Người môn đệ chân chính
Is 53: 10-11; Hr 4: 14-16; Mc 10: 35-45
Lm. Jude Siciliano, OP.
(Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ)
Thưa anh chị em,
Quả là thú vị khi khám phá ra rằng trong Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu luôn có các môn đệ đi cùng. Những Chúa nhật vừa qua, trong chuỗi các đoạn Tin mừng theo thánh Máccô được chọn đọc, Đức Giêsu đã từng dạy các môn đệ rằng: những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao; người chồng không được phép rẫy vợ; hãy nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời; và nhất là, Con Người sẽ chịu đau khổ và chịu chết. Rồi Đức Giêsu nói: những ai theo Người thì cũng phải sẵn sàng làm như thế.
Hôm nay, Đức Giêsu nói với Nhóm Mười Hai đầy tham vọng rằng: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ và đầy tớ cho anh em. Nếu Đức Giêsu đang chạy đua vào một chức vụ nào đó thì tôi tự hỏi là liệu những lời độc đáo này có thể giúp kiếm được một phiếu bầu nào cho Người hoặc liệu có ai muốn theo Người hay không?
Tin mừng theo thánh Máccô cho thấy các môn đệ chưa bao giờ hoàn toàn hiểu về những giáo huấn mà Người dạy dỗ họ. Trình thuật Tin mừng, hôm nay chỉ ra một lần nữa các ông không hiểu được những lời Người nói. Đây đã là lần thứ ba Đức Giêsu nói cho các ông biết về sự khổ nạn Người sắp phải chịu tại Giêrusalem. Ông Giacôbê và Gioan đã đến gần Đức Giêsu và xin được những vị trí quyền lực trong Vương Quốc Mới. Chẳng lẽ họ không nghe lời Đức Giêsu? Sao hai ông lại muốn Đức Giêsu “thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Họ thật cả gan! Mười môn đệ kia thấy vậy đâm ra tức tối, lý do không phải vì điều mà ông Giacôbê và Gioan xin là không chính đáng, nhưng có lẽ là vì họ thấy hối tiếc vì đã không xin trước hai ông này.
Chắc hẳn là Đức Giêsu đã thất vọng vô cùng khi ông Giacôbê và Gioan đưa ra lời yêu cầu này. Hai ông đã được gọi đầu tiên trong buổi đầu sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu. Một điều hiện lên thật rõ nét trong trình thuật Tin mừng ngày hôm nay, hai ông cũng như các môn đệ kia đã có chung tâm tưởng rằng sẽ được hưởng những đặc quyền đặc lợi nhất định, được thông phần quyền thế một khi Đức Giêsu chiến thắng và thiết lập vương quốc trần gian của Người. Chẳng phải Giacôbê và Gioan đã được Đức Giêsu mời gọi bỏ tất cả để đi theo Người đó sao? Năm xưa những ngư dân này đã bỏ lại thuyền bè, thì giờ đây, họ cũng phải bỏ đi những quan niệm về vinh quang, nếu các ông còn muốn tiếp tục theo Đức Giêsu.
Rõ ràng các môn đệ đã đoán rằng Đức Giêsu ngự đến trong quyền lực trần thế và sự khôi phục vương quốc vinh quang mà vua Đavít đã trị vì. Để trả lời cho Giacôbê và Gioan, Đức Giêsu hỏi rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Hai ông đáp: “Thưa được.” Tới đây, có thể người đọc sẽ khuyên họ rằng: “Các ông chưa nắm được ý rồi!”
Làm môn đệ không phải là vì quyền lực hay địa vị, cũng không phải để được chỗ nhất trong đám tiệc, nhưng là bước theo con đường khổ giá và tử nạn của Đức Giêsu. Đây là một giáo huấn khó khăn, vì thế sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên khi các môn đệ chưa thể đón nhận được. Hôm nay, Đức Giêsu đã nói về một hình thức hy sinh cụ thể: trở nên người phục vụ người khác. Và hơn thế nữa… “làm đầy tớ cho mọi người”. Đức Giêsu nói rằng không phải là được phục vụ nhưng là hiến dâng chính mạng sống mình vì người khác, như Người đã làm. Hơn nữa, những đau khổ này không chỉ ở cuối đời, nhưng là không ngừng chết đi cái tôi vì tha nhân. Đó là phương cách Đức Giêsu đã sống và Người cũng đòi hỏi các môn đệ phải làm như vậy.
Ngay từ đầu Tin mừng, các môn đệ Đức Giêsu xin Người đừng dùng các dụ ngôn nữa nhưng hãy nói trực tiếp cho họ biết (Mc 4,10-34). Nay, Người đang nói cách rõ ràng trực tiếp nhưng họ vẫn chẳng hiểu được điều Người nói. Người muốn các ông từ bỏ đi ý niệm thống lãnh, không chỉ trong cuộc sống của các ông, mà còn trên cộng đoàn mà các ông sẽ dẫn dắt. Cũng giống như Đức Giêsu, các môn đệ và cả chúng ta nữa phải trở nên những người phục vụ, uống chén đau khổ và dốc cạn cái tôi của mình, như việc phục vụ đòi hỏi.
Có hai hạn từ “trước” và “sau” nối tiếp nhau trong trình thuật Tin mừng. “Trước”: khi Đức Giêsu hỏi hai ông: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Hai ông tự tin rằng có thể làm được bất cứ điều gì Đức Giêsu yêu cầu. Và khi điều thực tế ấy xảy ra, với sự khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, họ đã bỏ chạy tán loạn. Chỉ khi cảm nghiệm sự phục sinh của Đức Giêsu củng với ân sủng của Người họ mới có thể uống cạn chén của Đức Giêsu và chịu cùng một phép rửa với Thầy mình. Và “Sau đó”: họ chấp nhận phục vụ và hy sinh như Đức Giêsu đã đòi hỏi nơi người môn đệ.
Chẳng phải chúng ta đã từng hăng hái trả lời “thưa được” trước những lời mời gọi? Đó có thể là lời mời gọi tiến đến hôn nhân, một nghề nghiệp hay công việc mà ta nghĩ có thể giúp được con người; một tác vụ trong giáo xứ, làm tình nguyện viên trong cộng đồng, đi tu hay làm linh mục… ? Chúng ta niềm vui và hăng hái đáp: “Thưa được”. Đó là “trước đây”.
“Sau đó” chúng ta biết được mình cũng bị đòi phải hy sinh. Đó là khi chúng ta nhận ra mình cần sự trợ lực của Chúa Kitô phục sinh và vì thế chúng ta cầu nguyện và chạy đến cùng Bí tích Thánh Thể để được thêm sức mạnh, sự kiên vững và lương thực mà chúng ta được nhận lãnh luôn mãi. “Trước đây” là sự đáp trả của chúng ta trước lời mời gọi. Còn “sau đó” là sự kiểm tra thực tế khi chúng ta chợt nhận ra rằng mình không thể thực thi điều ấy, nhưng cần được trợ lực nếu muốn theo gương Chúa Kitô, người tôi tớ. Trong lời Kinh Lạy Cha hôm nay, chúng ta sẽ cầu xin cho sự trợ lực ấy cũng đến cùng một trật với lời nguyện xin cho được “lương thực hằng ngày”.
Bài đọc I trích sách ngôn sứ Isaia nghe thật chướng. “Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ”. Điều đó dường như để xác nhận dân chúng sợ hãi Thiên Chúa: Người thử thách và “nghiền nát” các tín hữu.
Chi tiết này được chọn từ bài ca thứ tư trong “những Bài ca Người Tôi Tớ” từ sách ngôn sứ Isaia. Nó miêu tả một người tôi tớ của Thiên Chúa đã sẵn sàng gánh lấy đau khổ vì lợi ích của người khác, và kết quả là, “người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”. Sự cam chịu số phận của người tôi tớ trong đoạn Tin mừng hôm nay và sự sẵn sàng của Đức Giêsu luôn vui mừng đón nhận những gì đang chờ đợi mình ở phía trước, “chén” và “phép rửa” của Người.
Như người tôi trung trong sách ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu không phải là một nạn nhân bất lực, nhưng là một người muốn cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại và sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả, như Người đã mời gọi các môn đệ làm theo. Điều làm cho Thiên Chúa “vui lòng” là: người tôi tớ sẵn sàng chịu đau khổ vì người khác.