Vương quốc của tình yêu và phục vụ

 

Vương quốc của tình yêu và phục vụ

Dn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37

Lm. Jude Siciliano, OP.
(Anh em học viện Đaminh chuyển ngữ)

Kính thưa quí vị,

Vương quốc của tình yêu và phục vụChúng ta bắt đầu suy tư về bài đọc trong sách Đaniel hôm nay bằng việc xét đến bối cảnh của nó. Sách này gồm ba phần. Phần đầu (chương 1-6), giới thiệu Đaniel và ba người bạn của ông, bị người Babylon bắt giữ – nên nhớ Đaniel và những người bạn của ông ở trong lò lửa và sau đó ở trong hang sư tử?

Chương 7 bắt đầu bằng một trình thuật về bốn thị kiến. Thị kiến thứ nhất mô tả những con thú từ biển lên (7, 1-12). Biển là biểu tượng của sự hỗn độn và những con thú tượng trưng cho những vương quốc ngoại giáo, chống lại Thiên Chúa, cai trị vùng cận Đông cổ xưa – Babylon, Medes, Persia, và Hylạp. Dân tộc của Đaniel đã chịu khổ nhục dưới sự cai trị của các thế lực này. Thị kiến của ông nhằm khích lệ niềm hy vọng trước những áp bức này vì, sau sự xuất hiện của bốn con thú, là sự xuất hiện con thú thứ năm không từ biển lên và vì thế không phải là một thủ lãnh độc ác.

“Đấng Lão Thành” ngự trên ngai, ngàn ngàn thiên thần bao quanh. Ai như “Con Người” xuất hiện trên mây trời. Đấng Lão Thành, hình ảnh của Thiên Chúa, trao quyền cho Con Người quyền trên dân tộc đang chịu đau khổ dưới sự thống trị của bốn con thú. Sự cai trị của bốn con thú chỉ là tạm thời, nhưng quyền thống trị của Con Người là “quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một, vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.

Quyền lực của những con thú, gây đau khổ như thế cho dân, sẽ mất dần đi, nhưng quyền thống trị công bình và bác ái “của Con Người” sẽ trường tồn. Từ xa xưa, hình ảnh này đã biểu trưng cho Đức Kitô và quyền thống trị, vinh quang của Người. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta sẽ cùng với Đức Kitô chịu nhục nhã trước quyền lực Rôma, mà Pilatô là đại diện. Nhưng bài đọc trong sách Đaniel giúp nhắc nhớ rằng Đức Kitô sẽ chiến thắng và quyền thống trị của Người sẽ vô tận.

Gợi lại thị kiến của Đaniel, Đức Giêsu ám chỉ chính Người là “Con Người” đã trở nên phàm nhân. Người tiên đoán rằng Người sẽ chịu đau khổ nhưng sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày cách chung (Lc 21, 27) để phán xét nhân loại và bắt đầu vương quyền vĩnh cửu. Đại lễ hôm nay hiệp nhất tất cả các tín hữu, dù lòng trung tín mang tính chính trị hay dân tộc. Mọi quyền lực thế gian, ngay cả quyền tốt nhất, cũng sẽ mất dần đi. Nhưng quyền công dân căn bản của chúng ta là những thành viên thuộc quyền thống trị của Đức Kitô. Cùng với Người là Vua và là mẫu gương, chúng ta, những công dân thuộc vương quyền của Người, nỗ lực sống như Người đã sống; không phải bằng việc áp đặt quyền lực và gây ảnh hưởng trên người khác, nhưng như những đầy tớ mà Vua đã trao ban chính mạng sống của Người để phục vụ chúng ta.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Philatô diễn ra trong dinh. Đầu tiên, chúng ta nghe thấy lời tố cáo rằng Đức Giêsu là Vua dân Do thái. Philatô không biết gì về điều này, nhưng ông đã nghe từ các nhà chức trách Dothái. Sự hiểu biết về vương quyền của ông mang ý nghĩa chính trị: phải chăng Đức Giêsu là Vua của lãnh thổ đã bị người Rôma xâm chiếm và cai trị? Phải chăng Đức Giêsu là một mối đe doạ, là người sẽ tập trung quân đội và nổi dậy chống lại người Rôma? Đức Giêsu không phải là người đầu tiên muốn thực hiện điều đó.

Đức Giêsu hỏi ngược trở lại Philatô, xem Philatô có nghĩ Người là mối đe doạ cho chính quyền Rôma, hay người ta nói với ông như vậy? Ở đây ai là người bị tra hỏi? Người tá điền điển hình của quí vị chẳng phải là tù nhân này đứng trước nhà cầm quyền Rôma đó sao? Gioan cho chúng ta biết Đức Giêsu không chịu sự lệ thuộc của quyền lực Rôma nhưng luôn tin cậy vào Cha của mình. Đức Giêsu luôn chủ động chọn con đường phía trước. Vị Vua này là chủ thể cho quyền lực không mang tính chính trị, như Người đã nói trước đó: “Mạng sống này không ai lấy đi khỏi tôi, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).

Xuyên suốt năm phụng vụ này, chúng ta đã đọc Tin mừng Máccô, và hôm nay là ngày kết thúc. Trong Tin mừng Máccô, Đức Giêsu hạn chế cố gắng để diễn tả mình như Đấng Mêsia chiến thắng sẽ lên Giêrusalem và loan báo vương quyền của Người. Thay vào đó, Đức Giêsu nói cho các môn đệ nghe nhiều lần rằng Người là tôi tớ chịu nhiều đau khổ. Bất cứ khi nào dân chúng đến tung hô Người là vua, thì Người đều lánh đi.

Tin mừng Gioan có một khác biệt về vương quyền của Đức Kitô. Hôm nay, Philatô trực tiếp hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Ra như Đức Giêsu chấp nhận danh hiệu này, nhưng không phải theo cách mà Philatô đề nghị. Nhưng, Đức Giêsu lảng tránh điều Philatô hỏi bằng câu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Khi giải thích quyền thống trị của mình, Đức Giêsu phân biệt nó với thứ quyền lực có nguồn gốc, giá trị và phương pháp như Philatô biết. Đức Giêsu nói Người sẽ không dùng sức mạnh để bảo vệ chính mình.

Trong Tin mừng Gioan, “thế giới” nơi Đức Giêsu làm vua, không ở trên một hành tinh nào đó, hay ở một thời đại xa xôi. Đúng hơn, “thế giới” đó là nơi Đức Giêsu đã sinh ra và Người đã đến để “làm chứng cho sự thật”. Đức Giêsu đang nói về một thế giới ngay giữa chúng ta, nơi Người trị vì. Đó không phải là thế giới bị áp bức và sự hãi của Philatô, nhưng là nơi con người được tôn trọng và được đối xử bình đẳng về phẩm giá.

Thế giới của Philatô, và những người cai trị như ông, thì cai trị bằng vũ lực; trong khi công dân của vương quốc Đức Giêsu lại là những thành viên vì họ “thuộc về sự thật” và nghe tiếng Người. Đức Giêsu xác định lại chính khái niệm về ý nghĩa của hạn từ “vua” và “vương quốc”. “Vua” ở đây không phải là người cai trị bất kỳ lãnh thổ nào, nhưng phạm vi của Người là sự thật. Sự thật mà chúng ta, những chứng nhân, đã khám phá ra và chấp nhận là Tin mừng Gioan.

Qua Tin mừng Gioan, Đức Giêsu mời gọi các thành viên đến với vương quốc của Người và chính Người qua sự thật của lời Người và tình yêu Người đem đến cho những ai nghe và đón nhận sứ điệp. Người từ Cha mà đến để chia sẻ tình yêu với chúng ta và cho biết rõ rằng chúng ta trải nghiệm tình yêu này khi yêu thương nhau. “Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người đã được nên hoàn hảo nơi chúng ta” (1Ga 4, 12).

Vương quốc mà Philatô đại diện và cai trị, và vương quốc mà Đức Kitô là Vua, diễn tả hai cách trải nghiệm và sống khác nhau trên thế giới. Chúng ta chọn cách nào? Liệu chúng ta sẽ sống trong sự thoả hiệp và chọn nơi mà niềm vui dâng trào và quyền lực ít được khai thác; sự tranh đua tạo ra người thắng, kẻ thua; xã hội bị vỡ vụn và chia cách giữa cái “có” và “không”; người có đặc quyền thì được an toàn, còn kẻ không có thì bất an?

Hôm nay, phải chăng chúng ta sẽ lại được đưa vào thế giới nơi Đức Giêsu thống trị và ngự trị trong tâm hồn chúng ta? Chúng ta có đón nhận cuộc sống trao ban tình yêu của Người như lối sống của mình hay không?

Chúng ta được nuôi dưỡng trong niềm hy vọng tại Thánh Lễ hôm nay: vương quốc Đức Kitô cuối cùng sẽ chiến thắng khi Người quang lâm. Khi chúng ta nghe trong bài đọc Khải Huyền (liên tưởng đến thị kiến của Đaniel): “Kìa, Người đang đến giữa đám mây, và ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người”. Sách Khải Huyền nhắc nhớ rằng chúng ta là một “vương quốc tư tế” và cùng với Đức Kitô, vị Thương tế cao cả và Vua cao cả, chúng ta chọn tư cách thành viên trong vương quốc tình yêu và phục vụ, nơi Đức Kitô trị vì là Vua chúng ta.

 

 

 

 

Để lại một bình luận