Thánh Martinô, hiện thân lòng Chúa thương xót

 


Thánh Martinô,
Hiện thân lòng Chúa thương xót

 

Lạy thánh Martinô gương ngời sáng
Tỏa hương thơm tình mến Chúa Giêsu
Là hiện thân Thiên Chúa nhân từ
Luôn rộng tay ôm muôn người dâu bể. (1)

Thánh Martinô, hiện thân lòng Chúa thương xótKhi nói về thánh Martinô, người ta vẫn luôn nghĩ rằng, đó là “ông thánh da đen”, bởi vì thánh nhân có nước da màu “bánh mật”, khá khác biệt trong hàng ngũ các thánh; có người nói là ông thánh hay làm phép lạ, vì những phép lạ thánh nhân đã làm để cứu giúp những người khốn khổ, bần cùng trong xã hội; người khác thì bảo là “ông thánh có tấm lòng vàng”; nhưng cũng có người gọi thánh nhân là “ông thánh chổi” hay “ông thầy chổi”… Những nhận xét trên về thánh Martinô đều không sai, nhưng có lẽ cũng chưa đúng và chưa đủ. Những danh xưng trên đều mới chỉ diễn tả được một phần nào đó trong cuộc đời “đầy chiến tích” và rạng ngời nhân đức của thánh Martinô. Là người môn đệ muốn trở nên “đồng hình đồng dạng ” với Thầy Chí Thánh Giêsu, thánh Martinô đã cố gắng họa lại hình ảnh Thầy mình qua đời sống nhỏ bé, đơn hèn cùng với những nghĩa cử bác ái yêu thương của mình, với một mục đích duy nhất: Thiên Chúa được tôn vinh, con người được hạnh phúc. Vì thế, thánh nhân đã trở thành hiện thân của Đức Kitô, hiện thân của lòng Chúa xót thương.

Thánh Martinô, Bạn nghèo của Chúa Kitô

Khi đọc hay nghe nói về đời sống các thánh, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng, các ngài được Chúa thương riêng, ưu ái cách đặc biệt và có đủ những phương tiện cần thiết hỗ trợ cho các ngài trong việc nên thánh. Thế nên, việc các ngài trở thành thánh cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng thực tế không chứng minh điều đó. Phần đông các vị thánh là những con người bình thường như chúng ta, nếu không muốn nói là “tầm thường”, nhưng các ngài đã vượt qua những đau thương, thử thách của cuộc đời, vượt lên số phận nghiệt ngã với những thách đố thời đại để “vác thập giá mình” (2) theo Chúa Kitô, hầu trở nên những con người hoàn thiện như Chúa gọi mời. (3) Thánh Martinô là một điển hình cho sự vươn lên “vượt qua chướng ngại vật” nghiệt ngã ấy. Người đã trở nên người bạn nghèo của Chúa Kitô, chứng nhân của tình yêu Chúa giữa trần gian này.

Sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh chẳng mấy may mắn, tốt lành, nếu không muốn nói là bi đát và bất hạnh. Từ nhỏ, thánh Martinô đã phải nếm trải biết bao cay đắng cuộc đời. Cuộc tình của cha mẹ Người không mấy suôn sẻ, vì màu da của mẹ Người đã đưa đến những hất hủi không những cho bà mẹ mà còn cho cả đứa con xấu số của bà là thánh Martinô nữa (4). Vì thế, thánh Martinô thực sự là một con người nghèo, nghèo tinh thần lẫn vật chất. Cái nghèo thấm vào toàn bộ cuộc đời của thánh nhân. Cái nghèo theo bám trên da, màu da đen của những người nô lệ, những người nghèo khổ nhất trong đất nước Pêru thời bấy giờ (5). Cái nghèo đó đã xô đẩy thánh Martinô vào cuộc sống bất hạnh, khổ đau. Tuổi thơ của thánh nhân đong đầy những tủi nhục và đau thương. Đau thương lớn nhất mà tuổi thơ thánh nhân phải gánh chịu là sự hất hủi, ruồng bỏ của người cha. Cái nghèo đã dặt vặt và đeo bán những năm tháng tuổi thơ của thánh Martinô.

Nhưng trong chính hoàn cảnh đen tối ấy, thánh Martinô lại coi đó như nén bạc Chúa trao để Người sinh lời, thành bông hoa khiêm tốn tuyệt vời. Nhờ thế, thánh Martinô đã trở thành người bạn nghèo của Chúa Kitô. Cái nghèo cùng cực của hoàn cảnh sống đã không làm cho thánh Martinô trở nên bần tiện, không làm cho thánh nhân bất mãn và thù ghét, cũng không làm cho Người thất vọng bi quan. Nhưng trái lại, từ cái nghèo ấy, thánh Martinô lại biết thông cảm với những người nghèo, biết chia sẻ với những người thiếu thốn, biết an ủi những người thất vọng, biết yêu thương những người đau khổ, những người bị bỏ rơi trong xã hội, và nhất là biết mở rộng lòng ra để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi thánh nhân đã trở thành tấm lòng vàng Thiên Chúa trao ban cho nhân thế.

Tấm lòng vàng thánh Martinô, trái tim Chúa Kitô

Thánh Martinô, bạn nghèo của Chúa Kitô, Người đã mang lấy Trái Tim của Chúa để cảm thông và thương mến mọi chúng sinh, cỏ cây sông núi và muôn loài muông thú, để chia vui sẻ buồn, để tận tình săn sóc, giúp đỡ, để hàn gắn nỗi đau trên trần thế và dìu dắt bao tâm hồn lạc hướng về nẻo chính đường ngay. Mang lấy Trái Tim yêu thương của Chúa Giêsu, thánh Martinô luôn tha thiết xoa dịu nỗi đau nơi những người cùng khốn. Như xưa “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (6) Thánh Martinô cũng luôn chạnh lòng thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh của bao kiếp người khốn khổ, nghèo hèn và những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Thánh nhân sẵn sàng tìm đến với họ, giang rộng vòng tay đón nhận họ. Với bàn tay da màu chất chứa yêu thuơng, thánh nhân đã săn sóc đỡ nâng và xoa dịu vết thương thể xác và tâm hồn họ.

Mang lấy Trái Tim yêu thương của Chúa Kitô, thánh Martinô nhận ra còn lắm người nghèo đang lang thang đầu đường cuối phố và khắp nơi đây đó, họ cần được đón tiếp và được yêu thương, vì chính họ cũng là những con người, những hình ảnh của Chúa Kitô. Với trái tim rộng mở yêu thương, thánh nhân đã thấy Chúa trong trong những con người bất hạnh bị bỏ rơi khinh miệt. Mặc lấy tâm tình của Chúa, thánh Martinô đã nghe những tiếng thở than ai oán và nghe được cả những nấc nghẹn không lời vì khổ đau của bao người. Thế nên, thánh nhân đã không quản ngại dấn thân phục vụ họ, chẳng quản hy sinh gian khó khi đến với họ. Thánh nhân coi họ như những người bạn, người anh em, sâu xa hơn, những con người cùng khổ ấy chính là Chúa Kitô. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (7)

Thánh Martinô, Vị Tông Đồ Bác Ái

Mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, thánh Martinô đã mở ra cho mình một con đường sự nghiệp. Con đường của lòng bác ái. Con đường sự nghiệp của thánh nhân có thể được tóm gọn trong một câu: “Xả kỷ hy sinh, tận tình bác ái !” Với tấm lòng bác ái yêu thương, thánh nhân đã trở thành vị ân nhân của người nghèo, trở thành nơi nương náu cho những con người bị xã hội xa lánh và gạt ra bên lề. “Thánh Martinô không đến với người nghèo khổ bằng một túi tiền to hoặc bằng một khả năng siêu đẳng. Martinô đến với người nghèo, trước tiên, như một người nghèo, nhưng là một người nghèo có tấm lòng. Với tấm lòng yêu thương bác ái, Martinô thanh thản để cho đi những gì mình có được, để cống hiến dù chỉ một chút công sức mà mình có thể làm được. Qua những trợ giúp vật chất, Martinô luôn trao tặng chính tấm lòng vàng của mình cho những người nghèo khổ, chứ không phải là sự ban bố vung vãi quyền năng dư thừa. Chính từ thái độ “trao tặng tấm lòng” như thế, Thiên Chúa trân trọng, yêu thương, đón nhận và làm cho công việc của Martin trở nên hiệu quả theo ý của Ngài.” (8)

Trước tâm tình đơn sơ trong trắng và đời sống bác ái yêu thương của thánh Martinô, Thiên Chúa đã ban cho thánh Martinô ơn chữa bệnh, nói tiên tri, làm nhiều phép lạ và nhiều ơn riêng khác ngay khi còn sống ở trần thế để cứu giúp nhân loại khổ đau. Một trong những ơn riêng Thiên Chúa ban cho thánh nhân, là ơn làm cho bánh hóa nhiều. Mỗi sáng, tại cổng Tu viện, nơi thánh Martinô sống, có hàng trăm người nghèo đang đứng đợi thánh nhân ban phát tình thương và của ăn. Vì thế, “sự xuất hiện của thầy Martinô làm những người nghèo ấy nhảy mừng và reo vang. Họ không chỉ vui mừng vì ngài đến gặp họ với giỏ thức ăn đầy ắp trên tay, nhưng còn vì tìm được nơi thầy một trái tim biết rung cảm trước từng nỗi khổ đau của họ. Nụ cười tươi nở của thánh Martinô chào đón họ, không mang vẻ xã giao bề ngoài, mà là nụ cười nồng nàn thắm đượm tình bác ái Chúa Kitô.”(9) Biết bao lớp người đã tìm thấy được ở nơi thánh Martinô bác ái, những lời ủi an, những sự giúp đỡ, những cách cứu chữa tận tâm về cả phần hồn lẫn phần xác, nhất là tìm thấy lại được sự bình an cho tâm hồn.

Thánh Martinô quả thật là đấng thánh của thời đại mà Chúa đã ban cho Giáo Hội và thế giới để nêu cao tấm gương bác ái yêu thương. Thánh nhân xứng danh là “Vị Tông Đồ Bác Ái”. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã gọi thánh Martinô là vị tướng tiên phong công cuộc bác ái xã hội, và thánh nhân đã được đặt làm bổn mạng các tổ chức xã hội Cộng hòa Pêru. “Vâng theo Thầy Chí Thánh, thánh Martinô đối xử với anh chị em bằng tất cả Đức Ái, một Đức Ái phát xuất từ trái tim không phai nhòa và tâm hồn khiêm nhu. Người yêu mến người khác vì Người thực sự coi họ là con cái Thiên Chúa và là anh em của thánh nhân.” (10)

Tạm kết

Thánh Martinô là một trong những tấm gương sáng ngời về đời sống bác ái, yêu thương. Bằng một đời sống âm thầm lặng lẽ, thánh nhân đã họa lại chân dung Đức Giêsu khiêm hạ, yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Với những nghĩa cử ấy, thánh nhân đã trở thành hiện thân của lòng Chúa xót thương nhân loại. Và cứ thế, tình yêu thương đồng loại, và muông thú, cỏ cây như vết dầu loang, loang mãi để cho mầm tình yêu vươn nhánh, trổ bông và tỏa hương thơm ngát cho đời sống Giáo Hội, cho mỗi người chúng ta.

Qua thánh Martinô, những mảnh đất tâm hồn cằn cỗi được tình yêu yêu thương ấp ủ để vươn dậy những chồi non đạo hạnh thánh thiện, sống tốt đời đẹp đạo, những tâm hồn bị thương tổn gặp được niềm an ủi và chữa lành, và những tâm hồn băng giá được hâm nóng niềm tin, trở nên nhiệt thành yêu mến và hăng say đời sống chứng nhân. Chiêm ngắm dung nhan thánh Martinô trong năm Đức Tin 2012 – 2013 này, chúng ta được mời gọi trở nên những Martinô thời đại, sống và làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình bằng đời sống bác ái yêu thương, bằng tinh thần khiêm tốn phục vụ, bằng chính cung cách sống của mỗi người chúng ta.

Pet. Võ Tá Đương, OP

————

Ghi Chú :

1) Thánh Thi Kinh chiều ngày lễ thánh Martinô.

2) Mt, 16,24.

3) Mt 5, 48

4) Xc. Nguyễn Tri Ân, OP., Tấm Lòng Vàng, 1997, trg.08.

5) Xc. Nguyễn Tri Ân, OP., Sđd, trg.09.

6) Mt 9,36.

7) Mt 25, 40.

8) https://gxdaminh.net/thanhmartino/204-10-trao-tang-tam-long-.html

9) Nguyễn Trọng Viễn, OP, Những trang Tin Mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô.

10) Trích bài giảng của ĐGH Gioan XXIII trong ngày lễ phong thánh cho thánh Martinô.

Để lại một bình luận