Con là Con của Cha
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Lm Jude Siciliano, OP.
Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ
Kính thưa quí vị,
Tuần trước là lễ Hiển linh, nhưng chúng ta không dừng lại với những cuộc khải hiện của Đức Giêsu. Có ba mầu nhiệm mừng kính Chúa khải hiện: Các đạo sĩ đến triều bái Chúa Hài Nhi; câu chuyện của Gioan về việc Đức Giêsu biến nước thành rượu ở Cana và câu chuyện của Luca hôm nay về việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Những câu chuyện Tin mừng ban đầu này bắt đầu cho chúng ta biết Đức Giêsu là ai và sứ vụ của Người là gì.
Luca muốn thực hiện hai điều khi tường thuật việc Đức Giêsu chịu phép rửa. Ông nhanh chóng loại đi sự nổi tiếng và khả năng thu hút đám đông của Gioan. Sự chia cắt diễn ra khi Gioan làm chứng: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi”. Theo Luca, vai trò của Gioan là phải chuẩn bị đường cho Đức Giêsu và rồi lui đi.
Luca mô tả ngắn gọn về việc Đức Giêsu chịu phép rửa. Chẳng phải quí vị muốn chi tiết hơn đó so? Trước đó, Luca cho biết Gioan “đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội…” . Nhưng Đức Giêsu đã chịu phép rửa ở đâu, để chúng ta có thể dựng đài kỷ niệm thì không rõ? Gioan đã nói những lời nào, để chúng ta có thể soạn thành những lời cầu nguyện trong phụng vụ? Đức Giêsu có nói gì không? Theo Tin mừng Matthêu, có sự trao đổi giữa Đức Giêsu và Gioan (3,13-17); nhưng ở Luca thì không có.
Ra như Luca muốn chuyển tải điều gì đó mà ông cho là quan trọng hơn: Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu và có tiếng nói từ trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi bề”. Luca muốn nhắm đến điều gì khi ông thuật lại khung cảnh này?
Ông ghi lại rằng: “Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa và đang khi Người cầu nguyện…”. Có một diện mạo cộng đoàn trong lời tường thuật của Luca rằng phép rửa bắt đầu nối kết chúng ta, những người đã chịu phép rửa, với Đức Kitô và với nhau. Hầu như các giáo xứ tôi viếng thăm đều không cử hành phép rửa riêng cho “những gia đình đặc biệt”, nhưng kết hợp tất cả những người chịu phép rửa và gia đình của họ lại với nhau cùng cử hành một lượt. Phép rửa là một sự kiện của cộng đoàn; chúng ta chịu phép rửa như các môn đệ của Đức Giêsu và cùng hiệp thông với nhau. Qua phép rửa, Đức Giêsu qui tụ chúng ta quanh Người và rồi sai những người được Thánh Thần xức dầu ra đi làm chứng cho Người bằng lời nói và việc làm. Luca đưa chủ đề cộng đoàn này vào sách Công vụ Tông đồ. Tại đây, ngài thuật lại việc truyền giảng Tin mừng của cộng đoàn đã chịu phép rửa này, khởi đi từ Giêrusalem, khi Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn đang họp nhau cầu nguyện.
Suốt Tin mừng Luca, chúng được đồng hành với Đức Giêsu, rời khỏi khung cảnh của phép rửa và được Thần Khí dẫn vào sa mạc để chịu cám dỗ. Cũng chính Thánh Thần đã trợ giúp Đức Giêsu chống lại những cơn cám dỗ về danh, lợi và quyền, cũng sẽ trợ giúp chúng ta, những người đã chịu phép rửa, hầu bảo đảm rằng, trong Đức Giêsu, chúng ta là con cái “yêu dấu” và đẹp lòng Chúa.
Phép rửa và Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, bảo đảm sự với chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt động trong những sự kiện thường nhật của cuộc sống. Như Đức Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta cũng được sai đi nói cho tha nhân, đặc biệt là những con người hèn kém nhất trong xã hội, rằng họ là con “yêu dấu” của Thiên Chúa. Việc “nói” này không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng hành động cụ thể. Những lời yêu thương không đủ để chữa lành cho những người đang đau khổ, khi chúng ta còn có thể làm được gì đó để xoa dịu đi nỗi đau của họ.
Giả sử quí vị không biết lời dẫn nhập cho bài Tin mừng hôm nay. Liệu quí vị có thể biết nó được trích từ Tin mừng Luca hay không? Tin mừng Luca có nhiều chủ đề tỏ lộ mục đích của tác giả. Hôm nay có hai lý do cho chúng ta biết đây là đoạn văn của Luca.
Trước hết, có sự hiện diện của Thánh Thần hoạt động qua Tin mừng Luca và sách Công vụ Tông đồ. Thứ đến, đó là chủ đề cầu nguyện, cũng trong bài đọc hôm nay và sự nhất quán trong Tin mừng Luca. Đức Giêsu đang cầu nguyện thì Thánh Thần ngự xuống trên Người. Thánh Thần cũng hiện diện ở những khoảnh khắc quan trọng khác trong cuộc sống của Người. Chẳng hạn, sau khi chịu cám dỗ, Đức Giêsu trở lại Galilê, Luca cho biết Người được đầy quyền năng của Thánh Thần (4,14). Ngay lập tức, Người bắt đầu giảng trong hội đường (4,15-30) và công bố: “Thánh Thần Đức Chúa ngự xuống trên tôi…”. Tiếp đến, Người cho biết sứ vụ của Người là dành cho người nghèo, người bệnh tật, người bị giam cầm và người bị áp bức.
Chúng ta được thanh tẩy trong cùng một Thánh Thần như Đức Giêsu. Lời cầu nguyện của chúng ta phải tỏ lộ cho chúng ta biết rằng chúng ta được mời gọi để hành động như Đức Giêsu; đến với những con người bị loại trừ và giúp họ trải nghiệm được rằng họ cũng là con “yêu dấu” của Thiên Chúa, giải thoát khỏi những xiềng xích và những giới hạn đang trói chặt chúng ta. Làm sao họ biết được Thiên Chúa yêu thương nếu chúng ta không sống theo sự thúc đẩy của Thánh Thần?
Không nhiều người trong chúng ta có thể tạo ra được sự chiếu sáng lớn vào khung cảnh thế giới khi chúng ta sống đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, ngay cả trên những lối đi nhỏ hẹp và ra như chẳng quan trọng gì, thì chúng ta được Thánh Thần xức dầu để làm việc một cách lặng lẽ và cần mẫn, hầu bảo vệ “cậy lau bị giập” mà ngôn sứ Isaia nói trong bài đọc thứ nhất. Isaia cho biết Thiên Chúa đã chọn gọi ông để làm việc cho công lý, đặc biệt “cây lau bị giập” đã bị quyền lực thế gian bỏ rơi và chà đạp.
Có một hình ảnh rất trìu mến trong bài đọc Isaia hôm nay. Thiên Chúa nói với tôi tớ được chọn: “Ta đã nắm tay ngươi…”. Thiên Chúa không sai chúng ta đi một mình khi chúng ta phải đương đầu với những chướng ngại của thế giới. Thay vào đó, như một người cha luôn yêu thương con cái, Thiên Chúa nắm lấy tay chúng. Hình ảnh trìu mến của Isaia dường như là điều mà Luca muốn nói qua Tin mừng của ông: Chúng ta cũng được Thánh Thần xức dầu như Đức Giêsu. Nhờ ân sủng của Thánh Thần, Thiên Chúa nắm lấy tay chúng ta và dẫn dắt chúng ta khi khi tham gia xây dựng công bình của Thiên Chúa – cách thích hợp – trong thế giới.
Một cách chúng ta có thể nghĩ về phép rửa là xoá sạch tội Nguyên tổ. Hẳn chúng ta có nhiều bằng chứng trong thế giới về thực tại của tội và tác động của nó trên chúng ta từ khi mới sinh và qua cuộc sống. Nhưng thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta xem phép rửa như là việc nối kết chúng ta vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
Cộng đoàn những người đã chịu phép rửa chia sẻ cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa và đời sống mới trong Thánh Thần. Cùng với Đức Giêsu chúng ta đã nghe thấy tiếng nói phát ra nơi phép rửa nhắc nhớ rằng chúng ta là con “yêu dấu” của Thiên Chúa, nhưng cũng nhắc nhớ rằng chúng ta được mời gọi để sống phục vụ nhân danh Đức Kitô. Ngôn sứ Isaia mô tả cách thức phục vụ: chúng ta sẽ không phá bỏ những tâm hồn dễ bị tổn thương và tan nát, nhưng chúng ta sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa hy vọng trong tâm hồn những người bị áp bức và thất vọng.