CN III Vọng C: Hãy vui lên!

 

Hãy vui lên !

Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Lm. Jude Siciliano, OP.

Anh em Học Viện Đaminh chuyển ngữ

Kính thưa quý vị,

CN III Vọng C: Hãy vui lên!Dòng cuối của bài Tin mừng hôm nay tóm tắt tất cả nội dung bài Tin mừng, mô tả những gì dân chúng nghe được từ ông Gioan Tẩy Giả, “ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”. Chúng ta thường chờ đợi một tin vui khi lắng nghe Lời Chúa, việc dân chúng đáp lại lời giảng của Gioan nhắc nhở chúng ta biết điều gì xảy đến cho những ai lắng nghe Lời: “Dân chúng đang trông ngóng”. Tất cả các bài đọc hôm nay đều nói đến việc đáp lại Lời Chúa – niềm vui, hoan hỉ, sung sướng, hò vang dậy, tạ ơn, bình an và mong đợi.

Hôm nay, lời mời gọi hãy vui lên được lặp đi lặp lại, những lời đầu tiên chúng ta bắt gặp nơi Xôphônia. Ông mở đầu bài viết với niềm hoan hỉ, “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion! Hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!” Thật bất thường đối với một ngôn sứ được mệnh danh là “ngôn sứ của sự bi quan!” Hai chương đầu của sách Xôphônia lên án và cảnh cáo Giêrusalem, “thiếu nữ Xion”, tiên báo thảm họa vì dân đã bất trung. Nhưng đoạn văn hôm nay lại nói đến một ngày sắp đến khi Thiên Chúa tiêu diệt kẻ thù đã triệt hạ thành thánh và khiến dân phân tán. Vị ngôn sứ hứa rằng “ngày của Đức Chúa” đang đến, một ngày vui cho những ai luôn tỉnh thức và không ngừng hy vọng nơi Thiên Chúa.

Vị ngôn sứ trước hết lên án dân vì bao tội lỗi của họ. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi dân của Ngài, như Xôphôia đoan hứa, “Người sẽ lấy tình thương mà đổi mới ngươi”. Đâu là lý do khiến dân vui sướng? Thiên Chúa sắp đến để ban ơn thứ tha và tái thiết giao ước với họ. Đó là điều mà chúng ta khẩn nguyện và đợi trông trong suốt Mùa Vọng này: Thiên Chúa sẽ trở lại với chúng ta; tội lụy của chúng ta sẽ được rửa sạch; tinh thần chuẩn bị và những thực hành đạo đức không ngừng sẽ mang lại một đời sống mới nhờ hơi thở của Thánh Thần Chúa.

Hầu hết chúng ta đều đã sống đức tin trong suốt thời gian dài. Có lẽ cũng đã trở nên đều đặn và khuôn phép. Chúng ta hiếm khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật mà thấy muốn la lên vì vui sướng, như vị ngôn sứ mời gọi (đừng có cố la to, coi chừng ban tiếp tân mời quý vị ra ngoài đấy!). Chúng ta biết những gia đình hoặc bạn bè mình đã bỏ nhà thờ vì nhiều lý do; có thể do nhàm chán. Chúng ta cần một “ngày của Chúa” mới mẻ, một lần Chúa đến trong tinh thần ủ rũ của chúng ta. Có thể, như Xôphônia nói, Thiên Chúa đang đến và thực sự đã đến, và “đang ở giữa ngươi” rồi. Chúng ta hãy cầu xin cho được mở lòng ra trong Mùa Vọng này để sẵn sàng đón Chúa, Đấng luôn sẵn sàng ngự đến.

Gioan Tẩy Giả nói với đám đông rằng: Thiên Chúa sắp thực hiện một điều mới lạ và Đấng đang đến “…sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Trong khi giới kinh doanh thông báo với chúng ta “còn chín ngày nữa để mua sắm trước Giáng Sinh”, thì Gioan Tẩy Giả chuẩn bị cho chúng ta lửa của Thánh Thần Thiên Chúa. Một điều mới mẻ, trong con người Đức Giêsu, là sẽ đến giải thoát chúng ta khỏi những bận tâm lo lắng cũng như thoát khỏi niềm tin hững hờ. Thay vì dấn sâu hơn vào những mua sắm, thì Mùa Vọng là một lời mời gọi chúng ta thoát khỏi nợ nần của việc tiêu xài và những niềm khao khát đặt không đúng chỗ; đây là cơ hội để Thiên Chúa xây dựng một con đường thẳng tắp dẫn vào tâm hồn và đưa chúng ta ra khỏi nhà tù mà chúng ta tự xây dựng và nhốt mình trong đó. Mùa Vọng là đây, Thiên Chúa đến loan báo ơn giải thoát cho chúng ta!

Hôm nay, thánh Phaolô có vẻ như quan trọng. Ngài giống như trưởng đoàn những cổ động viên thắng trận sau mùa World Cup. Nhưng, thực tế không hề suôn sẻ đối với cả Phaolô lẫn tín hữu Philiphê. Các tín hữu tại Philíphê trong tình trạng sợ hãi vì đang bị bách hại. Ngài khích lệ họ hãy đứng vững trong những điều kiện hết sức khó khăn này.

Nhưng chính Phaolô cũng đang trong những ngày tăm tối. Ngài viết thư này khi bị giam trong tù. Nhưng, ngài nói với tín hữu Philíphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Chúa đã gần kề!” Vì thế, lý do để vui mừng không phải vì Phaolô và hội thánh Philíphê đang thành công trong một thế giới an bình. Nhưng, lý do là vì Chúa đang đến gần.

Khi cuộc đời thử thách chúng ta và Thiên Chúa ra như vắng bóng hay ở rất xa những hoàn cảnh thực tế của những khó khăn thường nhật, thánh Phaolô lại mời gọi chúng ta đáp trả dựa trên những gì ngài đã rao giảng và xác tín. Ngài hối thúc chúng ta phải cầu nguyện “van xin và tạ ơn”. Chính việc cầu nguyện của chúng ta diễn tả hoàn cảnh và cảm xúc của mình ra như mâu thuẫn. Thiên Chúa ở gần kề và bình an luôn có vì “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giêsu Kitô”.

Chúng ta thường hay liên tưởng việc sám hối với Mùa Chay. Nhưng đó còn là chủ đề yêu thích của Tin mừng Luca. Những người thuộc những cấp bậc ngành nghề khác nhau đến nghe Gioan giảng và băn khoăn: “chúng phải làm gì đây?” Ngài kêu gọi họ thay đổi cách sống; để sống một cuộc đời công chính ngay trong môi trường họ sống và làm việc. Ngài không bảo họ phải bỏ cuộc sống hiện tại để vào trong sa mạc, nhưng hãy sống thánh thiện ngay nơi họ đang sống. Những ai có quyền lực thì ngài bảo hãy đừng tống tiền hay hà hiếp người ta. Một khi họ thay đổi lối sống gian dối, uốn ngay cuộc đời của họ, thì họ sẽ sẵn sàng đón Đấng sắp đến. Tin mừng của Gioan Tẩy Giả thể hiện ở hai điểm: trước hết, dân chúng tin sứ điệp của ngài và thay đổi lối sống; rồi họ sẽ được chuẩn bị sẵn sàng đón Đức Giêsu ngự đến, “Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến”. Và những ai tin thì tinh thần của họ sẽ được phấn khởi.

Lời giảng của Gioan Tẩy Giả cho thấy rằng nếu chúng ta muốn cảm nghiệm được thực tại mới mà ngài đang loan báo, chúng ta cần phải lắng nghe lời mởi gọi của ngài để hoán cải. Chúng ta cần phải thay đổi. Lời khẩn nài mà chúng ta thốt lên trong cử hành phụng vụ hôm nay phải là thắc mắc của dân chúng khi hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì?” Đó chính là lời cầu nguyện mà chúng ta thưa lên trong từng bước đi trong hành trình Mùa Vọng này.

Tôi viết những dòng này khi ngồi chờ ờ phi trường. Một bé gái dễ thương tầm hai tuổi đang chăm chú nhìn qua cửa kính và chỉ cho mẹ ngồi bên cạnh những gì cô bé thấy – phi cơ, xe tải, xe đẩy hành lý và cả mặt trời đang lên. Bà mẹ gọi tên từng thứ mà cô bé chỉ. Tôi thấy cảnh này nhiều lần; nhưng ít khi để ý thấy một ngày mới ngoài kia tuyệt vời làm sao và tất cả mọi việc ngoài ấy đang trôi chảy thế nào. Nhưng cô bé với cái nhìn thắc mắc vỗ tay vui sướng với mỗi khám phá của mình.

Người mẹ giống như những thánh ký hôm nay. Các ngài giúp chúng ta hiểu và trân trọng những thứ chúng ta có lẽ đã lỡ mất. Các ngài giúp chúng ta thấy, như thể lần đầu tiên, những gì diễn ra quanh ta. Nếu lắng nghe thông điệp của các ngài, có thể chúng ta sẽ phải xin cho được ơn có cái nhìn thắc mắc như trẻ nhỏ, để lắng nghe và chiêm ngắm như thể ấy là lần đầu tiên. Rồi, giống như trẻ nhỏ, chúng ta vỗ tay cảm nhận những điểu tuyệt vời được tỏ bày cho mình.

 

 

 

 

Để lại một bình luận