợi ý cho những người giảng thuyết – giải thích Lời Chúa nhờ đó những người khác có thể hiểu và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống mình.

Thánh Luca cũng trong cùng một truyền thống với Étra và tất cả những ai chuyển trao Lời với trọn vẹn sự cẩn trọng và tôn kính. Trong những dòng đầu của Tin mừng của mình, ngài nói: “Thưa ngài Thêôphiô đáng kính!” (Thêôphilô nghĩa là “bạn hữu của Thiên Chúa” – do đó ngài nói với mỗi người chúng ta) rằng ngài đã “đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta”. Ngài lấy nguồn từ: “các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa”. Giống như Étra, Luca cũng là một nhà giảng thuyết tài năng: ngài đã “biên soạn” tài liệu của mình từ kinh nghiệm thực tế; cẩn thận “tra cứu” mọi sự và trình bày “cách tuần tự”. Mục đích là gì? Để “bạn hữu của Thiên Chúa” có thể tái khẳng định niềm tin mà họ đã lãnh nhận. Étra và Luca với những lời của mình đã làm nên một cuộc hội thảo cho thừa tác viên đọc sách thánh và một khóa giảng thuyết ngày nay.

Rồi sau đó bài Tin mừng nhảy qua chương thứ tư nói đến việc Đức Giêsu trở về quê hương Nazarét của Người. Khi được trao quyển sách Isaia, Người công bố đoạn sách đã chọn. Không có một bài đọc chỉ định cho từng ngày; Đức Giêsu đã cân nhắc chọn đoạn văn dựa trên sự hướng dẫn của Thánh Thần. Một lần nữa, lại gợi lại hình ảnh của Étra, có một thái độ trân trọng Lời Chúa. Khi Đức Giêsu đọc sách ngôn sứ Người đã thu hút toàn bộ sự chú ý của thính giả, “ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”.

Đoạn văn mà Đức Giêsu đọc trích từ sách Isaia tỏ cho thấy cách Người chọn lựa để thi hành sứ vụ. Một trong những chủ đề của Luca là vai trò của Thánh Thần trong đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu. Vì thế đoạn trích của Đức Giêsu bắt đầu bằng việc nói đến sự hiện diện của Thánh Thần – Đấng “xức dầu” và sai Đức Giêsu đến với những người thiếu thốn đang chờ mong sự cứu độ mà chỉ mình Thiên Chúa mới thực hiện được. Lời Isaia đã hứa xưa, nay được Đức Giêsu hoàn tất.

Khi kết thúc đoạn sách Isaia, Đức Giêsu thêm vào: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quý vị vừa nghe”. Từ “hôm nay” không chỉ nói đến ngày hôm ấy trong hội đường, nhưng cũng là “hôm nay” của chúng ta. Như lời viết trong thư Hipri (4,12) “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”.

Một số người lắng nghe Sách thánh và nghĩ rằng đó là những hướng dẫn cho mẫu mực hành xử của họ. Nhưng đó chỉ là một phần lý do, nhưng trước hết những gì chúng ta nghe thì thực sự đang xảy ra giữa chúng ta: “Vì lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu…” Vì thế, hôm nay Đức Giêsu loan báo cho chúng ta biết mình được tự do khỏi: tội lỗi, những thất bại của việc dấn thân chưa thích hợp và thiếu chân thành; thiếu tin tưởng vào những ân sủng; nỗi sợ hãi Thiên Chúa; những bức tường chia cắt chúng ta với những người khác,…

Chúng ta giống như những người trong hội đường ngày xưa. Chúng ta mời Đức Giêsu bước vào để nói lời giải thoát. Chúng ta cầu xin cho lời có khả năng mang lại ánh sáng của Người xâm nhập vào trong sự khép kín của ta, nơi mà ta bám vào quá khứ và nỗi e sợ về một sự dấn thân sâu hơn cho Người. Lời của Người xua tan đêm tối và mang lại tự do. Chúng ta mời Đức Giêsu vào trong trung tâm của kinh nghiệm đời mình và cho chúng ta thấy được Thánh Thần, Đấng sẵn sàng chữa lành và giải thoát chúng ta, rồi sai chúng ta thi hành cũng một sứ vụ như Đức Giêsu: “Loan báo Tin mừng cho người nghèo khó”.

Thánh Thần có thể làm gì cho chúng ta? Thánh Phaolô đưa ra một gợi ý. Ngài dùng phép so sánh với cơ thể. “Chúng ta đều được chịu phép rửa để trở nên một thân thể”. Vì thế, trong thân thể của Đức Kitô, Thánh Thần có thể biến đổi sự liên hệ của chúng ta. Lời của thánh Phaolô nói là một thách đố chúng ta nhận ra mình là ai trong thân mình của Đức Kitô; rằng chúng ta liên kết với người khác như những bộ phận của cùng một cơ thể. Theo thánh Phaolô, ơn gọi của chúng ta là làm những gì trong khả năng để giữ toàn bộ cơ thể, quan tâm đến tất cả mọi phần bị đau và và tôn vinh những phần đáng khen ngợi.

Đoàn dân hết sức thích thú khi Đức Giêsu đọc một đoạn sách Isaia cho họ. Nhưng Luca thay từ “kêu gọi” (Is 61,2a) bằng một động từ mang tính loan báo hơn “công bố”. Vì thế, Đức Giêsu không chỉ hối thúc giải phóng kẻ bị giam cầm nhưng “công bố” – đó là, tuyên bố rằng điều này đang hiện hữu và thực sự đang xảy ra. Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu và làm chứng rằng lời của Người sẽ sinh hoa kết trái và hoàn tất điều Người loan báo.

Mỗi người chúng ta lấy hình ảnh mà Đức Giêsu khẳng định hôm nay và áp dụng vào chính mình. Trong phần nào của cuộc sống tôi là người bị giam cầm? mù lòa? và bị áp bức?… Nhưng còn những áp dụng theo nghĩa sát bản văn thì sao? Chẳng hạn, Đức Giêsu khẳng định Người đến để “công bố sự tự do cho kẻ tù đày”. Tôi mới đi thăm một người bạn đang trong tù và đã nói cho anh ấy biết những điều chúng ta đã biết. Trước hết, rằng xã hội cần được bảo vệ khỏi bảo lực và những người phạm pháp. Nhưng trong đất nước của chúng ta, chẳng phải hệ thống nhà tù là dấu cho thấy chúng ta đã đi quá xa đó sao? Rằng nhà tù của chúng ta mang tính trừng phạt duy nhất? Ví dụ: “ba lần ra tòa” khiến phạm nhân bị nhót trọn đời; phạm nhân trẻ bị nhốt chung với những phạm nhân trưởng thành và nguy hiểm; thiếu chương giáo dục, tư vấn và tái hội nhập cho tù nhân? Và còn tiết gần đây về việc hủy hay giấu chứng cứ có thể giúp bị cáo tránh án? Chúng ta cân nhắc việc này với hướng dẫn của Đức Giêsu để giải thoát kẻ tù đày và kết bằng những lời của Đức Gioan Phaolô II nói ngày 9 tháng 7 năm 2000: “Chúng ta còn lâu mới đạt tới thời điểm mà lương tâm có thể chắc chắn về việc thực sự đã cố làm mọi cái có thể để tránh tội phạm và kiểm soát nó cách hữu hiệu, hầu không bao giờ gây hại và, cùng lúc, tạo điều kiện cho những kẻ phạm pháp một con đường tự cứu mình cũng như thực hiện một cuộc trở lại với xã hội cách tích cực. Nếu tất cả những ai liên quan đến vấn đề đều cố gắng…phát triển luồng suy tư này, có thể nhân loại cùng với nhau có thể tiến một bước lớn đến việc tạo nên một xã hội sáng sủa và hòa bình hơn”.

 

 

 

Để lại một bình luận