Chúng tôi đã thấy…
… nên chúng tôi đến bái lạy Người.
Cách nay hơn bốn mươi năm, chính xác là ngày 16/07/1969, qua hệ thống truyền hình, hàng trăm triệu người đã theo dõi chiếc phi thuyền Apollo 11 rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ John F. Kennedy. Chiếc phi thuyền này đã mang theo ba phi hành gia là Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin với sứ mệnh thám hiểm mặt trăng.
Vượt qua hàng trăm ngàn cây số, ngày 20/07/1969, phi thuyền Apollo 11 đã tới đích, cả thế giới được chứng kiến thời khắc lịch sử, Neil Armstrong và sau đó là Buzz Aldrin đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng và thám hiểm hai tiếng rưỡi đồng hồ trên đó, trong khi Michael Collins ở lại trên quỹ đạo trong module Command.
Không thể tưởng tượng rằng, các nhà du hành vũ trụ đã chấp nhận những rủi ro. Trước khi tàu Apollo 11 cất cánh, nhiều người đã nghĩ tới tình huống xấu nhất trong chuyến đi của ba nhà du hành. Người ta đã chuẩn bị bài phát biểu cho Tổng thống Richard Nixon với tựa đề: “Thảm họa mặt trăng”. Bài phát biểu bắt đầu bằng câu: “Số phận đã quyết định rằng, những người thám hiểm mặt trăng yên nghỉ vĩnh viễn trên đó trong thanh bình”.
Thật vậy, một trong nhiều câu chuyện về tình huống xấu được kể lại rằng, sau khi các nhà du hành kết thúc cuộc đi bộ trên mặt trăng hai tiếng rưỡi đồng hồ, họ phát hiện ra nút công tắc điện trên khoang đổ bộ mặt trăng bị hỏng. Họ rất có thể phải ở lại trên mặt trăng mãi mãi. Trong giây phút nguy khốn đó, Aldrin đã tìm được một cây bút bi trong khoang đổ bộ và thành công trong việc nối đường điện bằng chính cây bút đó, khoang đổ bộ đã có thể rời khỏi mặt trăng.
Cả ba phi hành gia đã trở về trái đất an toàn, mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại về con người chinh phục vũ trụ.” (nguồn:Wikipedia)
**
Giống như cuộc hành trình của ba nhà du hành vũ trụ, Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin, đầy rủi ro và chết chóc. Cách nay hơn hai ngàn năm, cuộc hành trình của mấy nhà chiêm tinh đi tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” cũng là một cuộc hành trình đầy gian nan, trắc trở và không kém phần nguy hiểm đến tính mạng.
Câu chuyện xảy ra vào thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông, sau khi đã nhìn thấy một ngôi sao lạ và tin rằng “ngôi sao lạ” mà họ đã nhìn thấy chính là “điềm chỉ” về một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”, thế là họ lập tức tiến hành một cuộc hành trình đi tìm nơi Đức Vua sinh ra.
Không phải là người Do Thái, thế nhưng họ vẫn rời bỏ quê hương, cùng nhau dong duổi đường gió bụi, lần theo dấu vết “ngôi sao lạ” tìm cho được Đức Vua để mà “bái lạy Người”
Vâng, rất có thể họ là con cháu Abraham thuộc dòng dõi của Itmaen và những người con của Abraham với Cơtura mà khi còn sống “ông Abraham đã cho họ đi xa ông Isaac, con ông, về hướng đông, về đất Phương Đông”(St 25, …6).
Cũng rất có thể họ đã nghe lời Bi-lơ-am, một người thuộc dân tộc Madian, cũng là một dân tộc thuộc dòng dõi Itmaen, đã nói “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacop, một vương trượng trổi dậy từ Israel”. (Ds 24, 17).
Vì thế, hôm đó, khi mà “vì sao” đó đã được các nhà chiêm tinh thấy “kề bên”, họ liền tức tốc lên đường “đến Giêrusalem”. Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với những lời loan báo rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… đã trở thành trái bom tấn đánh thức cả kinh thành.
Quả thật, cả thành Giêrusalem đã xôn xao, còn vua Hêrôđê thì “bối rối” về việc “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Các thượng tế và các kinh sư thì… hỡi ơi! quý ông ấy vẫn điềm nhiên với lời phát ngôn rằng,“Tại Belem, miền Giuđê”.
Với các nhà chiêm tinh, vâng, lại là “cây bút”… cây bút của các ngôn sứ xưa, đã vẽ đường chỉ lối cho cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh. Cây bút của các ngôn sứ đã chép rằng, “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).
Nhờ lời ngôn sứ, cuộc hành trình tìm kiếm “Ấu Chúa” của các ông được tiếp tục. Cùng đồng hành với các ông không phải là những nhà kinh sư, mà là “ngôi sao lạ”. Ngôi sao lạ như một người bạn chung thủy đồng hành với các nhà chiêm tinh. Ngôi sao đó tiếp tục “dẫn đường cho họ”. Từ phương Đông, ngôi sao lạ dẫn dắt họ băng qua Giêrusalem, rồi đến Belem, và cuối cùng là “đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”(Mt 2, 10).
Không ai có thể phủ nhận, cùng thời điểm trên, tại Belem, cũng đã có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… lạ lùng thay! Ngôi-sao-lạ lại chỉ dừng nơi chính “Đức Vua sinh ra” để các nhà chiêm tinh vào “sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,10).
***
Ba phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin không giản dị là lên mặt trăng, ôm một mớ đá thô, rồi trở về trái đất. Chuyện được kể lại rằng, “Theo dự kiến, hệ thống máy tính sẽ tự điều khiển việc tiếp đất. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn hạ cánh cuối cùng, hệ thống chợt bị quá tải. Đèn báo động chớp liên hồi, nhiên liệu trên tàu hầu như đã cạn. Rất bình tĩnh, Armstrong tắt hệ thống lái tự động và tự điều khiển hạ cánh bằng tay. Cú hạ cánh thành công mỹ mãn, nhưng ít ai biết rằng, chỉ chậm 30 giây, phi thuyền đã có thể hoàn toàn mất điều khiển và rơi tự do xuống đất”. (nguồn: internet).
Cũng vậy đối với cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh xưa. Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc hành trình đi tìm “Hài Nhi Giêsu” của mấy nhà chiêm tinh như là một cuộc trẩy hội cưỡi-lạc-đà-xem-hoa!
Thực tế thì các ông đã phải đối diện với thần chết mà các ông không ngờ. Trước khi các ông chuẩn bị trở về, đã có những cạm bẫy được giăng ra, đã có những âm mưu xấu của Hêrôđê chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode đầy tham vọng, dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để… cũng đến bái lạy Người”!
Kinh Thánh có chép rằng: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, và hậm hực nghiến răng. Nhưng Chúa cười nhạo nó” (Tv 37(36), 12-13).
Và, quả đúng như vậy. Thiên Chúa đã “cười nhạo” cáo già Hêrôđê bằng việc báo mộng cho các nhà chiêm tinh “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa”.
Còn các nhà chiêm tinh, có thể nói, nhờ đức tin, tin vào lời Chúa qua ngôn sứ và sự vâng lời, nó như là một “cây bút” vẽ ra một lộ trình, một lộ trình để các nhà chiêm tinh đi “đến bái lạy Người”, và một lộ trình để họ đi “về xứ của mình” bình an.
****
Chúa Nhật hôm nay (06/01/2013) Phụng Vụ Lời Chúa được trích thuật trong Tin Mừng Matthêu (Mt 2, 1-12).
Với những nhân vật và sự vật trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ phải suy nghĩ tới nhân vật hay sự vật nào đây?
Các nhà chiêm tinh ư! Đúng, đó là điều chúng ta vừa mới suy nghĩ ở phần trên. Còn vua Hêrôđê và các kinh sư ư!.. Ôi! Con cáo già và mấy ông kẹ này, suốt trong năm phụng vụ, chúng ta đã nói quá nhiều về những vị này rồi.
Vâng, có lẽ chỉ còn một sự vật mà chúng ta ít có dịp nói tới, đó là “ngôi sao”.
Nói tới ngôi sao, ai trong chúng ta lại không thích mình cũng như con em mình trở thành “sao”!
Thế nhưng, sẽ là nguy hiểm thay, nếu những sao-ăn-nhậu, sao-chè-chén-say-sưa, sao-trụy-lạc, sao-hận-thù, sao-bất-hòa, sao-ghen-tuông, sao-tranh-chấp, sao-chia-rẽ-bè-phái v.v… lại là “ngôi sao của đời ta”…
Và chúng ta sẽ nghĩ gì khi con em chúng ta coi những “sao”, đại loại như sao- Hàn, sao-Đài, sao-Holywood v.v… là “ngôi sao của đời mình”!
Vâng, trong cuộc họp của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Á Châu tại Việt Nam vừa qua, Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh tham dự với tư cách thông dịch, Ngài đã kể lại rằng, có một vị Giám mục (xin dấu tên) than phiền rằng, tại nước ông, trung bình mỗi ngày có 8.000 người bỏ Giáo Hội.
Tại sao? Tại sao họ lại bỏ Giáo Hội?
Phải chăng họ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa thế tục? Phải chăng họ bị hớp hồn bởi chủ nghĩa duy vật chất?
Hay, phải chăng vì Giáo Hội hôm nay thiếu vắng “những ngôi sao” như: ngôi-sao-Phêrô-Phaolô, ngôi-sao-Augustinô, ngôi-sao-Thomas Aquino, ngôi-sao-Bênađô, ngôi sao Phanxicô, ngôi-sao-Dominico v.v… để dẫn dắt đoàn con của Chúa… để hướng dẫn mọi người tìm đến Thiên Chúa?
Cho nên, là một Kitô hữu, chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng, đã qua bao “mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời”, thế nhưng, chúng ta đã như các nhà chiêm tinh “đến tận nơi Hài Nhi ở (và) sấp mình thờ lạy Người”! Và hơn thế nữa, chúng ta đã trở nên “vì sao của Người” để dẫn dắt những ai muốn đến “bái lạy Người”?
Chúng ta đừng bi quan mà nghĩ rằng, “vì sao của Người”, sau hơn hai ngàn năm, giờ đây không còn ‘xuất hiện bên phương Đông” nữa.
Không! Vì sao đó vẫn xuất hiện… nếu chúng ta, như lời thánh Phaolô nói, tìm đến “Đức-Giêsu-Kitô-và-nhờ-Tin-Mừng” (Ep 3, 6). Đó… đó chính là “cây bút” – lại là cây bút – vẽ nên “vì sao của Người – vì sao của Chúa”.
Có “vì sao của Người – vì sao của Chúa” trong chúng ta… Vâng, hãy tin… hãy tin rằng, chúng ta đủ sức làm cho “đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”(*).
Và một khi, ở nơi đâu “sáng đức tin Chúa trên trời cao” có phần chắc, ở nơi đó, chúng ta sẽ được nghe nhiều tiếng nói cất lên “Chúng tôi đã thấy… nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Petrus.tran
****
(*) Mùa sao sáng – tác giả: Nguyễn văn Đông.