TU XÁ THÁNH VINH SƠN CÁT ĐÀM
Tu xá Cát Đàm Qua Cơn Bão Sơn Tinh
21g30, thứ bảy 28.10.2012. anh em Đaminh chuyển nhau thư nhắn qua diện thoại di động của cha Giám Tỉnh, xin góp lời cầu nguyện cho tu xá Cát Đàm vượt qua cơn bão Sơn Tinh. Xin gửi đến cộng đoàn vài thông tin về tình hình bão tố và hậu quả của cơn bão khốc liệt này.
Như chúng ta biết, cơn bão mang tên Sơn Tinh, dự đoán đổ bộ vào vùng biển Thanh Hóa, chiều tối qua bỗng chuyển hướng, đã ảnh hưởng nặng đến vùng biển Thái Bình, Nam Định và các vùng phụ cận. Tu xá thánh Vinh Sơn Cát Đàm nằm ngay trong vùng bão đi qua.
Sáng 29.10, sau cơn bão, người ta thấy cây cối lớn nhỏ trong thành phố cũng như các vùng ven đổ ngổn ngang, nhà cửa bị tốc mái, có những nhà bị bay mất hoàn toàn mái tôn. Tu xá thánh Vinh Sơn Cát Đàm cũng không là ngoại lệ.
Hơn nửa mái nhà biến đi mô ?
Chiều qua, chúa nhật 28.10.2012, vì thấy dấu hiệu của cơn bão Sơn Tinh đã đến gần, biểu hiện qua gió giật kèm mưa lớn, anh em cử hành Thánh lễ thiếu nhi lúc 15 giờ, sớm hơn thường lệ một tiếng.
16g30, anh em trong tu xá đã lật đật sửa soạn đối phó với cơn bão, những tấm tôn nhỏ hoặc bất cứ thứ gì có thể dùng để che chắn được, đều được đem ra tận dụng để che chắn vào những nơi “xung yếu”. Các cánh cửa sổ đều được gia cố bằng dây thép cột chặt, tránh tình trạng bị bật chốt, bản lề…
Một góc mái nhà thờ Cát Đàm
18g30, những gì có thể làm thì đã làm xong, anh em dùng cơm tối trong vội vã dưới ánh sáng nhạt nhòa của mấy ngọn đèn sạc, điện lưới đã bị cúp từ lúc 16g30 chiều.
19g30 tối, trời mỗi lúc một mưa to hơn, gió giật mạnh hơn. Trong hành lang vốn khá kín đáo vào ngày thường của tu xá đã không còn chỗ nào khô ráo, mà tất cả đều như sông, ngập nước, nước tạt vào các khe chớp cửa sổ, lùa từ dưới hắt lên. Trong hành lang mà cứ như ngoài trời.
Phóng viên Tòa Giám Mục Thái Bình
20g30 tối, trời tối đen, bên ngoài gió giật, mưa như trút, gió rít qua khe cửa nghe rợn người. Đó đây đã nghe tiếng va đập của nhiều vật bị hất tung, lật nhào…. Bỗng một tiếng xoảng, nghe thật ghe người. Cánh cửa kính loại dày 1 cm tại lối lên cầu thang của tu xá bị gió giật quá mạnh đã vỡ tan.
Tất cả anh em đều trụ lại trong phòng, không dám đi ra ngoài, kể cả ra ngoài hành lang. Cha tu xá trưởng gọi điện thoại cho anh em mặc áo mưa, xuống xem thử cánh cửa vỡ thế nào, có cứu vãn được gì nữa không, và có cần che đậy gì những chỗ nào khác không.
Cùng lúc đó, phía trên sân thượng cũng đang báo động những sự chẳng lành, những tiếng ầm ầm, thình thình… của mái tôn trên đó đang đứng trước nguy cơ bị kéo xuống.
Sân thượng tu xá ... thế này đây
21g00, anh em trong tu xá có mặt trên sân thượng tìm cách để cứu vãn tình hình. Mái tôn đang dềnh lên, dập xuống rất nguy cấp…. Dây thép được tung ra để ghì kéo mái tôn lại, nhưng…. hoàn toàn vô ích.
Nước mưa tạt ngang mặt, gió giật mỗi lúc một mạnh hơn… đứng trên sân thượng mà chỉ chực bay xuống …. Cha Thưởng nói như ra lệnh : “Đừng chống nữa, không ăn thua gì đâu, thôi đi xuống ! nguy hiểm lắm !”
Một vài anh em còn lưỡng lự, Cha Thưởng nói như quát: “Đi xuống, nguy hiểm lắm, phó thác thôi !” Anh em lục tục bỏ lại kìm búa, dây thép chạy trốn xuống cầu thang… Phó thác !.
Cột giận ai … sao lại nằm giữa đường !!!
Thấp thoáng có hai anh quần áo ướt mèm “chui” và nhà nguyện khấn thánh Vinh Sơn và Đức Mẹ Mân Côi. Sức người có hạn, chỉ biết cậy trông vào ơn Chúa mà thôi. Mong sao mái tôn nhà mình đừng bay đi cả mảng, như thế sẽ gây thêm nguy hiểm cho (nhà) người khác.
Đồng hồ chỉ 21g10 phút tối. Anh em gọi điện cho cha Giám tỉnh và cha Đại diện để hiệp thông. Đúng là một đêm kinh hoàng.
20g45, vẫn có anh còn ngồi lại trong nhà nguyện. Tiếng mái tôn dập lên xuống, bị xé rách, bay loảng xoảng bên mái nhà trường dạy nghề.
Để gió … uốn … cong
23g00 một tiếng động mạnh, ầm ầm…. tiếng mái tôn bị xé rách mỗi lúc một mạnh hơn. Lúc này, một anh liều mình chạy lên xem tình hình thế nào thì….. ôi thôi, mái tôn đã bị bay mất một phần tại góc cầu thang lên. Nhưng để bảo toàn tính mạng, anh vội vã xuống ngay và lại “chui” vào phòng.
23g15, gió đổi chiều, đây là lúc nguy hiểm nhất, theo kinh nghiệm của những người đã nhiều lần đối phó với bão. Nhiều tiếng rầm rầm lại vang lên kèm theo tiếng tôn bị giật, xé rách và hất tung sang mái tôn nhà trường dạy nghề.
Sân nhà thờ Cát Đàm sáng thứ hai 29.10
0g30, vẫn những tiếng rầm rầm như có máy xúc đang đập phá trên sân thượng.
0g45, lại một tiếng đập mạnh, chẳng ai biết khi đó chuyện gì xảy ra. Phó thác !
1g30, mưa đã ngớt, gió đã giảm, không giật như trước.
1g45, mưa gần như tạnh hẳn, tiếng gió rít bên ngoài, kèm theo tiếng kêu của những mảnh tôn rách va đập vào nhau, hoặc bị lật qua lật lại trên mái tôn nhà trường bên cạnh.
2g00. Gió giảm dần, không còn tiếng rít nữa, chỉ còn những âm thanh rải rác là hậu quả của những đổ vỡ đã xảy ra trong vòng 5 giờ đồng hồ.
Ai cũng bảo, đây là cơn bão giật mạnh nhất trong vòng 20 năm nay tại vùng này.
Đức cha Phêrô thị sát tình hình
Sáng ra, nhìn cảnh tượng tan hoang, không ai muốn nói với ai một lời. Mọi người chỉ biết ngậm ngùi và đi loanh quanh xem xét những thiệt hại của nhà mình và những gia đình xung quanh.
Mọi người con đang lo dọn dẹp thì có mấy em gọi với “Cha ơi, nhà cha có khách”. Cảm động quá, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục Thái Bình, nghe tin đã ghé thăm và động viên tinh thần của anh em Đa Minh trong tu xá. Ngài cho biết, đêm qua, nhà vòm mái tôn của TGM cũng đã bị hạ xuống.
Chan hòa tình cảm … Đấng chăn chiên lành
Tính ra, chỉ riêng nhà thờ và tu xá, thiệt hại về vật chất lên tới gần 1,5 tỉ đồng. Nào là mái nhà lớn nhỏ bị tốc, cây cối đổ, cửa kính vỡ…. cho đến lúc này vẫn chưa thể thống kê hết được.
Tạ ơn Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Vinh Sơn và Đức Maria Mân Côi, anh em trong tu xá vẫn bình an, hàng xóm láng giềng không ai bị thiệt mạng.
Abahung, OP.
Cây cối … ngổn ngang