Niềm Vui Vỡ Òa
Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ
Kính thưa quý vị,
Có lắm lúc quý vị không thể giữ cho một ai đó im lặng được. Chẳng hạn, một người bạn lần đầu tiên lên chức bà ngoại. Chúng ta thậm chí không kịp hỏi thăm đứa con gái đang mang thai của bà. Ngay khi ngồi vào bàn cùng với chúng tôi ở nhà hàng, bà đã reo lớn tiếng thông báo rằng: “Ôi! tôi đã lên chức bà ngoại rồi đấy!” Những người ngồi ở các bàn khác quanh chúng tôi đều mỉm cười, có người vỗ tay, có người thì nói lớn: “chúc mừng bà ngoại!” Bạn tôi không những vui mừng, mà còn thấy nhẹ nhõm, vì con gái bà rất khó thụ thai. Đối với ai cũng thế, những tháng ngày chờ đợi dường như dài vô tận.
Hôm nay cũng có một lời loan báo đầy hoan hỉ như thế trong bài đọc của ngôn sứ Isaia. Niềm vui này diễn ra sau một khoảng thời gian dài chờ đợi. Phần đầu của sách ngôn sứ Isaia (chương 1-39) nói đến một dân tộc đang lưu đày. Bây giờ chúng ta đang ở phần sau của cuốn sách đó, được gọi là phần thứ ba của sách ngôn sứ Isaia (chương 40-55), lúc này dân tộc Dothái đang mong mỏi được trở về Giêrusalem, quê hương của mình. Vị ngôn sứ tựa như một thành viên trong gia đình, loan báo đầy hân hoan, nhưng không chỉ như niềm vui của một đứa trẻ ra đời, mà còn là niềm vui từ việc tái sinh của một dân tộc đã bị hủy diệt.
Một xứ sở đã từng mang tiếng là “Đồ bị ruồng bỏ!” và “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng nay, dân tộc này đang được tái sinh và họ sẽ được gọi bằng tên mới: “Ái khanh lòng ta hỡi!” và “Duyên thắm chỉ hồng”. Vị ngôn sứ làm tôi nhớ đến một người bạn, một người mới lên chức bà, vì ngài không thể giữ tin vui đó cho chính mình, bởi lẽ “vì lòng mến Giêrusalem, tôi sẽ không nín lặng…” Lời công khai tin vui của bạn tôi lan ra khắp những người xung quanh trong nhà hàng. Niềm vui cho dân Dothái cũng vậy. Những ai biết đến nỗi gian truân trước đó của “bà ngoại” và gọi bà là “Đồ bị ruồng bỏ!” và “Phận bạc duyên đơn”, thì bây giờ họ sẽ thấu hiểu được những điều Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Dothái, đồng thời biết được mối tương quan mới giữa dân tộc này với Thiên Chúa.
Dân tộc này hiểu rằng họ bị lưu đày vì đã phạm tội thờ các thần ngoại. Do đó, một sự trở về từ miền lưu đày là niềm vui mừng còn hơn được trở về nhà. Lúc bấy giờ, đó chính là dấu hiệu họ được tha thứ và được giao hòa với Thiên Chúa. Những tên mới được ban cho họ sẽ mạc khải một mối tương quan mới và mật thiết với Thiên Chúa.
“Thiên Chúa của Cựu Ước” là Đấng nào? Ngôn sứ Isaia đã phác họa rất rõ ràng. Trong câu cuối của bài đọc một, ông nói đó chính là: “Đấng tác tạo ngươi”. Như thể Thiên Chúa đã thực hiện công trình của Người cách đây rất lâu. Nhưng Thiên Chúa không chỉ dựng nên dân này. Mà, cả khi họ phạm tội thì Thiên Chúa cũng đã đem họ trở về với Người, không phải vì miễn cưỡng, mà vì tình yêu nồng thắm của tình nghĩa phu thê. “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” Đó chẳng phải là ngôn ngữ trong hôn nhân sao? Nhờ thế, chúng ta có thể thấy được lý do bài đọc một hôm nay được liên kết với bài Tin mừng, tiệc cưới Cana.
Có những âm hưởng của việc cử hành trong bối cảnh của bài Tin mừng hôm nay, và suy cho cùng đó là một tiệc cưới. Đó là nơi chốn và cơ hội mà thánh Gioan đã cho mọi người biết được Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, tại một tiệc cưới. Vì đã nghe bài đọc một của ngôn sứ Isaia, nên khi bước sang lời tường thuật của thánh Gioan tại tiệc cưới Cana, chúng ta nhớ đến hình ảnh của một Thiên Chúa giữ lời giao ước với dân Người. “Ngươi được gọi: “Ái khanh lòng ta hỡi” và xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.”
Rõ ràng thánh Gioan không chỉ đơn thuần kể cho chúng ta biết về việc Đức Giêsu cung cấp dồi dào rượu cho đôi tân hôn trong tiệc cưới tại Cana. Bối cảnh gia đình nhỏ bé này làm nổi bật lên một ký ức lớn hơn về toàn bộ dân tộc Israel, một dân tộc có mối tương quan không chặt chẽ với Thiên Chúa. Trong khi đó, Thiên Chúa lại đang thực hiện những gì ngôn sứ Isaia đã hứa khi xưa, chính Thiên Chúa đã đi bước trước để thiết lập giao ước vững bền với một dân tộc. Vì thế, một tiệc cưới là nơi phù hợp để loan báo việc Đức Giêsu bước vào công khai trong đời sống của dân tộc Israel. Chàng rể đã đến để công bố cô dâu là “Duyên thắm chỉ hồng.”
Hãy nhớ rằng, ở chỗ khác ngôn sứ Isaia cũng đã hứa: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6). Nhưng tiệc cưới Cana không không chỉ là một tiệc cưới tại miền quê nhỏ bé. Đức Giêsu là chủ nhà trong một đám cưới giữa Thiên Chúa với dân của Người và Đức Giêsu chính là người cung cấp ”rượu ngon.” (Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người, nhưng Người cũng cho chúng ta cái nhìn sơ lược về cánh chung, lúc đó chúng ta sẽ được dự yến tiệc với Thiên Chúa và với nhau – “trên núi này.”)
Tin Mừng theo thánh Gioan không có trình thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Nhưng trình thuật này là một “Tin Mừng có tính Thánh Thể” rất cao với những ám chỉ về Thánh Thể xuyên suốt trình thuật. Thánh sử đúc kết câu chuyện Cana bằng câu nói: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người”. Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận hôm nay là một trong những dấu lạ Đức Giêsu tiếp tục tặng ban. Lời tiên tri của ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm khi chúng ta họp nhau “trên núi này” và chúng ta được thết đãi “rượu ngon” để cùng uống. Đức Giêsu không chỉ là chủ nhà trong tiệc cưới Cana hay trong Bữa tiệc Thánh Thể, nhưng Người chính là của ăn và của uống cho chúng ta.
Cách đây hai tuần chúng ta đề cập rằng: lễ Hiển Linh đã mở ra một chuỗi những tỏ hiện của Đức Giêsu: trước đó là chính lễ Hiển Linh, tiếp theo là lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tuần vừa qua và hôm nay sự xuất hiện của Đức Giêsu tại Cana. Trong tiệc cưới, thánh Gioan cho chúng ta biết: Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang của Người” cho các môn đệ, và họ “đã tin vào Người.” Đó chính là một kết thúc có hậu cho câu chuyện hấp dẫn, và còn hơn thế nữa… Khi nghe câu chuyện này, liệu chúng ta có thấy vinh quang của Đức Giêsu hay không?
Chúng ta thường dùng từ “vinh quang” để nói về sự nổi tiếng của một người, có được là từ những hành động ngoạn mục. Chúng ta cũng nói những điều tương tự như: “một bữa ăn tuyệt vời làm sao!” để khen một đầu bếp. Nhưng trong Kinh Thánh, vinh quang ám chỉ phẩm chất bên trong của một người hoặc quyền năng làm cho người khác tỏ lòng kính trọng. Vinh quang là thuộc tính phù hợp nhất với Thiên Chúa tựa như ngày nay chúng ta chúc tụng ca khen Thánh Thể, “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.”
Phép lạ tại Cana đã mạc khải về phẩm chất bên trong và căn tính đích thực của Đức Kitô. Phép lạ đó cũng giúp chúng ta nhìn thấy sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Thánh Gioan hứa còn nhiều vinh quang hơn nữa sẽ đến và sẽ có nhiều “dấu lạ” khác để biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Chúng ta sẽ rảo qua Tin Mừng theo thánh Gioan với ân sủng bên trong mà phép rửa mang lại cho chúng ta – tất cả những con đường dẫn đến vinh quang đều được tỏ lộ nơi Đức Kitô trên thập giá. Vì thế, ở đoạn kết ở tiệc Cana, khi trình bày việc Đức Giêsu tỏ lộ vinh quang của Người cho các môn đệ, thì thánh Gioan hướng chúng ta đến cuộc khổ nạn khi “giờ” của Đức Giêsu đến.