Chúa Hiển Linh
06/01/2013
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Lm. Jude Siciliano, OP.
(Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ)
Ngày Chúa hiển linh có vẻ như mang nhiều âm thanh hơn ngày Chúa giáng sinh. Vào ngày Chúa Giáng Sinh, chúng ta quây quần bên máng cỏ lặng lẽ thích thú ngắm nhìn Hài Nhi mới sinh. Các mục đồng chạy đến vì đã nghe các thiên thần nói về Hài Nhi. Có ai biết được những thanh âm trong đêm Chúa Giêsu chào đời – ngoài việc quang cảnh này đã được diễn tả trong nghệ thuật và những máng cỏ được sắp đặt ngăn nắp và yên bình nơi gia đình hay trong ngôi thánh đường của chúng ta. Chúng ta thản nhiên liếc nhìn quang cảnh ấy khi ca đoàn cất tiếng hát “Đêm thánh vô cùng”. Những thanh âm trầm lắng, một hài nhi đang say giấc và những người đến chiêm ngắm.
Ngày nay cuộc hiển linh được bắt đầu và diễn ra dưới một vài hình thức. Nhà đạo sĩ đến từ phương xa đến và sau đó là Đức Giêsu, một hình thức khác, là các đạo sĩ được thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa. Thay vì thanh âm trầm lắng của Bêlem thì giờ đây là sự hiển linh của Đức Giêsu. Tuần tới, trong lễ Chúa chịu phép rửa, chúng ta sẽ được nghe tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22).
Trong khi các bài đọc Chúa nhật của năm phụng vụ mới xoay quanh Tin mừng Luca, thì hôm nay chúng ta được nghe Tin mừng Mátthêu. Trong trình thuật thời thơ ấu của Tin mừng Luca có các mục đồng; còn Tin mừng Mátthêu thì lại là có các nhà đạo sĩ. Thánh Luca trình bày một chuồng bò đơn sơ và nghèo nàn. Thánh Mátthêu nói với chúng ta về vị trí quyền lực trong cung điện của Hêrôđê.
Tin mừng Mátthêu có nhiều chủ đề về người Dothái. Tác giả dường như là một người Kitô hữu gốc Dothái viết cho một cộng đoàn chủ yếu là những người Dothái được ơn trở lại. Những người này đã biết Kinh thánh viết bằng tiếng Hípri và hiểu những sự liên quan tới người Dothái trong Tin mừng. Ví dụ, thánh Mátthêu miêu tả Đức Giêsu theo như truyền thống vua Đavít (cũng xuất thân từ Bêlem).
Nhưng việc Đức Giêsu chào đời trong Tin mừng Mátthêu được viết theo cách để nói với mọi người chứ không chỉ là dành riêng cho người Dothái. Nhà đạo sĩ, có thể là các nhà chiêm tinh, đến từ nơi xa xôi. Phương đông là một trung tâm nghiên cứu chiêm tinh học và thiên văn học. Thánh Mátthêu mô tả các nhà đạo sĩ với sự ám chỉ tới sách ngôn sứ Isaia (trong bài đọc I): “ Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa”. Ngôn sứ Isaia nói tiên tri rằng vua chúa các nước sẽ đến để thờ phượng Thiên Chúa của Israel. Thánh Mátthêu đang chỉ ra rằng nơi Đức Kitô, thị kiến của Isaia được ứng nghiệm và sứ điệp về việc Đức Kitô ngự đến không chỉ dành cho vài người ít ỏi, nhưng là cho tất cả mọi người.
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy những lời ám chỉ về việc trông chờ Đức Giêsu. Ngay từ thời thơ ấu của Người, quyền lực chính trị đã cảm thấy bị đe dọa rồi, và vua Hêrôđê sẽ ra sức làm tất cả để loại trừ Người. Ngay sau trình thuật hôm nay, được thiên thần báo mộng, Đức Maria và thánh Giuse đem Con Trẻ trốn sang Aicập (2,13-15). Hêrôđê sẽ trút cơn thịnh nộ xuống những người vô tội bằng cách loại trừ bất kỳ một đối thủ tương lai nào để bảo vệ ngai vàng của mình (2,16-23). Người nghèo vẫn thường là nạn nhân và bị lạm dụng bởi những người quyền lực và “người giàu có” trên thế giới.
Hôm nay, thánh Mátthêu thức tỉnh chúng ta khỏi những luồng ánh sáng còn sót lại của đêm Giáng Sinh mơ mộng. Đức Kitô đến làm khuấy động một thế giới rộng lớn chứ không chỉ là ở nơi Người sinh ra. Người nước ngoài kéo đến nơi Hài Nhi giáng sinh và tỏ lòng kính tôn. Biên giới hay sự khác biệt nơi các quốc gia không còn nữa khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để đến với Đức Kitô. Hêrôđê đã đúng. Đức Giêsu là vua của nơi Người sẽ gọi là “Nước Thiên Chúa”, một vương quốc sẽ làm hao mòn các quyền lực và những kẻ thống trị trên thế giới.
Hạn từ “hiển linh” xuất phát từ chữ “epiphaneia” (từ Hylạp) có nghĩa là “sự biểu lộ” hay “sự xuất hiện, phát hiện”. Trong văn chương Hylạp, từ này thường dùng để loan báo về sự xuất hiện của một vị thần, hay là một vị thần tỏ mình ra cho một người nào đó. Ngày nay, hạn từ này đã mang một ý nghĩa khác. Nghĩa nguyên thủy của hạn từ này được dùng trong ngày lễ hôm nay là: hôm nay Thiên Chúa đến viếng thăm và tỏ mình ra cho chúng ta.
Theo truyền thống, chúng ta gọi ba nhà đạo sĩ là “ba nhà thông thái”. Họ dường như đạt được sự thông thái để nhận ra điều mà chúng ta đã thỏa mãn sâu xa: tự mạc khải và liên kết với Thiên Chúa. Nếu chúng ta có thể xác định rõ những khát khao của chính mình, thì ta có thể lên đường ngay hôm nay cùng với các nhà đạo sĩ để đến với Con Người, Đấng là Sự Khôn Ngoan mặc lấy xác phàm và xin một sự hiển linh, một sự công nhận của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta.
Trong nghệ thuật thời trung cổ, ba nhà đạo sĩ được mô tả với hình dáng và cách ăn mặc đặc trưng của châu Phi, châu Á và châu Âu. Những sự minh họa bằng nghệ thuật này cho thấy (theo ý tác giả) những gì Tin mừng muốn nói với chúng ta: Đức Kitô cho mọi dân tộc. Truyền thống đã đặt tên cho các nhà đạo sĩ là: Caspar, Melchior và Balthasar. Ngày nay, một số gia đình đã dùng phấn viết những chữ cái đầu tiên của ba nhà đạo sĩ này cùng với số năm ở trước cửa nhà mình. Vì thế, trong năm nay, họ sẽ viết là “20 + C+ M + B + 12”. Vì các nhà đạo sĩ đã là những người đến viếng thăm thế giới của Hài Nhi Kitô, nên câu viết bằng phấn trước cửa nhà của chúng ta sẽ biểu lộ sự cam kết lòng hiếu khách của người Kitô hữu trong suốt năm nay: chào đón những người khách đến như chào đón chính Chúa Kitô.
Nếu các nhà đạo sĩ dùng đến sự khôn ngoan tính toán thông thường như chúng ta thì họ cũng chẳng khá gì hơn vua Hêrôđê, người cai trị xứ Giuđê, nóng lòng tìm kiếm “Vua Dothái mới sinh” trong cung điện của mình. Điều này tạo nên một ý nghĩa hoàn hả. Có lẽ đó là tốt đối với chúng ta, nhưng điều đó thì không phải là cách Thiên Chúa làm. Thay vào đó, người ta lại trông thấy một vị vua khác chào đời nơi hang bò lừa trong một ngôi làng bình dị.
Vì thế, hôm nay chúng ta xét xem cuộc sống của mình đã bị bao sự đánh giá và hành động của thế giới này dẫn lối. Trần gian kiếm tìm quyền lực, sự ảnh hưởng, thống trị và còn nhiều cách hành xử nữa thường trái nghịch với đường lối của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, Vua chúng ta, chỉ được tìm thấy trong những hoàn cảnh khiêm tốn, những nơi đáng kinh ngạc và ít quan trọng nhất xét theo tiêu chuẩn của trần gian. Thánh lễ hôm nay kỷ niệm việc Thiên Chúa đến với “người ở ngoài”, chính những người nghi ngờ và không tin trong số những “người ở trong”. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa vượt xa những ranh giới biên cương thông thường và chạm được đến mọi dân. Vì đối với Thiên Chúa, không có sự loại trừ “trong đám đông”, tất cả chúng ta đều ở bên trong.
Các nhà đạo sĩ đã được báo cho biết sự mạc khải của Thiên Chúa qua một ngôi sao dẫn lối đến với Đức Giêsu. Chúng ta, những người tin, cũng hãy đắm nhìn “ngôi sao” hay những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Lời Chúa đã nói với ta những “ngôi sao” là gì. Đó là những người nghèo và bị tước đoạt. Nếu ta đến với họ và hằng lưu tâm để ý thì chúng ta sẽ tìm thấy chính mình trong sự hiện diện của Đức Kitô.
Chúng ta cũng đã được hướng dẫn để khám phá Chúa Kitô qua “những vì sao” khác, đó là: cha mẹ, những người giảng thuyết, giáo viên, bè bạn… Chúng ta còn có “những ngôi sao” khác trong chòm sao đức tin: người nam và người nữ, những anh hùng đức tin, những người chúng ta đã đọc tiểu sử hoặc là đã học biết trong nhà thờ. Chúng ta cử hành ngày lễ của họ cùng với các anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ. Những người sống thánh thiện và của những người Giáo hội gọi là “thánh” đã mời gọi ta ra khỏi nơi mình đang sống thoải mái để đến với những vùng mới và những người khác, nơi ấy chúng ta phải đến gặp gỡ Đức Kitô. Ngài không còn là trẻ thơ nằm trong nôi nữa, nhưng là Đức Chúa hằng sống của chúng ta, Đấng nhắc nhớ ta về một tình yêu của Thiên Chúa và mời gọi ta biểu lộ lòng hiếu khách với “những người ở ngoài” ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào ta gặp gỡ họ.
Khi đi từ giáo xứ này qua giáo xứ khác, tôi thấy ngạc nhiên vì có sự phong phú đa dạng, tôi thấy: không chỉ là các băng ghế trong nhà thờ, nhưng còn là các hội đồng giáo xứ, ca đoàn, thừa tác viên phụng vụ, ban phát triển giáo xứ, và đội ngũ nhân viên giáo xứ… Dường như Thiên Chúa kêu gọi mọi người từ cả gần lẫn xa, như các nhà đạo sĩ, để cùng nhau thờ phượng và cộng tác. Việc Thiên Chúa chọn những người khác biệt và khác thường như thế chẳng làm chúng ta ngạc nhiên hay sao. Suy nghĩ câu chuyện về các nhà đạo sĩ và phần còn lại trong Kinh thánh, ta thấy Thiên Chúa luôn luôn trộn lẫn và rồi rút ra những người để cùng nhau phục vụ. Thiên Chúa dùng những ơn riêng và các phương cách khác nhau của chúng ta để chiếu giãi ánh sáng Đức Kitô và làm cho hết biến cố hiển linh này đến biến cố hiển linh khác trên thế giới.
Nếu tôi ở trong một nhóm chia sẻ Kinh thánh của giáo xứ và chia sẻ về bài Tin mừng hôm nay, có lẽ tôi sẽ động não và tự hỏi: “Ai là người ở bên ngoài giáo xứ và hàng xóm của chúng ta, và ta sẽ làm thế nào để có thể đến với họ?”