Lễ Chúa chịu phép rửa: Con là Con của Cha…

 

Con là Con của Cha…

 

Lễ Chúa chịu phép rửa: Con là Con của Cha…Cứ sự thường, sau lễ Hiển Linh, là lúc kết thúc một mùa Giáng Sinh. Máng cỏ được tháo dỡ, những chú mục đồng và các nhà chiêm tinh được cất đi, chờ năm sau sẽ đem ra sử dụng. Thế nhưng, những nhân vật như Đức Maria, thánh Giuse và nhất là Hài Nhi Giêsu thì vẫn tiếp tục được nhắc đến.

Với Hài Nhi Giêsu, chuyện được kể rằng, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Ngài đã khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng việc đến đến sông Giodan và xin ông Gioan làm phép rửa.

Nói tới sông Giodan, đó là một con sông, không chỉ của biết bao điều huyền diệu từ nơi Thiên Chúa, mà còn là nơi con người nhận lãnh những ơn phúc Thiên Chúa ban.

Thật vậy, xưa kia, trong cuộc hành trình về miền đất hứa, khi đến bên sông Giodan, mười hai chi tộc Israel đã phải sững sờ chứng kiến điều huyền diệu “Hòm-Bia-Giao-Ước” đã biến sông Giodan thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân đã qua hết”. (Gs 4, 17).

Còn ơn phúc Thiên Chúa ban ư! Đó chính là trường hợp của “Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của Vua Aram”.  Ông ta bị bệnh phong. Và khi nghe người ta mách bảo ở Samari có một ngôn sứ tên là Êlia, ông ta có thể chữa ông khỏi bệnh. Ông Na-a-man đã tìm đến. Sau một chút nghi ngờ về những lời chỉ dẫn của ngôn sứ Ê-li-a. Ông đã thực hiện lời chỉ dẫn đó. Để rồi ông đã  phải kinh ngạc khi ông ta chỉ cần: “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan”… thế mà nhờ đó : “Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng : “Ông đã được sạch” (2V 5, 14).

Hôm ấy, hôm Đức Giêsu đến sông Giodan, dòng sông lại một lần nữa, cho mọi người thấy thêm một sự huyền diệu từ nơi Thiên Chúa.

Vâng, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa và “đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”. Và liền đó : “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”.

 ***

Nhưng đó chưa phải là điều kinh ngạc. Điều làm cho mọi người kinh ngạc chính là “có tiếng từ trời phán rằng; Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

Hôm nay, Chúa Nhật 13/01/2013, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đã có nhiều ý nghĩ cho rằng, Chúa Giêsu có tội gì mà phải chịu phép rửa? 

Vâng, xin thưa, sự kiện Đức Giêsu “xin-làm-phép-rửa-cho-mình”, một phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” đã làm nổi bật vai trò cứu chuộc của Ngài. Vai trò đó đã được sứ thần Chúa loan báo khi xưa rằng: “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Và Gioan Tiền Hô, chính ông cũng đã nói về Đức Giêsu rằng : “Đây! Chiên con của Đức Chúa Trời. Là Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Và tiếng nói từ trời cao “Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” như là sự tái khẳng định tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu mà sau này Đức Giêsu đã bày tỏ rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

***

Nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, không thể không nghĩ tới Bí Tích Rửa Tội mà chính chúng ta đã lãnh nhận. Vâng, khi nói tới Bí Tích Rửa Tội, thật đáng tiếc rằng, nhiều người trong chúng ta, như lời Lm Jude Siciliano trong một bài giảng, Ngài có nói vui rằng : “Tôi chắc rằng một số đông trong chúng ta không ai nhớ được ngày rửa tội của mình!…”

Điều này lỗi tại ai? Phải chăng là lỗi nơi các bậc cha mẹ?

Vâng, chúng ta thường tổ chức tiệc sinh nhật cho con chúng ta, nhưng dường như cả đời, từ lúc con chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội khi còn nhỏ, cho tới lúc trưởng thành, có lẽ chẳng ai trong chúng ta tổ chức, dù chỉ một lần, ngày kỷ niệm trọng đại đó!

Thế nhưng, đó chưa phải là điều nghiêm trọng. Điều nghiêm trọng, chính là đôi khi chúng ta nghĩ rằng, Bí Tích Rửa Tội chỉ là thủ-tục-hành-chánh để gia nhập đạo Công Giáo, hoặc tệ hơn là để “kết hôn”, rồi sau đó là “tôi lấy được vợ (chồng) tôi thôi nhà thờ”. 

Thánh Phaolô nói: “Lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).

Như vậy, Bí Tích Rửa Tội chính là ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta được trở nên “con Thiên Chúa”, một khởi đầu trong cuộc hành trình về “Giêrusalem mới – Trời mới đất mới” trên Thiên Đàng.

Vâng, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến sự kiện “D-Day”, ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên Normandy-Pháp quốc. Trong tổng số 156.000 quân nhân được đổ bộ trong D-Day, đã có 4.000 binh sĩ đồng minh thiệt mạng và khoảng 8.000 người bị thương.

Nơi được cho là ít tổn thất là bờ biển phía tây Utah, và nơi tổn thất nặng nề nhất là bãi Omaha. Vâng, Omaha đã được dựng thành phim với tựa đề “Surviving D-Day”.

Trong phim, nhiều nhân chứng đã nói rằng, chỉ có tiến lên mới mong sống sót.  

Đúng vậy, xem phim, chúng ta có thể nhận thấy điều đó. Các chiến binh chỉ có một con đường tiến lên phía trước, bất chấp những bãi mìn, những làn đạn của những tay thiện xạ Đức Quốc Xã, để chiếm Omaha.

Nhắc tới “Surviving D-Day” để làm gì?

Xin thưa, là để chúng ta biết rằng, một khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng là một người chiến binh, chiến binh tiến về Nước Trời. Và cũng giống như những người chiến binh tiến chiếm Omaha năm xưa, chúng ta cũng phải vượt qua những bãi-mìn-cám-dỗ, những làn-đạn-ru-ngủ rằng thì, là, mà “tôn giáo là thuốc phiện… thượng đế đã chết rồi” v.v…

Những người chiến binh tiến chiếm Omaha năm xưa vượt qua được những làn đạn là nhờ áo giáp, cùng với sự yểm trợ của không quân, hải pháo.

Còn chúng ta thì sao? Trong “cẩm-nang-hành-quân” gửi cho tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã có lời chỉ bảo rằng “Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vũng trong ngày đen tối” (Ep 6, 13).

Vũ khí của Thiên Chúa, vâng, đó chính là “lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an, hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin…” thánh nhân khẳng định rằng, “nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần”.

Vâng, với sự “yểm trợ” như thế của Thiên Chúa, tên-lửa-của-ác-thần nào dám ngăn cản chúng ta tiến lên đỉnh đồi của tình yêu thương, của niềm hy vọng, của sự sống đời đời!

Một khi chúng ta hiện diện nơi đó, nơi đỉnh đồi của yêu thương, của niềm hy vọng và của sự sống đời đời, đó chính là lúc chúng ta hoàn tất vai trò một chiến binh của Nước Trời.

Và một khi chúng ta hoàn tất vai trò một chiến binh của Nước Trời, hãy tin… Vâng, hãy tin, trong ngày Thiên Chúa phán xét kẻ sống và kẻ chết, chúng ta sẽ được nghe tiếng Người nói với chúng ta rằng, “Con là con của Cha”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận